Lời Cầu Mới – Tâm Tình Mới với Thánh Cả Giuse.

print

Lời Cầu Mới – Tâm Tình Mới với Thánh Cả Giuse.

Lm Giuse Trần Đình Thụy

 MỤC LỤC

Lời Ngỏ.

Bài 1 Tóm lược hai Tài liệu chính  về Thánh Giuse.

Bài 2  Lược sử Kinh cầu Thánh Giuse.

Bài 3  Thánh Giuse Đấng Gìn giữ Chúa Cứu Thế.

Bài 4  Thánh Giuse  Đấng Phục vụ Chúa Kitô.

Bài 5  Thánh Giuse  Đấng Thừa tác của Ơn Cứu độ.

Bài 6  Thánh Giuse  Đấng Hỗ trợ trong những lúc gian nan

Bài 7  Thánh Giuse  Đấng Bảo trợ người lưu đầy.

Bài 9  Thánh Giuse  Đấng Bảo trợ người nghèo.

Bài 10  Không Chỉ Là Năm Kính Thánh Giuse.

Lời Kết

Lời Ngỏ

Các bạn thân mến.

Xin phép cho tôi được tâm sự “hết sức riêng: “Hưởng ứng và nhằm cổ vũ lòng sùng kính Thánh Giuse, đúng hai tuần sau ngày khai mạc, tôi viết xong tập Những Bài Suy Niệm Trong Năm Đặc Biệt Về Thánh Giuse (Giáng Sinh 2020). Sau đó tôi bị tai nạn ngặt nghèo, tưởng sẽ nằm một chỗ, tôi chạy đến với Thánh Cả để xin cứu chữa, ngài đã cứu tôi. Để tạ ơn, tôi lược dịch một cuốn sách tiếng Pháp và hoàn thành tập Để Hiểu Và Yêu Mến Thánh Giuse Hơn (01/2021). Tôi dự định viết về Người Nghèo Khổ với Thánh Giuse vì quá khứ gia đình tôi nghèo, càng ngày càng nhiều người nghèo và khổ trên thế giới. Nhưng ngày 01/05/2021, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã thêm 07 lời cầu mới vào Kinh Cầu Thánh Giuse, tôi quyết định viết tập này với đầu đề Lời Cầu Mới – Tâm Tình Mới với Thánh Cả Giuse.”

Xin được tóm tắt và tổng hợp tư liệu của nhiều người viết rồi đề ra những gợi ý tu đức thực tế mà tôi cho là cần thiết qua những đề mục:

  • Tóm lược hai văn kiện quan trọng: Redemptoris Custos của thánh GH Gioan Phaolô II, và Padre Corde của Đức Phanxicô.
  • Phân tích bố cục kinh cầu Thánh Giuse.
  • Cắt nghĩa, suy niện 07 lời cầu mới để thực hành.

“Không chỉ là Năm đặc biệt về Thánh Giuse. Thời gian đang và sẽ qua đi, nhưng tâm tình với Thánh Cả vẫn tồn tại và triển nở qua cuộc sống tu đức của mỗi người, mỗi gia đình chúng ta.

Lm Gs Trần Đình Thụy

11/06/2021

 

Bài 1
Tóm lược hai Tài liệu chính
về Thánh Giuse

  1. Bố cục Tông huấn Redemptoris Custos[1]

Văn kiện quan trọng nhất của Toà thánh từ sau công đồng Vaticanô II là tông huấn Redemptoris Custos  của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, được ban hành ngày 15/8/1989, để kỷ niệm 100 năm thông điệp Quamquam pluries của ĐTC Lêô XIII (15/8/1889). Xin giới thiệu bố cục Tông huấn với những nét đại cương:

Tông huấn gồm nhập đề và 6 chương. Chương Một và Chương Hai có thể coi như một thứ “lectio divina”, suy gẫm những đoạn văn Tân ước bàn về Thánh Giuse. Những chương kế tiếp đào sâu vài chủ đề về hôn nhân gia đình (ch.3), lao động (ch.4), lắng nghe tiếng Chúa (ch.5).

