Đi Mót Lúa – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Đi Mót Lúa

Sợ ma

Hôm ấy thứ Năm, các dì nghỉ dạy học để đi thăm học trò.

Chiếc vỏ lãi to đùng nằm chình ình ở bến nhà thờ. Anh tài công ốm nhom đi tới đi lui có vẻ bồn chồn, nôn nóng. Thế mà năm ma sơ vẫn cứ đủng đỉnh đáp lại ơn gọi của Đấng Hóa Công: vuốt tóc một tí, soi gương một tí

Anh tài công chịu hết nổi, rên lên:- Lẹ lên ma sơ ơi!- Ơi! Cứ từ từ như hoàng hôn xuống dần, xuống dần… Các sơ cứ vừa ca vừa cười hí hí, vừa nhẹ bước.

Năm ma sơ. Năm cô gái đồng trinh ngồi xếp bằng một cách nết na làm thành một hàng ngang ngắn trên chiếc chiếu hoa cũ kỹ bẩn thỉu. Im phăng phắc không nhúc nhích, không cựa quậy. Lần đầu tiên trong đời, những cô gái miền núi được thấy vỏ lãi và được ngồi trên xuồng mỏng manh và bồng bềnh. Sợ quá!

Anh tài công cho nổ máy, sang số và tăng ga một cách nhuần nhuyễn. Chiếc vỏ lãi hổng đầu vọt lên và xé toạc mặt nước hiền hòa. Nước tốc lên thành hai cánh quạt trắng xóa. Đẹp ơi là đẹp! Năm cánh tay lò mò, nõn nà vươn ra để cảm nghiệm cái đẹp ngọc ngà củanhững tia nước mát lạnh. Nước mặn tạt vào mặt. Năm cánh tay dại dột thụt vội vào. Năm cái miệng xinh xinh cùng kêu “ái” một tiếng. Anh tài công cười khùng khục và nói thầm trong bụng “Đẹp thế mà ngu!”. Vừa dứt tiếng cười, anh tài công lên mặt dạy đời:

– Chúng ta bắt đầu vào sông lớn. Các sơ coi chừng. Tàu cao tốc đánh sóng dữ dằn lắm. Khi con cho mũi vỏ gối sóng, các sơ đừng nhúc nhích. Nó nhồi, thì kệ nó. Hổng chìm đâu.

Các sơ đang thì thầm cầu nguyện thì một chiếc cao tốc lao tới với tốc độ 60 cây số/giờ. Anh tài công bẻ cua, cho gối sóng. Vỏ lãi tung lên, nhào xuống. Tung lên, nhào xuống… y như một lá tre giữa trận cuồng phong. Mặt các sơ tái xanh tái xám, linh hồn đòi ra khỏi xác. Anh tài công lại cười khằng khặc, lại nói thầm trong bụng: “Đẹp thế mà nhát hít. Còn thua con ba khía”.

Các sơ vừa hoàn hồn thì vỏ lãi ghé bến Rạch Cui. Có hẹn trước, nên các em học sinh chạy ào ra đón.

– Chúng con chào các dì.

– Các dì chào các con.

Các sơ và học trò xoắn lấy nhau. Thương quá là thương! Các em giành nhau đón các sơ về nhà mình.

– Các dì vô nhà con trước.

– Vô nhà con trước, nhà nó xa lắm.

– Xa hồi nào, gần xịt à.

– Các con đừng lo. Các dì sẽ đi thăm hết mọi nhà, nhà em nào gần bến đò nhất?

– Nhà con.

– Nào chúng ta cùng vô nhà em Hải. Mẹ em Hải chạy ra đón. Cười toe toét.

– Chào chị.

– Chào các cô. Ý, quên. Chào các dì.

Nhà cột kê, mái lá, vách ván. Nghèo nhưng không nghèo lắm. Bàn thờ ông thiên đứng cô đơn bên cạnh cây bông trắng cằn cỗi, hoa đỏ lưa thưa. Bàn thờ tổ tiên có một khung kính to bản nổi bật lên bốn chữ Hán “Thất Tổ Cửu Huyền”

Các sơ đứng ngắm, ngẩn ngơ, hỏi mẹ em Hải:

– Chị ơi bốn chữ tàu ấy có nghĩa là gì?

– Biết đâu à.Mẹ Hải e lệ châm nước trà mời khách.

– Chị cho chúng em hỏi nha, chị theo đạo nào nhỉ?

– Tụi tôi chẳng theo đạo nào hết. Chỉ thờ cúng ông bà thôi.

– Thế tại sao chị cho em Hải đi học Giáo lý?

– Tại nó ham nó đòi. Vả lại thấy người ta biểu con nít học Giáo lý đứa nào cũng giỏi cũng ngoan.

– Thế từ ngày em Hải đi học Giáo lý, chị có thấy nó ngoan hơn không?

– Chưa thấy, nhưng mà có cái này là hồi trước nó sợ ma lắm. Ban đêm không bao giờ dám ra khỏi nhà. Thế mà từ hồi đi học Giáo lý tớI giờ, nó hết sợ ma luôn. HỏI tạI sao mày hết sợ ma, thì nó trả lời cái một, có Chúa mà sợ cái gì.

– Hải, dì hỏi em nè, sợ là gì?

– Sợ là hèn.

– Ai dạy con vậy?

– Ông cố dạy. Ông cố biểu: “sợ là hèn, hèn, hèn” Một ma sơ hứng khí tập trung các em lại và hỏi.

– Sợ là gì?

– Hèn!

Tất cả các em đều nắm tay giơ thẳng băng và gào lên, rồi cười hề hề, sung sướng!

– Thế dì đố các em nha, có chỗ nào trong Thánh Kinh Chúa bảo sợ là hèn không.

Hải giơ tay xin trả lời:

– Khi con tàu sắp bị bão đánh chìm, thì các Tông đồ hoảng sợ la lên: “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi”. Lúc ấy Chúa đang ngủ khò, bèn đứng lên mắng các Tông đồ: “Hỡi người hèn tin, tại sao các ngươi sợ?”. Mắng các Tông đồ xong, Chúa mắng luôn cả bão tố, bão tố im re luôn.

– Vỗ tay!

Các em vỗ tay ào ào. Mẹ của Hải vừa vỗ tay vừa cười sung sướng.

– Chị ơi, giữa tháng Tám tới, các em dự tòng sẽ được rửa tội nhập đạo. Thế chị có đồng ý cho em Hải vô đạo không?

-Vô thì vô. Nó còn đòi vợ chồng tui phảI vô đạo vớI nó nữa kìa.

Năm ma sơ nhất hoạt đua nhau ôm lấy người đàn bà, vừa cười vừa nhún, y như các cầu thủ sung sướng ôm lấy người bạn vừa cho tung lưới đối phương bằng một cú đá thần kỳ.

Hổng dám đâu!

Một người đàn bà tuổi U 50 lấp ló ở khung cửa sổ. Mình vội vàng đi ra.

– Chị hai đi đâu vậy?

– Cha cho con xưng tội.

– Chị xét mình chưa?

– Xét mình là gì, con chưa nghe.

– Như vậy thì chị ngồi xuống đây, tôi xét mình giùm cho. Chị xưng tội lần nào chưa?

– Chưa.

– Chị được rửa tội hồi nào?

– Hồi trước Tết.

– Vậy là được năm tháng rồi.

– Chị có đi lễ Chúa nhật không?

– Có xuồng đâu mà đi. Nhớ nhà thờ muốn chết.

– Thế có đọc kinh sáng kinh tối không?

– Đọc hoài à. Ngày nào con cũng đọc cuốn Tân Ước cha cho đó.

– Thế thì chị có những tội gì?

– Con chỉ có một tội là hay rầy la tụi nó.

– Có giận ghét. Có nói xấu ai không?

– Không. Bà con xóm giềng ai cũng thương con hết.

– Có ăn cắp trái cà, trái ớt của ai không?

– Cho người ta thì có.

– Hỏi thiệt chị nha. Có khi nào mơ ước gian dâm ngoại tình không?

– Hổng dám đâu. Cha hỏi gì mà kỳ vậy. Từ ngày vô đạo tới giờ con có dám gì nữa đâu.

– Xin lỗi chị nha. Như vậy là chị Hai đã sống đạo thiệt tình.

– Lối xóm ai cũng biểu là con được ăn Bánh Thánh nên đổi đời như rắn lột da vậy đó.

Mình mời chị Hai ra nhà thờ xưng tội. Giải tội xong, mình cứ ngồi lỳ ở tòa. Nhưng xoay người hướng về phía nhà tạm, tâm tình với Chúa. Mình tả oán với Chúa rằng: Con khổ vì người đàn bà này nhiều lắm. Nhiều người phiền trách con:

  •  Ham rửa tội cho nhiều để lấy số lượng mà quên phẩm chất “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Rửa tội rồi mà chẳng biết cách xưng tội. Kinh thì chỉ thuộc nhấp nhem.
  • Làm dấu Thánh giá thì nghiêm chỉnh hơn cả đạo dòng. Nhưng hỏi Đức Giêsu có mấy tính thì chả biết. Hỏi bảy ơn Chúa Thánh Thần là gì, thì cũng mù tịt.
  •  “Tên thánh của nó là Têrêsa, mà hỏi nó có biết bà Thánh Têrêsa là ai không, thì nó chỉ biết lắc đầu”.
  • “Đạo gì mà chẳng biết đi lễ Chúa nhật”.

Hôm nay được gặp lại chị này, được giúp chị xét mình xưng tội, con mới thấy chị có một tâm hồn đẹp quá chừng. Câu nói thảng thốt “hổng dám đâu” làm con giật mình suy nghĩ. Câu nói chân tình “từ ngày vô đạo con có dám gì nữa đâu” khiến con an tâm quá chừng. Con muốn mời mọi người đạo dòng đọc kinh rông rổng đến đây để nghe chị ấy phản ứng như một phản xạ “hổng dám đâu”.

Và rồi mọi người sẽ không còn lên lớp con nữa.

Cũng chẳng còn ai dám bắt chị ấy phải đi lễ Chúa nhật, vì “có xuồng đâu mà đi”.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn