TỔNG THỂ III
Chương 13-16
CHỌN LỰA DỨT KHOÁT CÓ GIA NHẬP NƯỚC TRỜI HAY KHÔNG
BÀI 22: PHẦN DIẾN TỪ CỦA TỔNG THỂ III – 7 dụ ngôn (13,1-52)
BÀI 23: HÓA BÁNH RA NHIỀU (14,13-21)
BÀI 24: ĐỨC GIÊSU ĐI TRÊN MẶT NƯỚC (14,22-33)
BÀI 25: CHỮA BỆNH TẠI GHÊNÊXARÉT (14,34-36)
BÀI 26: TRANH LUẬN VỀ TRUYỀN THỐNG (15,1-20)
BÀI 27: CHỮA CON GÁI NGƯỜI PHỤ NỮ CANAAN (15,21-28)
BÀI 28: HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ HAI (15,39-39)
BÀI 22: PHẦN DIẾN TỪ CỦA TỔNG THỂ III – 7 dụ ngôn (13,1-52)
- Ý nghĩa chung của 7 dụ ngôn
Trong chương 13 Mt gom chung lại 6 dụ ngôn. Tất cả đều là những câu chuyện nhằm giúp thính giả hiểu về Nước Trời.
Trước những lời Đức Giêsu giải thích về Nước Trời bằng hình thức dụ ngôn, thình giả phải chọn lựa dứt khoát: hoặc nghe rồi đem ra thực hành để được gia nhập Nước Trời thật, hoặc chỉ nghe suông rồi bỏ qua và do đó không được vào.
- Dụ ngôn người gieo giống (cc 1-23)
1/ Tục lệ: Nếu không hiểu phong tục canh nông của xứ Palestin thời Đức Giêsu, ta thấy dụ ngôn này kỳ cục: tại sao lại gieo giống bừa bãi để có hạt rơi trên vệ đường cho chim đến ăn, có hạt rơi trên sỏi, có hạt rơi trong bụi gai… thật là phí phạm! Nhưng thời đó bên xứ đó, nhà nông gieo trước rồi cày sau; khi cày thì dù hạt trên đường, hoặc trên sỏi, hoặc trong bụi gai.v.v… đều sẽ được lưỡi cày lật đất cho nó xuống phía dưới.
Hơn nữa việc gieo giống khắp nơi, kể cả những nơi khó có hy vọng nảy mầm còn cho thấy Thiên Chúa rất quảng đại trong việc ban Lời của Ngài cho ngườì ta.
2/ Giải thích lạc quan (cc 4-8): đặt ra nhiều khó khăn cho việc giải thích, Jeremias đưa ra giải thích lạc quan: mặc dù Lời Chúa có gặp thất bại và chống đối (hạt rơi trên đường, trên đá, trong bụi gai) nhưng rồi cũng vẫn thành công rực rỡ (sinh hoa trái gắp 100, hoặc 60, hoặc 30). Theo tính toán của Dalman, thu hoạch trung bình thời đó và miền đó là 1 sinh ra 7,5. Vậy 1 mà sinh ra 100, 60, 30 là thu hoạch rất trúng mùa.
3/ Giải thích bi quan: Nhưng nhều ý kiến chống lại Jeremias:
– K.D. White cho rằng tình toán của Dalman là sai vì có nhiều vùng đất, chẳng hạn Gilêad người ta có thể thu hoach gấp 100, có khi gấp 400.
– Nếu muốn cho thấy chiều hướng lạc quan thì Mt phải đưa những con số càng ngày càng lớn, như 30, 60, 100. Đàng này Mt đưa ra những con số càng ngày càng nhỏ dần: 100, 60, 30.
– 4 loại hạt giống thì 3 loại đã thất bại, chỉ có 1 loại (trên đất tốt) là thành công.
Vì thế mà người ta thiên về giải tích “bi quan”; Mt không muốn nhấn mạnh khía cạnh thành công mà muốn nhấn mạnh khía cạnh thất bại. Giải thích này xem ra hợp với văn mạch hơn: phía trước (chương 11-12) đã nói tới các khó khan do Gioan Tẩy Giả, do các thành phố, do các biệt phái. Những khó khăn đó có thể khiến người ta hoang mang tự hỏi không biết rồi ra số phận của Nước Trời sẽ ra sao; vả lại hình thức duk ngôn là nhằm cắt nghĩa phần nào về mầu nhiệm Nước Trời: Đức Giêsu giải thích rằng mầu nhiệm là ở chỗ mặc dù có gặp thất bại, nhưng Nước Trời sẽ thành công, hơn thế nữa Nước Trời thành công qua những thất bại đó, Chính khía cạnh mầu nhiệm này làm cho những biệt phái và nhiều người trong quần chúng “không hiểu”.
4/ Kết luận: Dụ ngôn này mang hai ý nghĩa: kêu gọi và trấn an.
– Kêu gọi: Đức Giêsu mời gọi thính giả hãy lựa chọn thái độ đáp ứng với lời rao giảng của Ngài: họ sẽ làm loại đất nào, có tiếp nhận và đem ra thi hành những lời của Ngài hay không?
– Trấn an: Đối với những ai vì thấy một số thất bại mà đâm hoang mang về số phận Nước Trời. Đức Giêsu trấn an bằng cách cho họ thấy chương trình của Thiên Chúa: sẽ cho Nước Trời thành công bất chấp những thất bại, và ngay cả bằng chính những thất bại ấy. Ý tưởng này sẽ được làm rõ hơn nữa trong dụ ngôn cỏ dại tiếp ngay sau.
- Dụ ngôn cỏ dại (cc 24,30.36-43)
1/ Vấn đề: Với lời rao giảng của Đức Giêsu. Nước Trời đã bắt đầu thành lập. Vậy thì có nên để cho Nước Ma Quỷ tiếp tục tồn tại không? Tại sao kẻ ác vẫn còn sống mãi bên cạnh người lành và làm hại người lành? Sao không giải quyết dứt khoát cho sớm đi?
2/ Giải đáp: Đức Giêsu trả lời qua dụ ngôn này rằng không nên nóng vội mà đòi cho cuộc thẩm phán diễn ra trước hạn kỳ mà Thiên Chúa đã định. Hiện tại cứ phải kiên nhẫn mà chờ, trong niềm xác tín rằng thế nào rồi cũng có Thẩm phán và khi đó số phận kẻ lành người dữ sẽ được phân định rõ rang.
3/ Ý nghĩa: Dụ ngôn này vừa mời gọi kiên nhẫn, vừa mời gọi khiêm nhường
– Kiên nhẫn: như đã nói.
– Khiêm nhường: trong khi chờ đợi Thiên Chúa xét xử ai là kẻ lành, ai là kẻ dữ, mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành ai là dữ, ai là lúa ai là cỏ dại. Mỗi người hãy chỉ lo một việc cần thiết thôi là lo trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.
4/ Lạc quan: Thái độ của ông chủ ruộng thật là lạc quan.
– Khi tôi tớ đến báo động là có cỏ dại, ông khỏi cần suy nghĩ mà trả lời ngay rằng “kẻ thù đã gieo” (c 27-28)/
– Tôi tớ hoảng sợ xin đi nhổ cỏ lùng, ông bảo “đừng”. Ông chủ rất bình tâm và chẳng hề lo sợ, vf ông lạc quan tin vào khả năng của giống lúa, nó chẳng thể nào chịu thua sức mạnh của cỏ dại được.
- Dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bột (cc 31-33)
1/ Vấn đề: Có người hồ nghi khi thấy thực tế khiêm nhường của công trình Đức Giêsu và khi nghe Ngài nói về tương lại to lớn, huy hoàng của Nước Trời: một nhóm nhỏ bé những môn đệ như thế này, đứng trước những khó khăn như thế đó, mà sẽ tạo thành Nước Trời huy hoàng như thế kia hay sao?
2/ Giải đáp: Đức Giêsu trả lời rằng: “đúng thế”, cũng như một hạt cải bé tí sẽ trở nên một cây khổng lồ hay một nhúm men ít ỏi sẽ làm dạy cả thúng bột. Tác động của Thiên Chúa sẽ khiến cho nhóm người bé mọn ít ỏi này trở thành một Dân Mới quy tụ hết mọi dân.
Một chi tiết đáng lưu ý: trong ngôn ngữ của người do thái, “cây to” là hình ảnh của thế lực trần gian (Êd 31; Đn 4), còn “nhúm men” là hình ảnh của sự gian tà (1Cr 5,6). Đức Giêsu dám dùng lại những hình ảnh ấy với những ý nghĩa trái ngược hoàn toàn.
- Các dụ ngôn về kho báu, viên ngọc và lưới cá (cc 44-50)
1/ Những dụ ngôn kép (hoặc dụ ngôn snh đôi): hai dụ ngôn về kho báu và viên ngọc quý là hai dụ ngôn kép; còn dụ ngôn về lưới cá cùng với dụ ngôn về cỏ lùng (cc 24-30) cũng là hai dụ ngôn kép. Gọi như thế vì chúng từng vặp có cùng chủ đề và cùng ý nghĩa. Vậy ta sẽ tìm hiểu chúng theo từng cặp, làm như thế có thêm cái lợi là dụ ngôn này soi sáng cho dụ ngôn kia.
2/ Kho báu và viên ngọc:
– Chủ đề (cc 44): “Về Nước Trời cũng ví như của báu…”; c 45 “Về Nước Trời lại ví như thương gia…” Hai câu mở đầu này của các dụ ngôn khiến người ta chia thành hai lập trường: có người nghĩ chủ đề là của báu và viên ngọc; có người nghĩ chủ đề là thái độ của kẻ gặp được của báu và viên ngọc đó. Xem ra lập trường thứ hai đúng hơn, bởi vì trong phần diễn tả, dụ ngôn không diễn tả của báu và viên ngọc bao nhiêu, trái lại diễn tả thái độ của người tìm gặp chúng nhiều hơn.
– Thái độ đó như thế nào? Lo bán tất cả những gì mình có để mua của báu ấy hoặc viên ngọc ấy.
– Ý nghĩa: Nếu kho báu và viên ngọc là hình ảnh của Nước Trời, thì ý nghĩa rõ rang của hai dụ ngôn này là sự quý giá vô song của Nước Trời. Trong bản thân của Đức Giêsu, Nước Trời đã đến kề bên, vậy ta phải chọn lựa dứt khoát, sẵn sang hy sinh tất cả để được sở hữu Nước Trời.
– Hai dụ ngôn này chẳng qua cũng là nhấn mạnh thêm một tư tưởng chủ yếu của Mt, mà Mt đã nhiều lần nói tới ở những chỗ khác, như: 19,16-22 Đức Giêsu nói với thanh niên nhà giàu “Hãy bán hết những gì anh có, đem chia cho người nghèo, bấy giờ anh sẽ được kho tang thiên quốc, rồi hãy đến theo Ta”; 18,8-9 để được Nước Trời, phải sẵn sàng mọi sự, kể cả nếu cần thì chặt tay, chặt chân, móc mắt. Tóm lại, để được Nước Trời, chẳngcó hy sinh nào được kể là quá lớn cả.
3/ Lưới cá và cỏ dại:
– Chủ đề là sự thanh lọc người tốt và kẻ xấu, cho vào hoặc loại khỏi Nước Trời. rong dụ ngôn cỏ dại, người tốt là lúa mì, kẻ xấu là cỏ dại; trong dụ ngôn lưới cá, người tốt là cá ăn được (hoặc là cá được Luật cho phép ăn hoặc là cá to), kẻ xấy là cá không ăn được (vì Luật không cho phép, hoặc vì cá nhỏ).
