Làm Sao Để Loan Báo Tin Mừng – Truyền Giáo!
Nhân dịp tháng truyền giáo năm nay 10/2023, khắp nơi cử hành Đại Hội Truyền Giáo, cử hành ngày Loan Báo Tin Mừng, Hội Loan Báo Tin Mừng…Trong bầu khí của “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh[1]”, xin chia sẻ chút suy tư về LBTM hay gọi nôm na quen thuộc là Truyền giáo.
I. Truyền Giáo – LBTM Là Gì?
Nhìn chung có 3 đối tượng để ta Loan Báo Tin Mừng:
- Những người đã biết Chúa và giữ đạo tốt. Chúng ta LBTM bằng việc làm chứng cho Tin Mừng qua các mục vụ phụng vụ: Thánh Lễ, các Bí Tích..
- Những người có đạo nguội lạnh hay bỏ đạo..: Chúng ta LBTM bằng cách tái Phúc Âm hóa, hay còn gọi là tái LBTM: Thăm viếng quan tâm tạo cơ hội và mời gọi họ quay lại sống đạo giữ đạo..
- Những người chưa biết Chúa: Chúng ta chia sẻ, trao ban, gởi tặng Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chưa biết, để họ cũng biết Chúa là Cha họ, yêu thương họ và sẽ cứu độ họ trong niềm vui hạnh phúc đời đời để họ có niềm hy vọng vui tươi phấn khởi tin tưởng như chúng ta.
Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến đối tượng thứ 3 là những người chưa biết Chúa để chúng ta chia sẻ giới thiệu Chúa cho họ.
II. Tại Sao Phải Truyền Giáo – Loan Báo Tin Mừng?
- Vì đó là lời mời gọi, lệnh truyền của Chúa.
Trong Tin Mừng thánh Mattheu 28,16-20, Chúa Giê Su nói với các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân” Chính Chúa đã nhờ chúng ta, đã cần chúng ta giúp, đã yêu cầu chúng ta và có thể nói đó cũng là một lệnh truyền cuối cùng mà Ngài ban xuống cho chúng ta.
Nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hội, chứng tỏ bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Đây là một sứ mạng duy nhất, một sứ điệp duy nhất, phát xuất từ Thiên Chúa và được gửi đến cho mọi người, ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
- Vì bản chất của Hội Thánh là Loan Báo Tin Mừng
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông Huấn “Loan Báo Tin Mừng”, đã coi việc tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng là một hồng ân khi Ngài khẳng định : “Loan báo Tin Mừng là hồng ân và là ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh” (LBTM số 14).
Trong Thông Điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” số 65, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhấn mạnh : “Ơn gọi truyền giáo là ơn gọi đặc biệt trong Giáo Hội”. Và trong số 5, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định : “Bản chất của Giáo Hội là Truyền Giáo”.
Trong thư chung của HĐGM VN vừa ra 10/2023 nhấn mạnh: “Anh chị em là Giáo Hôi” chứ không còn nói: “Anh chị em cũng là Giáo Hội” như trước đây. Như thế anh chị em có sứ vụ thực thi LBTM chứ không còn là anh chị em cộng tác vào việc LBTM. Sứ vụ LBTM là của anh chị em, của tất cả mọi người
- Vì “được rửa tội để được sai đi”
Sống đạo giữ đạo không phải cho riêng mình nhưng là chia sẻ loan báo đời sống hy vọng tin tưởng mà mình đang có đó cho anh chị em xung quanh.
Sống đạo giữ đạo không phải chỉ đọc kinh xem lễ là đủ, nhưng sống đạo luôn là một chuyển động, một trạng thái, một chủ động, một biến chuyển, đưa Chúa đến cho người khác. Rửa tội để được sai đi làm chứng cho Chúa.
Qua Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu được tham dự vào chức vụ Ngôn sứ của Chúa KiTo, và được sai đi để thi hành sứ vụ ngôn sứ đó bằng lời nói hành động và cả cuộc sống mình.
- Người khác có quyền được nghe được biết
Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa… trong ngày sau hết” (x. Is 1, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tình thần của mình biết rằng: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo.
Mọi người đều có quyền được nghe về Thiên Chúa. Ta là những người đã biết Chúa mà ta không giúp họ, không chia sẻ cho họ thì ta thật có lỗi
- Vì Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất.
Tuy vẫn khẳng định giáo huấn của Vaticanô II rằng, con người có thể được cứu độ mặc dù không có đức tin minh thị vào Đức Kitô (RM 10), nhưng cần phải thêm rằng mọi ân sủng đều được ban qua Đức Kitô và chỉ qua Người mà thôi. “Vì thế, không ai có thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không qua Đức Kitô, nhờ tác động của Thánh Linh … Tuy có thể nhìn nhận những hình thức và cấp độ trung gian khác nhau, nhưng các hình thái trung gian ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị nhờ sự trung gian của Đức Kitô mà thôi, chứ không được phép coi như song hành hoặc bổ sung cho Người [2]” . Ngoài ra, Giáo hội đã được thiết lập như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ[3]. Nhân loại có quyền được tiếp nhận sự thật và sự sống do Tin mừng mang đến, tuy phải theo một đường lối tôn trọng tự do của con người[4].
- Vì LBTM đem lại cho chúng ta niềm vui phấn khởi
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Khởi đầu Thiên niên kỷ mới, năm 2001, đã nói : “Loan báo Tin Mừng là ân huệ làm chúng ta tràn ngập niềm vui” (số 55).
Thực vậy kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta gặp gỡ LBTM cho anh chị em, chúng ta sẽ thấy họ vui tươi phấn khởi, thay đổi đời sống tốt hơn lên vui hơn lên, chính khi họ vui tươi, họ mửng rỡ khi gặp chúng ta, thì ngay lúc đó, tự trong hồn ta rộn lên một niềm vui khôn tả, một niềm vui sâu xa mà chính mỗi đương sự mới cảm nghiệm được. Đó là một hồng ân lớn lao mà Chúa ban cho các sứ giả đi LBTM.
- Vì đầy Chúa là tự nhiên ta muốn chia sẻ
Câu chuyện của người mua được sản phẩm tốt, tự nhiện muốn giới thiệu cho bà con anh chị em biết vế sản phẩm đó để họ cùng mua
Như em học sinh học được thầy tốt, trường tốt, tự nhiên muốn giới thiệu trường đó thầy đó cho bạn bè mình cùng học
Như người bệnh ung thư gặp được thầy được thuốc chữa trị làm hết bệnh, chắc chắn họ đi khắp nơi giới thiệu quảng bá thuốc đó cho nhiều người, mà không cần tính công, không cần thù lao, vì niềm vui hạnh phúc nhất là họ đã được hết bệnh…
Chúng ta gặp được Chúa, đầy Chúa, vui có Chúa, tin rằng hạnh phúc vì mình được Chúa thương và Chúa cứu độ, chắc chắn mình sẽ giới thiệu Chúa cho anh chị em
- Làm Thế Nào Để Truyền Giáo – Loan Báo Tin Mừng?
Chúng ta không thể nào lên đường ra đi LBTM nếu chúng ta không đầy Chúa, không gặp được Đức Kito Phục Sinh, không tràn Chúa. Hai môn đệ Emmau gặp được Đức Ki Tô Phục Sinh lập tức quay trở lại Gierusalem để loan báo tin mừng này. Có Chúa thì ai cũng có, nhưng tràn Chúa đầy Chúa thì mới chia sẻ Chúa tràn ra cho người khác được. Lòng bừng cháy, chân sẽ bước nhanh.
Vậy là thế nào nếu để được đầy Chúa, tràn Chúa?
- Suy Niệm Học Hỏi Lời Chúa
Sau khi lắng nghe hai môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu phục sinh “giải thích cho họ những gì đã chép về Người trong cả Sách Thánh, bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24:27). Lòng các môn đệ rung động, sau này họ tâm sự với nhau: “Lòng chúng ta há chẳng bừng lên khi dọc đường Người nói chuyện với chúng ta và giải thích Kinh Thánh sao?” (câu 32). Chính Chúa Giêsu là Lời hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trong chúng ta, khi Người soi sáng và biến đổi tâm hồn chúng ta.
Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn câu châm ngôn của Thánh Giêrônimô rằng “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô” (Chú giải về Isaia, Lời mở đầu). “Nếu không có Chúa soi sáng, chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh một cách sâu sắc; tuy nhiên điều ngược lại cũng đúng: không có Kinh thánh, các biến cố trong sứ mệnh của Chúa Giêsu và của Hội Thánh của Người trên thế giới vẫn không thể giải mã được” (Aperuit Illis, 1).
- Tôn sùng Bí Tích Thánh Thể
Yếu tố quyết định mở mắt cho các môn đệ trên đường Emmaus là chuỗi hành động Chúa Giêsu thực hiện: Người cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Đó là những cử chỉ thông thường của người chủ gia đình Do Thái, nhưng, được Chúa Giêsu Kitô thực hiện với ân sủng của Chúa Thánh Thần, điều đó lập lại cho hai người bạn đồng bàn của Người dấu chỉ hóa bánh ra nhiều và nhất là dấu chỉ Bí tích Thánh Thể, bí tích hy tế thập giá. “Khi họ quây quần quanh bàn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh”.
Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích [Thánh Thể]. Tự bản chất của nó, tình yêu này đòi phải được thông truyền cho tất cả mọi người. Điều thế giới cần là tình yêu Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Vì lý do này, Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo hội; nó cũng là nguồn gốc và tột đỉnh sứ vụ của Giáo Hội: ‘Một Giáo Hội Thánh Thể đích thực là một Giáo Hội truyền giáo’” (Sacramentum Caritatis, 84).
Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Để sinh hoa trái, chúng ta phải luôn kết hiệp với Chúa Giêsu (x. Ga 15,4-9). Sự hiệp nhất này đạt được qua lời cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt trong giờ dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, khi chúng ta giữ thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, Đấng ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Bằng cách yêu thương vun trồng mối hiệp thông này với Chúa Kitô, người môn đệ truyền giáo có thể trở thành một nhà thần bí trong hành động”
3. Sống Mầu Nhiệm Thập Giá: Sống Nhân đức
Đức Kitô đã vác thập giá. Thập giá trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. Mỗi người chúng ta cũng có thập giá cho riêng mình. Thập giá đó là những hoàn cảnh khách quan hay cả chủ quan, qua thập giá tình yêu của Chúa Cha được thể hiện nơi chúng ta và cả tình yêu của ta được thể hiện cho mọi người xung quanh,
Thập giá của ta có thể là sự hy sinh, khiêm tốn, phục vụ, đón nhận những thách đố, oan trái, những khó khăn đau khổ trong tâm hồn cả bên ngoài cuộc sống… ta đón nhận nó như Chúa Giê Su đón nhận: “Xin chọn ý Cha”. Tất cả những gì xảy ra cho đời mình ta đưa vào đời sống thiêng liêng coi đó như thánh ý Chúa cho xảy đến để đào tạo ta, để ta lập công với Người mà cầu nguyện cho việc truyền giáo như con đường linh đạo thánh Terresa Hài Đồng Giê Su đã từng làm, cầu cho tên cướp ăn năn trở lại.
Bên cạnh đó ta không quên tập nhân thực hành các nhân đức. Hy sinh, hãm mình, từ bỏ, giản đơn, phục vụ, không bon chen bè phái mưu mô tính toán…
IV. Cách Thức Truyền Giáo- LBTM?
Có rất nhiều cách để LBTM
- Cách của Cha Pio Ngô Phúc Hậu và cha Phanxico Đinh Trọng Tự:
Các cha cầm cái bong bóng, viên kẹo, đi “lang thang” nẻo đường này, bờ sông nọ, thấy các em bé cho cái bóng, cho viên kẹo, rồi bắt chuyện làm quen, rồi các em đó dẫn về nhà giới thiệu với ông bà cha mẹ, thế là làm quen được cả gia đình.
Các cha đi đến trước nhà người ta đứng nhìn cái cây, cái bông, gặp họ khen cây hoa đẹp, cái cây sinh trái tốt, hỏi họ sao mà trồng được đẹp vậy, tốt vậy… thế là quen
Các cha mở lớp giáo lý này kia, lớp anh văn, phòng thuốc ấn huyệt, châm cứu… thế là họ đến. Ngày nay các giáo xứ còn hay mở cơm tình thương…
Có nhiều con đường mở ra cho lương dân đến với mình
- Những người giáo dân mỗi người một nghề, LBTM trong hoàn cảnh của mình
Có anh thợ hớt tóc ở Phát Diệm, cứ người khác tới hớt tóc, trong lúc hớt là anh bắt chuyện, vừa hớt vừa nói, và từ từ đưa câu chuyện có định hướng về Chúa Giê Su, anh như người kể chuyện về Chúa vậy
Có chị bán hàng, sửa xe… khi làm mở nhạc công giáo cho người khách nghe, họ nghe thấy hay và họ hỏi thăm
Có người công nhân xí nghiệp giờ cơm trưa, khi ăn cô ta làm dấu Thánh Giá, các bạn bè thấy, nên hỏi thăm… và cơ hội cho chị nói về Chúa…
Em học sinh đi học, chơi với bạn bè, khi đọc truyện Hạnh các thánh, cho các bạn cùng lớp mượn cuốn truyện đó, cũng là cách giới thiệu về Chúa
Có rất nhiều cách LBTM và cộng thêm đời sống tốt của mình nữa, chắc chắn người nghe sẽ được hấp dẫn thuyết phục.
Nhân ngày khánh nhật Truyền Giáo hôm nay, xin Chúa Kitô giúp chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa luôn biết hăng say LBTM,
XIn Mẹ Maria là Nữ Vương truyền giáo cầu cho chúng ta luôn biết lên đường như Mẹ đem Chúa đến cho người khác
Xin Thánh Thần Chúa thúc bách chúng ta để được rửa tội là để được sai đi
Cần Thơ, Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 22/10/2023
Linh Mục MICAE NGUYỄN KHẮC MINH
—
[1] “Sứ Điệp Truyền Giáo 10/2023 của Đức Thánh Cha Phanxico” Bản dịch của LM Đaminh Ngô Quang Tuyên và LM Micae Nguyễn Khắc Minh, trực thuộc UBLBTM HHĐGMVN.
[2] Thông điệp Redemptoris Missio số 5
[3] Thông điệp Redemptoris Missio số 9
[4] Thông điệp Redemptoris Missio số 7-8