Phúc Âm Hóa Bản Thân Theo Tông Huấn “Hãy Vui Sướng và Hớn Hở” của Đức Phanxicô

PHÚC ÂM HÓA BẢN THÂN THEO TÔNG HUẤN

“HÃY VUI SƯỚNG VÀ HỚN HỞ”

CỦA ĐỨC PHANXICÔ

Dẫn Nhập:

          Đức Giáo hoàng Phanxicô sau hai Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm” (2013) và “Niềm vui của Tình Yêu” (2016) đã công bố Tông huấn thứ ba là “Hãy vui sướng và hớn hở” (2018). Ta thấy ngài muốn niềm vui được tăng dần, từ phúc âm đến tình yêu và tiến tới lời kêu gọi “ Hãy vui sướng và hớn hở”. Niềm vui được vỡ òa lên. Tiếng Việt có từ “Vui sướng và hớn hở” lột hết được ý của hai tiếng la tinh “Gaudete et exultate”, có nghĩa là làm cho niềm vui được biểu lộ ra bề ngoài trên nét mặt, cử chỉ, lời nói (theo từ điển tiếng Việt). Tuy nhiên Tông huấn kêu gọi vui sướng hớn hở để nên thánh, mà nên thánh lại là chuyện quá xa xưa rồi, từ thời ông Abraham cách đây cả 40 thế kỷ, có gì là mới là vui. Thực sự, chính Đức Phanxicô cho biết Tông huấn “không phải một chuyên luận về sự nên thánh với nhiều định nghĩa và phân biệt, hoặc với nhiều phân biệt về các phương thế nên thánh”. Mục đích chính của ngài là muốn cho lời kêu gọi nên thánh vang vọng lên một lần nữa, bằng cách lồng nó vào trong bối cảnh của xã hội và văn hóa thời nay với nhiều rủi ro thách đố và những thuận lợi của nó (lời mở đầu 1, 2). Khi đọc Tông huấn trong google, tôi rất tâm đắc, vì chia sẻ của ngài là một kho kinh nghiệm mới lạ, hấp dẫn, thích thú. Nhưng đọc trong bốn bản dịch tiếng Việt, có nhiều chỗ được dịch khác nhau và đọc không hiểu, tôi phải đối chiếu với bản tiếng Pháp và tiếng Anh thì mới vỡ lẽ. Tôi chờ bản dịch của Văn phòng Hội đồng giám mục Việt Nam mà tới nay chưa thấy. Vì thế tôi muốn cùng độc giả theo dõi vắn tắt từng chương một xem Tông huấn đem lại niềm vui như thế nào cho chúng ta thời nay :

Chương I. Đức Phanxicô cho biết: Lời mời gọi nên thánh của Chúa đã được nói đến từ thời tổ phụ Abraham, Môisê, rồi đến thời Tân ước Chúa Thánh Thần đổ tràn sự thánh thiện cho cả một dân tộc. Tuy nhiên, đức Phanxicô muốn nêu bật sự kiện là Chúa mời gọi mỗi người nên thánh trong con đường của mình. Dù họ là bất cứ ai, có bất cứ địa vị, nghề nghiệp nào: giáo sĩ, tu sĩ, cha mẹ, vợ chồng, công nhân, công chức… “mỗi người là một sứ mệnh Chúa dự định cho, để phản ánh và nhập thể một khía cạnh của Phúc âm vào trong một thời gian nhất định của lịch sử” (số 19). Như vậy, chúng ta có các thánh ở kề bên, mỗi thánh có nét độc đáo, không ai là bản sao của người khác, nhưng nên thánh trong việc phúc âm hóa chính mình để phúc âm hóa người khác nữa, nghĩa là vừa nên thánh vừa còn nên người hơn nữa (số 34). Đây là ý tưởng mới lạ và độc đáo của ngài.

