Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Thương (2): Nỗi đau thân xác

Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Thương (2): Nỗi đau thân xác

2. Đức Giêsu chịu đánh đòn

Tin Mừng theo Thánh Luca

Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo.  Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù.  Nhưng tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!”  Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.

Ông Philatô muốn thả Ðức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa.  Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập giá!”  Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. (Lc 23,13-23)

 Suy niệm:

 Sau một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội nơi Vườn Dầu, Đức Giêsu đã quyết định làm theo ý Cha, bằng lòng đón nhận và uống chén đắng. Quân lính ùa đến, mà người đi đầu dẫn đường cho họ là Giuđa, một trong mười hai môn đệ thân tín của Thầy Giêsu. Giuđa tiến đến gần, hôn Thầy mình, như một dấu chỉ để báo cho quân lính biết đây là người mà họ cần tìm. Có một cuộc ẩu đả nho nhỏ xảy ra giữa các môn đệ và đám người này. Nhưng Đức Giêsu đã kịp thời ngăn lại khi ra lệnh cho Phêrô không được nóng nảy, và chính Ngài cũng chữa lành vết thương cho người đầy tớ bị đứt tai. Đức Giêsu bị đưa về nhà ông Kha-nan, là nhạc phụ ông Caipha. Sau đó, họ điệu người đến nhà thượng tế Caipha, rồi đến dinh Philatô. Khi biết Đức Giêsu thuộc quyền thẩm phán của Hêrôđê, Philatô cho áp giải ông đến gặp vị vua này. Gặp được Giêsu, vua có vẻ thích thú vì ngỡ là sẽ được Giêsu làm một vài trò ảo thuật để xem cho vui mắt. Nhưng sau khi không được thỏa mãn trí tò mò, ông sai người đưa về cho Philatô. Chính tại đây mà Giêsu bị kết án tử bởi sức ép của đám dân Do Thái, dù Philatô nhận thấy là Giêsu chẳng phạm tội gì đáng để chết.

Nhưng trước khi chết, Giêsu đã phải trải qua những trận đòn kinh khủng. Ngay từ lúc bị điệu về nhà các thượng tế để chịu xét xử trong một tòa án bí mật bất chính, Ngài đã bị người ta vả mặt, bạt tai. Đoạn đường dài đi từ nơi này sang nơi khác sau một đêm thức trắng vì bị chất vấn đã khiến cho Ngài không còn sức để chịu đựng. Những nhục hình tra tấn của đội quân La Mã năm xưa vẫn được cho là tàn bạo. Nó không làm cho người ta tắt thở ngay, nhưng làm xé da xé thịt, khiến người ta sống không bằng chết, muốn chết mà cũng không được. Nỗi đau về thể xác của Giêsu còn tăng lên gấp nhiều lần khi chính Ngài, với một thân hình rách nát, còn phải vác một cây gỗ nặng nề đi lên đồi Sọ. Ngài vốn xuất thân từ gia đình lao động. Ngài đã từng là một thợ mộc trong nhiều năm. Hẳn Ngài không phải là một chàng thư sinh yếu ớt. Ấy vậy mà trong hành trình lên núi này, Ngài đã phải quỵ ngã đến ba lần. Vết thương này nối tiếp vết thương kia. Dòng máu trong người Ngài thi nhau ùa ra ướt đẫm. Nỗi đau khi bị những cây đinh sắt ghim vào người chắc là kinh khủng và đau đớn khôn cùng. Không phải là một cây, nhưng là nhiều cây. Không phải chỉ một phát giáng xuống của chiếc búa là xong, nhưng một cách từ từ, cây đinh xuyên qua mảng da, xé từng tảng thịt, đâm vào xương, cho đến khi nó đính bàn tay, bàn chân ấy vào cây thập giá.

