Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 7  Mùa Quanh Năm & CN 7TN C

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 7  Mùa Quanh Năm

 

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN..

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

 

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN

Lc 6,27-38

A. Hạt giống…

  1. Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình :

– Đừng thù ghét lại nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.

– Đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.

  1. Những lời dạy về cách đối xử va tha nhân cách chung :

– Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.

– Cư xử nhân hậu.

– Đừng xét đoán và kết án.

– Hãy tha thứ.

  1. Lý do của tất cả những cách cư xử trên là vì Cha trên trời : “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” ; “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con…”

B… nảy mầm.

  1. Những chữ “vì” trong tương giao :

– Nếu “vì tôi”, thì tương giao sẽ ích kỷ.

– “Vì người ấy” thì tương giao sẽ vụ lợi hoặc thất thường (người ấy tốt thì tôi sẽ tốt, ngược lại…)

– Khi biết “vì Chúa”, các tương giao sẽ vô cùng cao thượng và tốt đẹp.

  1. “Các con muốn người ta làm gì cho các con thì các con hãy làm cho người ta như vậy” : Tôi thường đòi hoặc mong người ta làm cho tôi thế này thế nọ. Đó là cách tương giao lấy mình làm trung tâm quy chiếu. Cách tương giao này khiến người khác nặng nề và cũng thường làm tôi thất vọng. Hôm nay tôi thử cách tương giao quên mình để nghĩ đến người khác xem : chắc là mọi người đều sẽ vui, phần tôi cũng sẽ cảm thấy một niềm vui sâu xa khó tả.
  2. “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán… Hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; Hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con” : những thứ mà người khác dùng để đáp lại tôi chắc chắn không tốt bằng chính Thiên Chúa đáp lại, vì Ngài rất quảng đại, Ngài “sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc mà đổ vào vạt áo các con”.
  3. “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”. (Lc 6,27)

Lần nọ trong một ngôi thánh đường, hàng ngàn người say sưa ngồi lắng nghe vị mục sư giảng về lòng yêu thương. Khi bài giảng đã kết thúc, vị mục sư bước ra khỏi ngôi thánh đường. Bỗng một người tiến lại và chìa tay về phía ông. Đó chính là người đã hại ông khi xưa. Ngập ngừng hồi lâu, vị mục sư ngượng ngùng đưa tay bắt.

Sự ngập ngừng của vị mục sư cũng chính là thái độ của tôi trong cuộc sống hôm nay. Tôi không dễ dàng tha thứ để đón nhận và yêu thương kẻ thù. Tôi đã quay lưng lại khi phải đối diện với họ.

Lạy Chúa, xin cho con con tim của Chúa, để con bao dung, yêu thương và tha thứ cho hết mọi người như chính Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng con. (Hosanna)

  1. “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán”. (Lc 6,37)

Giêsu ơi, lời Ngài dạy “đừng xét đoán” con được nghe đã nhiều, nhưng chẳng giữ được bao nhiêu. Hằng ngày chung quanh con có bao người với bao việc làm, xấu có, tốt có. Nhưng dưới mắt con, tất cả đều có những thiếu sót. Không chỉ nhìn thấy những thiếu sót mà con còn chỉ trích, chê bai.

Lạy Chúa, con mắt con nào khác những tấm gương trong nhà cười, nơi mà những người tham quan đều phải buồn cười vì qua những tấm gương ấy, hình ảnh của họ thật kỳ dị : mặt mũi chân tay đều biến dạng. Cũng vậy, qua con mắt con, những tật xấu của anh em thì to ra, những điều tốt đẹp thì nhỏ lại.

 

 

Thứ Hai :

Mc 9,14-29

* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mc :

Mc 8,31 đến 10,52 (tức là các bài Tin Mừng từ Thứ Năm tuần VI đến Thứ Năm tuần VIII) nằm trong phần thứ hai của tác phẩm mà nội dung chính là vén màn cho độc giả dần dần biết rõ thêm a/ về Đức Giêsu, b/ về Nước Thiên Chúa mà Ngài thiết lập, c/ về điều kiện làm môn đệ Ngài. Riêng phân đoạn 8,31–10,52 là giai đoạn chót của cuộc vén màn này, sẽ cho ta biết những nét quan trọng nhất của 3 nội dung ấy.

 

A. Hạt giống…

  1. Chuyện xảy ra đang lúc Chúa Giêsu và 3 Môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê đang ở trên núi (Chúa Giêsu biến hình). Trong lúc Chúa Giêsu vắng mặt, người ta đem đến cho 9 Môn đệ kia một đứa trẻ bị quỷ ám làm cho nó bị câm. Nhưng các ông bất lực không trục xuất được tên quỷ ấy. Sự thất bại này khiến các môn đệ mất mặt. Đám đông dân chúng xúm vào phê phán các ông, và các ông cố gắng chống chế. Do đó xảy ra một cuộc tranh luận.
  2. Thấy Chúa Giêsu về, người ta mừng rỡ trình bày sự việc cho Ngài. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là khó chịu. Ngài trách và than : “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ nữa ! Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa !”. Lời than trách này nhắm đến nhiều hạng người : thứ nhất là chính các môn đệ, kế đến là đám đông dân chúng, và sau cùng là người cha của đứa trẻ bị quỷ ám. Chính vì họ chưa đủ lòng tin nên mới có thất bại này.
  3. Khi còn lại một mình với Chúa Giêsu, các Môn đệ hỏi tại sao họ thất bại, Chúa Giêsu cho biết thêm lý do thứ hai nữa là vì thiều cầu nguyện và ăn chay.

