Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Sứ Điệp Của Mátthêu

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

SỨ ĐIỆP CỦA MÁTTHÊU

 Donald Senior, CP

Sau khi đọc kỹ trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu, đã đến lúc chúng ta cần ghi nhớ sứ điệp của Mátthêu. Cuộc Khổ Nạn thực hiện việc diễn đạt cách hùng hồn và kịch tính một số chủ đề căn bản nhất của Tin Mừng Mátthêu. Như chúng tôi đã lưu ý ở một số điểm trong nghiên cứu của mình, tường thuật Cuộc Khổ Nạn mời độc giả Kitô tham gia vào thảm kịch – suy tư về trải nghiệm của Chúa Kitô chịu đau khổ, bước đi theo dấu chân của những nhân vật khác nhau (cả tốt và xấu), và thăm dò phản ứng của bản thân đối với cuộc khủng hoảng về đau khổ và cái chết. Ở mọi góc độ, thần học phong phú về trình thuật Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu cung cấp cho người đọc những gợi mở để đo lường mức độ sâu sắc của ơn gọi môn đệ của họ.

  1. Cuộc Khổ Nạn và những Mô tả của Mátthêu về Chúa Giêsu

Nhân vật chính của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn dĩ nhiên là Chúa Giêsu. Một mình Người chịu đau khổ và chịu chết, và xung quanh lời nói và hành động của Người toàn bộ thảm kịch diễn ra. Do đó, quan điểm của Mátthêu về căn bản là Kitô học. Ý nghĩa của sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu được nhìn qua lăng kính của những xác tín của Mátthêu về căn tính tối thượng của Chúa Giêsu. Chiều sâu của những xác tín đó khiến Mátthêu trình bày một bức chân dung về Chúa Giêsu dường như có một thần học “cao hơn” so với của Marcô. Trong lời tường thuật của Mátthêu, Chúa Giêsu báo trước rõ ràng về số phận của mình và thậm chí còn đứng ở trung tâm của mỗi cảnh. Thay vì mô tả đây là một nền Kitô học “cao hơn” so với của Marcô hoặc Luca – do đó cũng ngụ ý rằng Tin Mừng Mátthêu ở một khía cạnh nào đó tiến xa hơn hoặc phát triển hơn so với các sách Nhất Lãm khác. Có thể thích hợp hơn nếu nói rằng mô tả của Mátthêu chỉ khác về lối diễn đạt so với của Marcô. Mỗi Tin Mừng trình bày Chúa Giêsu dưới góc độ của niềm tin phục sinh trọn vẹn.

Chúng ta có thể tóm tắt một số điểm đặc trưng của Mátthêu về Chúa Giêsu trong những câu sau đây.

Chúa Giêsu là người Con ngoan của Thiên Chúa, đã hoàn tất Lời Kinh Thánh và trung thành với ý muốn của Thiên Chúa cho đến chết.

Ở cấp độ nền tảng nhất, câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu là một câu chuyện về lòng trung thành. Như chúng ta đã lưu ý trước đó, Mátthêu miêu tả một Chúa Giêsu cam kết quyết liệt vì sứ vụ “thực hiện trọn đức công chính” (3,15). Bất chấp những cám dỗ của Satan (4,1-11) hay sự thù địch lạnh lùng của những kẻ chống đối hay sự do dự của các môn đệ, Chúa Giêsu của Mátthêu đã vượt qua sứ vụ của mình với sự dấn thân vững vàng cho con đường đức công chính.

Con đường hành hạ của Cuộc Khổ Nạn cũng không ngoại lệ. Trong khi các đối thủ âm mưu chống lại Người, Chúa Giêsu khẳng định sự cam kết của Người cho đến chết (26,1-5). Khi lễ Vượt Qua đến, Chúa Giêsu công bố thời điểm thích hợp của Người, kairos của Người đã đến (26,18), lúc mà đức vâng lời của Người sẽ được thử thách. Qua tấm bánh và cái chén, Người tái khẳng định tinh thần của toàn bộ sứ mệnh của mình: hi sinh thân mình và máu huyết để phục vụ Nước Trời (26,26-29). Trong khi các môn đệ ngủ say, Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần cho ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện (26, 36-46). Vào lúc bị bắt, Chúa Giêsu từ chối bạo lực và nói với những kẻ bắt giữ Người rằng Kinh Thánh phải được ứng nghiệm (26,47-56).

Các cảnh xét xử tiếp tục mạch câu chuyện. Trái ngược với Phêrô từ chối vai trò làm môn đệ của mình, Chúa Giêsu đứng trước Tòa Công Nghị thù địch và không sợ hãi tuyên bố vai trò của Người là Đấng Kitô và Con Thiên Chúa (26,57-75). Và trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đứng im lặng và không khoan nhượng khi Người bị chính dân mình khước từ và số phận của Người bị đóng ấn trong cái chết (27,11-26).

Mátthêu rõ ràng muốn làm cho vấn đề “trung tín” này trở thành một mô-típ chính của những cảnh cuối của Cuộc Khổ Nạn. Khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu một lần nữa bị “cám dỗ” bởi một đoàn người chế nhạo: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá…” (27,40). “Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Ngài cứu hắn đi, nếu quả thật Ngài thương hắn! Vì hắn đã nói: ‘Ta là Con Thiên Chúa’” (27,43). Nhưng cũng giống như Chúa Giêsu đã từ chối những nỗ lực của Satan nhằm gạt Người ra khỏi con đường trung thành, thì sự quyết tâm lặng thinh của Chúa Giêsu đối với thập giá đã lật lại những lời chế nhạo của những kẻ chống đối Người. Lời cầu nguyện trên môi của Chúa Giêsu lúc sắp chết là Thánh vịnh 22, lời cầu nguyện tuyệt vời của Đấng Công Chính của Israel, người kiên trì giữ vững lòng tin cậy nơi Đức Chúa bất chấp sự tấn công của đối thủ. Chúa Giêsu của Mátthêu chết trong đau khổ nhưng trung thành với Thần Khí mà Người đã sống: sự sống trào dâng cuối cùng trong cơ thể tan nát của Người là một hành động vâng phục (27,50).

Cách trình bày của Mátthêu không chỉ nhằm mục đích đưa ra một ví dụ thuyết phục về sự trung tín mà là một phần của bức tranh lớn hơn truyền tải căn tính duy nhất của Chúa Giêsu. Sự trung thành của Chúa Giêsu ghi dấu Người là một người Israel, vẫn trung tín với Thiên Chúa khi mà chính dân Israel đã dao động. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng Messia vương giả, Đấng thân mật với Thiên Chúa và hoàn toàn tương xứng với ý muốn của Thiên Chúa, một lòng trung thành vượt trội hơn hẳn mối quan hệ giữa Thiên Chúa và bất kỳ vị vua nào của Israel. Chúa Giêsu là Đấng Công Chính, kết hợp như Con với Cha trong một sự thân mật và bền bỉ vượt xa mọi biểu hiện trước đây của lòng đạo đức. Như vậy, Chúa Giêsu là “sự hoàn thành” giấc mơ của chính dân Israel được nói đến trong Kinh Thánh. Mátthêu tô sáng toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu bằng tông màu của sự ứng nghiệm kinh thánh, không phải theo nghĩa máy móc chỉ đơn giản cho thấy sự tương ứng giữa các văn bản của Kinh Thánh và các chi tiết về cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng như một cách tuyên bố rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Chuộc được khao khát của Israel và là sự thể hiện cuối cùng ý muốn của Thiên Chúa dành cho dân Ngài.

Bằng chứng về lòng trung thành của Chúa Giêsu và sự thể hiện cuối cùng về sự vâng phục ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Cuộc Khổ Nạn. Tin Mừng không miêu tả sự dấn thân của Chúa Giêsu vào cái chết như một cuộc tìm kiếm cuồng tín cho hành động tử đạo hoặc một sự say mê bệnh hoạn về đau khổ và cái chết. Khi câu chuyện mở ra, điều này trở nên rõ ràng rằng nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu là sự thù địch của những kẻ chống đối Người, sự thù địch được tạo ra bởi giáo huấn và sự chữa lành của chính Chúa Giêsu. Cuối cùng, Chúa Giêsu bị xử tử. Tuy nhiên, đồng thời, Tin Mừng cũng trình bày cái chết của Chúa Giêsu là không thể tránh khỏi, được thấy trước và được đón nhận. Trong khi lực lượng con người vận dụng để dập tắt sự sống của Chúa Giêsu, thì ở một mức độ khác, cái chết được thấm nhập vào kế hoạch cứu chuộc mầu nhiệm của Thiên Chúa và biến thành một sức mạnh ban sự sống. Chính ở mức độ này, Tin Mừng miêu tả Chúa Giêsu là Con Người quyết tâm đi lên Giêrusalem và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (ví dụ, xin xem 20,17-19, 28). Đối với Chúa Giêsu của Mátthêu, việc chấp nhận cái chết trở thành sự đón nhận ý muốn của Thiên Chúa để cứu nhân loại.

Lòng trung tín của Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn chứng tỏ rằng mọi chất liệu trong hiện hữu của Người đều hòa hợp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu của Mátthêu thực sự đã đến “không phải để hủy bỏ lề luật và các tiên tri nhưng để kiện toàn” (5,17); Người cam kết “giữ trọn đức công chính”. Sự trung thành độc nhất như vậy cuối cùng bắt nguồn từ chính căn tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng mặc khải duy nhất về Thiên Chúa cho Isarel và cho thế giới.

Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Tôi Trung của Thiên Chúa, sứ mệnh cứu chuộc của Người đã được thể hiện cuối cùng trên thập giá, là sứ mệnh giải thoát dân Chúa khỏi tội lỗi và sự chết.

 

Đối với Mátthêu, cái chết của Chúa Giêsu không chỉ là sự mặc khải cuối cùng về căn tính của Người mà còn là sự thể hiện mạnh mẽ nhất sứ mệnh cứu chuộc của Người.

Cái chết của Chúa Giêsu có tác dụng giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết được trình bày một cách mạnh mẽ trong câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu. Các từ ngữ diễn giải về bánh và rượu trong bữa ăn lễ Vượt Qua cuối cùng khẳng định mạnh mẽ điều này. Máu của Chúa Giêsu phải được “đổ ra cho nhiều người để tha tội” (x. 26,28). Trên thập giá, Chúa Giêsu của Mátthêu bị chế giễu vì đã “cứu người khác” nhưng không thể tự cứu mình (27,42). Nhưng những hiện tượng sấm sét xảy ra sau cái chết của Chúa Giêsu đi ngược lại sự nhạo báng đó. Các dấu hiệu về không gian chứng tỏ rằng thực sự Chúa Giêsu trong cái chết đã cứu người khác: trái đất bị chấn động, các ngôi mộ bật tung và những người an nghỉ trong sự chết sống lại cuộc sống mới (27,51-53). Không có Tin Mừng nào khác trình bày tác động cứu độ của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu bằng những thuật ngữ rõ ràng như vậy. Qua cái chết vâng phục của mình Chúa Giêsu chiến thắng sự chết, và bước đột phá đó được mở rộng cho tất cả dân Thiên Chúa. Các vị thánh sống lại từ giấc ngủ chết chóc là thế hệ đầu tiên của những người được ban cho sự sống mới nhân danh Chúa Giêsu.

Như chúng ta đã theo dõi trong Phần Một, sự nhấn mạnh về ơn cứu rỗi này có mặt ngay từ giây phút đầu tiên trong câu chuyện của Mátthêu. Mátthêu xác định rõ ràng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con vua Đavít, Đấng sẽ đáp lại những khao khát về ơn cứu rỗi của Israel. [1] Chính cái tên được đặt cho Đấng Messia Hài Nhi mang ý nghĩa cứu độ: Người được gọi là Giêsu “vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (1,22). Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình ở Galilê, một trích dẫn từ Isaia (9,1-2) nhấn mạnh ý nghĩa cứu chuộc đó: “…Đoàn dân đang ngồi trong bóng tối đã thấy một ánh sáng huy hoàng, và những người đang ngồi trong vùng và bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu dọi” (4,16). Sứ vụ giảng dạy và chữa lành nhiệt thành bao trùm các chương từ 5 đến 15 của Tin Mừng minh họa việc đánh bại “cái chết” dưới nhiều hình thức khi Chúa Giêsu của Mátthêu mang lại sự sống cho những người đang chìm trong bóng tối. Khi Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu có phải là “Đấng phải đến” (11, 3) hay không, ông được nhắc nhở về “những việc làm của Chúa Kitô”: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (11,2-6).

Sứ vụ giải phóng đó đã thúc đẩy Mátthêu trình bày Chúa Giêsu như Đấng ứng nghiệm những lời của Isaia liên quan đến người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng “đã mang lấy tật nguyền và gánh lấy các bệnh tật của chúng ta” (8,17, trích dẫn Is 53,4). Sau một đợt hoạt động chữa lành khác, Mátthêu lại áp dụng hình ảnh người Tôi Trung cho Chúa Giêsu, lần này nhấn mạnh sự khiêm nhường và hiền hậu của Người khi Người “rao truyền công lý cho dân ngoại” (12,18-21, trích dẫn Is 42,1-4). Chúa Giêsu người Tôi Trung cũng là “Con Người” đến “không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (20,28). Mặc dù được thể hiện một cách tinh tế, Mátthêu miêu tả Chúa Giêsu là người Tôi Trung này trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn khi Người đứng im lặng trước những kẻ tố cáo (26,62-63; 27,12-14), bị tra tấn và chế giễu vì người ta gán cho Người những yêu sách về quyền lực (26,67-68; 27,27-31).

Do đó, Mátthêu trình bày cái chết của Chúa Giêsu trên đồi Gôlgôtha không phải là một biến cố bất thường bi thảm mà là sự thể hiện cuối cùng và dứt khoát của một cuộc sống đổ đầy ra trong giáo huấn, chữa lành và liên đới với những người phận nhỏ. Cái chết của Chúa Giêsu là ơn cứu chuộc bởi vì toàn bộ cuộc đời và sứ mệnh của Người là cứu chuộc.

Bức chân dung này về Chúa Giêsu và sứ mệnh của Người không chỉ tái khẳng định nền tảng niềm hy vọng của cộng đồng như là một dân tộc được cứu chuộc mà còn trình bày mô hình cuối cùng của tất cả sứ mệnh Kitô giáo. Người theo Chúa Giêsu là bước theo Người trên “con đường công chính”, tìm sự sống trong chính việc trao ban sự sống.

Chúa Giêsu là Con Người đi trên con đường khiêm hạ và sự chết nhưng sẽ ngự đến trong chiến thắng vào cuối thời gian

Trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu đã mở đầu bằng việc Chúa Giêsu báo trước rằng “Con Người sẽ bị đóng đinh vào thập giá” (26,2). Việc ám chỉ đến sự sỉ nhục của “Con Người” gắn liền với câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn, một sợi chỉ đã được đan dệt xuyên suốt phần lớn Tin Mừng. Con Người, Đấng sẽ đến trong vinh quang vào cuối thời gian để phán xét toàn thể nhân loại, trước hết sẽ phải trải qua sự sỉ nhục, thất bại và cái chết. [2] Cuộc Khổ Nạn dàn trải ra với những hiện thực tàn bạo cho thấy “sự thất bại” của Con Người. Người bị môn đệ phản bội và chạy trốn (xem cách sử dụng rõ ràng của tiêu đề trong 26,24, 45), bị giao nộp  cho kẻ thù của mình và chết trong sự cô đơn: những sự kiện được báo trước một cách rõ ràng trong lời tiên báo của Chúa Giêsu về số phận của Con Người.

Nghịch lý thay, câu chuyện Cuộc Khổ Nạn cũng là khởi đầu cho chiến thắng của Con Người. Đứng như một tù nhân không có khả năng tự vệ trước Tòa Công Nghị, Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố điều đó với Caiapha, vị thượng tế: “Nhưng tôi nói cho các ông hay: các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Quyền Năng và ngự giá mây trời mà đến” (26,64). Lời khẳng định đó dường như trống rỗng đối với những người chống đối Chúa Giêsu trong câu chuyện Cuộc Khổ Nạn. Sau đó Người bị chế giễu, kết án và hành quyết. Nhưng độc giả Kitô hữu thường xuyên nhận thấy sự mỉa mai sâu sắc trong câu chuyện. Lời tuyên bố chiến thắng của Chúa Giêsu được chứng thực trong chính cách Người hấp hối. Qua cái chết, Người tìm thấy sự sống, khẳng định lời dạy của chính mình cho các môn đệ: “Vì ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất…” (16,25).

Minh chứng về cuộc sống mới đó hiện rõ qua cách Mátthêu miêu tả những sự kiện ngay sau cái chết của Chúa Giêsu. Quyền năng Thiên Chúa xé toạc bức màn của Đền Thờ, làm rung chuyển mặt đất và giải thoát những người bị cầm giữ trong các ngôi mộ (27,51-53). Khi những người phụ nữ đến mộ, họ lại gặp phải sự rung chuyển của trái đất và một Thiên thần của Chúa xuất hiện rực rỡ để lăn tảng đá ra và công bố chiến thắng của Con Người trên sự chết (28,1-7). Tất cả những điều này là những dấu hiệu được mong đợi vào thời kỳ cuối cùng nhưng chúng xảy ra bây giờ trong bối cảnh của sự sỉ nhục và cái chết của Chúa Giêsu để cho thấy rằng đây là một cái chết vô tiền khoáng hậu. Đó là cái chết và cuộc trỗi dậy của Con Người chiến thắng. Cảnh cuối cùng của Tin Mừng trình bày sự xuất hiện của Con Người, được đầy quyền năng, khi Người sai phái cộng đoàn thực hiện sứ mệnh của mình (28,16-20).

Tông màu u ám của câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn và sự phản đối tiếp tục đối với Chúa Giêsu bên ngoài ngôi mộ (x. 27,62-66; 28,11-15) diễn tả tính chất nghịch lý của cuộc chiến thắng của Con Người. Những gì có vẻ như yếu đuối và thất bại từ góc độ thuần túy con người được nhìn nhận là sức mạnh đích thực từ góc độ đức tin. [3] Sự xung đột về quan điểm này diễn ra xuyên suốt Cuộc Khổ Nạn, nhưng nó đạt đến lời tỏ bày rõ ràng nhất khi Chúa Giêsu bị Tòa Công Nghị (26,67-68), quân lính La Mã (27,27-32) và những người hiện diện tại Gôlgôtha ​​chế giễu (27,38-44). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu có thẩm quyền thiêng liêng là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Con Người, hoặc như vị Tiên tri đã bị chế giễu. Nhưng độc giả hiểu rằng cuối cùng không phải Chúa Giêsu mà là các đối thủ của Người và các giá trị của họ đang bị xét xử. Các dấu hiệu quyền lực – áo choàng hoàng đế, vương miện, vương trượng, các hành động tôn kính – có nghĩa là để chế giễu Chúa Giêsu lại trở thành giễu cợt, bởi vì Tin Mừng cho thấy rằng sự vĩ đại đích thực không được tìm thấy trong những biểu tượng của quyền lực áp bức mà ở cách thế tự siêu việt và phục vụ, là con đường của Con Người (ví dụ, xin xem 20,25-28). Quyền lực của những kẻ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ chết – Tòa Công Nghị, người La Mã – bị coi như phá sản, ngay cả khi họ chế nhạo Chúa Giêsu hãy xuống khỏi thập giá. Người đọc biết rằng thập giá đó sẽ được sử dụng để tỏ lộ chính quyền năng của Thiên Chúa trên sự chết.

Vì vậy, một trong những mô-típ sâu sắc và thách thức nhất của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn là tuyên bố của nó về việc thực thi quyền năng. Quyền lực được sử dụng để bóc lột và áp bức thì cuối cùng bị vạch trần là bất lực. Quyền năng đến từ việc trao ban sự sống là quyền năng của Thiên Chúa và đích thực là quyền năng cứu chuộc.

Trong cơn khủng hoảng của đau khổ và cái chết, Chúa Giêsu là gương mẫu của đức tin đích thực

Một trong những mô-típ được lặp đi lặp lại trong Tin Mừng Mátthêu là đòi hỏi về tính toàn vẹn. Tư cách môn đệ đích thực được thể hiện bằng những hành động phù hợp với lời nói (x., ví dụ 7,21-28; 20,28-32, v.v.). “Sự giả hình”, một tội nặng thường được nói đến trong Tin Mừng này, chính là việc không thực hiện những gì người ta tin hoặc giảng dạy (xem 23,2-7). Chúa Giêsu được Mátthêu trình bày như một gương mẫu tột cùng về lòng trung thành thực sự hay “đức công chính”. Điều đó đặc biệt đúng trong Cuộc Khổ Nạn nơi mà cuộc thử thách gắt gao về đau khổ và cái chết trở thành phép thử cuối cùng cho những giá trị sâu sắc nhất của một người.

Xuyên suốt phần tường thuật, chúng ta đã ghi nhận những nơi mà Mátthêu đã đưa vào những khung cảnh làm vọng lên những lời giáo huấn trước đó của Chúa Giêsu. Vì vậy, tại khu vườn khi giờ khủng hoảng của mình đến gần, Chúa Giêsu tỉnh thức, quan sát sự xuất hiện của kairos và cầu nguyện bằng những lời giống với lời giảng của chính Người về việc cầu nguyện trong Bài giảng trên Núi (x. 26,39, 42 và 6,9-13) và trong bài diễn từ về thời cánh chung (24,42-44). Vào lúc bị bắt (26,52-54) Chúa Giêsu từ chối sử dụng vũ khí để bảo vệ và kiềm chế các môn đệ gây bạo lực giống như Người đã dạy trong Bài giảng trên Núi (5,38-42,43-48). Đức tin và lòng can đảm của Người trong suốt các cuộc thẩm vấn và tra tấn do Tòa Công Nghị và Philatô gây ra đã thể hiện thái độ mà Chúa Giêsu khuyến giục các môn đệ khi Người sai họ ra đi thực hiện sứ mệnh đức công chính (10,16-20). Khi nhìn thẳng vào cái chết (27,45-50), Chúa Giêsu đặt toàn bộ con người mình trong tay Thiên Chúa của Người, và cầu nguyện bài thánh vịnh thể hiện cuối cùng lòng tin cậy vô điều kiện, là đặc điểm của Chúa Giêsu ngay từ giây phút đầu tiên của sứ vụ công khai của Người.

Do đó, Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu là bức chân dung đích thực của Kitô hữu trước mầu nhiệm sự chết. Cái chết lao vào cuộc sống của Chúa Giêsu ngay từ đầu trong Tin Mừng khi chính Người trải qua “sự bách hại vì sống công chính” mà Người đã cảnh báo sẽ là số phận của những người công bố quyền cai quản của Thiên Chúa (5,10-11). Và khi sự bách hại đó lên đến nỗi kinh hoàng vì bị bắt và chịu chết, thì đức tin của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa được thử thách một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu vẫn là người tin Chúa, vẫn là con của Thiên Chúa trước bóng ma của cái chết. Mátthêu không miêu tả cuộc gặp gỡ trực diện đó theo những ngôn từ lý tưởng. Lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện đau khổ và gần như tuyệt vọng như bị bao phủ trong mạng lưới chết chóc mà Người hầu như cảm thấy Thiên Chúa vắng mặt. Tất cả các sự hỗ trợ khác và tất cả các mối quan hệ dường như bị tước bỏ; chỉ còn lại cái bám chặt tay vào lòng trung thành của Thiên Chúa khi Chúa Giêsu chết với lời than thở đau khổ trong Thánh vịnh 22, lời cầu nguyện của người tin cậy, trên môi Người. Hình ảnh hiện thực trong chân dung của Mátthêu cho phép Kitô hữu ở mọi lứa tuổi nhận ra cuộc đấu tranh của chính họ với thân phận phải chết và cái chết. Cái chết theo Kitô giáo không cần phải nhẹ nhàng và giống như một câu chuyện ngụ ngôn mới là Kitô hữu đích thực. Âm thanh nghẹn ngào của tiếng than thở là tiếng vọng của mối quan hệ thực sự với Thiên Chúa. Trong chính nỗ lực cậy trông, đức tin chân chính có thể được thể hiện. Nỗi đau khổ của cái chết tự nó có thể là một lời cầu nguyện đối với một người con của Thiên Chúa.

Tất nhiên, lời cuối cùng của Tin Mừng là lòng tin cậy đó không phải là vô ích. Mối quan hệ với Thiên Chúa mà mọi hy vọng của Chúa Giêsu dựa trên đó không phải là hão huyền. Nhờ chính lòng cậy trông đó, công trình của Chúa Giêsu đã được minh oan, và thân xác cũng như  thần trí của chính Người đã được ban cho sự sống mới, một định mệnh cũng được ban cho tất cả những ai đi theo con đường đức công chính.

  1. Khủng hoảng Cuộc Khổ Nạn và sự đáp trả Tin Mừng

Tính cách con người thường được tỏ lộ rõ ràng trong đấu trường của đau khổ và cái chết. Khủng hoảng có thể là cơ sở cho thấy các giá trị mà các lựa chọn được thực hiện thực sự. Sức mạnh kịch tính của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn chắc chắn minh họa điều này. Điểm mạnh hay điểm yếu chỉ tiềm ẩn hoặc hầu như không trồi lên bề mặt trong các phần trước của Tin Mừng lại bùng nổ trong thực tế căng thẳng của Cuộc Khổ Nạn. Chắc chắn, đây là một phần mục đích của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn như đã được công bố trong cộng đồng. Người đọc được mời chọn lấy những vị trí của riêng họ trong tấn thảm kịch và để xem họ sẽ phản ứng như thế nào trước những khoảnh khắc quyết định khi ân sủng của Thiên Chúa thấm nhập bất ngờ vào kết cấu của lịch sử nhân loại.

Cơn Khủng hoảng trong Cuộc Khổ Nạn tỏ lộ những môn đệ “kém đức tin”

Sự trình bày của Marcô về các môn đệ trong Cuộc Khổ Nạn được ghi nhận vì nó nhấn mạnh đến sự thất bại nặng nề của họ. [4] Lời tường thuật của Mátthêu gần như giống hệt. Chỉ có bối cảnh rộng hơn của Tin Mừng Mátthêu, trong đó các môn đệ được miêu tả là “kém đức tin”, trái ngược với Marcô nơi họ thường được cho biết là “không có đức tin”, có xu hướng làm giảm đi mô tả tiêu cực về các môn đệ trong Tin Mừng này.

Câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu cũng xiết mạnh sự thất bại nặng nề của các môn đệ. Trong những cảnh mở đầu trình thuật, chúng ta thấy tất cả đều phản đối người phụ nữ cố gắng xức dầu thơm cho Chúa Giêsu (26,8), [5] và một người trong số họ vì phản bội đã đến gặp các thượng tế để mặc cả cái giá của Chúa Giêsu (26,14-16). Lễ Vượt Qua cuối cùng bị bao trùm bởi những lời Chúa Giêsu tiên báo về sự phản bội của Giuđa, sự trốn chạy và phủ nhận của các môn đệ còn lại (26,20-25, 30-35). Tại vườn Ghếtsêmani, các môn đệ không “canh thức và cầu nguyện” như Chúa Giêsu yêu cầu mà ngủ say vào lúc khủng hoảng nhất (26,36-46) và do đó tỏ ra thiếu chuẩn bị và hèn nhát khi kẻ thù của Chúa Giêsu đến bắt Người. Họ tỏ lộ sự phản bội ơn gọi của họ khi một trong số họ trả đũa bằng một thanh gươm – mâu thuẫn trực tiếp với lời dạy của Chúa Giêsu – và khi tất cả họ bỏ rơi Chúa Giêsu và chạy trốn trong hoảng sợ (26,47-56). Ông Phêrô theo sau từ xa nhưng sự dũng cảm hời hợt của ông nhanh chóng sụp đổ khi ông chối bỏ vai trò làm môn đệ bằng một lời thề đúng vào lúc Chúa Giêsu chịu xét xử trước Tòa Công Nghị (26,69-75).

Trong câu chuyện của Mátthêu, cũng như trong câu chuyện của Marcô, tất cả những môn đệ được lựa chọn và giao phó sứ mệnh của mình một cách trọng thị đã từ bỏ Chúa Giêsu và phản bội tư cách môn đệ của họ trong cơn khủng hoảng của Cuộc Khổ Nạn. Mối quan tâm đặc biệt của Mátthêu đối với Giuđa thậm chí còn làm tăng thêm sự hèn hạ cho bức tranh này. Bất cứ khi nào Giuđa hiện lên, Mátthêu đều chú ý đến nhân vật vấp ngã trong ơn gọi làm môn đệ này. Theo lời của chính Giuđa, chúng ta nhận ra rằng ham muốn tiền bạc thúc đẩy sự phản bội của hắn (26,15). Một lần nữa, bằng những từ chỉ có trong Mátthêu, Giuđa dường như tự lên án mình bằng cách hỏi Chúa Giêsu trong bữa ăn tối: “Rabbi, chẳng lẽ con sao?” (26,25), là những lời hoàn toàn trái ngược với câu hỏi tôn kính và sợ hãi hơn của các môn đệ khác. Vào lúc Chúa Giêsu bị bắt, Giuđa lại nói với Người những lời chào hỏi và nụ hôn trái ngược hoàn toàn với hành động phản bội của hắn (26,50). Kết cục khủng khiếp là chính Giuđa tự sát khi sự liên minh với các đối thủ của Chúa Giêsu tỏ ra vô ích và hắn chọn cái chết thay vì ăn năn sám hối  (27,3-10).

Bức chân dung đầy ám ảnh của Mátthêu về Giuđa cho thấy hậu quả cuối cùng của việc phản bội lời kêu gọi đi theo Chúa Giêsu. Bội phản như vậy không chỉ dẫn đến sự lừa dối và bất lương mà còn dẫn đến cái chết của chính nó.

Tuy nhiên, giọng điệu mạnh mẽ trong suy tư của Mátthêu về sự thất bại của các môn đệ lại được giảm nhẹ trong khuôn khổ chung của Tin Mừng. Khi xem xét toàn bộ câu chuyện, chúng ta biết rằng mười một người không chọn cái chết mà chọn hòa giải với Chúa Giêsu và đổi mới ơn gọi làm môn đệ cũng như sứ mệnh của họ (28,16-20). Toàn bộ Tin Mừng chuẩn bị cho người đọc cả những thất bại của các môn đệ cũng như sự trung thành kiên quyết của họ. Một thuật ngữ ưa thích của Mátthêu thể hiện sự miêu tả pha trộn này về các môn đệ là “kém đức tin.” Các môn đệ trung thành theo Chúa Giêsu (4,22), được giao phó sứ mệnh của Người (10,1-8), chứng tỏ “sự hiểu biết” về giáo huấn của Người (13,11, 51-52; 16,12), và mạnh dạn tuyên xưng Người là “Con Thiên Chúa” (14,33). Nhưng trong cơn khủng hoảng, họ tỏ ra do dự và sợ hãi. Ông Phêrô thể hiện hình ảnh pha trộn này trong phiên bản Mátthêu về việc đi trên mặt nước. Người lãnh đạo các môn đệ có thể chia sẻ quyền năng thần linh của Chúa Giêsu trước sự hỗn loạn của biển cả nhưng lại trở nên “do dự” và “sợ hãi” khi cảm thấy sức mạnh của cơn bão. Chúa Giêsu gọi đây là “đức tin yếu kém” (x. 14,31).

Bằng chứng về hình ảnh “pha trộn” này có thể được tìm thấy ngay cả trong các sự kiện bi thảm của Cuộc Khổ Nạn. Ngoại trừ Giuđa, các môn đệ rõ ràng đứng về phía Chúa Giêsu – mối liên kết mà Mátthêu nhấn mạnh trong phần đầu của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn. Họ mau mắn chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua (26,17-19) và thực sự đau buồn trước những lời tiên báo của Chúa Giêsu về sự phản bội, và thưa với Người là “Chúa” (26,22). Và ngay cả khi Chúa Giêsu báo trước về sự vấp ngã của họ, Người cũng tuyên bố rằng trong chiến thắng phục sinh, Người sẽ đi trước họ đến Galilê, nơi mà vai trò môn đệ của họ sẽ được đổi mới (26,30-32). Ngay cả những lời từ chối kịch liệt của ông Phêrô cũng được làm dịu đi bởi những giọt nước mắt hối hận của ông (26,75, Mátthêu nói thêm rằng Phêrô khóc “thảm thiết”) và bởi sự tương phản hoàn toàn giữa số phận của ông và của Giuđa. Người đọc Mátthêu biết rằng người môn đệ thiếu sót này vừa là “tảng đá” mà Hội Thánh của Chúa Giêsu sẽ được xây dựng trên đó, vừa là “cớ vấp phạm” hoặc tảng đá cản trở Chúa Giêsu (16,18, 23 – cả hai đều là sự bổ sung của Mátthêu).

Cảnh kết thúc của Tin Mừng tái khẳng định sự mô tả chân thực này về các môn đệ. Ngay cả trong ánh sáng rực rỡ của sự phục sinh và vào thời điểm đỉnh cao khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra trước cộng đồng của Người, Mátthêu mô tả mười một người là “hoài nghi” (28,17). Con số “mười một” gợi lại thảm kịch về Giuđa, và sự do dự của các môn đệ nhắc nhở độc giả rằng “đức tin yếu kém” là tình trạng luôn diễn ra trong cuộc đời người Kitô hữu, nhất là khi phải đương đầu với sứ mệnh của mình trên thế giới.

Qua câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn, Mátthêu muốn nhắc nhở cộng đồng của mình rằng thực tế tàn khốc của sự bách hại, đau khổ và cái chết là những điều kiện mà tư cách môn đệ bị thử thách nghiêm trọng nhất, và nơi mà “đức tin yếu kém” và thái độ không tỉnh thức cầu nguyện không chỉ có thể dẫn đến khả năng hèn nhát và trốn chạy, mà còn thậm chí phá hủy mối liên kết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người.

Khủng hoảng của Cuộc Khổ Nạn cho thấy những môn đệ “không ngờ”, những người đáp trả với lòng quảng đại và can đảm.

Có một nhóm nhân vật khác trong trình thuật của Mátthêu xuất hiện như để hướng dẫn cộng đồng về ý nghĩa của việc làm môn đệ. Có những nhân vật phụ, thường có mặt trong một bối cảnh, có thể không mang danh hiệu rõ ràng là “môn đệ” hoặc “tông đồ” nhưng thực sự, đã thể hiện đặc điểm của những người theo Chúa Giêsu đích thực.

Người phụ nữ vô danh đã xức dầu thơm cho Chúa Giêsu tại Bêthania là một ví dụ điển hình (26,6-13). Hành động tôn kính của bà đối với Chúa Giêsu và ý thức của bà về cái chết đang đến gần của Người trái ngược hẳn với các môn đệ phản đối lòng rộng lượng của bà, mặc dù sự thật là Chúa Giêsu vừa nhắc nhở họ về cái chết của Người sắp xảy ra. Để bênh vực người phụ nữ, Chúa Giêsu gọi hành động của cô là “một việc nghĩa” (26,10) và báo trước nó sẽ trở thành một phần trong lời rao truyền của cộng đồng trên toàn thế giới (26,13).

Một người phụ nữ khác, vợ của Philatô, xuất hiện rất ngắn vào thảm kịch Cuộc Khổ Nạn nhưng thể hiện lòng sùng kính không ngờ đối với Chúa Giêsu (27,19). Bà đã được thầm báo trong một giấc chiêm bao về sự vô tội của Chúa Giêsu và, giống như ông Giuse trong câu chuyện thời thơ ấu, bà đã thực hiện theo giấc chiêm bao bằng cách khuyên ông Philatô đừng lên án “người công chính” đó. Những người lính hành quyết Chúa Giêsu và những người canh  giữ xác trên đồi Gôlgôtha ​​là một mẫu gương bất ngờ khác về vai trò làm môn đệ. Chứng kiến ​​những hiện tượng đáng sợ xảy ra vào thời điểm Chúa Giêsu chết, viên đại đội trưởng và những người đồng sự của ông rất sợ hãi đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (27,54). Bằng cách mở rộng số lượng từ một người lính duy nhất (x. Mc 15,39) đến nhiều người và khi sắp xếp họ với những phụ nữ trung thành cũng có mặt tại thập giá (27,55-56), Mátthêu dường như miêu tả những nhân chứng này như là nhóm tập hợp đầu tiên của cộng đồng khi Chúa Giêsu trỗi dậy chiến thắng cái chết. Sự pha trộn giữa người Do Thái và dân ngoại này là một hình ảnh báo trước của ekklesia được hình thành nhân danh Chúa Giêsu. Thực tại cốt yếu của Hội Thánh là tham gia vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Mátthêu dành sự quan tâm đặc biệt cho những người phụ nữ của cộng đồng mới này. Từ những người có mặt trên đồi Gôlgôtha, hai người – Maria Mađalêna và “Maria khác” (có lẽ là Maria mẹ của các con ông Dêbêđê được đề cập trong 27,56) – sẽ có mặt lúc mai táng (27,61) và trở thành những người đầu tiên phát hiện ra ngôi mộ trống (28,1). Sự lựa chọn hai người của Mátthêu có thể phản ánh sự nhấn mạnh vào hai nhân chứng cần thiết cho các vấn đề quan trọng theo truyền thống Do Thái. [6] Đây không phải chỉ là những bức tượng nhỏ trong khung cảnh. Thánh sử vẽ ra một đường thẳng từ sự hiện diện trung thành của các phụ nữ tại thập giá qua việc họ làm chứng cho việc mai táng và việc họ phát hiện ra ngôi mộ trống cho đến khi họ được ủy nhiệm là người đầu tiên loan báo về biến cố sống lại cho các môn đệ còn lại (28,7). Sự hiện diện trung thành của họ trái ngược hẳn không chỉ với sự vắng mặt của các môn đệ khác mà còn với sự hiện diện thù địch và lừa gạt của nhóm lính canh do những kẻ chống đối Chúa Giêsu sắp đặt (x. 27,62-66; 28,11-15). Tầm quan trọng của vai trò và sứ mệnh của phụ nữ được nhấn mạnh qua phần trình bày độc đáo của Mátthêu về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giêsu Phục Sinh (28,9-10). Trong Tin Mừng của Mátthêu, đây là lần hiện ra sau phục sinh đầu tiên và mục đích của nó là để chứng thực sứ mệnh được Thiên thần trao cho các phụ nữ tại ngôi mộ.

Do đó, theo tường thuật của Mátthêu, những người phụ nữ kiên trì vượt qua Cuộc Khổ Nạn là những người đầu tiên được giao phó sứ mệnh của cộng đồng và trở thành trung gian hòa giải giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và nhóm mười một người.

Một nhân vật cuối cùng trong nhóm “môn đệ kín đáo” là ông Giuse người Arimathê (27,57-61). Tư cách môn đệ của ông cũng được thể hiện bằng tình liên đới với Chúa Giêsu bị đóng đinh, trái ngược với sự bỏ mặc của các môn đệ khác. Việc ông Giuse là người “giàu sang” nhưng lại sẵn sàng dâng cúng tài sản của mình khi đồng hóa với một người mất uy tín công khai và bị xử tử, là một bài học rõ ràng cho các thành viên trong cộng đồng của Mátthêu.

Việc sử dụng các nhân vật phụ làm mẫu gương cho sự đáp trả đích thực đối với Tin Mừng, thường trái ngược với sự đáp trả thiếu sót hoặc thất bại của các nhân vật chính trong bối cảnh, là điều mà Mátthêu đã sử dụng trong suốt Tin Mừng của mình: sự tôn kính của các nhà chiêm tinh dân ngoại trái ngược với sự thù địch của vua Hêrôđê và triều đình Giêrusalem của ông ta (2,1-18), đức tin táo bạo của viên đại đội trưởng trái ngược với đức tin của dân Isarel (8,5-13), lòng kiên trì kêu xin của người phụ nữ Canaan muốn thâm nhập vào sứ mệnh của Chúa Giêsu trong khi những người Pharisêu tấn công Người về các điểm của lề luật (15,21-28; 15,1-20), sự cởi mở của những người bị ruồng bỏ và tội lỗi đối với Chúa Giêsu trái ngược với sự thù địch của những người lãnh đạo (11,11-16; 2,28-32). Đây là một số trường hợp mà Mátthêu sử dụng những “mẫu gương phản diện” này để nói về ý nghĩa của việc làm môn đệ.

Việc những mẫu gương này đến từ những nhóm người ngoài lề hơn hoặc bất ngờ hơn là một thủ thuật kịch tính hiệu quả, tự nó cũng công bố một khía cạnh sâu xa của Tin Mừng, một điều được Mátthêu nhấn mạnh: những người tự xưng là người trong cuộc có thể bỏ lỡ khoảnh khắc của ân sủng, trong khi những người bị gạt bỏ như người ngoài cuộc lại có khả năng cởi mở hơn với ân sủng? [7] Trong câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn, những tương phản như vậy được đẩy đến điểm xa nhất, những “người ngoài” thì vẫn trung thành còn các môn đệ được tuyển chọn của Chúa Giêsu, cùng với các đối thủ của Người, lại không đáp lại ân sủng.

Cuộc Khổ Nạn là đỉnh điểm của sự thù địch tột độ của các đối thủ đối với Chúa Giêsu và phơi bày bi kịch về sự thất bại của họ

Trong Phần Một, chúng ta đã lưu ý rằng Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh đến sự chống đối mà Chúa Giêsu và sứ điệp của Người gặp phải. Sự chống đối đó bắt đầu từ chính tin đồn về sự ra đời của Người, kéo dài suốt sứ vụ công khai, và lên đến đỉnh điểm trong Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Những người chống đối Chúa Giêsu nói chung là các nhà lãnh đạo Do Thái; trong sứ vụ công khai của Người, những người này thường được Mátthêu xếp vào nhóm “các kinh sư và người Pharisêu”, và trong bối cảnh tại Giêrusalem cũng như câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn, đó là “các thượng tế và kỳ mục”. [8] Trong câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn, các nhà lãnh đạo xoay sở để gia tăng mức độ phản đối. Họ thuyết phục “đám đông”, những người cho đến thời điểm này nói chung là trung lập và thường ủng hộ Chúa Giêsu, quay lưng lại với Người, và Philatô cũng trở thành công cụ miễn cưỡng cho ý muốn của họ. Vào thời điểm quyết định của việc kết án Chúa Giêsu, Mátthêu trình bày “toàn dân” bắt Chúa Giêsu chịu đóng đinh (27,25).

Bởi vì phần này của câu chuyện Cuộc Khổ Nạn đã bị lạm dụng quá nhiều cho mục đích bài Do Thái và cũng bởi vì nó chắc chắn là quan trọng đối với thánh sử, nên chúng ta phải cân nhắc ý nghĩa tổng thể của nó một cách cẩn thận. Như đã được gợi ý, sự đối nghịch với Chúa Giêsu có nhiều cấp độ ý nghĩa trong Tin Mừng này. Sự xa cách giữa Chúa Giêsu và những nhà lãnh đạo Do Thái có cơ sở trong lịch sử, không chỉ trong các cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và một số người cùng thời với Người, những người cho rằng sứ điệp của Người gây khó chịu, mà còn trong sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Kitô giáo sơ khai và Do Thái giáo Pharisêu vốn có ảnh hưởng đến Tin Mừng của Mátthêu.

Ngoài ra, những kẻ chống đối còn chiếm vị trí của họ trong số toàn bộ các nhân vật và sự kiện Tin Mừng vốn định hình sứ điệp của Mátthêu. Nghĩa là, họ có chức năng về tu từ hoặc văn chương, nhằm tác động đến sự hiểu biết của người đọc về sứ điệp Tin Mừng. Như vậy, các đối thủ nằm trong tiêu đề “việc đáp trả Tin Mừng” mà chúng ta đang xem xét.

Các nhà lãnh đạo Do Thái dường như có vai trò một chiều trong Mátthêu: họ là điển hình của những người tích cực đóng kín với Tin Mừng và do đó không đáp lại ân sủng mà Thiên Chúa ban. Câu chuyện Cuộc Khổ Nạn cho thấy cái kết cục bi thảm của một thái độ sống đóng kín như vậy. Trong cảnh mở đầu, các nhà lãnh đạo được trình bày như thực hiện âm mưu bí mật chống lại cuộc sống của Chúa Giêsu, dẫn đến sự thù địch càng ngày càng gia tăng đối với Người ngay từ đầu Tin Mừng (26,3-5). Họ mặc cả với Giuđa là kẻ phản bội (26,14-16) và là tác nhân khiến Chúa Giêsu bị bắt (26,47). Sau này Mátthêu cho thấy rằng ngay cả liên minh của họ với Giuđa cũng trở nên chua chát khi các nhà lãnh đạo lạnh lùng bác bỏ nỗ lực hoàn lại tiền của hắn (27,3-10). Cuối cùng, khi đã đặt Chúa Giêsu trong sự kiểm soát của họ, họ tìm nhân chứng giả chống lại Người (26,59), và sau khi từ chối tuyên bố của Người là Đấng Messia, chính họ chế nhạo và ngược đãi tù nhân của họ (26,67-68). Trong phiên tòa của người La Mã, vai trò của họ vẫn tiếp tục, khi họ thuyết phục tổng trấn La Mã và đám đông thả Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu (27,11-26). Trên đồi Gôlgôtha, họ chế nhạo Chúa Giêsu bị đóng đinh (27,41-43). Và, theo một cách trình bày chỉ có ở Mátthêu, sự chống đối của họ tiếp tục vượt ra ngoài cái chết của Chúa Giêsu, khi “các thượng tế và người Pharisêu” yêu cầu đặt một nhóm lính gác tại ngôi mộ (27,62-66), rồi sau đó hối lộ quân lính để tung ra tin giả khi các sự kiện diễn ra khác với họ mong đợi (28,11-15).

Không có sự nhẹ nhàng trong việc khắc họa của Mátthêu; các nhà lãnh đạo vẫn đồng một lòng trong việc khước từ Chúa Giêsu. Theo quan điểm của Tin Mừng, họ là những người đã hoàn toàn bỏ lỡ kairos, thời điểm của cơ hội ban ân sủng. Giống như những người ngu xuẩn vào thời ông Nôê, hoặc đầy tớ gian ác, hoặc các trinh nữ ngu dại, hoặc một người có một nén bạc – tất cả các nhân vật trong các câu chuyện dụ ngôn của Mátthêu trong diễn từ cánh chung (24,36-25,30) – các nhà lãnh đạo đã tự đặt mình để chịu phán xét bởi vì họ bị nhìn nhận là  thiếu điều kiện cho sự khai mào Nước Trời.

Cần phải thừa nhận rằng bằng cách này, vị thánh sử và cộng đồng của ngài đã trút cảm xúc thù địch của họ đối với đạo Do Thái Pharisêu. Việc hội đường từ chối sứ mệnh Kitô giáo được coi là tương đương với việc khước từ Chúa Giêsu, Đấng Messia của Thiên Chúa, và Mátthêu dường như tin chắc rằng, những người đương thời của ngài sẽ phải chịu phán xét cho sự khước từ như vậy, giống như các nhân vật trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu. Như chúng tôi đã gợi ý trong việc trình bày về câu chuyện Cuộc Khổ Nạn, Mátthêu cũng có thể giải thích những nỗi đau khổ của cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại La Mã và việc Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy sau đó vào năm AD. 70 như những dấu chỉ về sự xét xử của Thiên Chúa vì tội chối bỏ.

Khía cạnh thần học này của Mátthêu mang một gánh nặng, như lịch sử Kitô giáo chứng minh. Việc giải thích thần học của Mátthêu một cách quá dễ dãi về các sự kiện trong thời đại của ngài (cuộc nổi dậy của người Do Thái và việc phá hủy Đền Thờ), mà thánh sử coi như hình phạt của Thiên Chúa đối với thế hệ đã khước từ Chúa Giêsu và Tin Mừng, khi được đọc ở một thời đại khác, và hiện tại lại là một phần của một văn bản quy điển, thiêng liêng, có thể được hiểu là sự phán xét của Thiên Chúa đối với toàn thể dân tộc và trong mọi thời đại. Phong trào bài Do Thái sau này hẳn sẽ không hình dung nổi đối với một vị thánh sử và một cộng đồng tôn giáo, những người mà bản thân họ mang nguồn gốc Do Thái sâu đậm. Nhưng khả năng hiểu lầm sau này là ở đó, trong chính mô tả của Mátthêu về các nhà lãnh đạo Do Thái và, thật bi thảm, khả năng đó đã được thực hiện. [9] Không phần nào của Tin Mừng bị lạm dụng nhiều hơn câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn của Mátthêu, đặc biệt là câu tuyên bố quyết liệt trong đó toàn dân khước từ Chúa Giêsu và nhận trách nhiệm về máu của Người (xem cuộc thảo luận của chúng tôi về 27,24-25).

