Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 15

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 15

 

BÀI 66: BA DỤ NGÔN VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (15,1-32)

        Từ chương 15 đến chương 19, Lc ghi lại những giáo huấn của Đức Giêsu dưới hình thức ngụ ngôn, nhằm dạy người ta hiểu tấm lòng của Thiên Chúa đối với những kẻ thường bị người đời hắt hủi.

I- Ý CHÍNH CỦA BA DỤ NGÔN NÀY

        1/ Nhằm trả lời cho sự trách móc của các biệt phái và thông giáo về thái độ của Đức Giêsu (c 1.2)

        2/ Thái độ đó là Đức Giêsu (Thiên Chúa) quá nhân từ đối với kẻ tội lỗi (c 2)

        – ‘Đón tiếp’: biệt phái và thông giáo nghĩ rằng lẽ ra phải xua đuổi kẻ tội lỗi.

        – ‘Ăn đồng bàn’: đây là điều cấm kỵ.

        Người ta thường nghĩ rằng dù Thiên Chúa nhân từ đến đâu thì cũng ít ra đòi kẻ tội lỗi ăn năn sám hối trước rồi mới tha. Phần Đức Giêsu qua ba dụ ngôn này lại đi tìm những kẻ tội lỗi. Do đó ba dụ ngôn này không nhắm đến những điều kiện của kẻ tội lỗi để được tha, mà nhắm đến lòng nhân từ của Thiên Chúa.

        3/ Để mô tả lòng nhân từ của Thiên Chúa. Lc sử dụng nhiều lần những từ diễn tả sự đi tìm và niềm vui khi tìm gặp.

        a/ Đi tìm:

                c 4: lạc mất một con, đi tìm con chiên ấy cho tới khi tìm gặp

                c 5: và khi tìm gặp.

                c 6: vì tôi đã tìm gặp.

                c 8: đánh mất một đồng, tìm kỹ cho tới khi tìm gặp lại.

                c 9:  vì tôi đã tìm lại (và khi đã tìm thấy).

                c 24: con Ta đây đã mất nay tìm lại được.

                c 27: vì thấy cậu em trở về.

                c 30: nay nó trở về.

                c 32: đã mất nay tìm lại được.

        b/ niềm vui:

                c 5: hớn hở vui mừng vác chiên trên vai.

                c 6: xin bà con hớn hở với tôi.

                c 7: trên trời cũng vui mừng như thế.

                c 9: xin bà con mừng rỡ với tôi.

                c 10: các thiên sứ cũng mừng vui như thế.

                c 23: chúng ta ăn mừng.

                c 24: mở tiệc ăn mừng.

                c 25: tiếng đàn ca, múa hát.

                c 27: làm thịt con bò tơ.

                c 30: để ăn mừng nó.

                c 32: phải làm tiệc ăn mừng.

II- GIẢI THÍCH

c 1-3 Người ta thường gọi dụ ngôn thứ ba là dụ ngôn ‘Đứa con hoang đàng’, nghĩa là coi nhân vật chính trong chuyện đó là đứa con hư hỏng. Nhưng những câu này cho biết mục đích của cả 3 dụ ngôn mà thánh Lc chép liền nhau là để trả lời cho những người biệt phái và thông giáo chỉ trích thái độ của Ngài gần gũi những người tội lỗi. Do đó nhân vật chính trong dụ ngôn thứ ba là người cha, và bài học của 3 dụ ngôn là lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với người tội lỗi.

c 4 So sánh với cc 8,11-12: con số chỉ điều bị mất rồi tìm lại được cứ giảm dần: một con chiên trong số 100 con, một đồng trong 10 đồng, một đứa con trong hai đứa. Cho thấy điều mất và tìm lại càng ngày càng quý.

Hai dụ ngôn đầu

c 4-7 Dụ ngôn con chiên lạc được tìm thấy:

        – “Để 99 con trong đồng hoang”: để ở nơi chiên thường ăn cỏ.

        – “Trên trời… sẽ vui mừng”: một kiểu nói quanh có nghĩa Thiên Chúa vui mừng.

        – “99 người công chính không cần sám hối”: chữ ‘công chính’ được dùng ở đây theo nghĩa mỉa mai: những người pharisêu (Lc giới thiệu họ ở c 2) tự coi là công chính, nhưng thực ra không phải thế, vì họ không đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu và ‘không cần sám hối’.

c 8-10 Dụ ngôn đồng bạc tìm lại  được:

        – “Đồng quan”: tiền công nhật của một người trung bình.

        – “Thắp đèn”: nhà Do thái không có cửa sổ, ánh sang chỉ vào qua cửa cái, nên ngay ban ngày muốn tìm gì ở các góc nhà cũng cần thắp đèn.

        – Những động từ mô tả việc làm của người đàn bà thật là kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, tìm cho kỳ được.

        – “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng”: cũng là một cách nói quanh có nghĩa Thiên Chúa vui mừng.

Dụ ngôn người cha nhân từ

c 11-12 “Xin cha ban cho con phần gia tài thuộc về con”: Thông thường cha chỉ chia gia tài cho các con khi gần chết. Tuy thực tế có những trường hợp cha chia gia tài cho con ngay lúc ông còn mạnh khỏe (Tb 8,21), nhưng đó là tự ý người cha chứ không do đòi hỏi của con. Hơn nữa sách Huấn Ca, một quyển sưu tập những lời dạy khôn ngoan, đã khuyên đừng bao giờ làm như thế, bởi vì ‘nắm tiền là nắm quyền’, khi đã chia gia tài cho con rồi thì không còn điều khiển chúng nổi nữa, trái lại có thể còn bị chúng ngược đãi (Hc 33,20-24). Người cha trong dụ ngôn này đã không khôn ngoan tính kỹ như vậy, vì ông quá thương con.

        – Người cha này là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhiều người trách Thiên Chúa sao quá hiền lành không trừng phạt ‘nhãn tiền’ những người tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ Tự Do. Mà tự do nghĩa là có thể vâng lời hoặc không vâng lời Thiên Chúa. Vậy không nên trách Thiên Chúa mà chỉ nên cám ơn Thiên Chúa đã quá yêu thương loài người. Có trách là trách loài người đã xử dụng sai quyền tự do của mình

c 13-20a Sau khi lãnh gia tài, đứa con thứ liền ra đi sống bê tha phung phí hết của cải và rơi vào tình trạng khốn khổ.

        – “Chăn heo”: người Do thái coi heo là đồ ghê tởm. Thịt heo họ còn không ăn. Thế mà đứa con này lại đi chăn heo. Tệ hơn nữa là muốn ăn thức ăn của heo mà còn không được. Nghĩa là tình trạng xuống dốc đến tột cùng

        Trong lúc xuống dốc tột cùng như thế, nó muốn quay trở về với cha. Đây cũng là tâm lý của kẻ tội lỗi: khi sung sướng thì quên Chúa, quên đạo lý. Lúc khổ sở mới biết hối hận.

        Trước lúc quay về nó soạn sẵn một bài tự thú. Ta hãy chú ý là bài tự thú này khá dài (2 câu 18-19)

c 20b Câu này chứa nhiều chi tiết chứng tỏ tình thương vô bờ bến của người cha nhân lành.

        – “Khi cậu còn ở đàng xa, cha cậu trông thấy”: Một người cha bình thường khi con bỏ nhà ra đi thì tức giận và có thể còn từ con luôn. Nhưng người cha này không như vậy. Chi tiết ông trông thấy con từ xa có nghĩa là sau khi nó ra đi ông rất thương tiếc nó, thường xuyên đứng trước ngõ trông chờ nó, nhờ đó mới thấy bóng dáng nó từ đàng xa. Ý nghĩa: khi con người đi đàng tội lỗi, Thiên Chúa không từ bỏ con người những luôn trông chờ con người hối hận quay về.

        – “Liền động lòng thương”: Đối với những người cha bình thường, cho dù độ lượng bao nhiêu đi nữa với đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, khi thấy nó về thì phản ứng đầu tiên là chửi mắng, hoặc ít ra là lạnh nhạt. Người cha này không thế, phản ứng đầu tiên của ông là ‘liền động lòng thương’.

        – “Chạy lại”: Ta nên hiểu chi tiết này theo tâm lý người phương đông. Những người phương đông (trong đó có do thái) giỏi kiềm chế cảm xúc của mình, nhất là những người đàn ông. Đàn ông càng lớn tuổi càng phải đi đứng chững chạc. Nhưng người cha phương đông trong dụ ngôn này chẳng những không kềm chế tình cảm mà còn ‘chạy’! Vì tình cảm thương con quá lớn, ông không kèm chế nổi nữa rồi.

        – “Ôm vào lòng hôn con tha thiết”: cử chỉ này không chỉ là biểu lộ một tình thương mãnh liệt mà còn có ý nghĩa tha htứ. Ôm hôn là biểu lộ sự tha thứ (xem chuyện Đavít ôm hôn tha thứ cho Absalom ở 2Sm 14,33). Đáng chú ý là khi đó đứa con chưa mở lời xin lỗi.

c 21-24b – Khi đó đứa con bắt đầu bài tự thú mà nó đã học thuộc lòng. Nên lưu ý là nó đọc chưa xong thì người cha đã không nghe nữa. Ông không cần lời lẽ của nó, nguyên việc nó quay về với ông đã đủ. Ông còn bận tổ chức tiệc mừng.

        – “Mau mau đi”: tha thứ nhanh chóng, nôn nóng mở tiệc mừng.

        – “Đem áo dài tốt nhất mặc cho cậu”: Áo chỉ thân phận của người mặc áo. Đứa con này đã đánh mất chiếc áo làm con để thay vào chiếc áo chăn heo. Nay nó được cho mặc ‘áo dài tôt nhất’ tức là nó được trả lại quyền làm con. Chú ý là nò đã tự thú ‘Con không đáng cha nhận làm con cha nữa. Xin cha cứ coi con như đứa làm thuê’.

        – “Đeo nhẫn vào tay”: nhẫn là món chỉ có những người quý phái mới mang.

        – “Xỏ giầy vào chân cậu”: theo tục lệ do thái, đầy tớ không mang giầy (mà chỉ xách giầy cho chủ)

        – “Bắt con bò tơ chúng ta đã nuôi cho béo”: không phải bất cứ con bò béo nào, mà con bò ‘chúng ta đã nuôi cho béo’. Nghĩa là người cha đã dự trù sẵn bữa tiệc mừng này nên đã chỉ định một con bò phải nuôi cho béo. Một chi tiết nữa cho ta thấy người cha lúc nào cũng trông con quay về.

c 29 Phần thứ hai của dụ ngôn nói về người anh

        – “Bao nhiêu năm trời tôi phục vụ ông”: biệt phái và thông giáo cũng nghĩ rằng họ ‘phục vụ’ Thiên Chúa hết long bằng cách tuân giữ mọi lề luật không sai phạm chút nào.

c 30 “Thằng con của ông đó”: người con trưởng không coi người con thứ hai là em mình.

c 32 “Em con đây”: người cha sửa lại lời lẽ sai lầm của người con trưởng.

        Thật là một dụ ngôn cảm động. Những nét mô tả tình cảm của người cha trong dụ ngôn này khó mà có được nơi một người cha bình thường trong thế gian này mà chỉ có thể áp dụng vào Thiên Chúa nhân lành vô cùng.