Bài 35: Nhớ Về Mái Trường Xưa

Bài 35:

NHỚ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA

  1. Thời đầu của Tiểu chủng viện Á Thánh Quý tại Sóc Trăng.

Niên giám của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (2004) cho biết: “Ngày 20 – 9 – 1955, với Sắc chỉ Quod Christus, đức thánh cha Piô XII cắt phần đất của Việt Nam thuộc giáo phận Nam Vang gồm 10 tỉnh, lúc đó là: An Giang, Kiên Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Châu Đốc, Bạc Liêu, Hà Tiên, Sa Đéc và An Xuyên để lập nên một giáo phận mới lấy tên gọi là Giáo Phận Cần Thơ, và đặt cha Phaolô Nguyễn Văn Bình làm giám mục, hiệu toà Agnusiense.

          Khi thành lập Giáo Phận Cần Thơ có 140.610 giáo dân, 110 linh mục, 300 nữ tu dòng Chúa Quan Phòng, 10 nữ tu dòng Con Đức Mẹ, 3 nữ tu hội Bác Ái Vinh Sơn, 11 sư huynh dòng La San và 9 đại chủng sinh”. Còn về các tiểu chủng sinh thì “Kỷ yếu 60 năm thành lập Giáo Phận Cần Thơ” cho biết:

          “Ngày 1 – 4 – 1956 Đức Cha Bình khởi công xây cất tạm một dãy nhà dài bằng cây, mái lá, lót gạch tàu, cạnh nhà thờ Sóc Trăng. Rồi Đức cha đã đưa các chủng sinh học ở Nam Vang về (từ lớp đệ thất đến đệ tam) và nhận thêm lớp nhỏ là lớp nhất, tuyển từ các họ đạo trong giáo phận. Ngày 15 – 9 – 1956 khai giảng năm học mới với 138 chủng sinh. Ngày 16 – 10 – 1956 lễ khánh thành chủng viện với tên thánh là Á Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, gọi tắt là “Chủng viện Á Thánh Quý”. Đức cha Bình đặt cha Augustinô Huỳnh Văn Mão làm cha giám đốc, và chọn mấy cha đã học đại chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội (Liễu Giai), cùng với mấy cha cựu Xuân Bích khác như cha: Tađêô Lý Thanh Truyền, cha Gabiel Văn Kim Phong cũng học ở Xuân Bích Hà Nội, cha Phêrô Trần văn Long cũng học  Xuân Bích nhưng ở Pháp, cha Giuse Cao Phương Kỷ, gốc Giáo Phận Hà Nội cũng học Xuân Bích Thị Nghè mới nhập Giáo Phận Cần Thơ vài năm, làm thành một ban giám đốc của tiểu chủng viện.