Chương II .Đức Phanxicô nhắc nhở ta muốn nên thánh thời nay phải canh chừng hai kẻ thù tinh quái: đó là thuyết ngộ giáo và thuyết Pêlagiô, hai kẻ thù này xuất hiện từ thời đầu của Kitô giáo, chúng phát triển phức tạp và còn gây ảnh hưởng tai hại cho Kitô giáo thời nay. Ngài tóm tắt như sau:

2.1 – Thuyết ngộ giáo thời nay. Thuyết này chủ trương một đức tin khép kín trong lối sống chủ quan, trong đó đáng kể nhất là một kinh nghiệm cố định hoặc một loạt các lý luận và hiểu biết được coi như có thể giúp vững tin và soi sáng, nhưng rốt cuộc họ khép kín mình trong cái nội tại của lý trí và tình cảm riêng tư của họ (số 36). Nói đơn giản là họ cặm cụi tìm kiếm để đạt tới chỗ Ngộ là hiểu biết, nhưng một thứ ngộ sai lầm theo chủ quan duy cá nhân, chứ không theo sự thật. Và ngài tóm lại là “Thuyết ngộ giáo tự bản chất muốn thuần hóa mầu nhiệm theo ý họ”, dù là mầu nhiệm về Thiên Chúa và về ân sủng của Chúa, cũng như mầu nhiệm về người khác (số 40). Thuần hóa mầu nhiệm nghĩa là họ điều khiển, quyết định và chi phối mầu nhiệm theo ý họ. Họ ưa chuộng “một Thiên Chúa không có Chúa Kitô, một Chúa Kitô không có giáo hội, một giáo hội không có dân” (số 37). Họ làm ta nhớ đến những Kitô hữu thời đầu Kitô giáo có khuynh hướng ngộ giáo, họ “Chẳng nóng, chẳng lạnh mà cứ hâm hẩm nên Ta sắp mửa ra… họ phải mua thuốc xức mắt cho nhìn thấy được” (xem Kh 3, 15 – 18).

2.2 – Thuyết Pêlagiô thời nay.Những người theo thuyết này “chủ trương theo con đường công chính hóa bằng sức riêng của mình, con đường tôn thờ ý chí và các khả năng riêng của nó, họ tỏ ra tự mãn vì coi mình là trung tâm và mình thuộc loại ưu tú, nhưng lại thiếu tình yêu đích thực. Họ biểu lộ bằng nhiều thái độ bề ngoài khác nhau nhưng lại nô lệ lề luật hoặc nô lệ một sơ đồ dự án bề ngoài mà không dành chỗ cho ân sủng hoạt động” (số 57, 59). Ngày nay tôi có dịp nghe một linh mục cho rằng việc đức Phanxicô đề cao và sống khó nghèo là một chuyện hàm hồ. Chuyện hàm hồ theo từ điển Việt Nam là chuyện không phân rõ đúng sai, không đúng với sự thật, thiếu căn cứ… đây có phải là theo khuynh hướng “duy cá nhân, tự mãn chủ quan” kể trên chăng ? Tôi cũng nghe một linh mục khác nói với các linh mục bạn rằng thời nay phải thánh vừa vừa thôi, thánh quá người ta sợ không dám tới gần… giá khuyên rằng thời nay phải thánh hết mình nhưng thánh trong vui tính, trong hài hước để người ta không ngán… có hơn không? Tông huấn tóm lại: đó là những hình thức của thuyết ngộ giáo và thuyết Pêlagiô, chúng phát xuất từ những nhận định riêng tư, chủ quan, duy cá nhân, chúng làm cho giáo hội trở nên lố lăng lố bịch, từ điển Việt nam cắt nghĩa là không hợp với lẽ thường đến mức gây chướng tai gai mắt, và chúng làm cản trở giáo hội trên đường nên thánh. Và đức giáo hoàng “khuyến khích mỗi người tự hỏi mình và phân định trước Thiên Chúa xem chúng có đang lộ diện trong đời mình không” (số 62). Chúng có làm ta đánh mất niềm vui vì xa rời phúc âm không ?

 Chương III . Đức Phanxicô muốn giúp ta nên thánh theo Thầy Giêsu. Thầy Giêsu đã giải nghĩa cho ta cách rất đơn giản rằng: nên thánh là sống theo Tám mối phúc (xem Mt 5, 3-12; Lc 6, 20-30). Phúc đồng nghĩa với Thánh, vì ai trung tín với Chúa và sống theo lời Chúa là đạt được hạnh phúc, là nên thánh (số 63). Sống theo các mối phúc, nghe thì có vẻ thơ mộng nhưng thực ra đó lại là thách đố thách thức, là chuyện kích thích ta dám đương đầu, dám làm cho được.

3.1. – Thách đố thứ nhất là sống theo Tám mối phúc, mà sống theo Tám mối phúc đòi ta phải chấp nhận lội ngược dòng với thói thường trong xã hội thế tục thời nay,  phải:

Có tinh thần khó nghèo để đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô sống khó nghèo.

Sống hiền lành, không thù ghét, cãi lộn, gây hấn.

Chịu sầu khổ để cảm thương, khóc với người khác.

Khao khát nên công chính, không tham nhũng, hối lộ, bất công.

Thương xót người, sẵn sàng cho, giúp, tha thứ.

Có tâm hồn trong sạch, tử tế, chân thật, không dối trá.

Xây dựng hòa bình, thích hòa giải, không tranh chấp, hiểu lầm, dèm pha, nói xấu.

Chịu bách hại vì sự công chính vì sống yêu thương, sống theo phúc âm hóa, chịu vu khống, sỉ nhục. 

3.2. – Thách đố thứ hai: Chấp nhận theo tiêu chuẩn lớn của Thầy. Tiêu chuẩn lớn này là:” Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã đón tiếp, Ta trần truồng các ngươi đã cho Ta mặc, Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom, Ta ở tù các ngươi đã đến thăm viếng “ (xem Mt 25, 35-36). Đức Phanxicô suy luận rằng đây không phải đơn giản chỉ là lời kêu gọi sống bác ái, nhưng trong lời mời gọi nhận ra hay đồng hóa Chúa trong những người nghèo và đau khổ này, Chúa đã mặc khải cho ta chính trái tim Chúa cùng với những tình cảm và những chọn lựa sâu sắc nhất của Chúa mà mọi vị thánh đều cố gắng noi theo (số 96). Khi ta chấp nhận tiêu chuẩn lớn lao của Thầy là ta có được trái tim và lòng thương xót của Thầy, và ta yêu thương người nghèo khổ là ta yêu thương chính Thầy vậy (xem Mt 25, 40). Đức Phanxicô còn trích thánh Tôma Aquinô để nhắc nhớ mọi người rằng việc thờ phượng đẹp lòng Chúa hơn cả chính là các việc tỏ lòng thương xót đối với người thân cận (số 106). Tóm lại đức Phanxicô muốn giúp ta nên thánh bằng dấn thân sống Tám mối phúc Thầy Giêsu đã sống, và có trái tim cũng như lòng thương xót của Thầy Giêsu để nhìn nhận Thầy đang đồng hóa trong người nghèo khổ. Vui sướng biết mấy!

Chương IV. Đức Phanxicô cho biết Năm đặc tính của sự thánh thiện thời nay. Có nhiều đặc tính của sự thánh thiện, nhưng đức Phanxicô chỉ muốn nhấn mạnh đến những gì quan trọng hơn đối với bối cảnh của xã hội và văn hóa thời nay chứa một số nguy cơ và một số giới hạn đang xuất hiện, có thể kể ra trong 4 điểm:

Lo âu bồn chồn và mãnh liệt làm phân tán sức lực và suy nhược.

Sống tiêu cực thụ động và buồn chán.

Lười biếng dễ dãi, thích bảo vệ quyền tiêu dùng và ích kỷ.

