Tìm Lại Đức Tin
Ngồi bên cạnh ông Năm, bà Năm, vợ ông buột miệng: “Ông ơi! Chúng ta giờ cũng đã già. Con cháu cũng đã yên bề gia thất hết cả rồi. Mọi công tác trong đơn vị cũng đã được những người khác tiếp quản. Bây giờ chúng ta quay trở lại đạo đi. Tôi cảm thấy có gì đó cắn rứt khi mà mấy chục năm nay tôi không được đi tới nhà thờ.” Mặc bà Năm nói, ông Năm vẫn cứ chăm chú vào tờ báo Quân đội theo dõi tin tức. Ông không nói một lời nào. Ông cũng không thèm để ý tới những lời của bà.
Ấy thế mà bà Năm vẫn cứ bàn đến chuyện này mỗi khi hai vợ chồng ngồi cạnh nhau. Có lúc bà tình cảm, nhưng cũng có lúc bà cáu giận như muốn được ông lắng nghe. Ông Năm vẫn thế. Ông vẫn lặng im, không nói một lời nào. Tuy nhiên đã có lúc ông bực lên quát bà không thương xót: “Không đạo nghĩa gì hết. Bà thấy mấy chục năm nay bà sống với tôi có chết chóc gì đâu. Mấy chuyện đạo nghĩa nhảm nhí theo làm gì cho nó mệt. Đấy, hôm qua thằng Lợi, người Công giáo của bà chết vì xe tông đó. Sao Chúa không xuống cứu nó đi, dù rằng nó hiền lành, chất phác. Khi nào cũng Chúa, khi nào cũng đạo. Tôi cấm bà không được đi tới nhà thờ và tôi cũng cấm bà không được nói chuyện này trước mặt tôi một lần nữa.” Sau những lời đó bà Năm chỉ biết câm nín và khóc một mình.
Bà giấu kín trong lòng những chuyện như thế. Bà không hé môi lấy nửa lời với người thân, bạn bè của mình. Bà biết trách ai bây giờ, mà bà giấu kín cũng đúng thôi. Bởi bà tự nguyện lấy ông Năm bất chấp mọi lời lẽ nhủ khuyên của người thân, họ hàng. Khi đó bà đã quả quyết: “Hôn nhân là chuyện của con. Con lấy anh ấy là lựa chọn của con. Dù sau này con có sao đi nữa thì cũng chỉ mình con chịu mà thôi. Bố mẹ, anh chị có gánh được không!? Xin mọi người đừng quan tâm làm gì.” Bà đã nói thế thì không ai còn can ngăn, khuyên nhủ bà nữa. Và cũng từ đó mọi chuyện buồn thương trong cảnh làm dâu, làm vợ bà chỉ biết giấu kín trong lòng.
Thế nhưng, lúc ấy ông Năm cũng đã thề thốt đủ kiểu với bố mẹ bà Năm. Nào là sau này con sẽ đi đạo. Nào là con sẽ cho con cái con theo đạo. Nào là con hứa thế này, con hứa thế kia. Ông nghĩ thầm mình cứ hứa, cứ làm hết mọi nghi thức Công giáo sao cho cưới được bà Năm rồi sau đó tính tiếp. Thế nên ông cũng đã được rửa tội và lễ cưới hai người cũng đã được diễn ra trong nhà thờ. Ấy vậy lấy nhau mới được mấy tháng, ông cấm ngặt bà không được đi lễ, không được đến nhà thờ. Ông cấm bà không được liên quan đến chuyện đạo. Lúc ấy bà chấp nhận hy sinh tất cả cho sự nghiệp của chồng. Bởi lẽ bà nghĩ hai vợ chồng còn trẻ, sức còn dai, sự nghiệp còn dài nên “tạm dừng đạo” một thời gian cũng chẳng sao. Sau này khi hai vợ chồng về già quay trở lại đạo cũng chưa muộn. Ấy thế mà suy nghĩ đó cũng đã theo bà đã được mấy chục năm nay. Đó cũng là từng ấy thời gian bà Năm không biết đến nhà thờ, kinh kệ, lễ lạy là gì.
Mặc cho sự buồn tủi của vợ, ông Năm vẫn thế. Ông vẫn là con người nóng nảy, gia trưởng và có phần hơi tính toán. Chẳng phải thế mà ông đã cưới được bà Năm và leo đến chức cao trong cơ quan.
Trước khi cưới bà Năm, ông là một chàng thanh niên mới đi nghĩa vụ quân sự về và đang làm trong một cơ quan nhà nước. Lúc đấy ông chỉ mới là một anh nhân viên quèn. Tuy nhiên với sự nhiệt tình cộng với sự khéo léo, chỉ sau một thời gian ngắn ông được đề bạt làm trưởng một bộ phận trong cơ quan. Từ đó về sau sự nghiệp của ông phất nhanh như diều gặp gió. Và cũng chính cái nhiệt tình và sự khéo léo đó mà ông đã chiếm được cảm tình của bà Năm, một hoa khôi trong làng thời bấy giờ.
Thực mà nói hai ông bà đến được với nhau cũng không hề đơn giản chút nào. Tình cảm đó đã phải trải qua biết bao là sóng gió. Sóng gió từ nhà gái cũng có mà từ nhà trai cũng nhiều. Nhà gái can ngăn không cho bà lấy vì ông là một người lương dân và là một đảng viên cách mạng. Nhà trai cũng không cho ông lấy vì bà là một người Công giáo, không hợp với một gia đình có truyền thống cách mạng như nhà ông. Hơn nữa, cơ quan ông lúc ấy cũng không cho phép nhân viên kết hôn với người Công giáo. Rào cản là vậy, thế mà ông cũng đã vượt qua tất cả mọi sự để cưới được bà. Có lần ông nói với mấy đồng nghiệp cùng cơ quan “Ăn thua là ở cái mồm và cái phong bì”.
Ông đã hứa đủ điều với bố mẹ bà Năm để cưới được bà. Thế nhưng trong đầu, ông đã có những kế hoạch cụ thể. Điều mà ông hay nói là “chiến lược quạ đen”. Với ông, cưới được bà Năm và sự nghiệp là hai điều ngang bằng nhau, không thể so sánh bên nặng bên nhẹ được. Do đó, trước khi cưới bà Năm, ông cũng chăm chỉ đi lễ tuy rằng lén lút. Đôi khi ông còn nhắc nhở bố mẹ và anh chị bà Năm đi lễ, đọc kinh. Những hành động đó đã chiếm được phần nào cảm tình của bố mẹ bà Năm, dù không hoàn toàn.
Với bố mẹ ruột của mình, ông hứa nếu cưới được bà Năm ông sẽ dạy bà trở thành một cô dâu ngoan hiền. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ cấm không cho bà đi lễ đi lạy, không cho bà tham gia các hội đoàn Công giáo nữa. Ông đã thực hiện đúng như lời ông đã hứa với bố mẹ ruột. Trong số hộ khẩu và chứng minh thư của bà, ông còn làm lại và sửa thành “Không Tôn Giáo”. Giải thích với bà hành động đó, ông nói để khỏi bị rắc rối trong cơ quan và việc thăng chức của ông dễ dàng hơn.
Mặc dù nói bà chấp nhận “tạm dừng đạo” một thời gian nhưng trong mấy ngày đầu, ông bà cũng đã tiếng qua tiếng lại với nhau. Thậm chí bà còn đòi bỏ về nhà bố mẹ ruột của mình. Nhưng bà bỏ làm sao được khi mà “thuyền phải theo lái, gái phải theo chồng”. Bố mẹ ruột của bà cũng chẳng làm thế nào được, chỉ biết an ủi con mình “Thôi thì đó là chọn lựa của con mà. Bố mẹ đã can ngăn khi chuyện chưa đến, nhưng con nào đâu có nghe. Giờ đây bố mẹ cũng chỉ biết cầu nguyện thôi chứ biết làm sao được.” Trong những ngày đó, mỗi lần nhớ tới lời này của bố mẹ, bà lại tức chồng mà nói: “Em không ngờ anh lại là con người trở mặt nhanh như vậy. Anh đã hứa gì với em, với bố mẹ em trước khi lấy em? Không lẽ anh quên những lời hứa đó rồi sao? Sao bây giờ anh lại bắt em phải bỏ đạo? Mặt mũi em để đâu khi nhìn bố mẹ, họ hàng bà con được! Anh làm sao còn dám nhìn bố mẹ, họ hàng em nữa!” Đáp lại bà chỉ là câu trả lời phũ phàng: “Kệ tôi. Lấy nhau được thì bỏ nhau được. Thích thì làm đơn ra toà.” Nghe tới chữ “làm đơn ra toà” bà Năm đã im bặt, không dám nói thêm lời nào. Vì với bà, li dị là một khái niệm không thể có trong từ điển người Công giáo. Hơn nữa, sống chung với bố mẹ chồng nên mỗi lần giáp mặt mẹ chồng, bà lại nghe tiếng thở ra thở vô và những lời càm ràm. Những lúc đó bà cảm thấy khó chịu và ngột ngạt trong gia đình. Thế là từ đó bà chấp nhận “tạm dừng đạo”.
