Bài 87 : Giá trị của thân xác theo quan điểm Do-thái
Nhóm Phiên Dịch CGKPV
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trong Chúa Nhật 26 TN – B tới đây, chúng ta sẽ được nghe trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô, trong đó có những câu khiến không ít người nghe cảm thấy lo lắng, thậm chí sợ hãi :
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi ; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt (Mc 9,33-48).
Không chỉ đối với Ki-tô hữu thế kỷ 20 chúng ta mà cả với những người Do Thái cùng thời với Đức Giê-su, những lời khuyên dạy này thực sự rất “khó nghe”. Vậy, chúng ta phải hiểu những lời này của Chúa Giê-su thế nào đây ?
Trong bài tìm hiểu hôm nay, chúng ta sẽ cùng lược qua đôi nét về quan điểm của người Do-thái đối với thân xác, và sau đó chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa những lời Chúa Giê-su nói ở trên.
I. Quan niệm Do-thái về thân xác
Từ xưa đến nay có nhiều tôn giáo hoặc triết lý quan niệm rằng thân xác là thứ trì kéo linh hồn, là tù ngục giam hãm linh hồn, thậm chí là kẻ thù của linh hồn. Ngay trong Giáo Hội Công Giáo cũng đã từng có lối tu đức đánh tội hành xác, vì xem thân xác là một trong ba thù : xác thịt, thế gian, và ma quỷ. Dĩ nhiên từ những quan niệm xem chừng tiêu cực về thân xác như thế, nên người ta đã tìm kiếm và đưa ra những phương thế tu tập làm sao có thể tiết dục để giảm thiểu những tác động xấu mà thân xác có thể gây ra cho linh hồn, làm sao có thể thuần hóa, hoặc khống chế thân xác để giải thoát linh hồn.
Quan niệm về thân xác của người Do-thái thì khác. Họ tin rằng thân xác con người thuộc về Thiên Chúa, là sản phẩm do chính tay Thiên Chúa làm ra và thân xác con người basar בָּשָׂר cùng với sinh khí/ hồn nefes נֶפֶשׁ là do Thiên Chúa ban cho để con người trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,30). Theo đó thân xác không phải là thứ mà con người phải tìm mọi cách để trút bỏ hoặc là thứ đáng bị khinh rẻ. Thế nên, ngoài các án lệ là hệ quả của sự vi phạm Lề Luật, bất kỳ hành vi tự xâm phạm nào đối với thân thể con người đều bị xem là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Với quan niệm về thân xác như thế nên luật Do-thái chú trọng và có những chỉ dẫn đặc biệt về cách mà người ta phải đối xử với thân xác của họ, chẳng hạn, sách Đệ nhị luật dạy rằng :
Anh em là những người con của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em. Anh em không được rạch mình và không được cạo tóc phía trên trán mà để tang một người chết, vì anh em là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em. ĐỨC CHÚA đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người (Đnl 14,1).
Hoặc sách Lê-vi chép :
Các ngươi không được rạch mình mà để tang một người chết, không được xăm mình. Ta là ĐỨC CHÚA (Lv 19,28).
Không chỉ tôn trọng thân xác đối với người sống, mà thi thể người chết cũng phải được tôn trọng, theo đó mọi hành vi cắt, xẻ… thi thể người chết đều bị cấm. Luật Mô-sê cũng không cho phép treo xác chết của tử tội trên cây qua đêm mà phải đem chôn ngay trong ngày (x. Đnl 21,22).
Vì không coi thân xác là “kẻ thù” nên người Do-thái rất quan tâm đến việc chăm sóc và giữ gìn thân thể. Họ tuân giữ luật không giết người, không dâm dục, chỉ ăn những thức ăn thanh sạch,… vì thân xác là thánh thiêng và với một thân xác toàn vẹn linh hồn hiện diện và hoạt động trong thế giới. Đối với người Do-thái, thân xác không chỉ là phương tiện để linh hồn trú ngụ, mà còn góp phần giúp linh hồn đạt được những gì mà linh hồn không thể tự mình hoàn thành. Ngoài ra thân xác không chỉ cho phép linh hồn hoạt động trong thế giới này mà nó còn đưa linh hồn tiến xa hơn trên con đường hướng tới Thiên Chúa như Tv 63,2 đã diễn tả :
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn (nefes) con đã khát khao Ngài,
tấm thân (basar) này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước
Như vậy, người Do-thái nhìn nhận thân xác như là phần tích cực của con người, chứ không phải là thứ ghê sợ, cần tránh né, hoặc phải cố gắng “chế ngự”. Nói cách khác, Do-thái giáo không phủ nhận giá trị của thân xác mà là chấp nhận thân xác và nâng cao vai trò của thân xác trong quá trình đạt tới đời sống thánh thiện vẹn toàn theo thánh ý Thiên Chúa.
