Chúa Nhật Lễ Lá : Suy Niệm Tin Mừng, Năm B

print

Chúa Nhật Lễ Lá : Suy Niệm Tin Mừng, Năm B

 

TMĐP- Cùng Giáo Hội cầm lá trên tay đón mừng Đức Giêsu tiến vào thành thánh, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta tâm hồn luôn sẵn sàng với Chúa: sẵn sàng trong mọi vị thế, sẵn sàng trong mọi tình trạng, sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh để bất cứ ở đâu và lúc nào, mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại cũng là niềm vui cứu độ của chúng ta.

Tin Mừng được công bố khi chủ tế làm phép lá và cùng cộng đoàn rước lá hoàn toàn trái ngược với nội dung của thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philípphê và bài Thương Khó trong thánh lễ: một bên là quang cảnh dân chúng tự phát phấn khởi tung hô, hân hoan đón rước Đức Giêsu khi Ngài vào thành Giêrusalem, ở  đó “nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy : “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!”(Mc 11, 8-10); còn một bên là cảnh tượng Đức Giêsu chịu bắt bớ, tra khảo, hành hạ, bị kết án tử hình, vác thập giá đến nơi  chịu đóng đinh, chết ô nhục trên thánh giá, và chôn trong mồ.

Hai hình ảnh đối nghịch của cùng một con người: hình ảnh Đấng Thiên Sai, với triều đại đang tới rất huy hoàng, vì là triều đại của vua Đavít, trung thần của Thiên Chúa Giavê, và tổ phụ Ítraen, bên cạnh là hình ảnh “tên phản quốc, kẻ phạm thượng, đứa phá rối trật tự xã hội”như những lời cáo buộc tàn nhẫn của các thượng tế, kỳ mục, kinh sư được đám đông nhao nhao nhất trí khi điên cuồng la lớn trước toà Philatô: “Đóng đinh nó vào thập giá”(Mc 15,13).

Hai tình trạng đối nghịch trên cùng một con người: tình trạng được mọi người thần tượng, trông đợi, ủng hộ, và tình trạng bị mọi người bủa vây, truy lùng, như lời thánh vịnh: “Quanh con bầy chó dữ đã bao chặt. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được ngắn dài, chúng đưa cặp mắt cứ  hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”(Tv 21,17-19).

Hai vị thế hoàn toàn xa lạ ở cùng một con người: vị thế Con Thiên Chúa đến để cứu độ con người, Đấng minh quân đến giải phóng dân và vị thế tội đồ, người có tội, kẻ gây xáo trộn xã hội, và tôn giáo cần phải loại trừ, tiêu diệt.

 

Sở dĩ những người Do Thái hôm ấy đã “thay lòng đổi dạ ”qúa đột ngột với Đức Giêsu, vì họ không hề sẵn sàng đi theo Ngài. Vì không sẵn sàng đi theo, nên ở những khoảnh khắc nguy hiểm, bị đe dọa, họ đã đứng ra bên lề đường, và bỏ mặc Ngài độc hành tang thương. Bằng chứng là khi  thấy những phép lạ Ngài làm, họ  tung hô Ngài là vua, xưng tụng Ngài là Đấng Cứu Thế đến từ Thiên Chúa, nhưng vì không sẵn sàng đi theo Ngài đến cùng, nên khi bị mua chuộc, tuyên truyền hay bị dọa dẫm, nạt nộ, họ không ngần ngại quay lưng phản bội và giơ cao tay đả đảo Ngài.

Cũng vì không sẵn sàng đi theo Ngài, nên họ đã lầm tưởng về Ngài: họ lầm tưởng Ngài đến để làm theo ý họ, kiểu ý dân là ý trời (vox populi, vox Dei), mà không biết Ngài đến để làm theo ý Cha Ngài, mà ý Chúa Cha là Ngài  từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên như phàm nhân, sống như người trần thế… và hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8), để trở nên giá cứu chuộc muôn dân.

Không đi theo Ngài, họ đã lầm tưởng Ngài là nhà giải phóng chính trị sẽ đưa Ítraen là dân riêng của Giavê Thiên Chúa  ra khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, và  cứu họ khỏi cuộc sống thiếu thốn, cơ cực vì chính sách thuế má hà khắc của đế quốc và chính quyền tay sai tham nhũng, bóc lột, mà không biết sứ vụ của Ngài là thực thi thánh ý Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc toàn thể nhân loại, một sứ vụ thiêng liêng bao trùm mọi dân tộc, mọi thời, mọi nơi, cho đến tận thế.

Thực vậy, không mấy người đã biết Đức Giêsu là ai, ngay các môn đệ của Ngài. Như Phêrô, nếu biết rõ thầy mình, ông đã không lên tiếng can ngăn Ngài đừng  lên Giêrusalem để rơi vào tay các thượng tế,  kinh sư,  ở đó “họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Ngưòi cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người”(Mc 10,33-34). Cũng vì không biết rõ Đức Giêsu, nên nhiều người, kể cả các môn đệ, đặc biệt là Tôma, đã không tin Ngài sống lại từ cõi chết.

Cùng Giáo Hội cầm lá trên tay đón mừng Đức Giêsu tiến vào thành thánh, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta tâm hồn luôn sẵn sàng với Chúa: sẵn sàng trong mọi vị thế, sẵn sàng trong mọi tình trạng, sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh để bất cứ ở đâu và lúc nào, mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại cũng là niềm vui cứu độ của chúng ta.

Jorathe Nắng Tím