Ngoại trừ những trường hợp tử đạo, có lẽ chẳng mấy người tu sĩ trải qua kinh nghiệm đau thương này của Chúa. Nhưng nỗi đau đớn thể xác mà Chúa phải chịu dường như cũng nhắc nhở họ điều gì đó. Ai cũng muốn mình được ăn sung mặc sướng, có cửa rộng nhà cao, tiện nghi vật chất đầy đủ. Những điều ấy, nếu do công sức của mình làm ra, thì chẳng có gì là xấu cả. Trái lại, nó còn đáng được hoan nghênh. Người ta có xu hướng tìm đến những nơi giúp người ta được thư thái an nhàn, chân tay không vấy bẩn, tâm thần không mệt mỏi, cơ thể không bị tổn thương. Chẳng ai dại dột lao đầu vào những chốn khỉ ho cò gáy, điện nước không có, nhà cửa xập xệ, đồ ăn thức uống nay không mai có. Cũng không ai muốn mái tóc của mình bị khô cứng, làn da của mình bị chai sạm, cơ thể bị lở loét… Nhưng thực tế cho thấy, đã có rất nhiều người tình nguyện đi ngược dòng tự nhiên như thế. Họ chịu đau đớn vì được một tình yêu thánh thiêng nào đó thúc đẩy và ban thêm sinh lực cho mình.

Những mệt mỏi khi thi hành các bổn phận mục vụ, khi phải ngồi nghe người ta than phiền bao nhiêu chuyện “trên trời dưới đất” của họ, khi nghe giải tội, khi nghe tâm sự, khi hết lời khuyên giải, khi dùng hết sức mà giảng dạy Lời Chúa… cũng đủ khiến ta ngao ngán. Người ta mệt thì được nghỉ ngơi. Còn người tu sĩ thì bất cứ khi nào người ta gõ cửa trong trường hợp cần kíp, mình cũng phải đón tiếp nhiệt tình. Giấc ngủ đêm hôm cũng sẽ không trọn vẹn nếu có gia đình nào đó xin cha đến ban bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Băng rừng vượt suối để đến những buôn làng dâng lễ là điều quá đỗi bình thường đối với những nhà truyền giáo. Phục vụ những bệnh nhân HIV, tâm thần, thiểu năng… lấy đi của người ta biết bao sức lực. Bao bọc, chăm sóc và dạy dỗ các trẻ mồ côi cũng không kém mệt mỏi đau đầu. Có những người vì dám lên tiếng cho chân lý nên đã bị người ta thù ghét, ra tay hãm hại, bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn, bị giết chết hay thậm chí chết là chẳng được toàn thây hoặc phải chôn thân nơi biển sâu thác lớn.

Chẳng ai thích mình chịu đau đớn, nhưng lại có những kiểu đau đớn người ta cam tâm tình nguyện chịu đựng mà vẫn thấy hạnh phúc vui tươi. Đó là khi người ta đang chất chứa trong lòng một tình yêu thật cao cả. Chính tình yêu ấy là nguyên nhân, là động lực khiến họ trở nên mạnh mẽ khi đối diện với những đau đớn này. Đối với người tu sĩ, những đau đớn về thể lý mà họ chịu còn mang một ý nghĩa thật thâm sâu. Có nhiều vị đã xin Chúa cho mình chịu nhiều đau đớn thể lý để được nên giống Đức Kitô hơn. Xét cho cùng, điều mà mỗi tu sĩ chân chính ước mong là mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đấng mà họ yêu. Và nếu như Đấng ấy đã chịu thân mình tan nát vì yêu, thì họ cũng mong là vì yêu mà thân mình của mình cũng trở nên tan nát. Có thể đây là một lời cầu xin “điên dại”, nhưng đó là một sự điên dại của tình yêu. Khi hai người yêu nhau, những gì họ nói họ làm cho nhau thường bị người ngoài cho là ngớ ngẩn, là khùng, là “sến”. Nhưng họ thì lại không cảm thấy như vậy, trái lại, họ còn hạnh phúc vì điều ấy. Từng vết thương trên cơ thể chính là từng cánh hoa tươi dâng về Trời. Nó là dấu tích của tình yêu, là bảo chứng công dân Nước Thiên Đàng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

print