Hạt Giống Nẩy Mầm 17+18/10 Và Chúa Nhật 29 TN A

Hạt Giống Nẩy Mầm 17+18/10 Và Chúa Nhật 29 TN A

 

Ngày 17/10. THÁNH INHAXIÔ THÀNH ANTIÔKIA.

Ngày 18/10 

THÁNH SỬ LUCA..

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN.

Ngày 17/10

THÁNH INHAXIÔ THÀNH ANTIÔKIA

Ga 12,24-26

* Lịch Sử

Sinh tại Syrie qua đời tại Rôma dưới thời Trajan (98-117).

Thánh Ignatio với biệt danh là Theophoros (người mang Chúa) là vị Giám mục thứ ba của thành Antiochia, sau thánh Phêrô, được xem như người thành lập giáo đoàn này, và thánh Evodis.

Tục truyền rằng, ngài là đứa bé được Chúa đặt giữa các Tông đồ, khi họ tranh chấp ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Tông đồ Gioan có lẽ là Thầy của ngài.

Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajan. Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thơ, nói lên tình yêu nồng say của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị giám mục. Ngài gởi thư về giáo đoàn Rôma van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.

Tại Rôma, ngài bị kết án và cuối cùng bị quăng cho thú xé xác tại hí trường Colosseum. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Nghịch lý là những chân lý mà thoạt nghe thì xem như vô lý nhưng khi ta suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy rất có lý. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy những nghịch lý về sống và chết, được và mất :

– Có dám chết thì mới sống : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

– Có dám mất thì mới được : “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

B. Nảy mầm.

  1. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Bạn hãy đọc lại câu này nhưng đổi một số chữ : hạt lúa = người tín hữu ; đất = thế giới này ; chết đi = hy sinh để phục vụ.
  2. Hãy suy nghĩ thêm về những nghịch lý giữa sống và chết, được và mất :

– Các thánh tử đạo dám chết vì Chúa cho nên đã được sự sống đời đời.

– Chúa nói rằng ai bỏ cha mẹ anh em ruộng nương…. thì sẽ được lại gấp trăm.

– Chúa cũng nói rằng dù được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì.

– Cỏ để cho con người cũ chết đi thì mới sống lại thành con người mới.

– v.v.

  1. “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” : mà Chúa đã đi con đường thánh giá thì người môn đệ cũng phải theo Ngài trên con đường đó ; Chúa đã ở trong đau khổ thì người môn đệ cũng phải ở đó, rồi mới được ở trong vinh quang hạnh phúc với Ngài.
  2. Có một chàng Muối chất phác trên đường dạo chơi bỗng gặp được một cái gì thật rộng lớn mênh mông. Ngạc nhiên, chàng hỏi :

– Người là ai ? là cái gì ?

– Tôi là Biển. Có tiếng đáp lại.

– Biển là gì ?

– Biển là tôi.

Chàng Muối vô cùng thắc mắc, không thể hiểu nổi “Tôi là Biển” và “Biển là tôi”. Tiếng ấy nói tiếp :

– Muốn hiểu tôi, anh hãy đến gần đây và chạm vào tôi.

Chàng Muối rụt rè đến gần Biển và nhúng mấy đầu ngón tay vào Biển. Lạ thay, vừa mới đụng có chút vậy mà chàng Muối đã bắt đầu hiểu được bí nhiệm Biển. Nhưng đồng thời chàng cũng nhận thấy mấy đầu ngón tay mình tan biến đâu mất. Chàng la lên :

– Biển ơi, chị làm gì vậy ? Tôi cụt hết mấy ngón tay rồi nè !

– Ô hay. Anh phải cho tôi chút gì của anh rồi mới hiểu được tôi chứ !

Vì đã biết chút ít bí mật về Biển, chàng Muối khao khát được hiểu biết nhiều hơn. Chàng bước xuống Biển và bắt đầu tan dần cách êm ái trong Biển. Trong mức độ hòa đồng đó, chàng Muối ý thức được chính mình và hiểu biết Biển nhiều hơn. Chàng cứ tiếp tục tan đi như thế, cho tới lúc một làn sóng cao ập tới, cuốn toàn thân chàng xuống tận đáy Biển. Khi đó chàng vui sướng hiểu được câu nói bí mật hồi nảy của Biển : “Biển chính là tôi”.

Kết : Chàng Muối chất phác chỉ bắt đầu hiểu được Biển và biết được chính mình khi chàng chịu cho Biển cái gì là của mình, rồi cho cả chính mình chàng. Sự hiểu biết êm dịu chàng cảm nghiệm được tiêu theo mức độ từ bỏ, bỏ cả cái tôi, như lời Chúa Giêsu nói “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình mà theo Ta” (Góp nhặt).

Ngày 18/10 THÁNH SỬ LUCA

Lc 10,1-9

* Lịch Sử

Thánh Luca được xem như tác giả quyển Phúc Âm thứ ba và quyển Công Vụ Tông đồ. Theo truyền thống, ngài được sinh ra ở Antiochia, xứ Syrie trong một gia đình ngoại giáo. Theo Cl 4,14 ngài là lương y và đã chữa bệnh cho thánh Phaolô.

Về Phúc Âm, ngài lấy Phúc Âm thánh Máccô làm nền và sử dụng nhiều lưu truyền theo những nguồn gốc khác, nhưng tổng thể đều bị ảnh hưởng lấy con người của ngài.

Ngài nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Giêsu đối với người nghèo và tội nhân. Luca cũng nói về cầu nguyện và Chúa Thánh Thần nhiều hơn Mátthêu.

Trong Công Vụ Tông đồ, với cái nhìn lịch sử và văn chương, ngài tường thuật những ngày đầu của Kitô giáo. Ngài đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau, nhưng phần lớn, ngài ghi lại như nhân chứng, chỉ vì thánh Phaolô đã đem ngài theo trong cuộc truyền giáo lần thứ hai và thứ ba, nhất là trong cuộc du hành bị bắt giải về Rôma (X Cl 4,10-14 ; Plm 24 ; 2Tm 4,10).

Việc tôn kính thánh Luca đã có từ thế kỷ thứ 8. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

 

A. Hạt giống…

Đây là bài sai các môn đệ ra đi loan Tin Mừng. Hãy chú ý một số điểm :

– “Sau đó Đức Giêsu chỉ định 72 người khác và sai các ông đi” : Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm Tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.

Luca đã ghi một bài sai truyền giáo nhắm đến nhóm 12 Tông đồ (x.Lc 9,1-6). Bây giờ Luca lại ghi một bài sai truyền giáo khác nhắm đến 72 môn đệ. Theo St 10, con số 72 là số chỉ tất cả các dân trên trái đất. Như thế, việc truyền giáo là sứ mạng không riêng của các Tông đồ mà còn của  tất cả mọi tín hữu.

– “Từng nhóm hai người” : Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.

– “Hãy cầu xin” : Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.

– “Như chiên non vào giữa sói rừng” : Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.

– “Đừng chào ai dọc đường” : việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.

– “Bình an cho nhà này” : đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.

– “Cứ ở lại nhà ấy” : gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.

– “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình” : sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).

  – “Thợ đáng trả lương” : đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18 ; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).

  – “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy” : Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27).

  – “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.

B. Nảy mầm.

  1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai. Thực ra, người tín hữu VN chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo.
  2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.
  3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là : cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
  4. Người truyền giáo phải có tinh thần nghèo : không trang bị nhiều phương tiện vật chất, không so đo về nơi ăn chốn ở.
  5. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
  6. Vài mẫu chuyện về việc kiến tạo bình an :

a/ Người Trung Hoa có câu : “Nếu bạn nói lời dịu dàng, bạn sẽ không cần dùng đến roi”.

b/ Sách Châm ngôn viết : “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận, lời nói tổn thương khiêu thêm giận dữ” (Cn 15,1)

c/ Hai con dê đi ngược chiều nhau và gặp nhau trên một chiếc cầu hẹp. Nếu chúng chen nhau để đi thì cả hai sẽ rơi xuống sông. Nếu chúng đánh nhau dành lối đi thì kết quả còn tai hại hơn nữa. Cuối cùng chúng đã tìm ra được một giải pháp : một con nằm bẹp xuống cho con kia cỡi lên mình nó đi qua, sau đó nó đứng dậy tiếp tục đi theo hướng của nó (Philip Henry).

  1. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”.(Lc 10,4)

Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lệnh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong…

Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con : Đã quen rồi bóng râm của tiện  nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.

Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con (Hosanna).

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Mt 22,15-21

A. Hạt giống…

Sự khôn khéo của Chúa Giêsu trong chuyện này không phải chỉ là không để mình mắc bẫy những người thuộc hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê, mà còn là dạy lại cho họ một bài học “Của Xêsa hãy trả cho Xêsa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” : họ chỉ mải lo chuyện thế tục (“của Xêsa” : vấn đề nộp thuế) mà quên lo bổn phận tối thượng là thờ phượng Thiên Chúa.

 B. Nảy mầm.

  1. Chúa đã làm gương cho chúng ta phải có những lập trường sống rất rõ rệt và dứt khoát : trong lãnh vực nào thì phải sống như thế nào ? đối với hạng người nào thì phải cư xử như thế nào ? đối với vấn đề gì thì phải có lập trường gì ? v.v. chứ đừng ba phải để mình bị lôi cuốn đẩy đưa theo hoàn cảnh, theo dư luận hoặc theo áp lực. “Của Xêxa hãy trả cho Xêxa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” là một lập trường sống rõ ràng về vấn đề thế quyền và thần quyền. Nhưng còn nhiều lãnh vực khác nữa : thí dụ tôi có lập trường thế nào về tương giao với phụ nữ ? về cách xài tiền ? về danh vọng, địa vị ? về gian nan thử thách ? v.v.
  2. Câu “Của Xêxa hãy trả cho Xêxa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” còn dạy tôi không được nhập nhằn lẫn lộn, hay nói cách khác là “giờ nào việc ấy”. Giờ làm việc thì làm việc hết mình, giờ chơi thì chơi hết mình, giờ cầu nguyện thì cầu nguyện hết mình… đừng lấy giờ cầu nguyện để làm việc, đừng lấy giờ làm việc để chơi, cũng như đừng lấy giờ chơi để làm việc v.v.
  3. Câu trên còn cảnh giác chúng ta về một thói xấu chúng ta thường vấp phạm, đó là lấy của Thiên Chúa để trả cho Xêxa. Chẳng hạn lấy giờ cầu nguyện để làm việc khác.
  4. Nhiều nhà nuôi ong chuyên nghiệp có thể chăm sóc tổ ong mà không cần mang mạng che mặt hoặc quần áo đặc biệt gì cả. Nhờ đâu ? Kỹ thuật rất đơn giản : phải rất bình tĩnh và cử động phải rất chậm chạp và dứt khoát. Nhờ đó các con ong cũng bình tĩnh không hoảng sợ mà tấn công lại. Ngay cả khi các con ong đậu trên tay, trên mặt họ, họ cũng không khiến chúng sợ hãi.

Câu chuyện trên là minh họa thêm cho ta thấy rõ hơn một đức tính của Chúa Giêsu : luôn bình tĩnh trước bất cứ tình huống nào.

  1. “Giận dữ là ngọn gió thổi tắt ngọn đèn của trí khôn”. (Robert Ingersoll)
print