Suy Tư Về Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

print

Suy Tư Về Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Đâu Là Điều Khác Biệt?

Mic. Nguyễn Khắc Minh 24/11/2023

1. Các Thánh Tử Đạo là Những Người Chịu Đau Khổ Muôn Cực Hình

Như chúng ta đã biết, Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, hay các Thánh Tử Đạo trên toàn thế giới đều là những con người làm chứng cho Đức Tin của mình bằng cách phải chịu nhiều đau khổ, bị tù đày, bị khủng bố tinh thần thể xác, bị tra tấn, bị hành hạ, bị truy lùng bắt bớ… cuối cùng là chịu các chết đau khổ, hay có thể nói là cái chết rất dã man.

a. Các Thánh Tử Đạo trên thế giới phải chịu nhiều cực hình

Thánh Agata (sinh tại Sicily, Ý, vào khoảng năm 251) phải chịu nhiều hình phạt và bị lạm dụng. Hoàng đế hạ lệnh nướng thánh nhân trên giường sắt nung đỏ và sau đó lại hạ lệnh tống ngục thánh nữ vì thế cơ thể của thánh nữ đã bị làm biến dạng và nhiều phần phải bị cắt bỏ, sau đó thánh nữ được cho trở lại nhà tù mà không có một thứ thuốc nào trợ giúp để làm lành vết thương. Agata còn phải bị lăn trên than hồng trong tình trạng không mảng vải che thân. Thánh nữ Agata luôn kiên trung, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa nhân từ, vì chỉ có Chúa mới cứu được linh hồn của Ngài. Vượt qua tất cả, Agata đã trở nên vui mừng hơn nữa vì tình yêu dành cho Đức Kitô.

Thánh Sebastian (Milan-Ý, 257-288) được nhiều người biết đến bởi cái chết của ngài. Theo truyền thuyết thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được Hoàng Ðế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh. Không một hoàng đế nào biết thánh Sebastian là một Kitô hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Người ta kể lại rằng thánh nhân thường an ủi, khuyến khích các tù nhân khị họ gặp khó khăn. Khi có người chết, thánh nhân đem chôn cất một cách tử tế. Rồi những việc làm của ngài bị phát hiện, thánh nhân cũng phải nhận hình phạt là cái chết dưới thời hoàng đế Diocletian. Điệu ngài đến nơi hành hình, quân lính ghim đầy những mũi tên vào thân thể ngài và ngài bị bỏ mặc cho chết dần mòn.  Irênê một phụ nữ đạo hạnh đã đến nhận xác ngài và phát hiện ngài vẫn sống, bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ lại, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng nói với ông không được xử sự tàn nhẫn với Kitô hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết. Sebastian được chôn cất trong hoang toại đạo, sau này chỗ đó có một vương cung thánh đường tại để tỏ lòng tôn kính ngài.

Thánh Cecilia (sinh tại Ý vào thế kỷ II). Khi từ chối không thờ lạy các thần ngoại giáo, sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách nhấn chìm ngài xuống nước cho đến chết. Mặc dù bị dìm trong bồn nước nhưng thánh nữ vẫn sống sót thêm ba ngày.  Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. 

Thánh Lucia Sinh tại Silicy thuộc Siracusa (283-304). Vì Lucia theo Kitô giáo, nên Hoàng đế bắt Lucia tống vào trong nhà chứa gái mại dâm, Chúa đã đến để bảo vệ thánh nhân khỏi những cạm bẫy ở nơi nhà chứa. Sau đó thánh nhân đã bị tra tấn và bị móc mắt. Cuối cùng hoàng đế Rôma vẫn ra lệnh tra tấn Lucia cho đến chết trước khi đôi mắt của thánh nhân được phục hồi.

Thánh Inhaxio thành Antiokia (50-107+) tử đạo bằng cách bị Hoàng Đế Trajanô cho nhốt vào chuồng sư tử, và thánh nhân bị bầy sư tử cắn xé ăn thịt.

Còn rất nhiều các vị Thánh Tử Đạo khác đều phải chịu rất nhiều cực hình. Bây giờ chúng ta cùng xem các hình thức tử đạo tại Việt Nam

b. Những khổ hình các vị Tử Đạo tại Việt Nam phải chịu:

Lịch sử gần 500 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi tại Việt Nam, có biết bao vị tử đạo. Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 nghìn người Công giáo đã chết vì đạo, riêng trong thời gian từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 nghìn tín hữu bị giết, khoảng 40 nghìn tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Ngày 19/6/1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tôn vinh 117 vị Tử đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh.

  • Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.
  • Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng.
  • Bá đao (cắt thân thể thành trăm mảnh) 
  • Lăng trì (chặt chân tay, mổ bụng và vất xuống sông) 
  • Thiêu sinh (đốt sống)
  • Xử giảo (xiết cổ bằng dây)
  • Xử trảm (chém đầu)
  • Chết rũ tù

 

2. Tấm gương can đảm của bà Đê- Thánh nữ duy nhất Inê Lê Thị Thành

Trước khi chết đau đớn, các Thánh Tử Đạo chắc chắn con bị cực hình đau khổ tra tấn dã man. Chúng ta thử lấy tấm gương cụ thể của một phụ nữ duy nhất, đó là bà thánh Ine Lê Thị Thành, hay còn gọi là bà Đê

Bà Đê có lòng bác ái hay thương giúp đỡ người, nhất là trọng kính các linh mục thừa sai và sốt sắng giúp đỡ các Ki-Tô hữu gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục thừa sai trú ẩn. Trong một lần cứu giúp các vị thừa sai lẫn trốn trong nhà mình, bà Đê bị bắt. Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.”

Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà kiên tâm như vậy: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn”

Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá

Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: “Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa”. Quả thật bà Đê đã hết sức can đảm cam chịu mọi khổ hình đớn đau.

Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: “Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Bà còn khuyên: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng

Cuối cùng bà chết rũ tù ngày 12/7/1844.  Bà là phụ nữ nhưng thật vững mạnh chịu mọi cực hình vì Chúa Ki-Tô. Chưa chắc gì cánh đàn ông có thể chịu được như thế.

3. Câu hỏi đặt ra là làm sao các vị Thánh Tử Đạo có thể chịu khổ hình được như vậy?

Chắc chắn là nhờ Đức Tin. Đức tin đưa các vị Thánh tử đạo chịu can đảm chấp nhận mọi khổ hình. Đức tin làm cho các Ngài có sức mạnh để chịu khổ hình. Đức tin cho các ngài có hy vọng, thấy tương lai. Đức tin đưa Chúa đến ở trong các Ngài. Đức tin đưa các Ngài đến gặp Chúa, Đức tin đưa ơn Chúa xuống trợ giúp các Ngài. Đức tin làm cho những con người tầm thường làm được những hành động phi thường. Chúa có lần đã nói: “Nếu các con có niềm tin bằng hạt cải, các con có thể khiến cho cây dâu này xuống biển mà mọc lên” (Lc 17,6)

Xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng ta.

4. Cũng có những người khác chấp nhận khổ hình- Vậy đâu là điều khác biệt?

Trong cuộc sống thực tế, chúng ta thấy cũng có biết bao người dám chịu nhiều đau khổ và chịu chết đau đớn vì lý tưởng của họ.

 Ví dụ Nelson Mandela (1918-2013), vị lãnh tụ người Phi Châu suốt đời đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc, Ông bị bắt và kết án tù chung thân. Sau khi thụ án 27 năm, nhờ áp lực quốc tế, ông được trả tự do. Không có sự đấu tranh của Nelson Mandela, nạn phân biệt chủng tộc tại Nam Phi chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Lê Lai cứu chúa. Người Viêt Nam ta vẫn nhớ hình ảnh Lê Lai chết thay cho Lê Lợi. Bấy giờ quân Lam Sơn ít lính, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Cuối tháng 4 năm 1418, Lê Lợi bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lai đã đổi áo cho Lê Lợi, xông ra chiến trận hô to: Ta là Lê Lợi. Quân giặc tưởng thật, nên đã vậy bắt Lê Lai và đem hành hình. Nhờ đó Lê Lợi trốn thoát và sau làm nên đại sự: khởi nghĩa Lam Sơn. Không có sự hy sinh của Lê Lai, chắc chắn không có nhà Hậu Lê và không có vua Lê Lợi.

Như thế, không chỉ các Thánh Tử Đạo mới chịu thử thách khổ đau, nhưng các anh hùng hào kiệt và cả những người bình thường luôn có những quãng đời hy sinh cực khổ vì một lý tưởng nào đó. Không chịu gian khổ không có vinh quang, càng gian nan vinh quang càng lớn.

Nhưng điều khác biệt có lẽ các Thánh Tử Đạo đón nhận khổ đau với niềm hân hoan và hy vọng, đặc biệt là không hề kêu than hay trốn chạy, nhưng can đảm vác thập giá đời mình. Nhất là khi thành công hay bình yên trở lại, các ngài không hề ai oán hay hận thù.

Ngày nay chúng ta không còn tử đạo bằng chịu giết chém đầu nữa. Những có lẽ cuộc đời Ki Tô hữu là cuộc đời làm chứng cho Đức tin, và làm chứng là tử đạo. Làm chứng kéo dài suốt cả cuộc đời trong từng ngày sống, từng giây phút. Làm chứng dù phải trăm chiều thử thách đau thương, làm chứng dù phải oán trái bất công, làm chứng dù phải bị hiểu lầm ganh ghét.  Điều này cũng không hẳn là dễ hơn việc các Thánh Tử Đạo xưa kia bị chém đầu.

Văn hào Goethe đã viết: “Làm một việc hy sinh to lớn trong khoảnh khắc thì cũng đã khó, nhưng thể hiện những hy sinh nho nhỏ và liên tục trong suốt cuộc đời thì khó hơn nhiều”.Đó là cái chết tiệm tiến, từ từ trong cuộc sống đức tin để phản chiếu lại chính cái chết của Đức Giêsu. Ơn gọi tử đạo của tất cả chúng ta hôm nay là như thế. Chúng ta phải đi sâu vào cái chết không đổ máu, không xích xiềng hay tù ngục qua cuộc sống vác thánh giá hằng ngày và như vậy chính là để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Charles de Faucauld nói: “Ở đời này chúng ta chỉ có thể ôm lấy Chúa Giêsu bằng cách ôm trọn Thập giá của Ngài. Ta không thể yêu mến Thập giá mà lại không có Chúa Giêsu bị đóng đinh nằm ở trên. Đồng thời chúng ta cũng không thể ôm lấy Chúa Giêsu mà lại vắng bóng Thập giá”. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu. Cánh hoa hồng càng rực rỡ càng có nhiều gai nhọn ẩn sâu bên dưới. Cũng vậy tình yêu đến thật nhiều xuyên qua đau khổ. Đời này có ai mà không khổ đâu. Nhưng khổ để làm chứng cho Chúa là một nỗi khổ hồng ân. Con đường Thập giá, chính là con đường của ơn gọi tử đạo, con đường của tình yêu.

Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con. Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam phù hộ cho đoàn con cháu. Amen.