Điều Răn Trọng Nhất

print

Điều Răn Trọng Nhất

Chúa Nhật 31 Thường Niên năm B : Mc 12, 28b-34

Suy niệm

Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến. Trước tiên là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, vì Ngài là căn cội và cùng đích của đời sống con người. Tình yêu không thể nài ép mà là nhận ra và đáp trả. Chính sự đáp trả này làm cho con người là người, là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì vậy, điều răn đứng đầu gắn liền với điều răn thứ hai:“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chính trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá đích thực của một con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Chỉ trong Chúa, ta mới yêu thương đến cùng, vì nhận ra mỗi người là hình ảnh của Ðức Kitô đang sống.

Có một người kia sau khi ăn chay 70 tuần, thì xin Chúa cho mình hiểu ý nghĩa vài câu trong Kinh Thánh, nhưng Chúa không trả lời. Cuối cùng, người đó phải tìm đến với người anh em để xin giải thích. Khi người đó lên đường, Chúa gửi một thiên thần xuống nhắn nhủ rằng:“Bảy mươi tuần ăn chay của con cũng không làm cho con đến gần Chúa. Nhưng bây giờ con có lòng khiêm tốn đến với người anh em, nên ta được Chúa gởi đến để nói cho con ý nghĩa các lời thánh”.

Nhân danh lòng tin vào Chúa mà không mở lòng mình ra với tha nhân, phải chăng là một thứ kiêu ngạo thiêng liêng? Đó không phải là tin vào Chúa mà là tin vào sự thánh thiện của mình. Tiếng nói của Chúa trong ta không phải là tiếng nói duy nhất của Ngài, mà Ngài còn nói với ta qua sự khôn ngoan và nhãn quan thiêng liêng của người khác. Ta cần mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín với bất cứ một cái gì, hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình.

Luật thánh Bênêđictô dạy, khi có ai gõ cửa thì phải nói: “Benedicite”, có nghĩa sâu xa rằng: cảm tạ Chúa vì có người đến làm phong phú lương tri của con, chỉ dẫn con cách suy nghĩ, cách sống, và làm cho con vượt ra khỏi thế giới chật hẹp của mình. Mỗi ngày ta cần mở lòng để đón tiếp một kinh nghiệm mới, một tư duy mới, một cái gì đó nơi người khác để khai sáng trí não mình.

Cũng có một giai thoại khác kể rằng, đêm nọ xuyên qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy thiên thần đang ngồi ghi tên những ai yêu mến Chúa vào cuốn sách vàng. Ông hỏi thử xem có tên mình không. Thiên thần giở ra nhưng không thấy. Ông nài nỉ thiên thần: “Xin Ngài ghi tên tôi là người lúc nào cũng yêu mến tha nhân”. Thiên thần cũng chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng. Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa. Sau khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy câu đầu tiên là câu trích dẫn từ thư 1Ga 4, 20: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”.

Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Tuy nhiên, điều này không dễ chút nào. Chúng ta có thể cầu nguyện để làm tăng triển mối liên hệ với Chúa, nhưng rồi đối với chính mình thì ta có thể bất mãn, than thân, trách phận. Còn đối với tha nhân thì lại bất nhẫn, nói hành, nói xấu, hận thù… Lòng đạo đức như vậy có thể là một thứ đạo đức bệnh hoạn. Và yêu Chúa như vậy cũng có thể là một thứ tình yêu lệch lạc. Chỉ khi nào ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, rồi nhờ ơn Chúa cải thiện dần dần, thì ta mới có thể yêu mến Chúa và thương mến tha nhân.

Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân như chính mình. Tình yêu với Thiên Chúa đưa ta vào cuộc sống với anh em. Tình yêu thương anh em đòi ta chìm sâu trong Thiên Chúa, để kín múc nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy lại quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa với chính Ngài và các kẻ tin (Ga 17, 21). Đẹp biết bao vương quốc của Thiên Chúa, nơi chỉ có tình yêu chiếu sáng rạng ngời, dành cho tất cả những ai đã một đời biết sống trọn vẹn cho tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Yêu Chúa lúc bình thường thì không khó,
nhưng yêu khi sóng gió thì không dễ,
nhất là khi gặp khốn khó ê chề,
sa cơ thất thế trở về tay không,
nhưng con vẫn cậy trông và hy vọng,
vì tin Chúa hằng khơi sâu nới rộng,
bằng ân ban và sức sống của Ngài.

Yêu mến Chúa xem ra là điều dễ,
vì dù sao Ngài cũng vẫn là tình yêu,
yêu tha nhân như chính mình mới khó,
nhất là khi bị phủ nhận khinh chê,
bị bất công loại trừ và thay thế,
là những lúc con đau buồn vô kể,
nỗi thù hằn như khống chế tim con,
thấy bao nhiêu thiện chí bị xói mòn.

Nhưng khi con bình tâm suy nghĩ lại,
những tổn thương xem ra cũng rất cần,
để con có kinh nghiệm sống tình thân,
vì nhiều lần con cũng xử vô nhân.

Tình con yêu luôn mang tính hỗ tương,
cả trong những đau thương và hạnh phúc,
muốn yêu thương mà không chịu đau thương,
thì đời con quả thật là ảo tưởng.

Chúa đã sống tất cả mọi tình trường,
muốn cho con nhìn ngắm để noi gương,
trong an vui khiêm nhường mà tiến bước,
để con là nhân chứng của tình thương.

Xin cho con biết sống con người mới,
bằng tình yêu mà Chúa đã gọi mời,
để bừng lên ánh sáng ở mọi nơi,
là niềm vui hạnh phúc đến muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên