Chuyến đi Châu Á cho thấy Đức Phanxicô còn rất nhiều năng lực để cuốn hút đám đông

print

Chuyến đi Châu Á cho thấy

Đức Phanxicô còn rất nhiều năng lực để cuốn hút đám đông

 

Chuyến đi Châu Á cho thấy Đức Phanxicô còn rất nhiều năng lực để cuốn hút đám đông

87 tuổi, đi đứng khó khăn, chuyến đi Châu Á cho thấy Đức Phanxicô còn rất nhiều năng lực để cuốn hút đám đông

 Đức Phanxicô trong chuyến đi Châu Á từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9

Đây là chuyến đi dài ngày nhất triều của ngài, một trong những chuyến đi dài nhất từ trước đến nay của các giáo hoàng về số ngày và quãng đường đi. Dù đã 87 tuổi, đi đứng khó khăn vì đầu gối đau, còng lưng vì đau thần kinh tọa, dường như ngài đang ở trong giai đoạn đẹp nhất đời ngài.

Đức Phanxicô gặp các bạn trẻ của Scholas Occurrentes tại Trung tâm Thanh thiếu niên Grha Pemuda ở Jakarta, Indonesia ngày thứ tư 4 tháng 9 năm 2024. (Ảnh AP/Tatan Syuflana, Pool)

Với một nửa dân số Đông Timor tụ tập tại một công viên ven biển, ngài không thể không chiều lòng họ khi chào tạm biệt, ngài đi thật lâu trên xe giáo hoàng sau khi mặt trời đã lặn, sân vận động lúc đó được chiếu sáng bằng màn hình điện thoại di động.

Đã khuya, nhiệt độ và độ ẩm đã biến công viên Tasitolu thành lò hơi, hầu hết các nhà báo đã về khách sạn có máy lạnh để xem thánh lễ trên truyền hình. Đức Phanxicô thách thức những ai nghi ngờ không biết ngài có đi nổi chuyến đi gian khổ này hay không, khi mọi chuyện không thuận lợi như ý muốn.

“Anh chị em có bao nhiêu con!” Đức Phanxicô ngạc nhiên trước đám đông 600.000 người, đây là số lượng người tham dự đông nhất từ trước đến nay cho một sự kiện tính theo tỷ lệ dân số đất nước ngài đến thăm.

“Một dân tộc dạy con cái mình mỉm cười là một dân tộc có tương lai.”

Chuyến đi này là bằng chứng cho thấy, dù tuổi cao, dù bị bệnh, dù lệch bảy múi giờ, ngài vẫn có thể làm giáo hoàng, vẫn đủ khả năng như ngày ngài mới nhậm chức, vẫn tận tụy với công việc.

Điều này không thể nào đúng hơn khi ngài ở vùng ngoại vi của thế giới, giữa người dân bị các cường quốc lãng quên, nơi ngài đi ra ngoài bài diễn văn soạn sẵn để đến với giáo dân.

Đó là chuyến đi kéo dài 11 ngày đến Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore, ngài đi gần 33.000 cây số chỉ tính với phương tiện máy bay. Chuyến đi ngài đã lên kế hoạch từ năm 2020 nhưng không thực hiện được vì Covid.

Bốn năm, một số lần nhập viện (vì bệnh đường ruột và phổi), cuối cùng ngài đã kên đường. Dường như ngài thích thú khi được rời Vatican, tránh được sự nặng nềkhi bị “nhốt” cả năm, phần lớn để chống chọi với cơn viêm phế quản kéo dài. Trong các chuyến đi, ngài thường có khuynh hướng nhắc lại những chuyện chính yếu ngài muốn nói.

Ngài có bài diễn văn soạn sẵn khi dự các cuộc họp nghi thức với các nguyên thủ quốc gia, khi nói trước các nhà ngoại giao Vatican. Nhưng khi gặp giáo dân, các bạn trẻ, các linh mục và nữ tu địa phương, ngài thường bộc lộ bản chất thật của ngài, ngài bỏ bài đã chuẩn bị qua một bên để nói chuyện ngẫu hứng, truyền tải những gì ngài muốn nói với họ. Làm như thế ngài được đám đông phấn khích, nhưng các thông dịch viên kinh hãi, công việc của các nhà báo thêm phức tạp, và chúng ta biết ngài tràn đầy năng lượng khi ngài đi ra khỏi lề. Ngài đã ra khỏi lề rất nhiều lần ở Châu Á – trong cuộc họp báo trên máy bay từ Singapore về Rôma, ngài khuyên người công giáo Mỹ nên bỏ phiếu cho người mà họ nghĩ “ít tệ hơn” .

