Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 27
Thứ Hai :
Lc 10,25-37
A. Hạt giống…
- “Ai là người thân cận của tôi ?”. Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng của ông :
– Ông muốn tìm một câu định nghĩa về “người thân cận”. Người do thái thời đó hiểu “người thân cận” chỉ là những đồng bào do thái với mình.
– Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
- Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng của Chúa Giêsu :
– Định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận (câu 37)
– Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm…). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là do thái một người là Samari.
– Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (câu 36)
B…. nẩy mầm.
- “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
- “Bác ái là thẻ thông hành có giá trị nhất để vào Nước Trời”. “Bác ái đích thực không tra vấn, không đặt câu hỏi” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
- Trong thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang oằn oại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ : “Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy ! ”Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh.
Thứ Ba :
Lc 10,38-42
A. Hạt giống…
Câu chuyện có 3 vai : vai chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Mác-ta và Maria mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau :
– Mác-ta lăng xăng lo cơm nước, giường chiếu v.v.
– Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy”
Mác-ta khó chịu xin Chúa Giêsu bảo Maria tiếp mình. Nhưng Chúa Giêsu nói : “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, đó là việc Maria đang làm, tức là ngồi bên chân Chúa đề lắng nghe lời Chúa.
B…. nẩy mầm.
- Ở bên chân Chúa :
a/ Thánh sử Luca thích trình bày hình ảnh người ta ở bên chân Chúa :
– Lc 7,36-45 : một hôm có một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà 1 người biệt phái. Nàng tìm đến đó, quì dưới chân Chúa và khóc đến nỗi nước mắt làm ướt chân Ngài. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quì, và tâm tình là sám hối.
– Lc 17,11-19 : Lần khác Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơn. Tư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình, và tâm tình là tạ ơn.
– Lc 8,40-56 : Con gái ông Giairô bị bệnh nặng. ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế trong trường hợp này cũng là sấp mình, và tâm tình là xin ơn.
– Lc 8,26-39 : Có một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồi bên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài. Tư thế lần này là ngồi, và tâm tình là muốn đi theo Chúa.
.- Đoạn Tin Mừng hôm nay kể chuyện Mác-ta ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Tư thế ngồi, tâm tình lắng nghe.
* Tóm lại, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quì hay sấp mình sâu thẳm. Và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo hay lắng nghe học hỏi.
b/ Ở bên chân Chúa trong tư thế nào cũng được và với tâm tình nào cũng được, miễn là ở bên chân Chúa. Và chính Chúa Giêsu cũng đề cao việc ở bên chân Ngài : “Mác-ta Mác-ta, con lo lắng bôn chôn nhiều quá. Nhưng chỉ có 1 điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
c/ Tư thế ở bên chân Chúa là
– tư thế khiêm tốn
– tư thế gần gũi gắn bó.
– tư thế trầm lắng, bình an.
Hằng ngày chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng. Đoạn Tin Mừng này và những đoạn tương tự nhắc chúng ta có 1 nơi rất tốt, đó là ở bên chân Chúa. Chúng ta hãy tìm dịp đến bên chân Chúa, bên chân Chúa chúng ta có thể ngồi, có thể quì, có thể sấp mình sâu thẳm. Chúng ta có thể van xin, có thể tạ ơn, có thể sám hối, có thể bày tỏ thiện chí muốn theo Chúa, có thể trầm lắng đón nghe lời Ngài. Đó là điều Chúa rất ưa thích và cũng rất ích lợi cho anh em.
- “Tất cả vì Chúa và cho Chúa”, đó có lẽ cũng là bài học Chúa Giêsu muốn nói đến qua đoạn Tin Mừng hôm nay (…) Lời Chúa… mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt danh cho cầu nguyện, thờ phượng ; còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người kitô hữu, phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
- Đôi tay để làm việc phục vụ cũng quan trọng, nhưng đôi tai lắng nghe Lời Chúa và đôi đầu gối quì bên chân Chúa quan trọng hơn.
- “Mác-ta đón Người vào nhà. Cô nói người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Còn Mác-ta tất bật lo việc phục vụ.” (Lc 10,39-40)
Cô giáo môn tiếng Anh của tôi không phải là người công giáo. Một hôm cô nói với lớp : “Không hiểu vì sao cô rất thích nghe nhạc của đạo công giáo. Những bài hát ấy có một sức lôi cuốn nào đó, mỗi lần nghe cô cảm thấy tâm hồn thanh thoát vui tươi và cuộc sống thật hạnh phúc.” Nói xong cô hỏi lớp : “Lớp mình có bạn nào người công giáo không ? Hãy nói cho cô và các bạn nghe về Chúa !” Cả lớp vẫn im lặng. Tôi muốn nói nhưng khổ nỗi vào giờ này không ai được nói tiếng Việt. Tôi biết Chúa nhưng nói về Chúa bằng tiếng Anh thì không thể, vì tôi không có đủ vốn từ và cũng không biết phải nói làm sao.
Tôi buồn vì đã bỏ qua một cơ hội để nói về Chúa cho cô và các bạn chỉ vì thiếu khả năng ngoại ngữ. Từ đó bên cạnh việc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa, tôi sẽ nói bằng tất cả lòng yêu mến và kiến thức sẵn có của mình.
Lạy Chúa ! cả hai thái độ của Mác-ta và Maria đều cần thiết cho con trong cuộc sống hôm nay. Xin cho con vừa là Maria vừa là Mác-ta để con xứng đáng là chứng nhân đích thực của Chúa. (Hosanna)
Thứ Tư :
Lc 11,1-4
A. Hạt giống…
- Câu 1b “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ ông”. Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu sắp dạy cũng là đặc trưng của Kitô giáo. Nét đặc trưng rõ nhất được thấy trong một từ chìa khoá lắp đi lặp lại rất nhiều lần, từ “Cha” : kitô hữu được làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
- Vì là một bài kinh rất ngắn gọn cho nên những điều được nói trong đó đều là những điều then chốt nhất. Nói cách khác, những lời xin trong bài kinh này cho ta biết những điều mà kitô hữu cần quan tâm nhất là gì :
a/ Đối với Chúa : sao cho người ta được biết Chúa (“Xin làm cho danh Cha vinh hiển”) ; sao cho nhiều người gia nhập Nước Chúa (“triều đại Cha mau đến”)
b/ Đối với chính bản thân mình : có lương thực hằng ngày, được Cha tha thứ và mình cũng biết tha thứ cho người khác, đừng sa chước cám dỗ.
B…. nẩy mầm.
- Văn mạch : Tin Mừng Mt ghi Kinh Lạy Cha trong văn mạch Chúa Giêsu đang dạy cho các môn đệ mình cách thi hành những việc đạo đức (làm việc đạo đức cách kín đáo, đừng phô trương). Còn Tin Mừng Lc ghi kinh này sau khi một môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho nhóm môn đệ mình một bài kinh riêng của nhóm, để phân biệt với các nhóm tín ngưỡng khác. Như thế Kinh Lạy Cha là kinh nguyện độc đáo của Kitô giáo. Tìm hiểu Kinh Lạy Cha, ta có thể biết những điểm độc đáo của sự cầu nguyện Kitô giáo là gì. Điểm độc đáo đầu tiên là Kitô hữu được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) một cách rất thân thương gần gũi.
- Một cậu bé bệnh nặng sắp chết. Cha cậu bé hỏi :
– Con sợ chết không con ?
– Thưa ba, không, nếu như Thiên Chúa cũng giống như ba, cậu đáp (“Sunday school Times”)
- 2 Sam 18,33 : Thái tử Absalom nổi loạn định lật đổ cha là Đavít. Nhưng quân đội của Đavít đã phản công và giết chết Absalom. Khi một người lính từ chiến trường trở về vui mừng báo tin cái chết của kẻ phản loạn, Đavít đã xé áo mình ra và kêu lên thảm thiết “Absalom con ơi, Absalom con ơi. Phải chi cha được chết thay cho con !”
- “Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với một người bạn : “Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ : nếu quả thật Thiên Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”. Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại Kinh Lạy Cha (…) Tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mặc khải qua kinh Lạy Cha. Sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
- “Cả đời Chúa Giêsu chỉ xoay quanh một nguyên tắc này “Ta đến để làm theo ý Cha Ta”… Chúng ta hãy thử xem chúng ta có để cho ý Chúa được nên một với chúng ta không ? Chúng ta có cố tình lầm lẫn ý của chúng ta thay cho ý Chúa không ? Chúng ta hãy nhớ câu chuyện Giona (bài sách thánh hôm nay)… “ (trích “TMCGK ngày trong tuần”)
- “Chúng ta không thể cầu nguyện Kinh Lạy Cha mà chúng ta không có đóng góp gì vào vinh quang Nước Chúa trị đến. Cũng như chúng ta không thể xin cho cơm bánh hằng ngày dùng đủ mà lại cứ ngồi há miệng chờ sung. Kinh nguyện là hành động của lòng tin. Ta phải minh chứng bằng việc làm” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
- Một bác chèo đò chở một thanh niên trên chiếc thuyền của mình. Chiếc thuyền có hai mái chèo. Trên một mái chèo có chữ “cầu nguyện”, trên mái chèo kia có chữ “làm việc”. Chàng thanh niên nói với giọng châm biếm :
– Nếu đã làm việc thì cần gì phải cầu nguyện nữa.
Bác lái đò chẳng nói gì, buông tay không chèo mái “cầu nguyện” nữa, chỉ chèo bằng mái chèo “làm việc”. Chiếc thuyền cứ quay vòng vòng chẳng tiến được chút nào cả. Khi ấy chàng thanh niên hiểu rằng ngoài mái chèo “làm việc” còn cần thêm mái chèo “cầu nguyện” nữa thì thuyền đời mới tiến được. (Đức Cha Tihamer Toth).
- Một lần kia cùng dự Thánh lễ với một nhóm sinh viên, tôi cấm lòng cầm trí đọc chung Kinh Lạy Cha với họ, và bỗng cảm thấy những điều Chúa Giêsu bảo tôi xin chứa đựng rất nhiều ý nghĩa :
– Lạy Cha chúng con… : tất cả chúng tôi đang ở đây đều có một người Cha chung.
– Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đền, ý Cha thể hiện… : nhưng chỉ có một nhóm nhỏ này được biết Cha, còn biết bao nhiêu sinh viên học sinh khác nữa…
– Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày : tôi nghĩ đến những bạn chung quanh. Họ ăn cơm tháng, mỗi tháng chỉ hơn 100 ngàn, đồ ăn rất đạm bạc, buổi sáng thường nhịn đói.
– Và tha nợ chúng con : họ là những người trẻ, nhiều sai sót lỗi lầm, nhiều tội..
– Xin cớ để chúng con sa chước cám dỗ : có biết bao cám dỗ vây quanh họ, trong trường học, ngoài xã hội, ở chợ đời…
- Chúa Giêsu bảo các môn đệ : khi cầu nguyện anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin hãy làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến.” (Lc 11,2)
Lạy Cha, con biết rằng danh Cha vinh hiển thì mọi sự thế gian này sẽ tốt hơn ! Con biết rằng Cha dựng nên con nhằm để con làm sáng danh Cha.
Để làm sáng danh Cha tôi phải làm gì đây ? phải chăng chỉ lặp lại suông lời nguyện Chúa day tôi ? Không, tôi phải sống chính lời nguyện ấy. Tôi phải dùng những gì Chúa ban mỗi ngày để danh Cha cả sáng, dùng của cải vật chất, danh vị, quyền lợi, dùng kiến thức hiểu biết… Danh của tôi phải nằm trong danh Thiên Chúa. Nếu như danh Cha cả sáng thì mọi sự tốt đẹp hơn ! Tôi tin như thế và tôi sẽ cố gắng.
Lạy Cha, xin cho con biết dùng lời nguyện của Cha như là kim chỉ nam để sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. (Hosanna)
Thứ Năm :
Lc 11,5-13
A. Hạt giống…
- Dụ ngôn này được đặt tên là “người bạn quấy rầy”
– “Quấy rầy” vì đến gõ cửa ban đêm để vay bánh : việc này khiến chủ nhà bị mất ngủ. Và nếu chủ nhà thức dậy thắp đèn lên, rồi lấy bánh, rồi mở cửa, rồi nói chuyện… thì sẽ làm cho vợ con của ông cũng mất ngủ luôn. Bởi thế, chủ nhà đã nói vọng ra lời từ chối. Nhưng người bên ngoài cứ vừa gõ cửa vừa kêu mãi.
– Nhưng người đứng bên ngoài ấy lại là một “người bạn”. Bạn bè thì phải thương yêu nhau và tương thân tương trợ nhau, nhất là trong những khi gặp khó như trường hợp này.
Việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do : cho để khỏi bị quấy rầy nữa ; cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin, và lý do là nhờ anh kiên trì.
- Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu lý luận theo kiều a fortiori (huống chi) : người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ (để khỏi bị quấy rầy) thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. Huống chi Thiên Chúa vốn tốt lành quen đối xử với chúng ta theo tình thương. Bởi thế nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.
B…. nẩy mầm.
- Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu xin cách kiên trì ? Vì “Chúa muốn chúng ta ý thức của Ngài cho hay sẽ cho phải được tiếp nhận xứng đáng với tấm lòng. Của cho phải tương xứng với tấm lòng (…) Hơn thế nữa, Chúa muốn tăng đức tin của người cầu xin” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
- “Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu.. Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là “Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không ?” Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói “Cháu hãy để cho Chúa liệu…. Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm : cháu đã cứu được một người là chính bác. Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ…” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
- “Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì hãy được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho “. (Lc 11,9)
Nhiều lần tôi cầu nguyện với Chúa. Và nhiều lần cảm thất trống vắng. Bao mơ ước với lời cầu không được nhận lời. Nhiều biến cố trong cuộc đời là những thất bại. Và tôi thầm nghĩ : Chúa thật xa vời. Hình như Ngài đã bỏ tôi. Nhưng hôm nay ngồi nhìn lại chính mình. Tôi cảm nhận Chúa luôn ở với tôi. Điều tôi tưởng như là thất bại, chỉ vì tôi :
Chưa đặt niềm tin nơi Ngài ;
chưa kiên nhẫn với việc ngài trao ;
chưa kiên trì gõ cửa và tìm kiếm ý Ngài trong đời tôi.
Vì tôi, chỉ thấy thành quả đạt được là của bản thân hơn là Hồng Ân của Ngài.
Lạy Chúa, Chúa thật kiên nhẫn với con. Xin cho con đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng biết kiên nhẫn tìm kiếm và gõ cửa cho đến khi được Hồng Ân của Ngài. Amen. (Hosanna)
Thứ Sáu :
Lc 11,15-26
A. Hạt giống…
- Các câu 14-16 : Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ trừ một quỷ câm, dân chúng phản ứng 3 cách khác nhau : a/ Đa số “ngạc nhiên”, nghĩa là thán phục ; b/ Một nhóm xuyên tạc rằng Ngài đã dựa thể quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ quỷ nhỏ ; c/ Nhóm thứ ba nửa tin nửa ngờ nên muốn có một dấu lạ “từ trời” để chứng nhận Chúa Giêsu chính là người mà trời sai xuống.
- Các câu 17-23 : Để trả lời cho những kẻ không tin (nhóm thứ hai), Chúa Giêsu lý luận rằng : ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu ? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
- Các câu 24-26 : Đây là của lời khuyến cáo các môn đệ Chúa Giêsu. Đành rằng ma quỷ đã bị Chúa Giêsu đánh bại, nhưng các môn đệ chớ có lơ là cảnh giác. Ma quỷ tìm cách quay trở lại và có thể làm hại họ nặng hơn trước nữa.
B…. nẩy mầm.
- Thực tại về ma quỷ : “Nhiều người ngày nay không còn tin vào ma quỷ. Tội lỗi được biện minh bằng sự yếu đuối và thiếu tự do nơi con người. Quỷ ám được giải thích như những chuyện thần thoại mà khoa tâm lý chiều sâu tìm cách giải thích. Những cám dỗ chỉ còn là sản phẩm của óc tưởng tượng. Chiến thuật của ma quỷ trong thế giới xem ra không phải là sự đe dọa con người bằng những ám hại, mà chính là thuyết phục con người tin rằng nó không có mặt trên trần gian này” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
- Người hạnh phúc nhất mà tôi từng được biết, đó là một người Ái nhĩ Lan tên Dundee. Ông bị té gãy lưng từ năm 15 tuổi, sau đó phải nằm trên giường bệnh rất đau đớn trong suốt 40 năm. Nhưng lúc nào ông cũng tươi cười. Tôi hỏi :
– Có khi nào ông bị quỷ cám dỗ không, chẳng hạn nó nói với ông rằng nếu Chúa thương ông thì chẳng để ông phải liệt giường như vậy ?
– Có chứ, rất nhiều lần. Nó thường dẫn trí óc tôi nhìn đến cảnh sung sướng của người khác và nói với tôi như thế. Nhưng tôi cũng dẫn nó tới đồi Canvê, chỉ cho nó thấy Chúa Giêsu đang chết trên Thập giá. Và tôi hỏi lại nó “Thế Chúa không thương tôi sao ?”. Kết quả là lần nào nó cũng vội vàng rút lui. (Moody’s story)
- Sự mù quáng do ganh tị : Vì ganh ghét Chúa Giêsu nên các kẻ thù của Ngài đã bị mù quáng. Chẳng những họ không nhận ra ý nghĩa việc Ngài trừ quỷ, mà còn xuyên tạc rằng Ngài làm như thế là dựa vào sức quỷ vương.
- Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp : “Được. Nhưng tôi không có tên”. Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa… cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình (D.L. Moody).
- “Kẻ khác lại muốn thử Chúa Giêsu nên đã đòi Ngài một dấu lạ từ trời” (Lc 11,16)
Lạy Chúa, Tại sao Ngài cho con sinh ra trong gia đình này với người cha “pharisêu” và các anh chị “giả hình” ? Tại sao Ngài không cho con tài năng như anh kia ? đạo đức như chị nọ ? Tại sao con không có một mái tóc óng mượt, không có một khuôn mặt xinh xắn hơn ? Tại sao ?… Tại sao ?… Nhiều lần con đã chất vấn Ngài, con thử thách Ngài, con đòi Ngài phải cho con cái của người khác, có như thế thì Chúa mới thực là một Thiên Chúa yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn đơn sơ để con nhận ra tất cả những quà tặng Ngài mang đến cho con. Và tin rằng đó là món quà tốt nhất đối với con, là dấu chứng rõ nhất về một Thiên Chúa yêu thương. (Hosanna)
Thứ Bảy :
Lc 11,27-28
A. Hạt giống…
- Trong đoạn này, Chúa Giêsu muốn đề cao những người “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã đề cao họ bằng cách coi họ còn trọng hơn mẹ ruột của Ngài.
- Nhưng nói thề không phải là Chúa Giêsu coi rẻ Đức Maria, trái lại còn gián tiếp ca tụng Người : Người vừa là mẹ ruột đã sinh ra Ngài, vừa là một người luôn lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa.
B…. nẩy mầm.
- Lắng nghe và giữ lời Chúa : Trong Tin Mừng Luca, rất nhiều lần Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe và giữ lời Chúa (Thí dụ chuyện Mác-ta và Maria). Hôm nay một lần nữa Chúa Giêsu đề cao những kẻ lắng nghe và giữ lời Ngài, thậm chí coi họ còn trọng hơn mẹ ruột của Ngài nữa.
- Diễm phúc của Đức Mẹ : “Phúc cho Mẹ không phải vì đã cho Chúa bú mớm, nhưng vì đã để lời Ngài biến thành xương thịt của mình. Trong thinh lặng, Mẹ đã nghiền ngẫm và để lời Chúa thành chính sự sống của Mẹ” (Trích “Mỗi ngày một tin vui)
- Có 3 cách đọc Lời Chúa :
– Coi Lời Chúa như dầu gió : Khi bạn nhức đầu nóng lạnh, bạn xức dầu vì biết nó tốt cho sức khoẻ của bạn.
– Coi Lời Chúa như chiếc bánh bông lan : tuy khô khan khó nuốt nhưng cũng ngon và bổ.
– Coi Lời Chúa như quả đào, vừa mát vừa ngọt vừa bổ dưỡng.
Bạn đã đạt tới mức độ thứ ba chưa ?
- Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích :
Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyterian).
- Bài Tin Mừng hôm nay bổ túc ý nghĩa cho bài hôm Thứ Ba (Lc 10,38-42 : chuyện Mác-ta và Maria) : phải dùng cả đôi tay phục vụ lẫn đôi tai lắng nghe Lời Chúa. Nói cách khác, phải thống nhất đời sống.
- “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28)
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Thiên sứ đã cất lời ngợi khen ấy với người trinh nữ được Thiên Chúa tuyển chọn. Mẹ không chỉ là người cưu mang và cho Chúa Giêsu bú mớm mà còn là người tôi tớ trung thành nhất của Thiên Chúa. Từng giây từng phút, Mẹ sẵn lòng đón đợi và thực thi Thánh Ý. Gương sống khiêm nhường và trung thành của Mẹ đã là một bằng chứng chân thật cho các bài giảng của Chúa Giêsu.
Mỗi ngày tôi vẫn ca vang Mẹ là người đầy ơn phúc. Nhưng tôi biết chắc Mẹ chưa hài lòng với những câu chúc tụng suông. Người muốn tôi thắng vượt thói xấu, mỗi ngài lại trở nên tốt đẹp hơn.
Con cầu nguyện với Mẹ qua chuỗi Mân Côi mỗi ngày, để chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận và tuân giữ lời Thiên Chúa. (Hosanna)