          Còn về chủng sinh, từ năm 1956 tập hợp về Sóc Trăng, đã có nhà tạm để ăn ngủ, dự lễ, cầu nguyện,… nhưng chưa có trường lớp để học, phải đi học nhờ ở Trung học La San của các Sư Huynh Sóc Trăng. Đang khi đức cha phải lo xây cất trường lớp, kiếm ban giáo sư cho đủ điều kiện để mở trung học riêng của Tiểu chủng viện. May thay, đầu năm 1960 có lệnh các đại chủng sinh thuộc các giáo phận miền Bắc di cư vào Nam, phải gia nhập các giáo phận địa phương thuộc miền Nam. Cha Augustinô Mão giám đốc Tiểu chủng viện, cùng với cha Giuse Cao Phượng Kỷ, gốc Hà Nội đã gia nhập Giáo Phận Cần Thơ từ mấy năm trước cùng với một số cha gốc Hà Nội, như cha Phanxicô Xaviê Lã Thanh Lịch, Phêrô Nguyễn Hải Bằng, Giuse Vũ Văn Minh, Matthia Nguyễn Văn Nghĩa… hai cha đã lên Sài Gòn tiếp xúc với các đại chủng sinh thuộc giáo phận Hà Nội và Thái Bình đã mãn khoá các đại chủng viện, xin quý thầy về giúp Giáo Phận Cần Thơ để dạy tiểu chủng viện. Các ngài đã mời gọi được các thầy: Vinh Sơn Nguyễn Văn Chung gốc Hà Nội, Dominicô Hà Ngọc Châu gốc Thái Bình, Antôn Nguyễn Mạnh Đồng gốc Hà Nội, Matthêu Nguyễn Mạnh Thu gốc Hà Nội, cùng với hai thầy Bách và thầy Năng gốc Thái Bình. Thế là khoảng tháng 8 năm 1960. Tiểu chủng Viện Á Thánh Quý khai giảng năm học đầu tiên với năm lớp cấp hai, từ đệ thất lên đệ tam; với một ban giáo sư mới: Cha Augustinô Mão giám đốc, cha Tađêô Truyền, cha Gabriel Phong, cha Phêrô Long, cha Anphong Nguyễn Tấn Thinh giám học, cha Emmanuel Lê Phong Thuận giám thị; các thầy Vinh Sơn Chung, Đôminicô Châu, Antôn Đồng, Matthêu Thu, Augustinô Lê Dương Tân, Thầy Bách và Thầy Năng. Đa số quý cha giáo và tất cả quý thầy phải ở nhờ các phòng trống trong nhà xứ Sóc Trăng. Dãy nhà trệt dài đức cha Bình xây tạm chỉ đủ làm nhà cơm, nhà ngủ, nhà nguyện và 5 lớp học từ đệ thất đến đệ tam. Chỉ có một giếng nước ngọt dùng chung. Sân chơi không có, phải ra bãi cỏ trống gần nghĩa địa của Nhà Thờ Sóc Trăng, hoặc ra sân banh của tỉnh Sóc Trăng mỗi chiều để vận động thể dục… Đây là Tiểu chủng viện Á Thánh Qúy đầu tiên và tạm thời ở Sóc Trăng.

  1. Những biến cố đặc biệt năm 1960 và 1963.

Ngày 8 – 12 – 1960 Toà Thánh công bố lập thêm Giáo Phận Long Xuyên, tách khỏi Giáo Phận Cần Thơ, với bốn tỉnh An Giang, Kiên Giang, Châu Đốc, Hà Tiên. Toà Thánh cử cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, là một tu sĩ dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, gốc Giáo Phận Sài Gòn, đã theo đức cha Bình xuống Cần Thơ để lập một nhà Tiểu Đệ Chúa Giêsu tại Xóm Chài, cha Philipphê Điền lên thay thế Đức Cha Bình, đức cha Bình được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục Sài Gòn, ngài về Sài Gòn phong chức cho đức cha Philipphê Điền ngày 2 – 1 – 1961 với khẩu hiệu “nên mọi sự cho mọi người”. Ngày 20 – 5 – 1961 đức cha Philipphê Điền đã phong chức linh mục cho bốn thầy đã nhập Giáo Phận Cần Thơ 1960, đang dạy tại Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý Sóc Trăng, và cho bài sai bốn thầy về làm việc tại Tiểu Chủng Viện. Ngài rất quan tâm tới nhà cửa không thuận lợi ở Sóc Trăng, nên ngày 16 – 12 – 1961 ngài cho di dời Tiểu Chủng Viện ở Sóc Trăng về khu đất mà Đức Cha Phaolô Bình đã mua lại của hãng rượu Fontaine và đang xây cất. Khu đất rộng, phía trái là nhà nguyện, ở giữa là nhà cha giám đốc, bên phải là nhà cơm và bếp; đàng sau khu giám đốc là một dãy nhà dài khoảng trăm thước; có ba tầng, làm nhà ở, các lớp học và trên hết là nhà ngủ, quen gọi là khu A. Đàng sau khu A có một sân banh lớn. Rồi đức cha Điền còn xây thêm một dãy nhà dài, được gọi là khu B để đủ chổ thâu nhận chủng sinh. Khi tách giáo phận Long Xuyên các linh mục, tu sĩ, chủng sinh thuộc bốn tỉnh An Giang, Kiên Giang, Châu Đốc, Hà Tiên thì thuộc giáo phận Long Xuyên; về sau một số chủng sinh thuộc Mỹ Tho thì về Mỹ Tho.

