Cổ võ văn hóa đọc – Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

print

CỔ VÕ VĂN HÓA ĐỌC

Trong lá thư về Vai trò của văn chương trong việc đào tạo, Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến những ích lợi của việc đọc sách văn học. Những ai có thói quen đọc sách hiểu rõ những ích lợi ngài nói tới.

Đọc sách nhiều thì vốn từ vựng được mở rộng, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, tức là có khả năng sử dụng những từ ngữ tinh tế, sâu sắc, đúng hoàn cảnh.

So sánh với sách chuyên ngành, đọc tiểu thuyết và thi ca kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo nơi người đọc nhiều hơn, đồng thời là cơ hội cho ta học cách kể chuyện và diễn đạt suy nghĩ của mình cách phong phú hơn.

Đọc sách còn giúp phát huy khả năng tập trung, giảm bớt suy thoái về nhận thức, mang lại sự bình lặng cho tâm hồn: “Chúng ta rất cần quân bình lại trước cơn cám dỗ của lối sống vội vã và thiếu phê phán, bằng cách chậm lại, dành thời giờ cho việc nhìn và nghe. Cụ thể là dừng lại để đọc một quyển sách” (số 31).

Sâu xa hơn, đọc sách là bước vào cuộc đối thoại với người khác, trước hết là lắng nghe họ: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng thật là nguy hiểm nếu chúng ta ngừng lắng nghe tiếng nói của người khác khi họ thách thức ta. Khi đó, ngay lập tức, chúng ta rơi vào tình trạng tự cô lập; chúng ta bước vào tình trạng “điếc thiêng liêng”, dẫn đến tác hại tiêu cực lên quan hệ của chúng ta với chính mình và với Thiên Chúa, dù cho ta có học thần học hay tâm lý nhiều đến đâu đi nữa” (số 20).

Cùng với sự lắng nghe tiếng nói của người khác, ta lắng nghe tiếng nói của chính mình qua những phản ứng, cảm xúc, kinh nghiệm, suy nghĩ của mình. Cùng một tác phẩm, mỗi người – tùy theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, lại có những phản ứng khác nhau. Kể cả cũng cùng một tác phẩm nhưng đọc vào những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, lại khơi dậy những tình cảm và suy tưởng khác nhau. “Theo nghĩa nào đó, người đọc viết lại bản văn…hoàn toàn khác với bản văn mà tác giả có ý viết. Do đó một tác phẩm văn học là bản văn sống và không ngừng sinh hoa trái”.

Tắt một lời, đọc sách văn học làm cho đời sống con người phong phú hơn: “Khi đọc những tác phẩm văn học lớn, tôi trở thành cả ngàn người mà vẫn là chính mình. Giống như bầu trời đêm trong thi ca Hi Lạp, tôi nhìn bằng muôn vàn cặp mắt nhưng vẫn là tôi. Ở đây cũng như trong thờ phượng, trong tình yêu, trong việc đạo đức, trong nhận thức, tôi vượt lên trên bản thân, và không bao giờ là ‘tôi’ hơn thế” (số 18).

Đọc sách mang lại nhiều lợi ích tinh thần như thế nhưng ngày nay, văn hóa đọc xem ra ngày càng sa sút. Một khảo sát gần đây tại Việt Nam cho biết những thông số không mấy tích cực về việc đọc sách.

+ Số người đọc sách: chỉ có 30% đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách.

+ Thời gian dành cho việc đọc sách: khoảng một giờ, thuộc loại thấp nhất thế giới.

+ Sử dụng thời gian rảnh rỗi để làm gì? Chỉ có 15% đọc sách, còn 41,7% lên mạng; 20% xem phim; 16,7% nghe nhạc.

Từ đó, nhận định chung là “Văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Và còn một thực tế nguy hại không kém là việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất, nếu có đọc thì thường chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách đen” (Nguyễn Thị Hải Yến, Thực trạng văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam, iper.org.vn).

Là người trong Hội Thánh, tôi muốn nói thêm điều này: ngoại trừ một vài trường hợp còn nhìn chung, khả năng đọc và viết của các chủng sinh hiện nay khá thấp. Cần phải cổ võ văn hóa đọc nơi các chủng sinh, cách riêng trong những năm tiền chủng viện. Không có thói quen đọc sách từ khi là chủng sinh, đến lúc làm linh mục với những trách nhiệm mục vụ, sẽ rất dễ buông bỏ việc đọc sách.

Đồng thời cũng cần cổ võ văn hóa đọc cho anh chị em tín hữu. Hiện nay các linh mục, tu sĩ không có cơ hội tham gia trực tiếp vào giáo dục học đường, tuy nhiên có thể cổ võ văn hóa đọc bằng cách:

+ Gây ý thức cho các gia đình trong giáo xứ: thay vì dễ dàng cho con cái điện thoại thông minh để chơi games, hãy tập cho con thói quen đọc sách.

+ Các Giáo xứ nên có thư viện, nhất là những sách lành mạnh cho trẻ em. Nếu có thể thành lập các nhóm bạn trẻ đọc sách và thảo luận về một tác phẩm nào đó thì thật tuyệt.

Xin kết luận bằng nhận định của Đức giáo hoàng Phanxicô: “Thời gian dành cho việc đọc sách có thể mở ra những không gian nội tâm mới, giúp chúng ta không bị rơi vào những tư tưởng ám ảnh có thể cản đường phát triển con người chúng ta. Trước khi mạng xã hội, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác ồ ạt chiếm lĩnh như hiện nay, việc đọc sách là kinh nghiệm chung của nhiều người và những ai có kinh nghiệm đó đều hiểu điều tôi muốn nói. Đọc sách không phải là điều hoàn toàn lỗi thời”.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm