Con Đường Vinh Quang
Chúa Nhật Lễ Lá, năm C : Lc 19, 28-40
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, các môn đệ đã công khai bày tỏ lòng tin tưởng và trung thành. Các ông lấy áo choàng phủ trên lưng lừa và đặt Ngài lên, còn dân chúng trải áo xuống đường đón rước Ngài đi qua. Cả đoàn môn đệ đều hô vang chúc tụng Ngài. Họ bạo dạn tôn vinh Thầy trước mặt những người biệt phái đang quyết liệt chống đối. Trước tình hình đó, những đối thủ xem ra tức tối, đòi Ngài quở trách các môn đệ, nhưng Ngài trả lời: “Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”. Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ của con người trước chân lý, nghĩa là không thể câm nín trước sự thật, trước những điều cao cả mà người ta cảm nhận từ chính trái tim mình.
Chúa Giêsu thường không muốn ồn ào, nhưng ở đây Ngài đã tán thành việc làm của các môn đệ, vì biến cố này biểu trưng một ý nghĩa sâu xa về sứ mạng của Ngài, và cũng đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Giacaria: “Nào thiếu nữ Xion…, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa…” (Dcr 9, 9). Các môn đệ có hiểu được ý nghĩa việc họ làm không? Hay chỉ là một cảm xúc bốc đồng, một phản ứng theo đám đông, mang tính cao trào trong phút chốc, nhưng sự chân thành của họ lại phù hợp với dự định của Thiên Chúa.
Chúng ta dễ làm chứng cho Chúa Giêsu trong cộng đoàn xứ đạo, vì nơi đây chẳng ai chống báng mình. Nhưng ít dám làm chứng cho Ngài nơi một môi trường khác biệt, và có khi còn thù nghịch với đạo giáo của mình. Trong hoàn cảnh khó khăn và bấp bênh mà đức tin vẫn được tỏ bày, mới nói lên một sức sống mạnh mẽ của Chúa ở trong ta. Có nhiều trường hợp chúng ta không được im lặng mà phải nói lên: nói lên để bênh vực một người đang bị đối xử bất công, nói lên để khích lệ một người đang âm thầm đóng góp cho xã hội, nói lên sự thật để đầy lùi những lời dối trá… Là ánh sáng cho trần gian, ta phải làm chứng cho Chúa giữa chợ đời, vì: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ Ta sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ta trên trời”.
Ađam đã đi tìm vinh quang bằng cách muốn được “ngang hàng với Thiên Chúa”. Nhiều người cũng đã tìm vinh quang bằng cách khẳng định về bản thân mình. Đức Giêsu không quy về mình, Ngài quy mọi sự về Thiên Chúa, nên Ngài sẵn sàng tự hạ, chọn con đường thấp nhất là đường thập giá. Đó là con đường mà chẳng ai muốn chọn, vì là đường đau thương và tủi nhục, nhưng Ngài đã chọn vì là cách tỏ bày tình yêu sâu thẳm nhất của Thiên Chúa đối với con người. Vì thế, Ngài không đến với quyền lực và binh mã hùng hậu để giương oai thống trị, nhưng Ngài đến trong cô đơn âm thầm để sống thân phận con người và hiến mạng vì con người, để làm giá chuộc cho nhiều người. Đó mới là con đường đưa đến vinh quang thật, không phải thứ vinh quang giả tạo được bao phủ bởi thanh thế hay lớp áo hào nhoáng bên ngoài.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta lại được nghe Bài Thương khó. Chúng ta thấy sự hèn nhát của các môn đệ; thấy lòng dạ xấu xa của những nhà lãnh đạo Do Thái; thấy sự tàn bạo của binh lính… Mọi tình tiết trong sự thương khó của Chúa Giêsu đều liên hệ với mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Cần nhìn lại đời sống mình qua từng nhân vật trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Trong thinh lặng, chúng ta bước theo chân Ngài trong từng nỗi khổ nhục mà Ngài phải chịu vì lòng dạ bạc ác của con người chúng ta. Chúng ta vẫn còn hành hạ Ngài khi chúng ta tiếp tục đối xử bất công với nhau, khi chưa dám sống cho nhau, khi chưa dám nói lên tiếng nói của sự thật.
Nhìn bên ngoài, coi như Chúa Giêsu đã thất bại, nhưng sự thật lại là một chiến thắng: chiến thắng của sự thiện trên sự ác, của tình yêu trên hận thù, của ánh sáng trên bóng tối, của sự sống trên sự chết. Trong cuộc thương khó, lòng Ngài chẳng có bức bách nào khác ngoài tình yêu: yêu Cha và yêu con người. Chính tình yêu Con Thiên Chúa làm cho đau khổ có một ý nghĩa nhiệm mầu và có một giá trị cứu chuộc. Vinh quang chính là tình yêu được tỏa sáng trong toàn thể đời sống của một con người. Đó cũng là dự định của Thiên Chúa trên cuộc đời của mỗi người chúng ta hôm nay và mãi mãi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Ngày nay người ta bày ra mọi thứ vui chơi,
tránh khơi lên những buồn sầu thống khổ,
để đau thương không còn chỗ trong đời.
Nhưng chẳng ai thoát khỏi những khổ đau,
bởi thân phận con người là như thế,
và cuộc sống nhân trần như bến mê,
phải tìm đường ngay nẻo chính để đi về.
Nhưng khổ đau là một điều sâu nhiệm,
và phúc cho ai nếu đã từng trải nghiệm,
để nhìn khổ đau như một điều cần thiết,
chứ không như sự dữ phải loại trừ.
Đau khổ có thể làm con giác ngộ,
khám phá ra con người và Thiên Chúa,
một con người mỏng manh và yếu đuối,
và Thiên Chúa là nguồn suối của tình yêu.
Chúa đã cứu chuộc bằng đau khổ,
cho con thấy sức mạnh của tình yêu,
có thể gánh chịu muôn vàn nỗi,
để đánh đổi cho đời sự sống đẹp tươi.
Xin cho con đừng loại trừ đau khổ,
không tránh né để tìm chỗ yên thân,
nhưng giúp con luôn sẵn sàng tiếp nhận,
để đời con được thông phần với Chúa.
Như cây kia sau nắng hạ mưa dầm,
sau ngày tháng âm thầm trong hoang dại,
cũng tới lúc cành đâm bông kết trái,
cho con người mùa gặt hái bội thu.
Xin cho cây đời con cũng thế,
chẳng sợ gì khi mưa gió tràn về,
vì tin Chúa vẫn yêu con nhiều vô kể,
để con vui đón lấy mọi đau thương,
dám vượt trên những lối sống tầm thường,
về tới bến thiên đường con mong ước. Amen.
Lm. Thái Nguyên