Khoa học và tôn giáo – Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

print

   KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO

Từ 17 – 21 tháng 6/2024 vừa qua, Đài thiên văn Vatican đã tổ chức hội nghị về chủ đề : Black Holes, Gravitational Waves and Space-Time Singularities (Lỗ đen, sóng hấp dẫn và những điểm kỳ dị không-thời gian). Mục đích là để tôn vinh Georges Lemaitre (1894-1966), linh mục công giáo và nhà khoa học nổi tiếng người Bỉ.

Trước khi đi tu, Georges Lemaitre học vật lý và toán học tại Đại học công giáo Louvain, và đã từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1920, sau khi rời quân ngũ, khi đó đã 26 tuổi, ông quyết định xin vào chủng viện dành cho các ơn gọi muộn, và thụ phong linh mục ngày 23/9/1923 do Đức hồng y Mercier. Sau khi làm linh mục, được phép Bề trên, ông tiếp tục học tại Cambridge, rồi làm tiến sĩ tại Viện công nghệ Massachusetts.

Cha Georges Lemaitre được nhìn nhận là nhà thiên văn học và giáo sư Vật lý học nổi tiếng với những lý thuyết về Sự giãn nở của vũ trụ, hệ tọa độ Hubble-Lemaitre, và thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang): “Khi nguyên tử sơ khai nổ, nó sẽ tạo ra không gian và thời gian rồi làm vũ trụ giãn nở”. Albert Einstein dành sự kính trọng đặc biệt đối với Lemaitre. Ông cũng là một trong những thành viên sáng lập Hàn lâm viện giáo hoàng về Khoa học năm 1936. Năm 1960, ông được bầu là Chủ tịch Hàn lâm viện và giữ chức vụ này tới khi qua đời năm 1966.

Cha Georges Lemaitre là nhà khoa học nổi tiếng và cũng là một linh mục gương mẫu. Sau khi chịu chức, ông tham gia Huynh đoàn linh mục Những bạn hữu của Chúa Giêsu (Amis de Jésus), hằng ngày dành một giờ cầu nguyện, mỗi năm dành 10 ngày tĩnh tâm trong thinh lặng.

(Georges Lemaitre (trái) và Albert Einstein)

Tôn vinh cha Georges Lemaitre là cơ hội để suy nghĩ về mối tương quan giữa khoa học và đức tin tôn giáo. Đây chính là điều Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong huấn từ của ngài dành cho các tham dự viên hội nghị. Ngài nói rằng Hội Thánh Công giáo thúc đẩy những thảo luận và nghiên cứu khoa học về vũ trụ, vì “những thảo luận ấy khơi dậy mối quan tâm và suy tư của con người trong thế giới ngày nay. Nguồn gốc vũ trụ, sự tiến hóa tột cùng của nó và cấu trúc sâu xa của không gian và thời gian, tất cả những điều đó khơi lên một số vấn đề quan trọng về ý nghĩa của đời sống”.

Trong tầm nhìn đó, Georges Lemaitre là linh mục và nhà khoa học mẫu mực, và hành trình thiêng liêng của ông cống hiến cho chúng ta một mô hình sống. Nghiên cứu khoa học cùng với hành trình trưởng thành thiêng liêng đã dẫn Lemaitre đến chỗ nhận ra rằng “khoa học và đức tin là hai nẻo đường tách biệt và song song nhưng không xung đột với nhau. Quả thật, hai nẻo đường ấy bổ túc cho nhau vì cả hai, theo tầm nhìn của tín hữu, đều đặt nền trên chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa”.

Trong thực hành, Đức giáo hoàng đề nghị nẻo đường đức ái: “Đức tin và khoa học có thể được liên kết trong đức ái, miễn là khoa học được sử dụng để phục vụ con người trong thời đại chúng ta chứ không bị lạm dụng để làm hại và hủy diệt con người”. Đây là đề nghị rất cần thiết vì trong thực tế, khoa học đã bị sử dụng vào việc hủy diệt và gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho nhân loại: “Ở nhiều nơi trên hành tinh người dân đang phải chịu nạn đói, nhưng nghịch lý thay, thay vì nghĩ cách giải quyết vấn đề đó, lãnh đạo nhiều nước lại tiếp tục mua vũ khí mới và phát triển công nghệ mới cho chiến tranh. Có những quốc gia đầu tư vào lĩnh vực đó và đặt nền kinh tế của họ dựa vào hoạt động buôn bán vũ khí chết người. Tất nhiên ở Vatican thì không, nhưng vì Tòa Thánh có lịch sử liên quan đến đầu tư tài chính, nên chúng tôi biết rằng những cổ phần sinh lời nhiều nhất là cổ phần sản xuất vũ khí và thuốc phá thai. Thật tai ác!” (Cuộc đời: câu chuyện của tôi trong lịch sử, 299-300).

Tương quan giữa khoa học và đức tin không chỉ là vấn đề thuần túy lý thuyết nhưng còn quan trọng cho mục vụ, cách riêng mục vụ giới trẻ. Vì thế, cần phải được suy nghĩ dài hơi hơn trong bài sau.

                                                                      Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm