Cuộc Sống Mới Các Thánh Tử Đạo  

print
Cuộc Sống Mới Các Thánh Tử Đạo  

Chúa Nhật 33 Thường Niên  13.11.2022

vo ha

I. Mỗi năm, Chúa Nhật trước Lễ Chúa Kitô Vua kết thúc năm Phụng vụ, toàn thể tín hữu Công Giáo Việt Nam hân hoan mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh tử đạo tại VN. Các Thánh tử đạo nầy gồm nhiều giáo sĩ nước ngoài đã đem đạo Chúa tới và những tín hữu địa phương đã hi sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin Kitô Giáo.

 Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt nam cho biết, trong thời gian gần 500 năm trở lại, đã có chừng 300 năm Đạo Chúa bị bách hại, làm khó và đã có hơn trăm ngàn giáo dân can đảm hi sinh thân mạng làm nhân chứng sống cho đức tin Kitô giáo. Các Ngài đã là Hiển Thánh trên nước Chúa sau khi lìa trần gian. Đến ngày 19 tháng 6, 1988, 117 vị đã được chính thức tôn vinh làm Thánh Tử Đạo.   

Mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam năm nay, chúng con  thế hệ con cháu, nguyện học hỏi và noi theo tấm gương trung kiên với Đức Tin của các Ngài. Xin Chúa giúp chúng thêm nghị lực để đủ can đảm sống Tin Mừng giữa thời đại mà cỏ dại nhiều hơn cây lúa.

Tới đây, ta cùng đọc nguyên văn những dòng Lời Chúa, cùng xin ơn thêm soi sáng

 

II. Lời Chúa 

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9 “Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. 

Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. 

Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. 

Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

 

 BÀI ĐỌC II: 2Cr 4, 7-15 “Chúng tôi luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu”

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

Anh em thân mến,

Chúng tôi chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng tôi.

Chúng tôi chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng tôi phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng tôi bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt 

 

Bởi vì chúng tôi luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giê-su, chúng tôi luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giê-su được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. 

Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em. Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giê-su và đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. 

Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa

 

PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22 “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết.

Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. 

Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

 

III.   Đôi Dòng Ghi Chú và Tâm Tình
Hôm nay  từ ngữ Martyr “Tử Đạo”: bị (được) giết chết do niềm tin tôn giáo,  trong ngôn ngữ gốc Hilạp có nghĩa là “Làm Chứng”. Thánh tử đạo là chứng nhân cho niềm tin vững chắc vào Chúa trước những nghịch cảnh có thể làm cho mất mạng. 
Từ ba thế kỷ trước Chúa Giêsu, Vi Hiền sĩ sưu tập Sách Khôn Ngoan đã nhận ra giá trị cao cả của những nhân chứng đức tin trong thời đại mình và cả trong suốt dòng lịch sử Cựu Ước và Tân Ước nữa. 
Sự khôn ngoan chứa đụng trong Bài Đọc 1 của Sách nầy, là biết nhìn ra:  con người sống trên đời, chỉ là tạm thời như lữ khách tại quán trọ rồi ra đi. Thời kỳ sau đó mới lâu dài trường cửu. Nên trong cuộc sống có gặp nghịch cảnh đau thương  vì niềm tin, vì Chúa, chỉ là một giây lát, rồi sẽ được vinh dự lớn lao muôn đời. 
 
