AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN
Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C – Lc 10, 25-37
Suy niệm
Yêu mến Thiên Chúa hết tình và yêu người thân cận như chính mình là điều kiện để đạt tới sự sống đời đời. Nhưng câu hỏi được nêu lên: “Ai là người thân cận của tôi ?”. Người Do Thái vẫn hiểu đó là đồng bào, đồng đạo, thuộc dân Thiên Chúa. Phải chăng vị luật sĩ muốn tìm một câu định nghĩa toàn bích hơn về “người thân cận”? Nhưng đối với Đức Giêsu, định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận. Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ. Với ý hướng đó mà Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn vừa cụ thể vừa sâu sắc, vừa éo le vừa lạ lùng.
Éo le là vì đứng trước tình cảnh một người đang bị trọng thương trên đường, mà thầy Tư tế và Lê vi lại làm ngơ như không thấy, và tránh qua bên kia đường mà đi. Lạ lùng là người Samari ngoại giáo vừa trông thấy nạn nhân, đã đến cứu giúp tận tình, mà có thể nạn nhân đó là người Do Thái, kẻ thù của dân tộc mình. Người Samari đã sống luật yêu thương một cách trọn vẹn, không chỉ là lòng thương cảm mà “yêu bằng việc làm”, và làm với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: “Hãy đi và làm như vậy”.
Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ. Sở dĩ thầy Tư tế và thầy Lê vi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà xảy ra cho mình. Những nỗi sợ xem ra rất khôn ngoan và hợp lý, chỉ có điều chẳng có chút tình yêu nào. Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công tốn sức, tốn thời giờ, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn hay tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Yên thân là bất động, là dòng sông sự sống bị tắt nghẽn, không còn được chuyển thông.
Đứng trước nạn nhân, có lẽ câu hỏi mà hai vị giáo sĩ đặt ra là:“Nếu tôi dừng lại giúp đỡ người này, chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi?”. Nhưng xem ra người Samari đảo ngược lại câu hỏi:“Nếu tôi không dừng lại giúp đỡ người này, chuyện gì sẽ xảy ra cho anh ta?”. Hai câu hỏi với hai hướng khác nhau, nên cách thái hành động cũng khác nhau. Một câu hỏi hướng về sự an toàn của bản thân, còn một câu hỏi hướng đến lợi ích của tha nhân. Cách đặt câu hỏi hay cách đặt vấn đề cũng là một cách xác định tâm hồn và tính cách của một con người.
Ở cuối dụ ngôn, Đức Giêsu cũng đảo chiều câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” thành câu: “Ai là người thân cận của kẻ bị cướp?” Với lối đặt câu hỏi này, mọi hàng rào ngăn cách và quan niệm lâu đời của người Do Thái bị phá đổ. Tôi không chỉ phục vụ cho người thân cận của tôi, mà tôi trở thành người thân cận với người tôi phục vụ, và người ấy trở thành người thân cận của tôi. Như thế ai cũng có thể thành người thân cận của tôi, và tôi cũng có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai, khi tôi dám yêu họ như chính mình.
Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Kahlil Gibran có một câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng xác định: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân”. Đó là ý nghĩa thật nhiệm mầu trong Bí tích Thánh Thể. Tham dự thánh lễ chẳng có ý nghĩa gì khi tôi không sống lòng nhân ái. Càng đi tìm bản thân, tôi càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, tôi càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, tôi càng vong thân.
Nỗi khát khao hạnh phúc của tôi chỉ có thể được lấp đầy khi tôi biết coi trọng hạnh phúc của tha nhân. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Muốn vậy, tôi hãy yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi tôi mới biết phải làm gì cho người anh em, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, tôi mới biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần tôi dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đường về quê hương sự sống đời đời,
là đường Chúa đã gọi mời con đi,
nhưng đi với trái tim mới tới đích,
bằng không sẽ dang dở cuộc hành trình.
Thầy Tư tế và Lêvi rẽ sang hướng khác,
vì không mang theo mình một trái tim,
chỉ mang theo của lễ ở bên ngoài,
nhưng Chúa chỉ đoái hoài lòng nhân hậu.
Người Sa-ma-ri lên đường không của lễ,
nhưng anh có trái tim để hiến dâng,
với tấm lòng yêu thương người lân cận,
nên anh cảm thấu được nỗi khổ đau,
của những ai đang gặp phải cơ cầu,
và cúi xuống để tận tình hầu hạ.
Con đường đến quê hương sự sống mới,
không khó không dài như phải lên non,
nhưng đường dài khó nhất đối với con,
là đường từ trái tim đến bàn tay.
Xin Chúa đặt trái tim trên bàn tay,
để thu ngắn lại cho con đường dài,
nên con không sợ gì những trở ngại,
mọi cái sẽ dễ lại trước khó khăn.
Xin cho con lên đường với trái tim:
suy nghĩ và nhìn đời với trái tim,
lắng nghe và hành động với trái tim,
một trái tim được nung nấu mỗi ngày,
để tình yêu trong con luôn rực cháy
thành lửa thiêng niềm vui sống dâng đầy. Amen.
Lm. Thái Nguyên