WHĐ (21/01/2025) – Các bạn trẻ Công giáo thân mến,

Tôi đang sống và làm việc tại Hungary. “Nhiều nồi bánh chưng” rồi, tôi chưa được về ăn tết cùng gia đình. Tất cả vì sứ mạng, nên tôi vui vẻ ăn tết xa nhà. Tôi biết rất nhiều người Việt đang lên đường về nhà ăn tết. Trong khoảnh khắc đặc biệt của những tuần cuối năm, khi cả đất nước đang náo nức chuẩn bị đón chào Tết Nguyên Đán, bạn có đang háo hức mong chờ những ngày đoàn tụ với gia đình? Hẳn là nhiều người đang và sẽ về nhà. Trong không khí này, xin cho tôi được chia sẻ với các bạn một khía cạnh thiêng liêng và sâu sắc của đời sống đức tin, đó là ý nghĩa của “nhà”.

Trước khi đọc tiếp, bạn có thể nghe bài hát này của nhạc sĩ Trần Tiến qua đường link sau:

https://www.youtube.com/watch?v=eGaNAr4y7c8

Trong đó, nhạc sĩ Trần Tiến thốt lên rằng: “Mẹ ơi! Thế giới mênh mông. Mênh mông không bằng nhà mình.” Thực ra chữ “nhà” trong văn hóa Việt Nam có một vị trí đặc biệt, là nơi của tình yêu, gắn kết và trở về. Nhưng với người Công giáo, khái niệm “nhà” còn khoác trên mình ý nghĩa thiêng liêng. Xin cho tôi được liệt kê nơi đây năm ý nghĩa:

1. Nhà thờ: nơi gặp gỡ Thiên Chúa và cộng đoàn

Về nhà, chúng ta sẽ đi lễ, đến với ngôi nhà thờ thân thương. Nơi đó, Thiên Chúa vẫn luôn chờ ta về, mừng những ngày xuân. Ngày xưa mình học giáo lý dạy rằng: “Nhà thờ là nơi bí tích Thánh Thể cực thánh được cử hành và cất giữ, nơi các tín hữu được quy tụ, nơi sự hiện diện của Con Thiên Chúa… Trong ‘ngôi nhà của Thiên Chúa’, sự chân thật và hài hòa của các dấu chỉ tạo nên ngôi nhà này, phải biểu lộ Đức Kitô đang hiện diện và hành động ở chính nơi này” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1181). Ước gì khi về nhà, chúng ta cũng háo hức đến nhà thờ để trình diện với Thiên Chúa: “Con đã về nhà rồi đây! Xin giúp con sống những ngày xuân an lành và thánh đức!”

Hơn nữa, qua Thánh Thể, nhà thờ trở thành nơi gặp gỡ không chỉ giữa con người với Thiên Chúa mà còn giữa các tín hữu với nhau. Đây là cộng đoàn đức tin. Nhà thờ là “trái tim” của mỗi cộng đoàn Kitô hữu, là nơi chúng ta cùng cầu nguyện, hiệp thông và yêu thương nhau. Nhiều người vẫn gọi giáo xứ là gia đình thiêng liêng, những người tin vào Đức Kitô.

2. Giáo hội tại gia

Gia đình không chỉ là nơi chúng ta sinh sống, mà còn là “Giáo hội tại gia”. Nơi đây, đức tin được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ ngàn xưa, gia đình đã là ngôi trường đầu tiên mà mọi Kitô hữu học được cách sống yêu thương. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng, tình yêu trong gia đình là hình ảnh thu nhỏ của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,25-33). Khi yêu thương và phục vụ trong gia đình, chúng ta đang sống lại tình yêu mà Đức Kitô dành cho Giáo hội của Người.

Tại sao gia đình lại được coi là “Giáo hội tại gia”? Vì đó là nơi chúng ta đầu tiên được học biết về Thiên Chúa, nơi chúng ta nhận ra tình yêu vô điều kiện và được giáo dục trong đức tin. Gia đình là nơi con cái được lớn lên trong sự che chở của cha mẹ, ông bà; và qua đức tin của họ, truyền lại cho con cháu những giá trị Kitô giáo. Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng khẳng định: “Các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng.” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2226).

Tết Nguyên Đán là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của gia đình. Những bữa cơm quây quần bên người thân, những câu chuyện bên nhau, tất cả đều là những khoảnh khắc quý giá để gia đình trở thành ngôi nhà của tình yêu, của niềm tin. Hãy trân trọng những khoảnh khắc ấy. Qua đó, ước gì mỗi người cũng cảm nhận rõ ràng hơn sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống gia đình.

3. Ngôi nhà thiêng liêng

Nhà thờ và gia đình không phải là những nơi duy nhất chúng ta gọi là “nhà”. Giáo hội, trong một khía cạnh rộng lớn hơn, chính là ngôi nhà thiêng liêng của tất cả các Kitô hữu. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, đã gọi Giáo hội là “nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19-22). Nơi đó thánh Phêrô mời gọi chúng ta nên “những viên đá sống động” để xây dựng ngôi đền thờ thiêng liêng (1 Pr 2,5). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, ngôi nhà đích thực mà Thiên Chúa muốn chúng ta xây dựng không phải chỉ là những cấu trúc vật lý, mà là một cộng đoàn đức tin đầy yêu thương, nơi mỗi người đều có vai trò và sứ mạng của mình. Đây là hình ảnh một Giáo hội hiệp hành!

