Thao Thức: Một Nải Chuối Năm Ngàn

print

Thao Thức: Một Nải Chuối Năm Ngàn

(ảnh minh hoạ)

Trong những ngày vừa qua, tôi có dịp đi dự lễ đồng tế tại các nhà thờ, đặc biệt là những nhà thờ miền quê. Trước khi đi, tôi cũng hỏi thăm con đường nào thuận lợi và ý nghĩa. Sau khi hỏi ý kiến một vài người, tôi quyết định chọn những con đường nông thôn để có dịp quan sát bà con lương dân. Đồng thời cũng để hưởng không khí trong lành trong những ngày hè nắng nóng.

Sáng hôm ấy, dẫn xe Honda ra, tôi dâng chuyến đi cho Chúa và Mẹ Maria như thường lệ. Sau đó, tôi đề máy và chạy qua cầu chữ Y để đi đến nhà thờ mà tôi sẽ đến. Trên đường tôi quan sát và nhận thấy bà con nông dân còn nhiều thiếu thốn, cuộc sống khá bình dị, đặc biệt khi đi sâu vào vùng nông thôn. Chạy được một quản đường tôi nhận thấy có người bán những nông sản họ trồng bên lề đường cách riêng là một thúng chuối và 1 bắp chuối. Thoáng nhanh nhìn ngôi nhà để bán những nải chuối ấy, tự nhiên trong lòng tôi thốt lên, nếu trên đường về mà thúng chuối này chưa ai mua thì tôi sẽ ‘tậu’ hết.

Sau khi tham dự thánh lễ  đồng tế xong, tôi không nán lại để trao đổi với anh em như mọi khi nhưng ra xe trở về nhà. Trên đường về nhà tôi nhìn thấy thúng chuối còn nguyên bên lề đường. Tôi dừng lại và bóp kèn để có ai trong nhà nghe và ra bán chuối. Vừa bóp kèn xe xong thì một đứa bé chừng 5 hoặc 6 tuổi bước ra đứng nhìn. Tôi liền hỏi, con bán chuối phải không? Bé không trả lời và ‘biến’ mất… khoảng 1 phút sau thì cụ bà độ chừng 70 tuổi từ nhà sau bước ra…

Bà ơi, chuối bà bán như thế nào? 1 nải 5 ngàn cậu!”, bà trả lời. Tôi nhìn thấy trong thúng có 4 nải chuối và 1 bắp chuối. Con có tờ 200 ngàn bà có tiền để thối lại không?, tôi hỏi! Không có!, bà trả lời! Thế là, tôi chạy đến một quán ‘cóc’ hỏi chị chủ quán! Chị ơi, chị có tiền cho em đổi tờ 200 ngàn? Chị trả lời, không có em ơi!. Tôi tiếp tục chạy thêm một đoạn nữa, thấy một vài người đang ngồi ở hàng ba của một căn nhà, tôi dừng xe và hỏi. Các anh chị có tiền lẻ cho em đổi tờ 200 ngàn, đáp lại bằng những cái lắc đầu!

Không bỏ cuộc, tôi thử hỏi thêm để xem khu vực này họ có cuộc sống như thế nào! Tôi chạy thêm một đoạn nữa và thấy hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện, tôi hỏi: Anh chị có tiền tờ 50 ngàn cho em đổi tờ 200 ngàn. Người vợ thì lắc đầu, còn anh chồng hỏi lại tôi, tờ 100 ngàn được không? Dạ được, tôi trả lời. Anh liền lấy bốp trong túi và kéo ra 1 tờ 100 ngàn, 1 tờ 50 ngàn, 1 tờ 20 ngàn và 1 tờ 10 ngàn… rồi anh nói: Không đủ, hết rồi…

Tôi nói với anh, bao nhiêu đó là đủ để đổi tờ 200 ngàn, tuy anh hơi ngại nhưng cuối cùng anh cũng đồng ý nhận tờ 200 ngàn và tôi nhận lại 180 ngàn của anh cùng với lời cám ơn chân thành.

Tôi quay xe và chạy đến chỗ bán chuối và nhìn vào trong thấy bà và đứa cháu đang ngồi ở hàng ba chờ. Vừa thấy tôi quay lại, bà cũng tiến ra trên tay bà cầm thêm 1 nải chuối nữa và tôi mua hết cho bà dù nhu cầu không thật sự cần. Sau khi bà lấy hết những nải chuối và bắp chuối vào bọc, tôi trả cho bà 80 ngàn. Bà nhìn vào ánh mắt tôi, nghĩ tôi trả lầm… nhưng tôi nói, cháu biếu cho bà thêm một chút nhé… Bà cám ơn và nói: Với số tiền này chiều nay bà có thể mua một ít nước mắm, muối và bột ngọt… Thật ra, ngay từ đầu tôi muốn tặng bà cháu tờ 200 ngàn như tôi từng làm ở những nơi khác. Tuy nhiên, để hiểu họ hơn, tôi phải làm vậy!

Trên đường về, tôi suy nghĩ: Để có 200 ngàn họ phải bán hết 40 nải chuối… và để có 40 nải chuối họ phải trồng bao nhiêu cây chuối… và phải mất bao nhiều thời gian… Ước gì những nhà hữu trách có cơ chế ưu đãi cho nông dân, có những chính sách kịp thời để giúp cho bà con nông dân có cuộc sống tốt hơn. Ước gì những người ở thành thị khi thấy những nông dân chất phác bán nông sản thì đừng vì thói quen mà trả giá một ít đồng bạc lẻ tội nghiệp họ… Ước gì những người thu mua nông sản bớt ép giá nhà nông… để họ có thêm chút tiền mua những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống…

Ước gì mỗi người chúng ta, cách riêng là các ứng sinh linh mục luôn có trái tim nhạy cảm như Chúa Giêsu để yêu thương và sẻ chia: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,35-36). Tại sao Chúa muốn chúng ta làm như vậy? Bởi vì: “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”  (Mt 25,40).

Nông dân chất phác thật thà

Hằng ngày vất vả vậy mà thiếu ăn

Cơm gạo nhu phẩm muôn phần

Đồng tiền không có nhọc nhằn trên vai.

 

Gánh nặng không biết hỏi ai

Chính sách cơ chế tương lai mịt mù

Thị sát ai cũng gật gù

Nhưng mà thực tế ‘khối u’ trong lòng.

 

Hy vọng no thỏa ước mong

Quan tâm chăm sóc đợi trông sau này

Mọi người hữu trách đó đây

Chạnh lòng thương xót đong đầy yêu thương.

 

Giê-su Con Chúa là đường

Dạy ta bác ái thiên đường mai sau

Hy sinh phục vụ gửi trao

Tinh thần vật chất biết bao ân tình.

Lm. Biển Xanh.