– Ý nghĩa: có 3 sự so sánh:
(a) Thế gian (so sánh như biển cả, hoặc đồng ruộng) là nới người tốt và kẻ xấu lẫn lộn nhau.
(b) Người xấu và kẻ tốt (cá ăn được, cá không ăn được; lúa và cỏ).
(c) Sự thanh lọc (so sánh như lựa cá hoặc lựa lúa).
– Có một chi tiết xem ra hơi khác giữa hai dụ ngôn này: trong dụ ngôn cỏ dại thì sự thanh lọc còn được khoan dung cho có thời hạn (đợi đến mùa thu hoạch), còn trong dụ ngôn lưới cá thì thanh lọc ngay (vừa kéo lưới lên là lựa cá liền). Tuy nhiên điểm hơi khác biệt đó chẳng có ảnh hưởng quan trọng trên ý nghĩa các dụ ngôn, vì còn một điểm khác quan trọng hơn: Chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc, vì chính Thiên Chúa ấn định lúc nào phải gặt và lúc nào phải kéo lưới lên.
– Một chi tiết nữa đáng lưu ý, đó là đến lúc thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát: hoặc là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng lừng khừng đứng giữa.
- Không chỉ nghe mà còn phải hiểu (cc 51-52)
Để kết thúc loạt dụ ngôn, Mt đưa ra câu Đức Giêsu hỏi: “Chúng con có hiểu những điều ấy chăng?” và các môn đệ đáp: “Thưa hiểu”. Trong Mt. động từ “hiểu” có nghĩa quan trọng. Bởi đó ở 15,10 Đức Giêsu căn dặn “Hãy lắng nghe cho hiểu điều này”. Hiểu bao gồm nghe lời Đức Giêsu giáo huấn và phải đem ra thi hành (xem thêm 13,13-14) vì chỉ những người hiểu như thế mới là môn đệ thật.
Trong ý nghĩa đó Đức Giêsu đưa thêm một dụ ngôn ngắn vào để kết thúc phần dụ ngôn bằng diễn từ:
– Người thông giáo trở nên môn đệ Nước Trời: người từ đạo cũ do thái đã tin theo Tin Mừng Đức Giêsu. Họ chẳng những biết luật mà còn hiểu luật.
– Sự hiểu của người đó khiến người đó giống như một ông chủ nhà có trong kho những cái cũ và mới: cũ là giáo huấn do thái giáo, mới là giáo huấn của Đức Giêsu. Người ấy phải biết vận dụng giữa kiến thức cũ và tinh thần hoàn chỉnh mà Đức Giêsu dạy để có một lối sống thực hành đúng đắn.
PHẦN TƯỜNG THUẬT CỦA TỔNG THỂ III (13,53-16,12)
Với 7 dụ ngôn trong phần diễn từ (13,1-52), Mt đã đặt người ta trước một sự chọn lựa dứt khoát có đáp lại lời mời gọi gia nhập Nước Trời hay không? Ai đáp lại thì được kể là môn đệ của Đức Giêsu. Dấn dấn những người môn đệ này làm thành một cộng đoàn nhỏ, môt “giáo hội phôi thai”.
Sang phần tường thuật (13,53-16,12), Mt cho thấy Đức Giêsu huấn luyện từng bước cho cộng đoàn giáo hội này để đưa họ đến Đức tin. Radermakers đặt tên cho phần tường thuật này là “hành trình đi đến Đức tin của giáo hội”.
Thực vậy trong phần này, ta thấy rõ cuộc hành trình đưa đến Đức tin. Hai thuật ngữ được Mt dùng nhiều trong phần này là TIN và HIỂU.
– Về chữ TIN, hãy xem 14,31 16,8…
– Về chữ HIẾU, hãy xem 15,10 15,16
Chúng ta sẽ đi sâu vào cuộc hành trình đức tin này qua một số bài tường thuật:
– Hóa bánh ra nhiều: 14,13-21.
– Đức Giêsu đi trên mặt nước: 14,22-23.
– Chữa cho con gái người phụ nữ xứ Canaan: 15,21-28.
BÀI 23: HÓA BÁNH RA NHIỀU (14,13-21)
- Tầm quan trọng
Trong các sách Tin Mừng có tới 6 bài tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều: Mt ở đây, và ở 15,32-39; Mc 6,30-44 và 8,1-10; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13.
Thử hỏi Đức Giêsu làm phép lạ này mấy lần? Dĩ nhiên không phải là 6 lần rồi bởi vì các sách Tin Mừng, nhất là các Tin Mừng nhất lãm, thường cùng thuật những sự kiện như nhau. Có người dựa vào sự kiện phép lạ này được thuật hai lần trong Mt và hai lần trong Mc để kết luận là Đức Giêsu làm phép lạ này hai lần. Thực ra như kết quả nghiên cứu của các chuyên viên. Đức Giêsu chỉ làm phép lạ này một lần. Nhưng sự kiện đó được ghi hai lần trong Tin Mừng Mt và trong Mc là vì hai tác giả này dùng hai tài liệu của hai cộng đoàn: cộng đoàn do thái (Mc 6,30-44; Mt 14,13-21) và cộng đoàn hy lạp (Mc 8,1-9; Mt 15,32-39).
Chỉ một phép lạ mà tất cả 4 sách Tin Mừng đều ghi lại, và riêng Mt và Mc ghi lạo tới hai lần. Sự kiện này cho thấy tầm quan trọng mà các cộng đoàn Litô gán cho phép lạ này: họ đã tìm thấy trong đó nhiều ý nghĩa thần học phong phú.
2, Giải thích
1/ c13 – Nghe tin ấy: đó là tin Gioan Tẩy Giả bị giết (cc 9-12)
– Lánh đi: động từ anachorêô mà Mt quen dùng (xem 2,12.13.14.22 9,24 12,15 ở đây và 15,21). Những lần Đức Giêsu lánh đi trong Mt không phải vì Ngài sợ, mà là Ngài phản ứng trước thái độ không tin. Ở đây là thái độ không tin của Hêrôđê.
– Dân chúng: Trọn bài tường thuật phép lạ này tập chú vào dân chúng và long thương xót của Đức Giêsu đối với dân chúng (hãy đếm thử có bao nhiêu chữ “dân”; “đám đông” và những đại từ chỉ dân; bao nhiêu động từ, danh từ, đại danh từ Đức Giêsu dùng để tỏ long thương dân).
2/ c14: Chữa các bệnh nhân
– So sánh với câu song song là Mc 6,34:
Mt: Khi ở dưới thuyền lên thấy dân chúng đông lắm, Ngài động lòng thương xót và chữa các bệnh nhân.
Mc: Khi ở dưới thuyền lên thấy dân chúng đông lắm, Đức Giêsu chạnh loàng thương vì họ như đàn chiên thiếu người chăn giữ, Ngài cất tiếng giảng dạy họ nhiều điều.
Ngoài ra hãy lưu ý trong Mt, kể từ sau lần về thành Nadarét (13,53-58), Đức Giêsu không còn giảng dạy nữa mà chỉ chuyên lo chữa các bệnh nhân.
Ý nghĩa của chi tiết này: theo bố cục của Mt, đã qua rồi giai đoạn Đức Giêsu giảng dạy để kêu mời người ta chọn lựa dứt khoát có tin theo Ngài hay không. Bây giờ là tới giai đoạn Đức Giêsu huấn luyện những kẻ chọn theo Ngài bằng cách dẫn họ trên cuộc hành trình tiến đến đức tin.
3/ Ý NGHĨA THÁNH THỂ
– So sánh c15 ở đây với Mt 26,20 (mở đầu tường thuật Tiệc ly)
* c15 “Chiều đến, các môn đệ tới thưa cùng Ngài…”
* 26,20 “Chiều đến, Đức Giêsu dùng bữa cùng với nhóm Mười Hai…”
– So sánh c19 với 16,26 (tường thuật lập phép Thánh Thể).
* c19… cầm… chúc tụng… bẻ ra… trao.
* 26,20…cầm… chúc tụng… bẻ ra… trao…
– Đức Giêsu làm phép lạ này với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Thế nhưng bài tường thuật ít chú ý tới cá, mà chú ý nhiều hơn tới bánh. Khi dư lại (c20) thì chỉ nói tới dư bánh chứ không nói tới dư cá.
Những chi tiết trên cho thấy ngụ ý thần học của Mt là so sánh phép lạ này với bí tích Thánh Thể. Ngụ ý rằng ngày xưa Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, thì ngày nay trong cộng đoàn, Đức Giêsu vẫn tiếp tục nuôi dân chúng bằng phép lạ bí tích Thánh Thể. (Ngoài ra, vai trò các tông đồ phân phát bánh cho dân chúng cũng giống như vai trò các linh mục ngày nay trao bánh thánh thể cho giáo dân).
4/ HÌNH TƯỢNG MÔSÊ MỚI
– Câu chuyện này diễn ra “trong sa mạc” (c13).
– Cũng có một đám đông dân chúng đói khát bao quanh (c14)
– Đám dân đó được cho ăn một thứ bánh lạ.
Các chi tiết đó khiến ta nhớ tới chuyện dân do thái sau khi ra khỏi Ai Cập đã lang thang trong sa mạc, họ đói khát và được cho ăn manna. Mt muốn nói Đức Giêsu là Môsê mới, nhưng với một điểm khác biệt này là: Môsê cũ chỉ là người trung gian xin cho dân ăn manna, còn Môsê mới đích thân làm ra bánh cho dân mới ăn.
5/ Ý NGHĨA GIÁO HỘI
– c16 “chính các con phải cho họ được ăn”, đó là lệnh Đức Giêsu truyền cho các tông đồ và cho GH. Mặc dù nhiệm vụ chính của GH là chăm sóc phần tinh thần cho loài người, nhưng GH cũng không được quên sót những đói khát vật chất của loài người.
– Toàn thể câu chuyện cũng là một hình ảnh của GH.
* Trung tâm điểm là Đức Giêsu, Đấng ban phát các ơn.
* Kề cận Đức Giêsu là các môn đệ, chuyển thông các ơn của Ngài cho dân.
* Chung quanh Đức Giêsu và các môn đệ là đám đông dân chúng.
* Đức Giêsu ngước mắt lên trời chúc tụng tạ ơn Cha, vì mọi việc Ngài làm cũng đều theo ý của Cha.
* Nhưng Ngài không phải chỉ là trung gian ơn phúc như Môsê, mà chính Ngài là Đấng ban ơn, là nguồn sự sống.
BÀI 24: ĐỨC GIÊSU ĐI TRÊN MẶT NƯỚC (14,22-33)
Điểm chung của câu chuyện này với chuyện hóa bánh ra nhiều.
– Trong hai trường hợp, các môn đệ không lẻ loi mà có Đức Giêsu ở cùng: trong chuyện trước, các môn đệ bị bao vây bởi đám đông dân chúng đói khát, trong chuyện này họ bị đe dọa bởi song nước chập chùng.
– Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đã can thiệp trong lúc nguy khốn bằng một hành vi quyền năng.
– Cả hai câu chuyện đều cho thấy thân phận người môn đệ bị giằng co giữa cái sợ và đức tin.
Như thế, cả câu chuyện đều cho thấy đức tin của các môn đệ còn non kém, cần phải được Đức Giêsu rèn luyện thêm.
c22 – Đức Giêsu “bắt buộc” các môn đệ phải xuống thuyền ngay, để sang bờ bên kia trước, còn Ngài thì ở lại cho dân chúng đi về. Một sự khẩn trương vội vã, có vẻ như đang đứng trước một nguy hiểm.
– Tại sao? Vì sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã quá hăng hái, một sự hăng hái trần tục vì thấy mình được hưởng thụ vật chất. Sự hăng hái này không hợp với sứ mạng Messia của Đức Giêsu. Ngài không muốn cho sự hăng hái này tác động lên các môn đệ, và vội vã bảo các ông đi ngay sang nơi khác.
c25 Đức Giêsu đi trên mặt nước: Cựu Ước nhiều lần nói về việc đi trên mặt nước (G 9,8 38,16; Tv 77,20; Kh 3,15; Si 24,5) nhưng đếu gán vào cho Thiên Chúa. Vậy với chi tiết Đức Giêsu đi trên mặt nước, Mt ngụ ý so sánh Đức Giêsu với Thiên Chúa
c27 Thầy đây (tiếng Pháp: C’est moi)
– Khồng phải chỉ là một lời giải thích nhằm đánh tan sai lạc của các môn đệ tưởng rằng Đức Giêsu là ma.
– mà chủ yếu đây là âm vang của Lời tự xưng của Thiên Chúa “Ta đây”, “Ta là” (xem St 17,1 26,24 28,13 31,13 33,11 46,3; Xh 3,6-14)
* Lại thêm một chi tiết Mt so sánh Đức Giêsu với Thiên Chúa.
c31 Phêrô đi trên mặt nước
– So sánh với 2V 2,1-55: Ngôn sứ Êlia dùng áo choàng đập xuống nước, nước rẽ làm hai cho ông đi qua. Về sau Êlisê dùng tấm áo choàng của Thầy Êlia của mình mà đập xuống nước, nước cũng rẻ làm hai cho Êlisê đi qua. Nghĩa là Êlisê đã nhận được thần lực của thày mình, nhưng có điểm khác biệt là: Êlisê nhận thần lực của thầy qua một vật dụng là tấm áo, còn Phêrô nhận thần lực của Thầy chỉ nhờ đức tin.
– Một trong những tư tưởng thần học quan trọng của Mt là người môn đệ được Thầy ban cho cũng một quyền lực như Thầy (xem 9,6 9,8 10,1 16,19 18,18). Nhưng điều đáng ta lưu ý là các môn đệ nhận được quyền lực của Thầy nhờ đức tin.
– Nhấn mạnh vào đức tin cũng là một đặc điểm của Mt (xem thêm 8,13 17,20).
Vai trò của Phêrô.
– Đây là một trong 3 lần Mt trình bày Phêrô nổi lên tách biệt khỏi nhóm môn đệ (2 lần kia là 16,17-19 và 17,24-27). Và cả 3 ghi nhận này chỉ có Mc ghi.
– Ý nghĩa: theo bố cục của Mt, trước sự cứng tin và không hiểu của quần chúng, Đức Giêsu quay hẳn sang huấn luyện các môn đệ để giúp họ tiến bước dần trên cuộc hành trình đến đức tin, Phêrô là đại biểu của môn đệ.
– Cũng nên chú ý là Mt chẳng tô vẽ cho đẹp hình ảnh của người môn đệ: Phêrô đã có đức tin thật đấy nhưng còn dựa vào sức riêng mình, chính vì thế mà lâm nguy hiểm, phải kêu lên cầu cứu (c30). Một đức tin non yếu như vậy còn phải được thanh luyện và củng cố thêm.
c 30 Tiếng kêu cầu cứu của Phêrô
– “Lạy Chúa, xin cứu lấy con”. Tiếng cầu cứu của Phêrô cũng giống như tiếng cầu cứu của các môn đệ trong thuyền trong lần trước đó gặp bão (8,24) là âm vang vủa những tiếng kêu cứu trong các Thánh vịnh khi các tín hữu xin Chúa cứu mình khỏi những dòng nước đang đe dọa họ (Tv 69,2-15 144,7 18,17 32,6; Is 43,2-3). Đây là một lời cầu nguyện biểu lộ tâm trạng tuy sợ hãi trước hiểm nguy nhưng vẫn tin vào Chúa.
c 33 Lời tuyên xưng của các môn đệ
– “Thật Thầy là Con Thiên Chúa”: đây chưa phải là công nhận thiên tính của Đức Giêsu, mà chỉ tính là nhìn nhận Ngài là Messia. Tuy nhiên cộng đoàn Kitô sau phục sinh đã có đủ thời giờ suy nghĩ để thấy được thiên tính của Đức Giêsu và do đó họ đã hiểu câu này là một lời công nhận thiên tính của Ngài.
Ý NGHĨA CỦA GIÁO HỘI
Nhiều chi tiết chứng tỏ Mt gán cho bài tường thuật này một ý nghĩa GH.
– Chiếc thuyền: hình ảnh truyền thống của GH.
– Sóng vỗ bập bềnh đe dọa con thuyền: những khó khăn và nguy hiểm đe dọa GH.
– Phêrô có vai trò nổi bật trong thuyền: Đức Giáo Hoàng
– Tiếng kêu cứu của Phêrô (c 30) và của các môn đệ (c 26): tâm trạng sợ hãi của các môn đệ mà còn là của tất cả “Những người trong thuyền”, có nghĩa là của toàn thể GH.
Kết luận:
Qua trình thuật này, Mt trình bày sự trợ giúp của Chúa đối với GH: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa cứu độ trong cuộc Xuất hành mới. Ngài tiếp tục cứu thoát Israel mới khỏi những dòng nước cuốn luôn đe dọa nuốt chửng họ (Xh 14 và 15). Sự hiện diện của Đức Giêsu giữa cơn phong ba bão táp làm cho các tín hữu vững tin và có thể yên lòng tuyên xưng “Thầy thật là Con Thiên Chúa”.
BÀI 25: CHỮA BỆNH TẠI GHÊNÊXARÉT (14,34-36)
Qua việc sắp xếp các sự kiện diễn ra tại Ghênêxarét, Mt muốn nói sứ vụ của Đức Giêsu chuyển đi dần về hướng Nam.
Mục đích tường thuật này là chứng tỏ vô số kẻ bé mọn đã nhận biết quyền năng Con Thiên Chúa, Đấng đã hiền từ để mặc cho người ta đông đảo tìm cách chạm vào y phục Ngài để xin ơn riêng mà chẳng phiền hà gì họ cả. Giờ đây độc giả thấy nơi người Con Thiên Chúa này, không phải chỉ đơn giản là một kẻ chữa bệnh mà còn là Đấng cứu độ. Mt đã kín đáo gợi lên điều ấy: những kẻ tiếp xúc với Đức Giêsu như thế không những được chữa lành và còn được “cứu vớt” (c 36).
Quang cảnh nồng nhiệt này còn trình bày cho thấy Đức Giêsu đang dấn thân tiếp xúc với các tật bệnh “ô uế”. Điều này đã tạo nên một sự tương phản thấm thía so với cuộc tranh luận tiếp theo đây liên quan đến các quy luật về sạch và dơ.
BÀI 26: TRANH LUẬN VỀ TRUYỀN THỐNG (15,1-20)
Đoạn này gồm hai phần:
1- Cuộc tranh luận: các câu 1-9
2- Bài dạy của Đức Giêsu cho đám đông và các môn đệ về vấn đề đã tranh luận: cc 10-20.
- Cuộc tranh luận
c 1: – Những người tranh luận với Đức Giêsu là pharisêu và kinh sư.
– Lúc đó Đức Giêsu đang ở hồ Ghênêxarét, một thành ở phía Tây bờ hồ. Mà hồ này ở miền Bắc xứ Palestina. Nhóm người kia thì từ Giêrusalem đến, nghĩa là tận miền Nam.
– Chuyến đi rất xa của họ được giải thích theo hai nghĩa: a/ Vì họ rất thù ghét Đức Giêsu; b/ Cuộc đi xa này là hư cấu của Mt, nhằm gợi lên cuộc tranh luận giữa các cộng đoàn Kitô sơ khai với do thái giáo (Claude Tassin).
c 2: – Vấn đề tranh luận là môn đệ của Đức Giêsu không giữ truyền thống tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa. Về truyền thống này, Mc 7,3-4 giải thích rất rõ: “Người pharisêu cũng như mọi người do thái… không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận, thức gì mua ngoài chợ về cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn: họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng”. Cón trong GH sơ khai, trong khi các kitô hữu gốc do thái vẫn giữ các tập tục ấy thì các kitto hữu gốc lương dân không giữ. Thành ra có một sự bất đồng ý kiến giữa các kitô hữu này với các kitô hữu gốc do thái và các tín đồ do thái giáo.
– Vấn đề cón mang tầm quan trọng lớn hơn nữa là thử hỏi những kittô hữu có giữ tập tục ấy và những kitô hữu không giữ có thể đồng bàn với nhau trong cùng một bàn tiệc Thánh Thể không, thậm chí có thể sống chung với nhau trong cùng một cộng đoàn không?
c 3-6 – Chúng ta phải nhận ra tư tưởng then chốt của Đức Giêsu đàng sau những lập luận của Ngài. “Truyền thống của tiền nhân” cụ thể là các luật của Môsê ghi trong bộ Ngũ Thư. Những khoản luật này đòi hổi phải không ngừng linh động cho phù hợp với những hoàn cảnh mà người làm luật không dự phòng trước. Bằng chững là chính các người pharisêu và kinh sư đã ứng dụng khoản luật thảo kính cha mẹ một cách uyển chuyển, đưa đến cái mà họ gọi là Corban (đem dâng cho Chúa những của cải lẽ ra phải dùng để nuôi dưỡng cha mẹ). Cách giải thích luật của họ cho thấy rằng điều quan trọng là tinh thần của luật chứ không phải chữ viết của khoản luật. Thế mà khi công kích các môn đệ Đức Giêsu, họ tỏ ra họ quá bám vào chữ viết.
– Bởi bậy, Đức Giêsu lên án họ. Ngài lấy chính thái độ của họ để lên án: Họ đã coi trọng Corban hơn là luật thảo kính cha mẹ. Như thế là “dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa”.
c 7-9 – Thái độ đó là đạo đức giả, đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói trước: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng lại xa Ta”. Trong câu trích này, chữ quan trọng nhất là chữ “lòng”.
- Bài dạy của Đức Giêsu
Sau cuộc tranh luận ấy, Đức Giêsu dạy cho dân chúng và các môn đệ hiểu rõ hơn về chữ “lòng” trong vấn đề truyền thống và luật lệ.
c 10-11 – Nói với mọi người, Đức Giêsu đưa nguyên tắc: cái làm cho ra sạch hay dơ không phải là cái từ ngoài vào mà là cái từ trong ra.
c 12-20 – Nói với các môn đệ, Ngài giải thích rõ hơn:
a/ Trước hết Ngài phê phán các pharisêu và kinh sư là “Cây” mà Chúa Cha không trồng, và là những nhà lãnh đạo “mù”.
b/ Rồi Ngài dùng thí dụ thức ăn để cắt nghĩa về cái bên ngoài vào và cái bên trong ra. Cái quan trọng chính là cái từ bên trong, từ “lòng” mà ra.
Cuộc tranh luận này cho thấy rằng đối với Đức Giêsu, Luật Cựu Ước về sạch dơ theo nghi thức đã đến lúc phải chấm dứt; điều quan trọng hơn chính là cái giá trị luân lý trong đới sống con người; cần có một lương tâm trong sạch và một ý hướng ngay thẳng thì con người mới không ra ô uế.
Câu chuyện tiếp theo, về một người phụ nữ Canaan ngoại giáo thường bị coi là ô uế, là một trường hợp cụ thể minh họa cho quan niệm mới về sạch và dơ ấy.
BÀI 27: CHỮA CON GÁI NGƯỜI PHỤ NỮ CANAAN (15,21-28)
- Giải thích từ ngữ
c 21 – “Lánh sang”: một lần nữa t gặp động từ anachorêô diễn tả phản ứng của Đức Giêsutrước thái độ cứng lòng tin. Tiểu đoạn trước ngay câu chuyện này (15,1-20) cho thấy thái đọ cứng lòng tin của nhóm biệt phái.
– “Một bà người Canaan”: Chữ Canaan đây cũng có nghĩa thần học nghĩa là một người ngoại.
– “Lạy Con vua Đavít”: nhưng một người ngoại mà làm sao biết gọi Đức Giêsu bằng danh hiệu chỉ người do thái mới biết? Tại vì người thiếu phụ ngoại này cũng nghe nói tới Đức Giêsu, vì theo Mc 3,8 thì danh tiếng của Đức Giêsu cũng lan rộng tới những miền dân ngoại.
c 23 Các môn đệ xin Đức Giêsu cho bà ấy về đi. Không phải các ông xúi Đức Giêsu đuổi bà ấy, mà là xin Ngài ban ơn theo lời bà xin để sau đó bà về và đừng kêu xin mãi nữa.
c 24 Lời đáp của Đức Giêsu.
– Ta chỉ được sai phái: động từ ở thể thụ động, hàm ý chủ từ là Thiên Chúa: chính đây là lệnh của Thiên Chúa.
– Tới đoàn chiên Israel: tương ứng với 10,6: sứ mạng của Đức Giêsu là cho dân Israel.
c 26 “chó con”: người do thái tự kiêu, cho họ là con cái của Thiên Chúa còn mọi dân khác chỉ là đồ chó. Ở đây Đức Giêsu lấy lại quan niệm thông thường của người do thái, nhưng là nó nhẹ đi một chút, thành”chó con”.
c 27 Người phụ nữ Canaan cũng thừa nhận rằng dân do thái được ưu tiên, nhưng xin cho mình được hưởng nhờ chút ít. Sở dĩ bà xin như vậy là vì bà tin rằng Đức Giêsu là thừa tác viên kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể rộng ban cho bà cái ơn mà chỉ dân do thái mới được hưởng. Chính đó là đức tin của bà, và chính do đức tin ấy mà Đức Giêsu ban ơn cho bà. Cần lưu ý: Đức Giêsu ban ơn không phải vì bà là người ngoại, mà vì bà có đức tin. Xem lời Đức Giêsu khen: “Hỡi bà, đức tin của bà mạnh lắm” (c 28).
- Vấn đề
1/ Tại sao lúc đầu Đức Giêsu từ chối rồi về sau lại ban ơn cho người phụ nữ Canaan này?
2/ Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu đã ra lệnh chỉ nên đến với dân Israel(10,6). Nay khi người phụ nữ Canaan xin ban ơn, Đức Giêsu vẫn giữ lập trường đó (c 24). Đến khi bà này chứng tỏ được đức tin của bà thì Đức Giêsu mới ban ơn. Nghĩa là : người ta là con cháu Abraham (tức là thành phần của Israel) không phải do huyết thống mà do đức tin. Bà này khi chứng tỏ có đức tin thì được kể là con cháu Abraham, là thành phấn của Israel mới. Như vậy, khi ban ơn cho bà này, Đức Giêsu vừa vẫn trung thành với lập trường của mình (do Thiên Chúa ra lệnh) là chỉ ban ơn cho dân Israel, vừa chứng tỏ được quyền tự do của Thiên Chúa có thể tạo ra một dòng dõi Abraham mới (3,9 Ep 3,4-6)
3/ Người phụ nữ Canaan này đáng được ban ơn còn vì một lý do nữa, là bà đã chứng tỏ mình là “người nghèo của Giavê” mà bài giảng Bát Phúc đã nói tới.
- Kết luận
Trong câu chuyện này, Mt cho thấy một Israel mới không phải tạo thành bởi huyết thống, mà bởi đức tin. Ơn cứu độ từ nay không phải là độc quyền cho Israel theo huyết thống nữa mà mở rộng cho Israel mới đó.
BÀI 28: HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ HAI (15,39-39)
Như chúng ta ssã nói ở phía trước (bài Hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất), Đức Giêsu chỉ làm phép lạ này một lần. Nhưng sự kiện đó được ghi lại hai lần trong Tin Mừng Mt và trong Mc, là vì hai tác giả này đã dùng hai tài liệu của hai cộng đoàn: cộng đoàn do thái (Mc 6,30-44; Mt 14,13-21) và cộng đoàn hy lạp (Mc 8,1-9; Mt 15,32-39).
Tài liệu này là của những cộng đoàn gốc hy lạp nghĩa là lương dân, cho nên có nhiều chi tiết khác với lần hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất. Tất cả những chi tiết dị biệt đều nhằm nói lên tính đại đồng phổ quát của ơn cứu độ Đức Giêsu mang đến. Sau đây là các chi tiết khác biệt:
1/ Đoạn dẫn nhập dài hơn (cc 29-31)
(a) câu chuyện xảy ra trên một ngọn núi miền Galilê, nơi mà sau này các môn đệ sẽ khởi xuất sứ mạng rao giảng cho muôn dân (Mt 28,16)
(b) Đức Giêsu “ngồi xuống” trong tư thế của một rabbi đang giảng dạy (giống như ở Mt 5,1). Tuy nhiên ở đây Ngài giảng dạy bằng hành động, bằng các cuộc chữa bệnh. Điều này khiến ta nhớ lại các “dấu chỉ” về Đấng Messia mà Đức Giêsu cho các sứ giả của Gioan Tẩy Gỉả thấy (11,5); Đặc biệt có những người câm và mù được liệt kê trong danh sách những người tuôn đến với Đức Giêsu càng khiến cho dấu chỉ ấy thêm ý nghĩa.
(c) Khi thấy các dấu chỉ ấy, đám đông đã “tôn vinh Thiên Chúa của Israel”. Đây là kiểu nói tóm kết Tv 72 là Tv tán dương Đấng Messia Con Vua Đavít.
2/ Đám dân ấy ở với Đức Giêsu “đã 3 ngày rồi” (c 32): ngụ ý các tín hữu đã ở với Đức Giêsu từ cuộc phục sinh đến nay.
3/ Con số 7 (cc 34-37) thay thế con số 12: ám chỉ đến các tá viên (Cv 6,2-6) đã từng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.
4/ Động từ “chúc tụng” đặc biệt do thái (Mt 14,19) đã được thay thế bằng động từ “tạ ơn” (c 36) để hiểu được theo văn hóa hy lạp.
5/ Con số 5000 có màu sắc do thái đã được thay thế bằng con số 4000 (c 38) tượng trưng cho tính phổ quát gồm 4 phương chính trong vũ trụ.
Như vậy, tường thuật này muốn mặc khải Đức Giêsu là ai đối với dân ngoại: Ngài là Đấng Messia cứu nhân độ thế đối với mọi người.
BÀI 29: TRANH LUẬN VỚI PHARISÊU VÀ XAĐỐC (16,1-12)
Đoạn này gồm 2 phần:
– Cuộc tranh luận (cc 1-4)
– Cuộc nói chuyện với các môn đệ (cc 5-12)
- Cuộc tranh luận (cc 1-4)
c 1 – Đối thủ của Đức Giêsu là những người thuộc phái pharisêu và phái Xađốc. Bình thường hai phái này không thích nhau vì có những bất đồng lớn về giáo thuyết (chẳng hạn giáo thuyết về sự sống lại của kẻ chết), nhưng hôm nay họ liên mình với nhau vì họ đều coi Đức Giêsu là kẻ thù chung.
– Họ xin Đức Giêsu đưa ra một dấu lạ từ trời: Mặc dù Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (chữa bệnh cứu sống, hóa bánh ra nhiều.v.v..) những phái pharisêu và phái Xađốc vẫn chưa chịu tin Ngài là Messia. Họ đòi một dấu lạ từ trời, nghĩa là võ đại ngoạn mục hơn. Thực ra họ chỉ viện thêm cớ để biện minh cho việc họ không tin mà thôi. Cho dù Đức Giêsu có làm một dấu lạ trên trời, họ cũng vẫn không tin.
– Lời yêu cầu này cũng là một cơn cám dỗ về một thứ Messia vinh thắng (x. 12,38).
c 2-3 – Câu trả lời của Đức Giêsugồm dai phần. Khởi đấu Ngài tố cáo các đối thủ: họ là những chuyên gia về khí tượng thế mà lại không nhận ra ý kiến các “thời điểm” để hiểu rằng cùng với hoạt động của Ngài, Nước Trời đã được thiết lập. “Thời điểm” là gì? Là tất cả những dấu chỉ Ngài đã thực hiện từ lúc Ngài bát đầu sứ vụ, như chữa lành các bệnh tật, thương xót những kẻ khổ đau, ưu ái những người bé mọn, kêu mời người ta hối cải. Họ thông thái như thế, vậy mà sao không hiểu ý nghĩa những thời điểm đó?
– Trong phần thứ hai, Đức Giêsu tuyên bố sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào khác nữa trừ dấu lạ Giôna:
(a) Họ đòi dấu lạ từ trời. Đức Giêsu từ chối đưa ra loại dấu lạ có tính cách vĩ đại đó, vì Ngài không muốn làm một Messia vinh thắng. Chỉ có những dấu lạ Ngài đã làm từ trước tới giờ thôi, họ phải nhìn đó mà hiểu.
(b) và một dấu lạ cuối cùng Ngài sẽ ban cho, đó là việc Ngài chết 3 ngày rồi sống lại, cũng như ông Giôna ở trong bụng cá 3 ngày rồi đi ra.
– Nhưng Ngài biết trước rằng ngay cả dấu lạ cuối cùng ấy họ cũng sẽ chẳng chịu hiểu. Bởi thế “Ngài bỏ họ mà đi”, tỏ dấu đoạn tuyệt dứt khoát.
- Nói chuyện với các môn đệ
cc 5-7 – Đang khi Đức Giêsu cùng các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, Ngài khuyến cáo họ coi chừng “men biệt phái”. Hình ảnh “men” ám chỉ đến ảnh hưởng. Có khi là ảnh hưởng tốt (td Đức Giêsu bảo các môn đệ “Chúng con hãy là muối là men cho đời”), có khi là ảnh hưởng xấu (td 1Cr 5,6-11). Thứ men mà Đức Giêsu cảnh cáo các môn đệ ở đây là ảnh hưởng xấu: Đức Giêsu bảo môn đệ coi chừng đừng để mình bị ảnh hưởng xấu của những người pharisêu (xúi dục Đức Giêsu đi theo một kiểu Messia vinh thắng; ngoan cố không tin mà làm bộ xin thêm dấu lạ…)
– Nhưng các ông không hiểu ý nghĩa sâu xa ấy của chữ “men”, mà chỉ hiểu về thứ men được dùng làm bánh. Cho nên các ông tưởng Ngài trách họ không mang theo bánh.
c 8-12 Để giúp họ, Ngài dặt ra một loạt câu hỏi về hai lần hóa bánh ra nhiều, nhằm giúp họ suy nghĩ để khám phá ý nghĩa của hai dấu lạ ấy chứ dùng mù quáng như pharisêu và Xađốc.