* Như thế, mặc khải của đoạn Tin Mừng này là : Chúa Giêsu là Đấng mà uy quyền có thể chế ngự cả uy quyền rất mạnh của ma quỷ. Môn đệ Chúa cũng có thể có được uy quyền này nếu có lòng tin vững chắc, ăn chay và cầu nguyện.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ nữa ! Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa !” : Tiếng than này của Chúa Giêsu cho thấy việc Ngài ở với những kẻ cứng lòng tin quả là một sự cực khổ và một điều khiến Ngài phải chịu đựng. Chắc hẳn Chúa cũng đã phải khổ vì tôi, Ngài đã phải chịu đựng tôi rất nhiều vì lòng tin yếu kém của tôi.

Tôi phải mượn lời của người cha đứa bé trong chuyện này mà khiêm tốn thưa với Chúa : “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con”.

  1. “Loại đó không thể trừ được nếu không cầu nguyện và ăn chay” : Câu này của Chúa Giêsu là để trả lời cho người cha (cũng cho cả các môn đệ và chúng ta ngày nay) : muốn được trợ giúp cho đức tin yếu kém của mình thì phải cầu nguyện và ăn chay.
  2. Một tướng quân quyết định tấn công cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.

Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và vào cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói” : Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ nơi nó”.

Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.

Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân  : “Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh”.

Tướng quân trả lời  : “Rất đúng”, và cho anh hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa. (Góp nhặt)

 

Thứ Ba :

Mc 9,30-37

A. Hạt giống…

  1. Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai : Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.
  2. Do đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ không hiểu gì cả. Nhưng không dám hỏi lại Chúa Giêsu. Và cũng vì đã quen với quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các ông tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời mà Chúa Giêsu thành lập.
  3. Chúa Giêsu sửa dạy các ông : trong Nước Trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc nhỏ. Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ : càng có chức vụ cao thì càng phải phục vụ nhiều (để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ). Điều thứ hai phải để ý nữa là có thái độ tiếp đón mọi người không phân biệt gì cả, dù là một người hèn hạ, vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải tiếp đón (để nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ, tức là một con người không mang lại lợi ích gì cho kẻ tiếp đón nó, mà còn mang tới phiền muộn).

 

B…. nẩy mầm.

  1. Trong “nước trần gian”, muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta thấy mình là “người lớn”, lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh v.v. Còn trong Nước Trời, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ mình tỏ ra là trẻ nhỏ, là đầy tớ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, tôi phải có một lối sống hơi ngược đời như thế, vì “Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.
  2. “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy tức là đón tiếp chính mình Thầy”. Những “trẻ nhỏ như thế này” là những người nghèo hơn tôi, kém thông minh hơn tôi, yếu hơn tôi, cư xử nói năng vụng về hơn tôi… Chính vì họ tệ hơn tôi nên tôi thường xua đuổi họ hoặc không thích ở gần họ. Nhưng như thế tức là tôi đã xua đuổi và thờ ơ với chính Chúa rồi.
  3. Ngày xưa các môn đệ đã làm một chuyện lố bịch là mặc kệ Chúa mời gọi đi theo Ngài trên con đường thập giá, họ cứ tranh dành nhau địa vị và quyền lợi. Nhưng về sau khi hiểu lại, họ đã thay đổi hẳn : “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Phần tôi, tôi cứ tiếp tục việc làm lố bịch đó. Khi nào thì tôi mới hiểu lại và thay đổi đây ?
  4. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con đường của chúng con. Xin cho chúng con luôn đi theo con đường thập giá Chúa để mỗi ngày được nên giống Chúa hơn.

 

Thứ Tư :

Mc 9,38-40

A. Hạt giống…

Hôm qua, Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác. Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.

– Người đời thường có óc bè phái : ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với nhũng nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”

– Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng phải sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kị này là ai ? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Đó chính là Gioan, “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương yêu”. Con người tự nhiên của Gioan vốn xấu như vậy. Nhưng nhờ tình thương của Chúa, sau này Gioan trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn những môn đệ khác. Nhìn gương thánh Gioan, tôi không thất vọng về bản chất xấu xa của mình, nhưng tôi càng tin cậy vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.
  2. Gioan cũng là một trong 3 môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu. Thế mà vẫn nặng đầu óc phe phái. Gioan đố kị với cả những người “nhân danh Chúa mà trừ quỷ”, tức là những người làm việc tốt.

Thánh Gioan mà còn như thế thì huống chi là tôi. Tôi phải khiêm tốn thừa nhận trước Chúa và trước lương tâm rằng tôi đã nhiều lần đố kị ganh ghét các anh chị em tôi, ganh ghét không phải vì họ xấu mà chính vì họ tốt. Và tôi phải hết sức đề phòng không để cho khuynh hướng ganh ghét ấy khuynh đảo tôi nữa.

  1. Tôi thường nhìn người khác một cách nghi kị và khắt khe. “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”. Do cái nhìn ấy, nếp sống của tôi trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy tôi một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan “Ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Chắc chắn với cái nhìn này đời tôi sẽ vui tươi hơn và tôi sẽ làm việc thoải mái hơn.
  2. Truyện ngụ ngôn ấn độ có kể như sau : Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần gian.

Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến : “Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt”. Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu : “Lạy Ngài, con không thể gặp được một con người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.

Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại : “Ngươi hãy đi tìm cho ta một con người thực sự xấu xa”. Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo : “Lạy Ngài con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp.

Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt”. (Chờ đợi Chúa)

 

Thứ Năm :

Mc 9,41-50

A. Hạt giống…

  1. Trong đoạn này, Mc gom chung những giáo huấn mà có lẽ ngày xưa Chúa Giêsu đã dạy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, do đó ta không thấy được mối liên hệ mạch lạc giữa các ý tưởng.

Có cả thảy 3 giáo huấn :

  1. Ai giúp đỡ môn đệ Chúa thì sẽ được Chúa thưởng, dù sự giúp đỡ đó rất nhỏ.
  2. Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho “những kẻ bé mọn”.

– “Những kẻ bé mọn” không hẳn là trẻ con, mà còn là những người mà đức tin còn non yếu. Ai gây cớ vấp phạm cho họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó rồi xô nó xuống biển còn hơn.

– Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải tự khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc : “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…”

  1. Các môn đệ Chúa phải có “muối” trong mình (Nhóm CGKPV giải thích là “sự từ bỏ”) và phải sống hoà thuận với nhau.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Ai cho các con một ly nước lã…” : Tục ngữ VN có câu “nước lã mà khuấy nên hồ”, nghĩa là từ không có gì cả mà làm nên chuyện. Vậy cho “một ly nước lã” nghĩa là hầu như chẳng cho gì cả, thế mà Thiên Chúa vẫn kể và vẫn thưởng công. Giá trị của tấm lòng kẻ biết phục vụ là như thế.
  2. Trong dụ ngôn về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu cũng thưởng các kẻ lành vì những việc nhỏ mọn họ đã làm cho “những kẻ bé mọn”. Như thế nghĩa là trước mặt Chúa, một việc nhỏ bé nhất làm cho một kẻ nhỏ bé nhất cũng có giá trị rất cao cả. Hay nói cách khác, dưới con mắt Chúa, không có việc làm nào vì tình thương mà nhỏ bé cả.
  3. “Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc thốt cối xay vào cổ nó…” : Cớ vấp phạm là những lời nói và hành động nhiều khi rất vô tình. Ai ngờ hậu quả chúng gây ra cho người khác và cho chính mình lại to lớn như thế.

Tôi đâu có biết rằng một lời nói của tôi chỉ để chơi thôi nhưng làm cho anh chị em tôi đau lòng đến cả đêm không ngủ. Huống chi một lời nói vì nóng giận mà tôi không kềm lại được…

Chúa dạy tôi phải quan tâm tới anh chị em. Trước khi làm gì hay nói gì tôi cũng phải suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó sẽ có tác động gì nơi người anh chị em tôi.

  1. “Nếu tay con nên dịp tội, hãy chặt đi… Nếu chân con… Nếu mắt con… Thà có một tay… một chân… một mắt mà được vào Nước Thiên Chúa” : Được vào Nước Thiên Chúa là điều quý giá nhất, so với nó không có hy sinh từ bỏ nào là quá đáng cả.

Hiện giờ tôi cần phải “chặt” cái gì ?

  1. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích “Phúc”)

 

Thứ Sáu :

Mc 10,1-12

A. Hạt giống…

Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề li dị.

Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này : lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường ; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.

Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được li dị : “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân li”.

Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân : phải yêu thương nhau (“luyến ái”) và đồng tâm nhất trí (“nên một huyết nhục”) với nhau.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Tình trạng li dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng li dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.

Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ ra thế nào nữa ! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.

  1. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ và một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân :

– dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ

– bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể

– vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.

Xin cho các Linh mục, tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.

 

Thứ Bảy :

Mc 10,13-16

A. Hạt giống…

  1. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng (“đặt tay trên chúng”).
  2. Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người do thái coi khinh trẻ nhỏ (do chúng chưa biết Luật). Trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.
  3. Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.
  4. Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Thấy vậy Ngài bất bình” : Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài đuổi xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.
  2. “Hãy để trẻ nhỏ đến với” : Tôi nên hiểu “trẻ nhỏ” theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người “nhỏ bé”, tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí v.v.
  3. “Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ”. Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay… Tôi đối với Chúa như thế nào ? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không ?
  4. “Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ”, đó là tựa đề quyển sách của Mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết “Những bài học chúng ta học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta cần biết để sống hạnh phúc ; nếu tất cả chúng ta  đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loan như hiện nay.” Những điều đó là gì ?

– Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.

– Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.

– Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.

– Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)