Nước đầu tiên ngài đến là Indonesia, đất nước tế nhị nhất trong chuyến đi vì đây là đất nước có dân số hồi giáo lớn nhất thế giới. Vatican sẽ không muốn nói hoặc làm bất cứ điều gì có thể tạo khó chịu. Ngay khi gặp Tổng thống Joko Widodo, ngài hăng hái, ca ngợi tỷ lệ sinh tương đối cao của Indonesia và lấy làm tiếc ở phương Tây, có một số người “thích nuôi chó nuôi mèo hơn”.

Ngài thường xuyên lưu ý ở Ý, đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Với chuyến đi được các phương tiện truyền thông loan tin rộng rãi, những chỉ trích của ngài được chú ý thêm. Ngay lập tức, các nhà bình luận Mỹ cho rằng ngài dự vào cuộc tranh luận của “những phụ nữ không con nuôi mèo” đang làm giao động chính trường Hoa Kỳ, không có dấu hiệu nào cho thấy ngài nghĩ đến ông JD Vance.

Trong khoảnh khắc tế nhị nhất ở nhà thờ hồi giáo Jakarta lớn nhất Đông Nam Á, ngài bỏ nghi thức sang một bên, hôn tay giáo sĩ Nasaruddin Umar và đưa lên má để tỏ lòng biết ơn.

Ở Papua Tân Ghinê, Đức Phanxicô phấn khích khi ngài đến Vanimo nơi chỉ có 11.000 người dân xa xôi trong rừng rậm, ở đây ngài khó có thể đến được vì phi trường Vanimo không có thang đưa xe lăn lên xuống máy bay, việc đem theo thang là điều không thể.

Và ngài nhất quyết đi Vanimo, cuối cùng xe lăn của ngài cũng leo được “dốc” máy bay chở hàng C-130 không lực Úc dành cho ngài, chở theo hàng tấn thuốc men và các vật dụng khác.

Dù có các lo ngại đáng kể về mặt an ninh khi đến một khu vực bị các tranh chấp giữa các bộ lạc làm chia rẽ, Đức Phanxicô rất phấn khởi khi ngài vào rừng rậm, ngài cảm thấy thoải mái. Có hàng chục linh mục và nữ tu truyền giáo người Argentina đã sống ở Vanimo với cộng đồng địa phương trong nhiều năm, họ mời ngài đến thăm. Họ trang trí sân khấu đơn giản trước nhà thờ bằng tượng Đức Mẹ Lujan thân thiết của Argentina được Đức Phanxicô đặc biệt kính mến, ngoài ra ngài còn được uống trà Argentina ở đây.

Ở Đông Timor, ngài đã phải nói về vấn đề có lẽ nhạy cảm nhất làm lu mờ chuyến thăm: trường hợp Giám mục Carlos Ximenes Belo, người anh hùng dân tộc được kính trọng, được Giải Nobel Hòa bình cho chiến dịch giành độc lập bất bạo động. Vatican cho biết năm 2022 đã trừng phạt Belo, hiện đang sống ở Bồ Đào Nha, vì đã lạm dụng tình dục các bé trai và ra lệnh cho ông không được liên lạc với Đông Timor.

Đức Phanxicô không nhắc đến tên Belo và không gặp các nạn nhân của Belo, nhưng ngài tái khẳng định nhu cầu bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng. Trong chuyến đi, không có bài phát biểu chính thức nào nhắc đến tên giám mục Belo, nhưng cuộc đấu tranh giành độc lập của Đông Timor được nhắc đến nhiều lần.

Tại Singapore, điểm dừng chân cuối cùng, một lần nữa, Đức Phanxicô bỏ qua bài phát biểu khi gặp các thanh niên Singapore sáng thứ sáu 6 tháng 9.

“Đó là bài phát biểu tôi đã chuẩn bị”, ngài chỉ tay vào bài phát biểu, sau đó ngài bắt đầu cuộc tranh luận tự phát với các bạn trẻ về nhu cầu phải có can đảm, phải chấp nhận rủi ro. Ngài hỏi họ: “Điều gì tệ hơn, mắc lỗi vì đi theo một con đường nhất định, hay không có lỗi vì ở nhà?”.

Ngài trả lời câu hỏi với câu trả lời có thể giải thích cho quyết định mạo hiểm của chính ngài khi ngài đi chuyến đi Châu Á này: “Một người trẻ không dám mạo hiểm, sợ mắc sai lầm, là một ông già. cha hy vọng các con sẽ tiến về phía trước. Xin các con đừng quay lại. Đừng quay lại. xin các con chấp nhận rủi ro”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hình ảnh Đức Phanxicô trong chuyến đi Châu Á từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9