Những nhà chú giải Tin Mừng hiện đại, cho dù họ là giáo sư, nhà giảng thuyết, nhà phụng vụ hay cha mẹ với con cái của họ, đều có trách nhiệm đặt các bản văn đó vào bối cảnh lịch sử và xã hội của Tin Mừng Mátthêu và cuộc đấu tranh của nó với đạo Do Thái thuộc phái Pharisêu. Một bối cảnh như vậy có thể phải mất một chặng đường dài mới thoát khỏi khả năng thông thường của việc đọc câu chuyện chống người Do Thái.

Nhưng điều mà chúng ta gọi là mục đích văn chương hoặc tu từ của các nhân vật trong Tin Mừng cũng cần được xem xét. Xét cho cùng, Tin Mừng Mátthêu không được viết ra để đối đầu trực tiếp với các cộng đồng Do Thái vào thời của ngài. Nó cũng không được viết chủ yếu để trang bị cho các Kitô hữu chống lại các đối thủ Do Thái của họ. Động lực chủ yếu của Tin Mừng hướng đến các Kitô hữu và việc đáp trả của họ đối với Tin Mừng đích thực. Tất cả các nhân vật trong câu chuyện – Chúa Giêsu, đám đông, môn đệ, đối thủ – đều là những dấu điểm tham chiếu nào đó cho người đọc. Tất cả những nhân vật này mang ý nghĩa là “lệch đại”, nghĩa là không ai trong số họ là “người cùng thời” với người đọc. Cũng như các môn đệ không phải là những nhân vật được kéo ra trực tiếp từ cộng đoàn của Mátthêu, mà là bức tranh về những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, nên những người chống đối Chúa Giêsu trong câu chuyện Tin Mừng không phải cùng là những người lãnh đạo hội đường Pharisêu mà các Kitô hữu của Mátthêu có thể đã xung đột với họ.

Do đó, độc giả được ngầm mời gọi tìm hiểu kỹ lưỡng thái độ, phản ứng và hoạt động của từng nhân vật trong thảm kịch để tìm ra ở đó hướng nhìn toàn vẹn của cuộc sống Kitô hữu. Nếu đúng theo như vậy, thì việc xác định chủ yếu những ai là kẻ chống đối trong Tin Mừng Mátthêu không phải là những người bên ngoài cộng đồng, chẳng hạn như những người lãnh đạo của Do Thái giáo Pharisêu, mà chính là những Kitô hữu bên trong cộng đồng, và các giá trị của họ đi ngược lại với Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Qua câu chuyện Cuộc Khổ Nạn Mátthêu cho thấy kết cục sau cùng của những người mà vị trí của họ ở vào những vị trí nổi bật trong gia đình Thiên Chúa nhưng thái độ thiếu vững vàng lại khiến họ phủ nhận, chống đối, và cuối cùng là phá bỏ Tin Mừng của Thiên Chúa. Lập trường như vậy, nhân danh sự trong sáng của tôn giáo, cuối cùng là sự báng bổ và phải chịu sự phán xét của chính nó. Thay vì sử dụng mô tả của Mátthêu về những kẻ chống đối Chúa Giêsu để lên án người Do Thái một cách sai lệch (chính điều này là sự phản bội Tin Mừng), thì trước tiên, Kitô hữu nên chú ý đến chính họ và tự hỏi xem thái độ của những người đã từ chối và giết Chúa Giêsu đã tạo ra ảnh hưởng nào trong việc đáp trả của chính họ đối với sứ điệp của Chúa Kitô.

  • Cuộc Khổ Nạn và Thần học về Lịch sử của Mátthêu

Một dòng thần học sâu xa khác của Mátthêu hiện lên trong tường thuật Cuộc Khổ Nạn là xác tín rằng con người và sứ vụ của Chúa Giêsu mang lại hiệu quả rõ ràng cho lịch sử ơn cứu độ. Vì cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu được coi là đỉnh cao sứ vụ của Người, nên không có gì ngạc nhiên khi thần học về lịch sử của Mátthêu hiện diện mạnh mẽ ở điểm này trong Tin Mừng.

Ngay từ khi bắt đầu trình thuật Cuộc Khổ Nạn, “thời gian” hiện ra rõ ràng khi Chúa Giêsu tiên báo rằng việc Người bị “giao nộp” sẽ trùng với lễ Vượt Qua, ngày lễ lớn của người Do Thái tưởng niệm cuộc giải phóng và niềm hy vọng tương lai (26,1-2). Việc chuẩn bị để cử hành lễ Vượt Qua bắt đầu bằng những lời trang trọng của Chúa Giêsu: “Kairos của Thầy đã gần tới” (26,18), một câu nói liên kết rõ ràng Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu với Thời Đại Mới được chờ đợi khi sự cứu rỗi sẽ đến. [10] Và trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu giải thích cái chết sắp xảy ra của Người như là một giao ước mới về ơn “tha tội” (26,28) và tuyên bố sẽ uống rượu mới với các môn đệ “trong vương quốc của Cha Thầy” (26,29), cả hai tuyên bố đều là những lời loan báo mạnh mẽ về những ngày cuối cùng.

Mátthêu (theo đường lối của Marcô) cũng trình bày lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tại Ghếtsêmani như một lời cầu nguyện “cánh chung”, nghĩa là, như một phần của cuộc đấu tranh cuối cùng, trong đó cái ác bị đánh bại và chiến thắng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên thế giới. Chúa Giêsu khuyến giục các môn đệ của Người phải “canh thức” (26,38, 41), giữ thái độ cần thiết cho ngày Chúa đến (24,42-44), và lời cầu nguyện của chính Người (26,39,42) vang vọng một điều mà Người đã dạy các môn đệ trong Bài giảng trên Núi, một lời cầu nguyện cho quyền cai quản cuối cùng của Thiên Chúa xuất hiện (6,9-13). Sự ập đến của Giuđa và đám đông vũ trang là tín hiệu cho thấy đối với Chúa Giêsu thời khắc cánh chung đã đến (26,45-46). Ở góc độ bình lặng của Cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã trải qua cuộc đấu tranh quyết định với sự dữ mà cộng đồng sẽ gặp phải, đã lan tỏa trong suốt lịch sử. Dưới ánh sáng của cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu đối với sự dữ và cái chết, vận mệnh cuối cùng của cộng đồng trở nên rõ ràng.

Ngay cả khi cơn ác mộng về Cuộc Khổ Nạn dường như càng lúc càng lấn sâu hơn, thì viễn cảnh chiến thắng của Tin Mừng vẫn khiến chúng ta cảm nhận được. Đứng bất lực trước Tòa Công Nghị, Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của vị thượng tế bằng cách khẳng định rằng chiến thắng cánh chung của Con Người sẽ được nhìn thấy ngay cả bây giờ (26,64). Và khi bóng tối cuối cùng bao phủ thập giá (27,45) Chúa Giêsu cầu nguyện lời cầu nguyện hấp hối của Người, các dấu hiệu lạ lùng của Thời Đại Mới đã phá vỡ toàn cảnh: bức màn bị xé ra, trái đất rung chuyển, mồ mả mở ra và người chết được sống lại (27,51-53). Lời tuyên xưng tiếp theo Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” của viên đại đội trưởng và những người lính của ông cùng với sự hiện diện của những người trung thành còn ở lại gần thập giá là những dấu hiệu đầu tiên về sự chiến thắng của con người, khi dân của Thiên Chúa bắt đầu tập họp lại (27,54-56). Như chúng ta đã lưu ý, phần trình bày của Mátthêu về việc khám phá ra ngôi mộ trống (28,1-10) và cuộc đoàn tụ cuối cùng của Chúa Giêsu Phục Sinh với cộng đồng của Người trên núi ở Galilê (28,16-20) tiếp tục bầu khí chiến thắng này.