Duy cá nhân và nhiều hình thức linh đạo sai lầm không kể đến Chúa đang ngự trị trong thị trường tôn giáo. – Trước bốn điểm của nền văn hóa thời nay, đức Phanxicô nhấn mạnh đến 5 đặc tính chính của sự thánh thiện :

4.1. Chịu đựng, kiên nhẫn và dịu hiền trước những trái nghịch, thịnh suy, gây hấn, bạo lực, bất tín bất trung, lỗi lầm, sỉ nhục… theo gương và hiệp thông với Chúa Giêsu.

4.2. Vui vẻ và có tính hài hước. Tính bẳn gắt không phải là dấu chỉ của thánh thiện. Thánh thiện là sống tích cực, không cầu kỳ, sẵn sàng chia sẻ… Về tính hài hước dí dỏm, đức Phanxicô khuyên ta cầu nguyện như thánh tử đạo người Anh Thomas More: “Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn không biết chán nản, than vắn thở dài. Xin ban cho con tính hài hước dí dỏm để con rút ra chút hạnh phúc từ cuộc đời này và dùng nó mưu ích cho người khác” (số 126).

4.3. Táo bạo và sốt sắng, là dấu ấn của Thánh Thần, không nhút nhát, sợ hãi, tính toán, duy cá nhân, khép kín, nô lệ thói quen, bi quan, tiêu cực. Giáo hội không cần các công chức bàn giấy quan liêu, mà cần các thừa sai dấn thân xung phong ra khơi và ra đi tới biên cương.

4.4. Thích sống cộng đồng như Chúa Giêsu sống với các tông đồ và môn đệ cũng như với các dân thường. Sống với cộng đồng gia đình, giáo xứ, các đoàn thể … để nên thánh. Chú ý đến những chi tiết nhỏ trong đời sống chung: thiếu rượu, thiếu dầu đèn, quên đem bánh (số 143), tuy nhỏ nhưng lại quan trọng trong đời sống chung .

4.5. Cầu nguyện thường xuyên với Chúa. Muốn có được những đặc tính trên, phải năng gặp gỡ Chúa, đọc và suy gẫm Lời Chúa, để được Chúa dạy dỗ, bổ sức, nhất là hiệp thông với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể để Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng, biến đổi mình theo Chúa và theo Phúc âm của Chúa. Đức Phanxicô có quan niệm sống rất thực tế, rất hiện sinh và rất “người”.

Chương V. Đức Phanxicô cho biết nên thánh là phải chiến đấu, luôn cảnh giác và phân định. Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng kẻ thù của việc nên thánh chính là Ma Quỷ và các tay sai của chúng, chứ không phải chỉ là bệnh tâm lý như bệnh tâm thần, bệnh động kinh… Satan rất ma lanh quỷ quyệt nên ta phải luôn sẵn sàng đối phó bằng 2 việc :

5.1 – Chiến đấu và luôn cảnh giác. Ma quỷ là đầu sỏ của mọi sự dữ luôn tìm cách quấy nhiễu, dụ dỗ chúng ta. Do đó phải luôn tỉnh thức để chiến đấu, tin cậy dùng các khí giới Chúa ban là: “Đức tin được biểu lộ trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, dự lễ, chầu Thánh Thể, xưng tội, làm việc bác ái, sống với cộng đoàn và tham gia việc Phúc âm hóa” (số 162), nhất là không để mình rơi vào “tình trạng thối nát về mặt thiêng liêng đạo đức” nghĩa là tình trạng mù quáng cách thoải mái và tự mãn đến nỗi coi như mình được phép dối trá, vu khống, ích kỷ, và tự quy chiếu mọi sự dựa theo cá nhân chủ quan để lừa dối (số 165).