Linh hồn và thân xác còn được coi như ngang nhau làm nên con người toàn thể như Tv 63,2 diễn tả :
Tầm quan trọng của thân xác cũng được các tác giả Tân Ước nhắc đến, như :
+ “Mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc” (Lc 12,23).
+ “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao ? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao ? Không đời nào !” (1 Cr 6,15)
+ “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ?” (1 Cr 6,19)
Đó là lý do để Ki-tô giáo tiến thêm một bước trong niềm tin vào việc thân xác loài người sẽ sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 11,24 ; Cv 4,2 ; 23,6 ; 26,8 ; 1 Cr 15,13).
II. Sự hoàn hảo của con cái Nước Trời
Nếu quan niệm của Do-thái giáo về thân xác hết sức tích cực như chúng ta đã nói ở trên thì tại sao Chúa Giê-su lại có những lời lẽ xem chừng “khó nghe” về thân xác con người như Tin Mừng thánh Mác-cô thuật lại ?
Để trả lời cho điều này, trước hết chúng ta cần biết rằng đoạn Tin Mừng trên vốn là một phần trong bài giảng dài mà Chúa Giê-su giáo huấn các môn đệ của Người. Trong bài giảng đó, Chúa Giê-su đã sử dụng nhiều ngôn từ mạnh mẽ và những hình ảnh sống động để chuyển tải một sứ điệp về tầm quan trọng của việc chọn lối sống công chính và tránh xa tội lỗi. Theo đó, chủ đề chính mà đoạn Tin Mừng trên nhắm đến là giá trị cao quý của Nước Trời vượt lên trên sự toàn vẹn của một thân xác có thể đã/đang là nô lệ cho tội lỗi.
Nhằm làm nổi bật chủ đề đó, Chúa Giê-su đã sử dụng lối nói ngoa dụ, hiểu nôm na là “nói quá”, “nói cường điệu” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dứt khoát với tội lỗi. Việc sử dụng các cụm từ như “chặt tay”, “chặt chân” “móc mắt”, “cụt tay”, “cụt chân”, “chột mắt”… nhằm gây sốc cho người nghe và nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn người nghe lãnh hội.
Một điều chắc chắn là Chúa Giê-su không bao giờ ủng hộ và cũng chẳng bao giờ dạy người ta chuộng bạo lực, hay sử dụng bạo lực cho dù với người khác hay với bản thân, nên ở đây có thể hiểu rằng Chúa Giê-su sử dụng lối “ngoa dụ” này để nhằm nhấn mạnh yếu tố khẩn thiết của việc dứt khoát với tội lỗi.
Ở một góc độ khác, chúng ta có thể thấy : vì Do-thái giáo quan niệm một thân thể khiếm khuyết hay tật nguyền bị xem là dấu hiệu của sự ô uế, của tội lỗi, và sự trừng phạt của Chúa, nên xem ra có gì đó tương phản khi Chúa Giê-su sử dụng hình ảnh “chặt tay”, “chặt chân”, “móc mắt” để nhấn mạnh rằng việc dứt khoát với tội lỗi thì có giá trị cao hơn là sự toàn vẹn về thân xác. Vì thế, mặc dù quan niệm Do-thái đề cao giá trị của thân xác, nhưng những giá trị thân xác ấy cũng chỉ cao quý khi nó hướng về những giá trị của Nước Trời mà Chúa Giê-su đã thiết lập. Quan điểm này được thánh Phao-lô trình bày trong thư gởi các tín hữu Rô-ma như sau :
Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng (Rm 6,12-14).
Tóm lại, những lời của Chúa Giê-su trong Mc 9,43-47 không trình bày thái độ xem thường thân xác nhưng là lời cảnh tỉnh con người về hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi đồng thời đòi buộc mỗi người phải chọn lối sống công chính qua việc từ bỏ tội lỗi một cách quyết liệt.
Và để kết thúc buổi học hỏi này, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa lời chúc tụng :
Lạy Chúa Giê-su, chính Ngài thánh hoá
Cho bừng lên ngày Chúa nhật thanh bình,
Chính bởi Ngài đã mở lối phục sinh,
Ngày thứ nhất trở thành ngày của Chúa.
Hồn chúng con đã chết từ bao thuở,
Xin giờ đây được sống lại cùng Ngài.
Và đợi chờ cả thân xác một mai
Vùng trỗi dậy, thoát tử thần giam hãm.
Trong ngày đó sẽ vượt tầng mây thẳm
Lên gặp Ngài nơi vĩnh phúc bình an,
Mãi thiên thu còn vọng khúc khải hoàn :
Ngài ban ơn phục sinh, ban sức sống !
(Thánh Thi Kinh Sách Chúa Nhật – tuần III)