Giáo hội là nơi chúng ta được kết nối với nhau qua tình yêu của Đức Kitô. Trong Giáo hội, mọi tín hữu đều là anh chị em, và chúng ta được mời gọi yêu thương, phục vụ lẫn nhau như trong một gia đình. Đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên Đán, khi người ta thường về với gia đình của mình, đồng thời, xin nhớ rằng chúng ta luôn có một gia đình lớn hơn – đó là Giáo hội.

Giáo hội không chỉ là ngôi nhà ở trần thế, còn là hình ảnh của ngôi nhà thiên quốc mà chúng ta đang hướng tới. Chúa Giêsu đã nói: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, mọi ngôi nhà trên trần gian đều là biểu tượng của một ngôi nhà cao cả hơn – đó là Nước Trời. Nơi đó có mùa xuân vĩnh cửu.

4. Trở về với cội nguồn

Một điều quan trọng là về nhà không chỉ là việc hiện diện về mặt vật lý, mà còn là việc thực sự tham gia và kết nối với gia đình bằng cả tâm hồn. Nhiều người về nhà nhưng không hiện diện! Ở nhà đúng nghĩa là gì vậy bạn? Để trả lời câu này, chúng ta nhớ lại câu chuyện của thánh sử Luca. Ngài kể câu chuyện người con hoang đàng (Lc 15,11-32). Chúng ta thấy niềm vui lớn lao khi người con thứ trở về nhà, nơi cha của anh luôn đợi chờ anh với vòng tay rộng mở. Sự trở về ấy không chỉ là sự quay lại một không gian vật lý, mà là trở về với tình yêu, với mối quan hệ sâu sắc và sự tha thứ.

Tương tự, trong những ngày chuẩn bị Tết, khi chúng ta trở về với gia đình, đó cũng là dịp để nhìn lại cuộc sống của mình và cảm nhận ý nghĩa của trở về với tình yêu và hiện diện. Mái nhà không chỉ là nơi trú ngụ, mà là nơi yêu thương được biểu lộ, nơi mọi mâu thuẫn có thể được giải hòa. Đây là một thách đố. Ai càng để ý, người ấy càng hiện diện một cách sống động với các thành viên trong gia đình.

5. Xây dựng ngôi nhà tình yêu

Sau bao ngày xa cách, nay tôi được về nhà. Hẳn là có nhiều người được mời gọi xây dựng và củng cố ngôi nhà của mình. Giáo hội nhắn với chúng ta rằng: “Chính chứng từ của đời sống Kitô hữu và các việc tốt lành được thực thi với tinh thần siêu nhiên, có sức mạnh lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa.” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2044). Ước gì mỗi người đều được mời gọi xây dựng gia đình, cộng đoàn, và Giáo hội bằng tình yêu, phục vụ và hi sinh.

Khi trở về nhà trong dịp Tết, bạn có can đảm mang về tình yêu và ánh sáng của Đức Kitô để chia sẻ với gia đình? Hãy trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, đem niềm vui và sự hòa giải đến với những người thân yêu. Chính trong ngôi nhà gia đình này, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để tiếp tục sứ mạng của mình trong xã hội.

Các bạn trẻ thân mến,

Trong dịp Tết Nguyên Đán này, hãy trân trọng ngôi nhà của mình – cả ngôi nhà vật lý và ngôi nhà thiêng liêng. Hãy để mỗi khoảnh khắc bên gia đình trở thành cơ hội để mình cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa và để chúng ta trao ban tình yêu đó cho những người thân. Chúng ta cầu chúc cho nhau: mỗi người, mỗi gia đình hưởng một Mùa Xuân bình an, thánh thiện và niềm vui. Hãy trở về nhà với năng lượng tích cực. Hãy mạnh dạn sẵn sàng chia sẻ niềm vui, hy vọng và bình an của Chúa Xuân đến cho những người mình gặp gỡ.

Chúc mừng năm mới đến với muôn nhà!

Tái bút:

Chữ Hán:

Chữ viết: 家

Ý nghĩa chính: Nhà ở, gia đình, nơi sum họp

Đặc điểm nổi bật: Chữ “家” mang ý nghĩa ban đầu là một ngôi nhà có con heo ở bên trong, thể hiện một gia đình ổn định, sung túc và bình an.

Chữ Nôm

Chữ viết: 𡩋

Ý nghĩa chính: Nhà ở, tổ ấm

Đặc điểm nổi bật: Chữ Nôm 𡩋 giữ nguyên ý nghĩa cơ bản là nơi ở hoặc tổ ấm. Nó cũng thể hiện tính sáng tạo của người Việt khi dùng chữ Hán để biểu đạt ngôn ngữ của mình.

Tiếng Việt

Chữ viết: Nhà

Ý nghĩa chính: Nơi ở, gia đình, tổ chức, quê hương

Đặc điểm nổi bật: Nơi ở của con người, được xây dựng để sinh sống.