5.2. Phân định. Muốn chiến thắng Ma Quỷ điều rất quan trọng là phải phân định. Phân định nghĩa là biết phân biệt và quyết định đâu là do Thần khí của Chúa, đâu là do Thần dữ. Phân định lại là một ân sủng chỉ Chúa có thể ban cho ta nhờ cầu nguyện, nhờ suy gẫm Lời Chúa, nhờ được người hướng dẫn tốt (số 166), và sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần chỉ dẫn cũng như giáo hội dạy dỗ (số 173). Ngài trao cho chúng ta những kinh nghiệp rất quý giá trong việc “đánh giặc thiêng liêng” theo Dòng Tên.

Để Kết:

Đức Phanxicô đã cố gắng chu toàn trách nhiệm là Chủ Chăn Giáo Hội để lo cho mọi người được phúc âm hóa, sống Tám mối phúc, được nên thánh trong bối cảnh một xã hội và văn hóa bị ô nhiễm trần tục này. Ta nhận thấy ngay từ đầu đời giáo hoàng, trong lễ Làm Phép Dầu (tháng 3 – 2013) ngài đã muốn đem niềm vui cho giáo hội bằng cách mời gọi giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đừng để cho mình “Khô Dầu”. Khô Dầu là khô Chúa Kitô, khô niềm vui – Tám tháng sau, tháng 11-2013 ngài công bố Tông huấn đầu đời giáo hoàng “Niềm vui Phúc âm”, để đem lại niềm vui cho giáo hội và mọi người bằng Phúc âm hóa với Thánh Thần. Ngài đã chia sẻ trong đó 12 bức xúc về những điều ngài thấy cần phải cải cách: từ bản thân Kitô hữu đến một số cơ cấu tổ chức trong giáo hội – Đến tháng 12-2014, dịp mừng lễ Noel, ngài lên tiếng kêu gọi giáo triều xét mình và lo chạy chữa 15 căn bệnh: bệnh ông phú hộ tưởng mình bất tử để chỉ biết hưởng thụ, bệnh bà Mátta chìm đắm trong công việc bề ngoài lơ là việc Chúa, bệnh tâm hồn chai cứng, bệnh sống nước đôi hai mặt, bệnh ham tích trữ của cải vật chất, bệnh giáo sĩ trị…Không có bệnh là khỏe, là vui, là sướng…

12 bức xúc và 15 căn bệnh kể trên, tôi đã được nghe 3 giám mục trẻ Việt Nam giảng cấm phòng năm cho các linh mục Cần Thơ vào thập niên 2000. Các ngài đã khéo tóm tắt tất cả lại trong 9 điều rất thực tế, rất thời sự, rất phổ biến .  Đó là các linh mục phải tránh:

3 Đ độc tài, độc đoán, độc tôn,

3 L làm sang, làm biếng, làm phách,

3 T nô lệ tiền, nô lệ tình, nô lệ tửu,

Tóm tắt này đã gây ấn tượng mạnh khiến tôi cẩn thận ghi chép lại để còn chia sẻ về sau.

Rồi đầu năm nay 2018 Tông Huấn “Hãy vui sướng và hớn hở” mời gọi Kitô hữu nên thánh trong bối cảnh một xã hội và văn hóa đầy ô nhiễm về mọi mặt tôn giáo, chính trị, kinh tế, môi sinh…đức Phanxicô vừa cho biết bối cảnh trên do Ma Quỷ cầm đầu nhằm phá hoại và cản trở công việc phúc âm hóa của Chúa, vừa chỉ dẫn cho chúng ta các phương thế hữu hiệu nhất để chiến đấu và chiến thắng. Cũng như trong cuộc tranh cúp bóng đá thế giới, mỗi đội tuyển cần nhờ tài trí của huấn luyện viên hướng dẫn, và mỗi cầu thủ phải đem hết khả năng tuân hành cho đúng thì mới mong chiến thắng. Kitô hữu muốn nên thánh, muốn phúc âm hóa mình và xã hội, muốn chiến thắng Ma Quỷ và sự Dữ, phải ra sức tìm hiểu, học hỏi, và thi hành những chỉ dẫn của Tông huấn.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ.

8 – 7 – 2018.         

print