Với biến cố năm 1963 mà ai cũng biết, giáo phận Huế vắng bóng chủ chăn là đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, Toà Thánh cử đức cha Philipphê Điền làm giám quản  năm 1964 và ngày 1 – 3 – 1968 làm Tổng Giám Mục Huế. Còn ở Cần Thơ ngày 5 – 5 – 1965 đức cha Giacôbê được cử làm giám mục phó, và khi đức cha Philipphê Điền trở thành Tổng Giám Mục Huế thì đức cha Giacôbê Quang trở thành giám mục chánh toà Cần Thơ.

Đây là Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý chính thức của giáo phận Cần Thơ, cho đến năm 1990 thì trở thành Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ.

  1. Về vấn đề đào tạo.

Nhớ về mái trường xưa không thể không nhớ đến công việc được thực hiện bởi bao người đã góp công trong đó: người đào tạo cũng như người được đào tạo. Riêng về người đào tạo, đức cha Phaolô Bình đã có một chọn lựa đặc biệt mà ít ai nghĩ tới, đó là chọn những linh mục được đào tạo theo truyền thống Xuân Bích: cha Augustinô Mão giám đốc, cha Tađêô Truyền, cha Gabriel Phong là ba cha thuộc giáo phận Nam Vang được gửi đi học ở Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội; Cha Phêrô Long, cha Anphong Thinh giám học là hai cha du học bên Pháp, có học ở Xuân Bích ; cha Giuse Cao Phương Kỷ là cựu học viên Xuân Bích Việt Nam, ba cha Vinh Sơn Chung, Antôn Đồng, Matthêu Thu gốc Hà nội là cựu học viên Xuâ Bích Việt Nam, và sau này hai cha Phaolô Bằng và Phanxicô Lịch cũng gốc Hà Nội và học Xuân Bích, lớp lớn hơn cha Giuse Kỷ. Truyền thống Xuân Bích này đã được đào tạo nơi các cha thuộc Hội Xuân Bích là “Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”, nó âm thầm toát ra từ cuộc sống các cha giáo và thấm nhiễm truyền sang cho các học trò. Tôi không nghe các ngài nói đến truyền thống Xuân Bích bao giờ, đến năm 2014, trong dịp lễ giỗ tổ Xuân Bích tôi có bài chia sẻ về Truyền Thống Xuân Bích, và gọi tắt nó là cái “Chất Xuân Bích”, đó là sự hiệp thông hoà đồng. Rồi đức cha Phaolô Hoà và cha Đỗ Xuân Quế, cựu Xuân Bích bổ túc thêm đó là “Tình Huynh Đệ”. Và bảy năm sau năm 2011 cha Phanxicô Xaviê Ngô Phục cựu Xuân Bích, cũng có bài chia sẻ về “Chất Xuân Bích”, nó như ngấm vào máu thịt các cha giáo rồi được truyền sang các học trò, khiến mình không phân biệt giai cấp, giáo phận, giọng nói, làm cho mọi người dễ gần, dễ thương nhau, giúp mình lăn lộn cởi mở với mọi người… Xuân Bích đã đào tạo nên mình bằng gương sống. Rồi năm 2015 cha Giuse Lê Công Đức, một cha của Hội Xuân Bích, lại có dịp chia sẻ về Truyền Thống Xuân Bích, ngài coi Truyền Thống Xuân Bích hay Chất Xuân Bích ở Việt Nam là cái nằm trong  những ký ức sống động của các học trò Xuân Bích về lòng quan tâm và thái độ tận tuỵ của các ân sư thuở nào…

Đó là gợi nhớ đến ban giám đốc gồm những người được đào tạo theo Truyền Thống Xuân Bích, và dùng đời sống mình truyền lại Chất Xuân Bích cho các học trò để họ biết “Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần”. Riêng tôi, được đức cha Philipphê phong chức linh mục cùng với các cha Vinh Sơn Chung, Đôminicô Châu, Matthêu Thu ngày 20 – 5 – 1961, lúc đó tôi 27 tuổi. Chịu chức xong chúng tôi đến cám ơn cha già cố Phêrô Tuất, niên trưởng quý cha giáo phận Hà Nội tại Miền Nam. Tôi thưa với ngài rằng: “Khi con được gọi về Đại Chủng Viện Xuân Bích, cố đã xem tướng con và nói rằng: anh này khó mà làm linh mục, con gái nó bắt mất. Con lo sợ và hết sức giữ mình để khỏi bị bắt mất và nay đã làm linh mục”. Rồi cố hỏi liền: thế được bài sai chưa. Con thưa: đức cha Điền sai con về làm linh hướng Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý Cần Thơ. Cố liền nói ngay: “vừa mới chịu chức còn non choẹt, làm linh hướng tiểu chủng viện thì phải đứng tuổi mới được…” Mấy hôm sau tôi lên gặp đức cha Điền và nói với ngài tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm linh hướng và xin ngài cho tôi được dạy giáo lý thôi. Ngài trả lời: tôi đã hỏi ý kiến các cha giáo Xuân Bích, cha cứ làm, xưa cha được đào tạo thế nào thì tiếp tục giúp đào tạo chủng sinh như vậy. Rồi tôi còn đến gặp các cha giáo Xuân Bích, các ngài yên ủi và khuyến khích cứ vâng lời Đức Cha và chấp nhận. Nhờ được sống theo phong trào sói con, hướng đạo, cũng như thiếu nhi Thánh Thể bốn năm trước khi vào Tiểu Chủng Viện. Sau đó tôi nhớ lại xưa khi học lớp đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ ở Tiểu chủng viện của Hà Nội, vào những năm 1947, 1948, 1949, cũng do các cha giáo được đào tạo tại Xuân Bích, và một số thầy thần học Xuân Bích được sai về Tiểu chủng viện, các thầy đem một số sách mới về giáo dục giới trẻ công giáo như cuốn Adolescent qui es-tu (Thiếu niên bạn là ai?) Của cha Robert Claude SJ.; hoặc Le caractère du jeune homme (Chí khí người thanh niên) của  đức cha Tihamer Toth, … các thầy dịch ra Tiếng Việt giúp chúng tôi học Tiếng Pháp, đồng thời dùng làm bài suy gẫm để đào tạo về trưởng thành nhân bản cũng như đạo đức, nội dung rất mới mẻ hấp dẫn. Rồi khi lên học đại chủng viện Xuân Bích, được hưởng nền giáo dục khai phóng, và tôi có dịp học giáo lý mới, soạn theo lịch sử cứu độ, do cha Colomb, Xuân Bích, tôi kết hợp các sách giáo dục đó với bộ giáo lý mới của cha Colomb cùng với bộ sách “ học làm người “ để trở thành tài liệu huấn đức, dạy giáo lý, và giúp đào tạo các chủng sinh nên người trưởng thành về nhân bản và về nhân cách Kitô hữu. Vào khoảng năm 1965 tôi có dịp cùng với cha Vinh Sơn Chung lên Đà Lạt tham quan Giáo Hoàng Học Viện, gặp cha Lacretelle là linh hướng, tôi có hỏi thăm về tình trạng các chủng sinh Cần Thơ, ngài đã vui vẻ cho tôi biết là các chủng sinh Cần Thơ có một nền tảng tốt về nhân bản và đạo đức. Tôi rất mừng và an tâm.

  1. Để kết.

Gợi nhớ về mái trường xưa đã từng ấp ủ bao thế hệ thầy cũng như trò, những người đã không hẹn mà gặp, để cùng chung sống trong bao tháng năm, trò học hỏi nơi thầy mà thầy cũng học nơi trò, tình thầy trò, lòng biết ơn kính trọng, được khắc ghi lại trong nhiều kỷ niệm đẹp (xin xem bài “Kỷ niệm không bao giờ quên”).

Ước mong cả thầy lẫn trò của Tiểu chủng viện Á Thánh Quý noi gương đức cha Philipphê sống theo khẩu hiệu giám mục của ngài “Nên mọi sự cho mọi người” để không một thầy nào hay trò nào chỉ muốn mọi người mọi sự cho “cái tôi” của mình.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ

 

print