LIÊN ĐỚI ĐỂ TỒN TẠI
Truyện kể rằng:
Một cha sở nọ thấy trong họ đạo của mình có một người rất chăm chỉ đi nhà thờ, nhưng bỗng nhiên một thời gian dài, ngài thấy vắng bóng ông trong nhà thờ. Cha sở đã tìm tới nhà để gặp ông thì thấy ông đang ngồi cạnh lò sưởi. Không nói gì, cha lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh ông và gắp ra một cục than hồng để ở trên tảng đá. Cả hai vẫn không nói gì với nhau mà chỉ ngồi nhìn cục than hồng mà vị linh mục vừa mới gắp từ trong lò sưởi ra bên ngoài. Một hồi lâu, cục than ấy dần dần tàn lụi. Lúc này, người đàn ông kia bèn cất tiếng nói phá vỡ bầu không khí nặng nề:
– Thưa cha, cha không cần phải nói thêm lời nào hết, con đã hiểu: Than hồng ở một mình sẽ tàn lụi dần, nhưng khi được đặt chung với các cục than khác trong lò, nó sẽ sáng hồng và nóng mãi. Từ ngày mai, con sẽ đi dự lễ như mọi khi…
Hôm sau, ông đã trở lại nhà thờ như đúng lời ông đã nói với cha sở!
Kính thưa quý vị và các bạn rất thân mến,
Chúng ta vẫn truyền tai nhau câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” để nói đến vai trò của sự liên đới và ý nghĩa của sự hiệp thông trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng chính là thông điệp mà câu chuyện về cục than hồng ở trên muốn nói với chúng ta. Thật vậy, dù mỗi người chúng ta có tài giỏi và khôn ngoan đến đâu thì chúng ta cũng không thể sống một mình được, mà luôn cần đến sự tương tác và liên đới với người khác. Nói theo cách của người Kitô hữu chúng ta, thì đó chính là hiệp thông – một trong ba yếu tố mà chúng ta đang cùng nhau hướng đến trong tiến trình xây dựng một Giáo Hội hiệp hành hiện nay.
Hiệp thông dưới cái nhìn của đức tin Kitô giáo, chính là sự liên đới với người khác một lòng một ý giữa mọi người trong cộng đoàn, được kết hợp với Thiên Chúa, và được nối kết với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, nói đến sự hiệp thông trong đời sống người Kitô hữu, nghĩa là nói đến hai mối tương quan trong đời sống đức tin: Tương quan với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân.
Hình ảnh của cục than hồng trong câu chuyện ở trên đã phần nào cho chúng ta thấy rõ: nếu tách rời khỏi tương quan với Thiên Chúa, đời sống của chúng ta sẽ thiếu đi sức sống và dần dần lụi tàn như vậy. Cho nên, sự hiệp thông với Thiên Chúa của chúng ta phải được diễn tả qua sự kết hợp, gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su như hình ảnh của cành nho luôn gắn liền với cây nho; để nhờ ân sủng của Đấng Phục Sinh, đời sống của chúng ta mới được trổ sinh những hoa trái tốt lành là sự yêu thương, cảm thông, biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Có thể nói, nhờ sự gắn bó với Thiên Chúa mà đời sống đức tin của chúng ta được triển nở trong sợi dây hiệp thông và liên đới với người khác. Trong ý nghĩa này, sự hiệp thông trong tương quan với tha nhân cũng mời gọi chúng ta nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin để cùng nhau đạt đến quê trời vĩnh cửu.
Tuy nhiên, từ thực tế cuộc sống, chúng ta lại bắt gặp rất nhiều sự khác biệt ở xung quanh mình, ngay cả trên cơ thể chúng ta cũng có sự khác biệt giữa các bộ phận như tay, chân, mắt, mũi, miệng…; nhưng nếu sự khác biệt này không hướng đến việc bổ sung, hoàn thiện cho nhau thì chắc chắn chúng sẽ không thể tồn tại một mình được. Hình ảnh một cây xanh đang trưởng thành thường được người ta dùng để minh họa cho sự khác biệt nhưng lại luôn có sự liên kết và hiệp thông với nhau: “Nếu ta hỏi chiếc lá cây: “Một mình lá có thể xanh mãi không?” Nó sẽ trả lời: “Không, đời sống của tôi ở thân cây cơ!” – Nếu ta hỏi thân cây thì sẽ được trả lời: “Sức sống của tôi ở rễ cây!” – Nếu ta hỏi rễ cây thì nó sẽ trả lời: “Không, sức sống của tôi nằm ở trong thân cây và lá cây: nếu ngắt các bạn tôi đi, tôi sẽ chết”. Giống như hình ảnh lá cây, thân cây và rễ cây cùng bổ sung cho nhau để duy trì sự sống và cùng nhau phát triển, sự hiệp thông và liên kết giữa các thành phần trong Hội Thánh là điều rất cần thiết.
Như vậy, ý nghĩa của sự hiệp thông nằm ở chỗ chúng ta biết gắn bó đời mình với Chúa và cùng với người khác tiến bước trong ân sủng. Sống được như thế, cuộc đời Kitô hữu của chúng ta mới có thể làm vinh danh Chúa và chu toàn sứ mệnh đem Chúa đến với mọi người được. Xin cho mỗi người chúng ta có được tâm hồn biết gắn bó với Chúa và mở ra với tha nhân trong sự hiệp thông, để chúng ta cùng nhau tiến bước trên con đường hiệp hành mà Giáo Hội đang hướng đến, ngõ hầu chúng ta cũng được trở môn đệ đích thực của Đấng Phục Sinh.
Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, xin cho chúng con luôn xác tín rằng: đời sống của chúng con chỉ có thể được lớn lên khi được ơn Chúa nâng đỡ và cùng với tha nhân tiến bước trong hành trình đức tin, để hàng ngày, chúng con luôn biết kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và sống tình liên đới với tha nhân trong sự yêu thương và chia sẻ. Amen.
Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP