Hạt Giống Nẩy Mầm Từ  Lễ Tro Đến Thứ Bảy Sau Lễ Tro

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Từ  Lễ Tro Đến Thứ Bảy Sau Lễ Tro

 * Trong Mùa Chay, các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước có liên quan với nhau và soi sáng ý nghĩa cho nhau.

Thứ Tư – Lễ Tro :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Tư – Lễ Tro :

Ge 2,12-18 ; Mt 6,1-6

 

A. Hạt giống…

  1. Mở đầu Mùa Chay, Hội Thánh dùng lời ngôn sứ Gio-en để chỉ cho chúng ta thấy phải sống Mùa Chay như thế nào :

 

– “Hãy thật lòng trở về với Ta”

– “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”

  1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy về 3 việc đạo đức tiêu biểu mà người do thái thường làm, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Qua 3 việc tiêu biểu này, chúng ta có thể hiểu về tất cả những việc đạo đức khác.

– Khi làm, đừng quá chú trọng đến vẻ bề ngoài của những việc đó (“khua chiêng đánh trống”, “trong hội đường hay ở ngã ba đường”, “làm cho ra vẻ thiểu não”)

– Đừng làm để được người ta khen (“cốt để người ta khen”, “cho người ta thấy”, “để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”)

– Mà hãy làm cách kín đáo (kín đáo : không có nghĩa là dấu diếm người ta, mà là không có ý khoe khoang) nhưng và chỉ cốt làm vui lòng Cha trên trời.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Trong Mùa Chay, chẳng những ta gia tăng những việc đạo đức (phương diện lượng) mà còn phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn (phương diện phẩm).
  2. Một việc đạo đức đang đi vào quên lãng, đó là Bố Thí. Giá trị của việc bố thí : a/ “Đồng tiền liền khúc ruột”, do đó bố thí có giá trị hy sinh lớn ; b/ Bố thí giúp ta bớt dính bén tiền bạc ; c/ Bố thí còn là một cách đền tội : Sách Tôbia nói “Việc bố thí thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi” (Tb 12,8-9).
  3. Rượu chè : Khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :

– Ông đang trồng cây gì thế ?

– Cây nho.

– Nó có lợi gì không ?

– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

– Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Noe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên ; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử ; Nếu chưa ngưng mà còn uống thêm thì sẽ ngu như lừa ; nếu lại uống nữa thì… hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

  1. Chỗ ở của chuột : Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự : “Tôi sống chui rúc dưới gầm một toà giải tội. Nhưng chẳng được yên  thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.” Nghe thế, con chuột kia nói : “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm. “Ô thế bạn ở đâu vậy ?” – “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo.”  (Trích “Món quà giáng sinh”)

 

  1. (những mầm khác)

 

……………………………………………………………

 

Thứ Năm :

Đnl 30,15-20 – Lc 9,22-25

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Đệ nhị luật nói về 2 con đường : ai chọn đi theo con đường của Chúa và các giới luật của Ngài thì sẽ được sống ; còn ai đi theo các quyến rũ khác thì sẽ diệt vong.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì : đó là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá ; ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập giá hằng ngày.

B…. nẩy mầm.

  1. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái kia để được cái này. Nên nhớ là chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản (option fondamentale), nhưng lựa chọn căn bản ấy phải thể hiện trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng chiều hướng đó. Mùa chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản : chọn Chúa, chọn con đường thập giá, chọn từ bỏ.
  2. Chúa Giêsu dạy ta một nghịch lý rất sâu sắc : chịu mất thì sẽ được ; còn muốn được thì phải mất !
  3. “Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích gì ?” (câu 25). Thánh Inhaxiô đã lặp đi lặp lại mãi bên tai Phanxicô Xaviê câu này. Cuối cùng câu này đã làm cho Phanxicô Xaviê hoán cải. Hôm nay tôi hãy lặp đi lặp lại câu này suốt ngày nhiều lần, hy vọng Chúa sẽ giúp tôi hoán cải như Phanxicô Xaviê.
  4. Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng : “Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tuỳ thích.” Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vất cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được : cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng sù sì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá… Và rồi đêm nào cũng thế.. cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào ! (Trích ”Phúc”)
  5. Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế  : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi !” (John Newton).
  6. (những mầm khác)

 

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Is 58,1-9 – Mt 9,14-15

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Isaia nói về những kiểu ăn chay không đẹp lòng Thiên Chúa, đó là : ăn chay hãm mình bề ngoài nhưng trong lòng vẫn ích kỷ, bất công, chèn ép tha nhân. Kiểu ăn chay Chúa muốn là “Mở trói ác ôn, bật tung thừng ách, thả tự do cho người bị hành hạ, đập tan mọi thứ gông cùm, bẻ bánh chia cho người đói, cho kẻ vô gia cư trọ nhà, che thân cho người mình trần”.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy ta quy chiếu toàn thể cuộc sống về Ngài là chàng rễ của thời Tân Ước : vui mừng vì được sống với Ngài ; khi phải xa Ngài vì tội lỗi thì ăn chay sám hối để mong được trở lại với tình Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Những cách ăn chay mà ngôn sứ Isaia khuyến khích cũng đáng cho chúng ta lưu ý :

– xoá bỏ những hình thức bất công, chèn ép : tôi có đang cố ý hay vô tình bất công, chèn ép ai đó không ?

– chia xẻ và giúp đỡ cụ thể những người đau khổ : tôi có cơ hội làm những việc này không ?

  1. Bài Tin Mừng mời tôi suy nghĩ xem tôi đang còn sống trong tình thân với Chúa không. Nếu như, một cách nào đó, “chàng rễ đã bị đem đi” khỏi tâm hồn tôi, thì tôi phải ăn chay sám hối để được trở lại với tình Ngài.
  2. “Hoả ngục chính là tha nhân” (Jean Paul Sartre). Nếu tôi đang là hoả ngục cho anh chị em tôi, tôi phải sửa đổi chính bản thân tôi. Nếu trong cộng đoàn của tôi, có ai đó đang là hoả ngục cho tôi, tôi hãy cố gắng cùng với Chúa sửa đổi người đó.
  3. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Is 58,9b-14 – Lc 5,27-32

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Isaia tiếp tục nói về kiểu ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa, đó là chấm dứt những việc làm bất công, rộng tay cứu giúp những người đói khổ, tôn trọng ngày hưu lễ.

Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thực hiện điều đó : cứu một người thu thuế tội lỗi là Lêvi, còn gọi ông làm môn đệ, và còn ngồi ăn cùng bàn với những người tội lỗi khác. Ngài tuyên bố “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

B…. nẩy mầm.

  1. Tôi muốn sống cảnh tượng của Lêvi :

– Tôi là người tội lỗi

– Tôi đang “ngồi” yên tại “trạm” tội lỗi của tôi.

– Chúa đang “đi ngang” qua, Ngài “trông thấy” tôi rồi, Ngài “nói với” tôi : Hãy theo Ta.

– Tôi “bỏ tất cả” – Tôi “đứng dậy” – Tôi “đi theo” Chúa.

  1. Nhà truyền giáo giảng đạo giữa rừng già Phi châu, dưới ánh trăng đêm và trong hoang lạnh của núi rừng. Ngài kể về đời sống và các phép lạ của Chúa Giêsu, cuối cùng là cái chết trên thánh giá. Ngồi trước bục giảng là viên tù trưởng. Ông chăm chú nghe lời nhà truyền giáo. Khi ngài tả việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá, vị tù trưởng bổng đứng phắt dậy nói : “Ngừng lại ! Hãy đem Ngài xuống khỏi thánh giá ! Tôi mới là người đáng phải đóng đinh trên đó, chứ không phải Ngài !” Vị tù trưởng nghĩ rằng mình mới là tội nhân, còn Chúa Giêsu vô tội (Góp nhặt)
  2. (những mầm khác)