Ta biết,  Các Thánh Tử Đạo  thời trước gồm giáo sĩ, tu sĩ và đa số là giáo dân, chỉ là những người bình thường, nhưng đã được ơn sức mạnh của Chúa cùng với nghị lực của mình, nên đã vượt lên trên những dụ dỗ vật chất ngon ngọt, và những hình thức ép buộc bỏ đạo từ vua quan ngày xưa. 
Các Ngài dám chấp nhận những cực hình  khủng khiếp uy hiếp  những ai giữ vững đức tin, như bị tù tội, mang gông cùm nặng nề, giam ngục tối  thả thêm vào rắn rít muỗi mòng, bị thiêu đốt, chém đầu, treo cổ, phanh thây,  lăng trì (chặt chân trước mới chém đầu) voi giày, lột da và kinh khủng nhất là bá đao (xẻo trăm miếng thịt theo tiếng trống trước khi chém đầu, moi gan moi ruột…
Dưới lăng kiến của Đức Tin vào Chúa “ai sống theo chân lý, ai làm điều công bằng, ai nói lời chân thật, ai có lưỡi chẳng điêu ngoa” mới được vào đền thờ Thiên Chúa án (Tv 14) tượng trương cho cuộc sống lâu dài sau khi đã can đảm giữ vững niềm tin của mình. 
Xin các thánh tử đạo cầu Chúa cho thế hệ con cháu hôm nay, bắt chước gương  sáng của các Ngài, biết chọn Chúa hơn  tội lỗi hay các cám dỗ,  dù có nhiều thua thiệt do sống ngay chính trong kiếp sống nầy, để được khôn ngoan thật trong Chúa, mà mai sau được vòng thiên tuế vinh quang với các Ngài trên nước Chúa.
Qua Bài Phúc Âm,  Chúa Giêsu đã thấy trước: vì danh Thầy, chúng con sẽ bị ghét bỏ, bị nộp cho vua quan, bị giết chết nữa. Còn trong gia đình có khi cũng hại nhau. Tại sao? 
 Có nhiều lý do phức tạp trong lịch sử gây ra những khổ nạn trên. Nhưng lý do chính là vì: cỏ dại lúc nào cũng lấn lướt  và lan tràn hun bạo mau lẹ hơn cây lúa. 
Khi sống theo Chúa, theo công lý, là đi ngược dòng đa số nhân loại. Nên có bị ghét bỏ ám hại, cũng là lẽ thường. Như các tiên tri ngày xưa, vì loan truyền  Lời nói thẳng nói thật của Chúa, mà đa số bị giết hại. 
Ngay  từ đầu, khi đạo Chúa đến, đã mang bầu khí bác ái  hoà thuận thương yêu (Cv 2: 42-46). Nhưng nhân loại, đa số lúc nào cũng tranh dành ảnh hưởng và quyền lợi vật chất thế gian, nên họ gây ra đủ thứ khó khăn cho những ai tin theo đạo nầy. 
Hơn nữa, kẻ  ác xấu lại thấy mắc cỡ, muốn che dấu  việc họ làm “miệng kẻ ác che dấu điều hung bạo”. (Kn 10:6). Kẻ ác xấu như bóng tối ghét ánh sáng. Nên khi có quyền lực nào đó,   thì những kẻ nầy luôn phỏng tay trên để bảo vệ và bao che cho những việc phi nghĩa của họ,  kể cả người trong một gia đình. 
Ngoài những vị thánh tử đạo đổ máu vì đức tin thời trước, may thay thời nầy, nhân loại vẫn còn  được  những người tốt, dám liều mình làm  nhân chứng “Tử Đạo” cho công bằng và sự thật, như  Martin Luther King Jr (1953-1968) của Hoa Kỳ,  Nelson Madela của Nam Phi (1918-2013)… 
Chính Chúa Giêsu đã dặn “đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con”. 
Các thánh tử đạo đã làm chứng cho Chúa cách khiêm tốn, lịch sự khi đối đáp trình bày niềm tin nên đã xứng đáng được hạnh phúc muôn đời với Chúa. 
Trở lại bài đọc 2, trích đoạn từ thư Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô là thành phố lớn có bến cảng sầm uất quan trọng, cũng là một trung tâm văn hóa Hi Lạp  xô bồ với nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác.  Những vấn đề trên  đã tạo nên mối đe dọa cho đức tin Kitô giáo của  người mới theo đạo. 
Thánh Phaolô ghi lại những gian khó và đe dọa cho việc truyền bá tin mừng. Nếu không có sức mạnh của Chúa, sẽ bị sụp đổ và đưa tới cái chết như chiếc bình sành dễ bể.  Những khốn khó trên là những cái giá phải trả để đem lại nhiều thành quả. 
Những ơn sủng của Chúa được tuôn xuống càng tràn đầy thì cáng có nhiều người cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa.
 
IV. Xin Dâng Lời Cầu
 Trong những giai đoạn khó khăn cúa đức tin, các thánh  tử đạo đã can đảm hi sinh mạng sống đễ chọn Chúa hơn của cải và mạng sống tạm bợ của trần gian
 
Xin cho mọi thành phần dân Chúa  là Hội Thánh, can đảm làm chứng cho Chúa giữa những trào lưu phi tôn giáo hôm nay.  
 
Xin cho mọi tín hữu nhất là giới trẽ tìm được lẽ sống,  khi siêng năng tới những lớp giáo lý và học hỏi Lời Chúa. 
 
Xin giúp chúng con cố gắng noi gương các thánh tử đạo chấp nhận đau thương làm chứng  nhân cho Chúa để cùng vào vinh quang với sau kiếp sống ngắn ngủi nầy. 
 
Xin cho mọi thành viên trong Họ Đạo chúng con biết noi theo  gương của các Thánh tiền nhân,  vững lòng tin yêu Chúa giữa muôn ngàn thử thách.


Xin giúp chúng con can đảm sống đức tin trong môi trường  ơn gọi riêng của mình giữa thế giới đầy bất chính, trong  niềm vọng vững chắc vào cuộc muôn đời. Amen