Kể từ khi “tạm dừng đạo”, bà không còn thực hành bất cứ điều gì liên quan đến đạo nữa. Ngay cả làm dấu trước mỗi bữa ăn, bà cũng không làm. Bố mẹ ruột của bà rất buồn vì đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, đứa con mà chính tay mình bế lên nhà thờ rửa tội khi còn đỏ hỏn giờ đã bỏ đạo. Họ hàng hay tin ai cũng buồn cho số phận của bà, có người còn chặc lưỡi “nói rồi không nghe”. Cũng vì lý do đó mà bà ít sang nhà bố mẹ ruột và ít gặp mặt anh chị em họ hàng.
Giờ đây khi đã về già bà lại khát khao được trở lại đạo. Bà khát khao tìm lại đức tin mà bà đã đánh mất mấy chục năm nay. Bà cảm thấy hối hận khi bỏ Chúa từng ấy thời gian. Bà cũng cảm thấy có lỗi với bố mẹ ruột của mình vì vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của bố mẹ trước khi ra đi “Con phải trở về với Chúa thì bố mẹ mới ra đi thanh thản được.”
Sự khát khao tìm lại đức tin của bà bị cản trở bởi chồng. Ông không muốn bà trở lại đạo. Ông cũng không muốn bà nhắc đến chuyện này. Cuộc sống của bà giờ đây như rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khi bà đang loay hoay để tìm cách thoát khỏi cảnh bế tắc thì chồng bà, ông Năm lại bị tai biến. Mọi thứ giờ đây lại như đảo lộn hoàn toàn. Bà không còn tâm trạng nào để lo nghĩ đến những chuyện khác, ngay cả chuyện quay trở lại đạo. Tất cả tâm lực bây giờ bà dành hết cho chồng. Bà mong sao chồng bà thoát khỏi cảnh bạo bệnh đang hành hạ ông. Thế là giờ đây bà lại phải chăm sóc cho ông Năm một cách đặc biệt hơn so với trước, như một thời bà đã từng chăm sóc bố mẹ chồng. Bà chăm lo ông từng ly từng tí, hơn cả chăm lo bản thân mình. Sáng sáng chiều chiều bà đều có mặt bên ông để thuốc thang, để xoa bóp. Ông bị tai biến phải ngồi một chỗ thế là việc vệ sinh cá nhân của ông cũng một tay bà lo tất. Con cái khuyên bà nên thuê người giúp việc để họ đỡ đần cho bà. Tuy nhiên bà không đồng ý vì với bà, vợ chồng chỉ thực sự cần nhau trong những hoàn cảnh như vậy. Kể từ ngày ông Năm bị tai biến, giấc ngủ của bà cũng không tròn được nữa. Chỉ cần mỗi lần ông rên nhẹ bà lại thức dậy để xoa bóp. Có những hôm ông lên cơn đau bà phải thức suốt đêm canh lo giấc ngủ cho ông.
Căn bệnh tai biến của ông không có dấu hiện thuyên giảm, mặc dù đã trải qua một thời gian chữa trị lâu dài. Bác sĩ cũng cho biết rõ vì tuổi già, sức lại yếu nên khả năng phục hồi hoàn toàn của ông khó xảy ra. Thế nhưng bà vẫn không từ bỏ niềm hy vọng. Bà vẫn lo thuốc thang, xoa bóp cho ông hàng ngày. Tuy nhiên nhiều lúc ngẫm nghĩ bà thấy cuộc đời bà sao khổ quá, từ lúc về làm dâu tới bây giờ cái khổ dường như vẫn không chịu buông tha cho bà. Khổ là vậy nhưng bà không hề hé môi than van lấy một lời. Thế nên ông Năm vẫn luôn cảm nhận được tình thương bà dành cho ông như những ngày đầu hai người mới về chung sống với nhau. Ông cảm thấy thương bà nhiều hơn. Ông thương cho phận thuyền quyên mà bà đã chịu bấy lâu nay.
Lúc này ông chủ động đề cập đến chuyện đạo nghĩa mà bà từng nói trước đây. Ông cho phép bà tự do đi lễ nhà thờ. Ông không còn ép bà thế này thế kia nữa. Ông nói: “Bà ơi, mặc dù bấy lâu nay tôi cấm bà không được đi lễ, không được tới nhà thờ, thế nhưng bà vẫn không ghét tôi, không căm hờn tôi. Trái lại bà vẫn luôn yêu thương, quan tâm tôi. Nghĩ lại tôi thấy đã phụ bạc bà quá nhiều. Tôi biết mình không sống được bao lăm nữa. Thế nên bây giờ bà cứ quay trở lại đạo, cứ đi lễ nhà thờ. Tôi sẽ không cấm bà nữa đâu… Xin bà thứ lỗi cho tôi vì tôi đã không nói được điều này với bà sớm hơn.” Nghe xong câu nói đó, bà Năm lấy làm vui mừng. Thế nhưng niềm vui đó chóng bị khựng lại. Bởi bà nghĩ chỉ mình bà trở về với Chúa thì niềm vui vẫn chưa trọn vẹn. Bà cần phải đưa ông về với Chúa thì niềm vui đó mới thực sự trọn vẹn. Bà nói: “Ông còn nhớ chứ, khi hai chúng ta làm lễ cưới trong nhà thờ chúng ta đã cùng nhau thề nguyện sắt son. Tôi đã cố gắng giữ trọn lời thế đó với ông trong suốt cuộc đời tôi. Và bây giờ tôi cũng muốn tiếp tục cùng ông sống tiếp lời thề đó. Tôi muốn ông hãy cùng tôi, chúng ta hãy trở về với Chúa. Ông nghĩ coi, ông đã được rửa tội, đã là một người Công giáo như tôi. Thôi thì hai vợ chồng mình cùng trở lại đạo ông nhé!” Ông Năm không nói gì trước những lời đó của bà. Dường như ông muốn có thời gian để suy nghĩ chuyện này nhiều hơn.
Sau một thời gian, khi đã được bà giải thích nhiều điều về đạo, ông Năm quyết định trở lại đạo. Ông nói: “Bà ạ, giờ đây tôi muốn trở lại đạo. Tôi đã hiểu được thế nào là người Công giáo khi chứng kiến cách bà sống. Bà đã đối xử tốt với mọi người, với bố mẹ chồng, và nhất là với tôi. Điều đó đã đánh động tâm hồn tôi. Bà biết đấy tôi vào đạo chỉ vì muốn cưới bà mà thôi, chứ tôi đâu có ý theo đạo đâu. Giờ đây bà đã cảm hoá được tôi. Tôi muốn mình là một người Công giáo chính hiệu chứ không phải nửa vời như mấy chục năm nay.” Nghe được những lời đó từ chồng, bà Năm rất đỗi vui mừng. Bà mừng hớn hở như chết sống lại. “Tôi mừng quá ông ơi. Cuối cùng tôi cũng đã toại nguyện trong tuổi già. Cuối cùng bố mẹ tôi cũng nhắm mắt xuôi tay được. Tôi cảm ơn ông vì ông đã hiểu thấu nỗi lòng tôi. Con tạ ơn Chúa vì Ngài đã không bỏ rơi con khi con chạy trốn khỏi Ngài mấy mươi năm nay.”
Ngày hôm đó bà cùng với con cháu đã đưa ông tới nhà thờ để xưng tội và tham dự thánh lễ. Và cũng từ đó về sau, khi cơn đau không hạ ông thì cứ độ sáng sáng tối tối hai ông bà cùng nhau đọc kinh, chiều chiều bà lấy xe đẩy ông tới nhà thờ để tham dự thánh lễ. Giờ đây hai ông bà cảm thấy tinh thần thanh thản, vui tươi và cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP