Nghĩ về việc thực thi đức mến trong cuộc sống hôm nay

print

Nghĩ về việc thực thi đức mến trong cuộc sống hôm nay

Đối với đời sống của người tín hữu Công giáo, đức mến giữ một vị trí hết sức quan trọng và cần thiết, bởi đức mến là hồng ân Thiên Chúa ban để giúp người tín hữu chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và đối với nhau.

Đức mến (Caritas /Charité /Charity) thường được gọi là đức ái, đức bác ái, đức yêu thương, tình yêu, tình thương…, là một trong ba nhân đức đối thần (virtutes theologales), nhờ đó “người tín hữu yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, mà vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình” (GLHTCG 1822).

“Chúa Giêsu lấy đức mến làm ĐIỀU RĂN MỚI. Khi yêu thương những kẻ thuộc về Người “đến cùng” (Ga 13,1). Người biểu lộ tình yêu của Chúa Cha mà Người đã đón nhận. Khi yêu mến nhau, các môn đệ bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu mà họ cũng đã đón nhận. Vì vậy, Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Và Người còn nói: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). (GLHTCG 1823)

Các tín hữu đã và đang thực hiện đức mến

Giáo huấn của Hội Thánh có những hướng dẫn liên quan đến việc thực thi đức mến. Trong giáo huấn “thương người có mười bốn mối”, có “thương xác bảy mối”. Các hướng dẫn khá rõ ràng và cụ thể, nhưng trải qua các giai đoạn thực hành, một số hướng dẫn có những chi tiết cần suy nghĩ.

Việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, các tiện nghi sinh sống xem ra mỗi ngày một “tế nhị”, nên cũng cần thêm những sáng kiến trong việc thực thi đức mến .

Việc cung cấp thức ăn nước uống cho những ai đang đói, đang khát đã được một số cá nhân hoặc tổ chức đưa ra thực hiện, nhưng cũng khó để duy trì được lâu bền, và cũng đã xảy ra sự lạm dụng, nên dễ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chưa kể một số tổ chức quy mô lợi dụng các danh nghĩa rất dễ bị lầm. Một số đã bị vạch trần.

Việc thực thi đức mến về áo mặc cũng rất tế nhị. Dù đang sống trong thời đại hôm nay, nhưng tại những vùng quê hẻo lánh, nhiều người không đủ quần áo để mặc, nhất là áo ấm để che thân qua những ngày mùa mưa hoặc mùa đông rét mướt, trong khi tại các thành thị, thì quần áo lại dư thừa. Một số thành phố lớn có các tư nhân hoặc tổ chức từ thiện chuyên lo thu gom các y phục còn dùng được, giặt ủi sạch sẽ, gởi đến cho các nơi nghèo để giúp đỡ người thiếu thốn. Tiếc rằng các quà tặng ấy đã lắm khi chẳng được chuyển tới tay người nghèo, mà lại thấy bày bán tại các chợ trời. Trong khi một số học sinh nghèo ở cao sơn chỉ có một bộ áo quần duy nhất, muốn giặt phải chờ lửa hong khô mới có thể mặc lại.

Về nhà ở lại càng tế nhị. Xưa kia, khi nhỡ đường, có thể vào nhà xin tạm trú. Nhưng nay thì xem ra khá khó khăn, không hẳn là do nhà cửa chật hẹp, mà còn do sự e ngại, không rõ người xin ở nhờ là thành phần nào, không khéo rước họa vào thân. Đã từng có tình trạng ở nhờ rồi ở lỳ, muốn trục xuất phải tốn kém hoặc phải nhờ luật pháp. Và rất nhiều trường hợp khác.

Thăm viếng kẻ liệt là một đức mến cao quý, nhưng trong những thời kỳ bị dịch bệnh, việc thăm viếng cũng có trở ngại. Bình thường, việc thăm viếng cũng phải giữ các thủ tục, như khi phải vào nơi có bệnh nặng hoặc phải cách ly. Dù vậy, cũng đã có các thành viên trong các hội đoàn như Legio Mariae, hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn… đang thực hiện.

Thăm viếng kẻ tù rạc, trên lý thuyết thì tương đối dễ, nhưng trong thực tế, có những trường hợp gặp trở ngại nhất định.

Tình trạng “chuộc kẻ làm tôi” không xảy ra ở quê hương chúng ta, nhưng việc trao đổi người giúp việc hay còn gọi là ôsin thì khá nhiều. Tình trạng này mỗi ngày một thêm nhiều chi tiết có khi khó xử lý. Việc giới thiệu người giúp việc cũng có khi “làm ơn mắc oán”, gặp người giúp việc trở chứng làm bậy thì cả người giới thiệu lẫn chủ nhà có khi cũng rước họa vào thân!

Việc chôn xác kẻ chết cũng là việc thực thi đức mến tốt và duy trì tình tương thân tương ái giữa bà con xóm giềng với nhau, đồng thời duy trì tình hiệp thông giữa cộng đoàn. Tham gia chia sẻ lời cầu nguyện và cả chia sẻ việc mai táng người quá cố là rất quý.

Việc cho mượn hoặc cho vay tiền bạc cũng còn xảy ra, có khi thì sòng phẳng, nhưng cũng có khi bị lạm dụng hoặc mất khả năng chi trả, nên người cho mượn cho vay cũng dở khóc dở cười!

Còn rất nhiều trường hợp khác. Chưa nói đến “thương linh hồn bảy mối”.

 Việc thực thi đức mến vẫn luôn là cần thiết

Mặc dù có những cái ưu cái khuyết, cái đúng cái sai, cái thuận lợi và cái bất lợi trong khi thực thi đức mến, nhưng dù với giá nào, đức mến vẫn luôn là cần thiết. Trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã nêu rõ giá trị tối ưu của đức mến:

“Trong các ân sủng của Thiên Chúa, anh em cứ tìm kiếm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả” (1Cr 12,31).

Trong đoạn thư gọi là “Bài ca đức mến”, thánh Phaolô viết:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi (…) Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,4-13).

Vì vậy, việc tuyên xưng đức mến cần được đọc hằng ngày: “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy”.

Mt Từ Linh

https://www.cgvdt.vn/