Đọc sách và ‘quẹt video’

print

Đọc sách và ‘quẹt video’

 

Lang Minh

Nghiên cứu viên

Là giáo viên dạy kỹ năng đọc – viết và lập luận, tôi thường xuyên phải giao cho sinh viên tiếp nhận và xử lý các văn bản có dung lượng lớn và phức tạp về nội dung.

Mẹo giảng dạy là đến giữa giờ, tôi sẽ trình chiếu một video sinh động (với âm thanh, hoạt họa) có liên quan đến văn bản để kéo lại khả năng tập trung và niềm hứng thú cho học sinh. Có vẻ số video cần chen giữa các văn bản càng ngày càng phải nhiều hơn.

Khó mà phủ nhận, ở mức độ toàn cầu, tình trạng mất tập trung (khi tiếp thu văn bản dài) của người học đang tăng đến mức đáng lo ngại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD báo cáo rằng trong một thập kỷ trở lại đây, kết quả học tập các môn Ngôn ngữ, Toán, và Khoa học của học sinh tuổi 15 trên toàn cầu đã sa sút đáng kể. Một phần ba nghiên cứu giải thích việc này đều coi sự xao nhãng do công nghệ số (như lướt web, quẹt video ngắn…) là nguyên nhân chính.

Trong cuộc kháng cự với nguy cơ suy giảm liên tục trên, đọc sách (theo nghĩa tập trung tâm trí liên tục vào bản in giấy, đắm chìm trong các đúc rút suy tư cá nhân hoặc thảo luận tưởng tượng với tác giả) được coi là vũ khí hữu hiệu nhất. Nhất trí với quan điểm có phần hiển nhiên này, các chương trình giáo dục phổ thông đều tập trung vào việc hình thành năng lực đọc hiểu sâu. Thế nhưng, kết quả không mấy khả quan.

Sự bất thành ấy nảy sinh một thái độ bảo thủ: độc tôn tiếp nhận kiến thức từ (đọc) sách, trong thế có phần coi thường việc tiếp nhận từ các phương tiện còn lại, đặc biệt là nghe – nhìn. Gần như hàng năm, trên mạng xã hội Việt Nam luôn nảy sinh những tranh cãi tập trung vào vị thế cao (hơn hẳn) của sách so với các phương tiện còn lại.

Phép độc tôn này là vô vọng bởi:

Từ góc nhìn lịch sử, một công nghệ – phương tiện truyền thông mới (như tivi, máy tính, điện toán đám mây…) ra đời, tất sẽ chèn ép nhằm đẩy các phương tiện cũ vào thế yếu. Cuộc chèn ép này không chỉ diễn ra trên bề mặt khi phương tiện mới chiếm hữu các nguồn lực kinh tế – văn hóa trọng yếu mà còn ở bề sâu: thay đổi cách con người nhận thức và xử lý thông tin.

Những thay đổi nội dung kiểu video thì nhảm nhí còn sách thì sâu sắc chỉ là thứ yếu, hay nói như nhà tư tưởngMarshall McLuhan, thay đổi nội dung chỉ là miếng thịt đánh lừa con chó gác cổng nhận thức, để ta quên đi phương tiện truyền thông can thiệp trực tiếp vào trí óc mình thế nào.

Giờ đây ta có thể ngồi đọc sách nhưng luôn trong cái bóng của Internet. Do khả năng tập trung giảm, tay ta không còn giở từng trang mà lướt thật nhanh tìm cái nội dung mình muốn như thể đang kiếm trên website. Mắt ta không còn chuyển động trên từng dòng mà có thể đều đặn đảo qua màn hình điện thoại cạnh đó xem mạng xã hội có thông báo mới không. Đầu ta không tưởng tượng ra không gian trừu tượng bám sát theo chi tiết của sách nữa mà có xu hướng điều hướng các chi tiết đó sao cho khớp với những gì luôn ào ạt tuôn ra từ Internet (hình ảnh thần tượng, khẩu hiệu quảng cáo…). Cuối cùng, có gì đó vô hình thôi thúc ta đóng cuốn sách lại giữa chừng để đăng cái gì đó vừa nhặt được từ sách lên mạng xã hội.

Việc mạng trực tuyến thọc tay vào trí não con người để lại hậu quả vượt xa bất kỳ phương tiện nào từng tồn tại. Nicholas Carr trong “Trí tuệ giả tạo”, sau khi viện dẫn hàng loạt nghiên cứu về thần kinh, đã đưa ra ẩn dụ về tâm trí tiếp nhận thông tin từ Internet: não là chất dẻo. Nó giãn ra liên tục để tiếp nhận dòng lũ thông tin ào đến từ bốn phương tám hướng. Hậu quả là một chất dẻo đã giãn ra thì không thể co lại. Có được khả năng tập trung cực hạn (hype focus), con người mất đi khả năng tập trung sâu (deep focus) mà sách đã đem lại và giúp con người tiến bộ hơn 500 năm qua.

Những chỉ số báo động từ giáo dục đọc – viết trên toàn cầu cảnh báo rằng khả năng tập trung sâu có thể mất đi hoàn toàn và vĩnh viễn; chứ không phải chỉ bị mòn vẹt đi như những người lạc quan vẫn nghĩ rằng duy trì thế độc tôn của sách có thể cứu vãn lại tình hình.

Lập luận như trên không phải để từ bỏ sách giấy mà để thiết lập lại tầm nhìn cân bằng và hòa trộn giữa sách truyền thống và các phương tiện hiện đại đã chiếm lĩnh hầu như mọi ngóc ngách của nhận thức; thay vì tách biệt và đối lập theo kiểu loại trừ nhau mà ta thường thấy.

Các nhà giáo dục theo hướng song – đọc hiểu, vừa đọc sâu từ sách vừa đọc bao quát từ phương tiện nghe nhìn, đề xuất rằng nền tảng của việc đọc phải là hướng dẫn trẻ khi nào cần đọc sâu và khi nào cần đọc bao quát. Chuyển dịch linh hoạt giữa hai cách đọc, lấy chúng bổ trợ cho nhau để hấp thụ thông tin toàn diện là phương án tối ưu trong thời đại Internet.

Dù cố phòng thủ thế nào, con người khó có thể quay về cách đọc sách xưa cũ một cách hoàn toàn nữa. Nhưng nhìn ở khía cạnh lạc quan, internet mang lại cơ hội để con người đọc không chỉ bằng chữ, mà bằng cả hình ảnh; tiếp nhận kiến thức không chỉ bằng mắt, mà bằng cả tai.

Lang Minh

https://vnexpress.net/