CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
TRUNG THÀNH, YẾU TỐ CĂN BẢN CỦA HÔN NHÂN
Lm. Giuse Nguyễn
Theo thống kê của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam năm 2022, số vụ ly hôn ở Việt Nam ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Trên thực tế, tỉ lệ ly hôn cao do rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những người nhầm lẫn về giá trị, hoặc coi hôn nhân chỉ như một cuộc chơi và sẵn sàng rời đi để sống cho chính mình khi gặp điều không vừa ý.
Đối với người Công giáo, mặc dù đơn hôn và vĩnh hôn là đặc tính của Hôn nhân, nhưng dần dà một số Kitô hữu cũng đánh mất đi nét đẹp đó do họ cũng cư xử giống như người đời: ở được thì ở, ở không được thì thôi.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở chúng ta về yếu tố căn bản của hôn nhân Công giáo, để những ai sống trong bậc vợ chồng ý thức hơn nữa về ơn gọi cao quý của mình để lo sống tốt hơn.
Bài đọc thứ nhất (St 2, 18-24) nhắc lại cho chúng ta biết chính Thiên Chúa đã thiết lập nên hôn nhân qua việc kết hợp hai con người đầu tiên là ông Ađam và bà Eva. Sự kết hợp này dựa trên thánh ý của Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc, vì thụ tạo được dựng nên phải thuộc quyền Tạo hóa; nhưng sâu xa là tự do và tình yêu của hai người vì họ đã thực sự hạnh phúc khi có nhau. Vì thế chúng ta khẳng định hôn nhân do Chúa dựng nên ngay từ ban đầu là tốt đẹp.
Vậy tại sao có sự đổ vỡ hôn nhân đến mức những người cùng thời với Chúa Giêsu lên tiếng hỏi Ngài về sự ly dị? Chúa Giêsu trả lời rõ ràng: “Do các ông lòng chai dạ đá”, hay nói chính xác là do sự cứng lòng tin của họ; Và Ngài khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
Như vậy mọi đổ vỡ là do người ta “cứng lòng”, nghĩa là không tin tưởng vào Chúa; Không những Hôn nhân, mà mọi bậc sống trong Giáo hội đều như thế, vì căn bản chúng ta được Chúa tạo dựng để hưởng hạnh phúc, do đó chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi sống theo những gì Chúa chỉ dạy.
Chúng ta thử liệt kê một vài thực tế để chứng minh rằng mọi đổ vỡ đều do “họ cứng lòng”, nghĩa là không tin vào Chúa, hoặc nếu có tin Chúa, nhưng bắt Chúa phải làm theo ý mình.
- Thực tế thứ nhất là vì con người đòi hỏi tự do quá đáng, nghĩa là tự do theo kiểu ma quỷ, muốn làm gì thì làm.
Theo tài liệu của Ủy Ban Tòa thánh chuyên trách về gia đình, chúng ta thấy tài liệu viết: “Con người và gia đình hiện nay sống trong một xã hội “bị động”, nghĩa là thiếu lý tưởng, muốn làm gì thì làm, bị tục hóa và là nơi mà sự giải thoát mình được thực hiện bằng nhiều cách, mà một trong những cách đó là dùng ma túy… Thời đại chúng ta đề cao tự do, một thứ tự do không còn được coi là tích cực hướng về sự thiện, mà là thoát ly khỏi mọi điều kiện cản ngăn mỗi người làm theo ý riêng mình…
Người ta ca tụng chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa ích kỷ” (Tập Du désespoir à l’espérance, L.E. Vatican, 1992).
Vì muốn theo chủ nghĩa thực dụng ích kỷ để thỏa mãn những khoái lạc thể xác, người ta không còn tôn trọng hôn nhân theo truyền thống nữa mà thích theo hôn nhân tự do. Loại hôn nhân này chẳng có phép đời, cũng chẳng có phép đạo. Tại Pháp, năm 1975 loại hôn nhân tự do là 445.000 trường hợp. Đến ăm 1982 loại trường hợp tự do đã tăng lên gấp đôi tức là 809.000 đôi.
Thứ tự do này thể hiện rõ sự cứng lòng tin, họ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ, để vì thế không còn sự ràng buộc nào với giao ước của hôn nhân vốn là thánh ý tốt đẹp của Chúa từ ban đầu.
- Thực tế thứ hai là vì người ta chưa dứt khỏi những đam mê nên đã biến hôn nhân chỉ là một trong số những đam mê của con người.
Ví dụ nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ vì 1 trong 2 người dan díu mối quan hệ khác. Những quan hệ khác chỉ là để thỏa mãn đam mê nhục dục của họ, chứ tình yêu thực sự là độc quyền, chỉ có quyền trên thân xác của nhau mà thôi.
Ví dụ thứ hai là những gia đình không giữ được hạnh phúc vì 1 trong 2 người không bỏ được tật xấu của mình. Người chồng nhậu nhẹt say sưa không làm chủ mình, chửi mắng, đánh đập vợ con, dù lúc tỉnh táo họ rất yêu thương vợ con của mình; người vợ dù cuộc sống gia đình ổn định, nhưng không bỏ được bài bạc, dẫn đến nợ nần chồng chất, nhiều lần như thế khiên gia đình tan vỡ dù tận thâm tâm của cô ấy rất yêu thương chồng con của mình.
Từ hai thực tế đó cho chúng ta thấy, nếu họ tin vào Thiên Chúa, thì chắc chắn họ phải sống theo đường lối của Ngài, những bởi vì những đam mê đã khiến họ phớt lờ đường lối của Chúa.
Chính vì thế, Ðức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Gia đình, số 59, có viết: “Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô hữu, xét như là một Hội thánh tại gia, chỉ có thể sống được với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”.
Người ta đi tìm nhiều cách thức để giữ hạnh phúc gia đình, thậm chí dùng đến bùa ngãi. Đối với người Công giáo, cách trước hết và trên hết là củng cố đời sống đức tin để tin tưởng vững vàng vào Chú. Khi đã xác quyết niềm tin của mình, thì chắc chắn người ta chỉ lo làm đẹp lòng Chúa; và vì thế hôn nhân là thánh ý của Chúa, họ cũng sẽ lo để tuân hành thánh ý đó.
Ước gì những người sống trong đời sống Hôn nhân gia đình tận dụng tháng mười này là tháng Mân Côi để thực thi sứ điệp Fatima của Mẹ Maria là: ăn năn đền tội, tôn sùng Trái Tim Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi. Khi thực hiện những điều đó là chúng ta đang củng cố đức tin của mình để trung thành với Chúa. Và khi trung thành với Chúa, chắc chắn chúng ta cũng sẽ trung thành trong đời sống Hôn nhân gia đình.