Vì vậy, đối với Tin Mừng Mátthêu, mặc dù việc “kết thúc thời đại” đang chờ được thực hiện (28,20), lịch sử đã xoay trục từ thời đại tội lỗi và sự chết sang thời đại của ơn tha thứ và cuộc sống mới. Quan điểm đó về số phận con người đã được loan báo trong lịch sử Israel và giao ước của nó. Chúa Giêsu, Đấng hoàn tất những lời hứa trong Kinh Thánh, xác nhận quan điểm đó và đưa nó thành hiện thực. Nền tảng cuối cùng trong quan điểm lịch sử cứu độ của Mátthêu mang ý nghĩa Kitô học. Bởi vì ngài coi Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, Đấng mà sự vâng lời hoàn hảo của Người mặc khải ý muốn cứu độ của Thiên Chúa cho thế giới, nên số phận của Chúa Giêsu phải có ý nghĩa tối thượng đối với lịch sử nhân loại. Tâm điểm của sứ mệnh của Chúa Giêsu và sự mặc khải thâm sâu nhất về căn tính của Người là cái chết cho nhiều người, và vì vậy chính vào thời điểm Cuộc Khổ Nạn bước ngoặt của lịch sử được thể hiện rõ nhất.

Như trường hợp của hầu hết mọi khía cạnh của thần học Mátthêu, suy tư thần học như vậy không hoàn toàn là suy lý. Các khuôn mẫu lịch sử thánh chứa đựng các bài học cho dân Thiên Chúa.

Không phải là không có ý nghĩa khi Thời Đại Mới bắt đầu bước vào thời điểm đau khổ và chết chóc. Như chúng tôi đã gợi ý trước đó, Mátthêu tìm thấy khuôn mẫu nghịch lý này trong lịch sử của Israel cũng như trong lịch sử của Chúa Giêsu, và tái khẳng định điều đó như là số phận của cộng đồng sau phục sinh. Đối với một số nhân vật trong Tin Mừng, đau khổ và cái chết đã đến như sự phán xét về tội lỗi của họ. Như được minh họa trong số phận của những tá điền gian ác trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, việc từ chối và giết người Con sẽ mang lại quả báo cho chính họ (Mt 21,40-43). Những ai từ chối Tin Mừng và chấp nhận sự dữ – như gương xấu của những người chống đối Chúa Giêsu – sẽ chẳng còn gì hơn ngoài cái chết mà họ chọn lựa. Nhưng đối với những người khác, kinh nghiệm về đau khổ và cái chết không phải là giá phải trả hay triệu chứng của tội lỗi mà là một khoảnh khắc thanh tẩy trong đó cuộc sống mới và hy vọng mới được nhen nhóm. Chính Chúa Giêsu là gương mẫu chủ đạo của tiến trình cứu chuộc này. Qua cái chết của mình, Người bước vào sự sống mới. Vận mệnh tương tự được hứa cho các môn đệ của Người.

Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là Mátthêu không chỉ phản ánh thảm kịch của cuộc đối đầu cá nhân và đơn phương với cái chết. Thánh sử thấy rõ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là một bước ngoặt đối với cộng đồng Israel cũng như vậy. Một số người trong cộng đồng đó sẽ chịu phán xét. Nhưng chính vườn nho của Israel sẽ tiếp tục trong một hình thức mới, khi các chân trời của ơn cứu độ được mở ra cho tất cả các dân tộc sẵn sàng đáp lại sự xuất hiện của ân sủng.

Do đó, mô hình lịch sử chết- đi sống lại cũng sẽ được áp dụng cho cộng đồng Kitô giáo. Trong những khoảnh khắc mà cái chết dường như đe dọa, Mátthêu nhắc nhở cộng đồng của mình rằng trong sự gián đoạn như vậy, ân sủng của Thời Đại Mới đã hiện diện. Những khoảnh khắc chết chóc như vậy đã đến với cộng đồng của Mátthêu qua sự thất bại tương đối trong sứ mệnh của họ đối với Israel cũng như với những thay đổi khó khăn áp đặt lên cộng đồng qua làn sóng dân ngoại. Bằng cách nhìn những nỗi đau của lịch sử qua lăng kính của Cuộc Khổ Nạn, Mátthêu đã tìm cách thúc đẩy cộng đồng của mình hướng về tương lai của nó. Chúa Giêsu Phục Sinh sống trong cộng đồng. Cuộc Khổ Nạn của Người bây giờ trở thành Cuộc Khổ Nạn của cộng đồng; cái chết vẫn còn là một thực tại nhưng bây giờ, dưới ánh sáng của thập giá, có thể được nhìn nhận như một con đường dẫn đến cuộc sống mới.

Những chủ đề trọng tâm này xác nhận rằng Cuộc Khổ Nạn không phải là một chương sầu thảm trong câu chuyện của Chúa Giêsu mà Mátthêu và cộng đồng của ngài muốn tránh ánh nhìn khỏi nó. Chính những thực tại của đau khổ, sự khước từ và cái chết đều được phải đối diện một cách thẳng thắn, và bởi vì đức tin vào Chúa Giêsu đã trở thành một phần hoàn chỉnh, thậm chí là cốt lõi của Tin Mừng.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung dịch

1 Bản gia phả bắt đầu Tin Mừng Mátthêu xác định rõ ràng Chúa Giêsu là “Con vua Đavít” (1,1) và là “Đấng Kitô” (1,16, 17).

2 Đây là khẳng định của những tiên báo về Cuộc Khổ Nạn (x. 16,21; 18,22-23; 20,17-19).

3 Đây là một phần quan trọng trong thần học của Marcô được chuyển sang Mátthêu; xem D. Senior, The Passion of Jesus in the Gospel of Mark, 144-48.

4 Xem D. Senior. The Passion of Jesus in the Gospel of Mark, 148-50.

5 Lưu ý rằng việc Mátthêu xác định những người phàn nàn là “các môn đệ” là một trong những trường hợp không thường xuyên; tuy nhiên có khi ngài miêu tả các môn đệ lại tiêu cực hơn Marcô (x. Mc 14,4, người chỉ nói rằng “một vài người” đã bực tức với người phụ nữ), mà không xác định những người trách cứ đó là các môn đệ).

6 Xem Đnl 19,15; Mátthêu dường như ý thức được điều này trong 18,16 (lời buộc tội chống lại một thành viên của cộng đoàn phải được xác nhận bởi hai hoặc ba nhân chứng) và 26,60 (hai nhân chứng đến để buộc tội Chúa Giêsu về việc chống lại Đền Thờ).

7 Lưu ý về “sự đảo ngược” này xuất hiện trong một số đoạn của Tin Mừng Mátthêu; chẳng hạn, xem 8,11-12 (Dân ngoại sẽ được đồng bàn với Ápraham, Isaác và Giacóp trong Nước Trời trong khi “các con cái Nước Trời” sẽ bị quăng ra ngoài); 11,20-24 (các thành ngoại giáo và tội lỗi là Tyrô, Siđôn và Sôđôm được khoan hồng hơn các thành ở Galilê là Chôrazin, Bethsaiđa và Caphácnaum); 21,32 (Những người thu thuế và những gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các tư tế  và kỳ mục).

8 Mátthêu đề cập đến “kinh sư và người Pharisêu” mười lần, hầu hết trong số đó là những đoạn đặc biệt đối với ngài (ví dụ, 5,20; 12,38; 15,1; 23,2,13,14,15,34. Nhóm “các thượng tế và kỳ mục” chủ yếu được tìm thấy trong câu chuyện về Cuộc Khổ Nạn (x. 26,3,47; 27,1, 3, 12, 20, 41). Xem thêm, A. Klijn, “Scribes, Pharisees, High priests and Elders in the New Testament,” Novum Testamentum 3 (1959) 259-67; S. Van Tilborg, The Jewish Leaders in Matthew (Leiden: Brill, 1972).

9 Xem thêm tài liệu được trích dẫn ở trên trong trình bày của chúng tôi về 27, 24-25.

10 Xem ý nghĩa cánh chung của từ “kairos” ở phần trên.

print