Nhập đề (số 1): Giải thích lý do ban hành Tông huấn

Chương Một: Khung cảnh của Tin Mừng

Phân tích cảnh truyền tin của sứ thần (Mt 1,18-25), khởi đầu của sứ mạng Thánh Giuse: chồng của Đức Maria thân mẫu của Đức Giêsu (số 2-3). So sánh với cảnh truyền tin cho Đức Maria, chúng ta nhận thấy điểm tương đồng là sự tuân phục Lời Chúa bằng đức tin.

Chương Hai: Người được ký thác mầu nhiệm của Thiên Chúa

Vai trò của Thánh Giuse đối với Đức Maria và Chúa Giêsu dựa theo các trình thuật Phúc âm (số 7-8), được ví như “hành trình đức tin” (số 4-6), trải qua những chặng đường của Chúa Cứu Thế: về Bêlem để kiểm tra dân số (số 9), Chúa giáng sinh (số 10), cắt bì và đặt tên cho hài nhi (số 11-12), dâng hài nhi vào đền thánh (số 13), lánh nạn sang Ai cập (số 14), tìm lại hài nhi lạc trong đền thánh (số 15), trở về Nazareth (số 16).

Thánh Giuse hiện diện bên cạnh Chúa Cứu Thế như một người phục vụ ơn cứu độ trong cương vị người làm cha.

Chương Ba: Người công chính-vị hôn phu (số 17-21)

Chương này phân tích mối tương quan của Thánh Giuse với Đức Maria. Hôn nhân giữa hai vị làm nổi bật yếu tính của hôn nhân là “ý hợp tâm đầu” (liên kết tinh thần hoặc liên kết tâm hồn).

Chương Bốn: Lao động, biểu hiện của tình yêu

Ý nghĩa của lao động như là biểu hiện của tình yêu và phương tiện nên thánh: Thánh Giuse trở nên mẫu gương cho những người làm môn đệ Chúa qua công việc thầm lặng thường nhật (số 22-24).

Chương Năm. Ưu tiên của đời sống nội tâm

Giữa công việc hàng ngày, Thánh Giuse vẫn duy trì được sự thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Người trở nên gương mẫu của đời nội tâm (số 25-27), như thánh Têrêsa Avila đã lưu ý.

Chương Sáu. Đấng Bảo trợ Hội thánh thời nay

Vào buổi khó khăn của thời cận đại, các ĐTC Piô IX, Lêo XIII, Phaolô VI đã xin Thánh Giuse bảo trợ Giáo hội. Thánh nhân luôn là đấng che chở Hội thánh trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

  1. Bản tóm lược Tông thư Patris Corde[2]

– Để kỷ niệm 150 năm ngày Thánh nhân được tuyên phong là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, Năm đặc biệt về Thánh Giuse bắt đầu từ ngày 08.12.2020 và kết thúc vào ngày 08.12.2021.

– Để mọi thành phần tín hữu theo gương Thánh nhân, có thể củng cố đời sống đức tin của họ hằng ngày trong việc hoàn thành Thánh ý Thiên Chúa.

– Để tiếp tục khám phá ra những chiều kích cũ và mới (những bài học xưa và nay) trong kho tàng Thánh Cả Giuse, Đấng được coi như người Chủ nhà trong Tin mừng theo Thánh Matthêu; Là người “lấy ra từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).

 ĐTC Phanxicô đã triển khai ba nội dung trên trong Tông thư mang tên: “Với Trái Tim của Người Cha” (Patris Corde). Ngài liệt kê 7 tấm gương:

  1. Thánh Giuse: Một người Cha yêu thương

Thánh Giuse đã thể hiện một cách cụ thể vai trò làm cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế”. Ngài đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân, thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của ngài.

Vì vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giuse luôn được các Kitô hữu tôn kính là Cha (Cha Thánh Giuse). Điều này được thể hiện qua vô số nhà thờ dâng kính ngài trên khắp thế giới. Nhiều học viện tôn giáo, hội đoàn, giáo xứ, cảm hứng từ linh đạo của Thánh Giuse và mang tên ngài. Rất nhiều các thánh nam nữ (như Thánh Têrêsa Avila, thánh André – Đền Thánh Giuse ở Montréal) đã chọn Thánh Giuse làm Đấng bổn mạng, cầu bầu…

  1. Thánh Giuse: Một người Cha dịu dàng và yêu thương

Như Thiên Chúa đã bênh vực, chở che dân Israel, Thánh Giuse cũng đã tận tụy chăm sóc Chúa Giêsu: “Ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người Cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4).

Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: “Như người cha yêu thương con cái mình, Chúa xót thương những ai kính sợ Người” (Tv 103, 13).

Chúng ta yếu đuối, giòn mỏng, nhiều lần vô vọng trong những cơn thử thách, sợ hãi, lo âu,… Thánh Giuse dạy chúng ta rằng, Đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng, Ngài có thể hành động, cả khi chúng ta sợ hãi, ngã lòng và yếu đuối… Ngài cũng dạy chúng ta rằng, giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối chỉ đường. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh rộng lớn.

  1. Một người cha vâng phục

 Thánh Giuse đã vâng phục thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa Cha qua 4 biến cố. Bốn biến cố khiến ngài lo sợ, hoang mang, lao tâm khổ tứ.

Theo lời Thiên sứ, Thánh Giuse đón nhận Maria về làm vợ. “Vì đứa trẻ được thụ thai trong lòng bà là do Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh một con trai, và ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội” (Mt 1,20-21). Thái độ vâng phục đã giúp Thánh Giuse vượt qua khó khăn và cứu được Đức Maria.

Thánh Giuse trải qua cuộc hành trình dài, vất vả từ Nadarét đến Bêlem, để ghi tên vào sổ bộ nơi nguyên quán của gia đình mình, trong cuộc điều tra dân số của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Chúa Giêsu đã được sinh ra trong hoàn cảnh đó (x. Lc 2,7) Tin mừng Thánh Luca đặc biệt quan tâm kể lại việc cha mẹ của Chúa Giêsu đã tuân giữ tất cả các quy định của Luật. (x. 2,21-24).

Vâng lệnh Thiên sứ, Thánh Giuse đã “trỗi dậy trong đêm, đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập,… vì Hêrôđê sắp lùng bắt Hài nhi để giết đi” (Mt 2,13).

Sau nhiều năm trốn tránh, tha phương, ngài được lệnh trở về quê hương… Trớ trêu thay, một lần nữa, Ngài lại phải tránh lưỡi gươm ác độc của người con Hêrôđê là Archelaô. Ngài phải đến lập cư tại Nadarét, miền Galilê, thay vì định cư ở Giuđê.

Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giuse đều nói lời “xin vâng” (Fiat) của chính mình. Trong vai trò làm Cha, ngài đã dạy Hài nhi Giêsu vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) thế nào, thì chính ngài đã làm gương trước trong việc vâng lời phục vụ con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu như thế.

  1. Một người Cha chấp nhận

Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, lo sợ. Ngài nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Như trong trường hợp “gay cấn”: vâng lời Thiên sứ, Ngài đã đón nhận Đức Maria về làm vợ một cách vô điều kiện; ngài trung thành giữ luật, nhưng với tâm tình quảng đại bao dung. Ngài trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế.

Con đường thiêng liêng mà Thánh nhân vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận. Biết chấp nhận và giao hòa, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một viễn tượng, một lịch sử bao quát hơn…

Ngài không chấp nhận một cách thụ động, tiêu cực, nhưng tích cực chủ động một cách ý thức và can đảm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thánh nhân giúp chúng ta đón nhận mọi thứ như “chúng vốn là như thế”. Cả khi chúng không diễn ra như mong muốn, vì biết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Thánh Cả cũng khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác “như chính con người họ”, đặc biệt là những người yếu đuối (x. 1 Cr 1,27).

  1. Một người Cha có lòng can đảm đầy sáng tạo

Yếu tố quan trọng cho mọi cuộc hồi tâm là sự can đảm sáng tạo. Lòng can đảm và óc sáng tạo giúp ta đối phó và vượt thắng những thử thách khiến ta bỏ cuộc.

Đọc Tin mừng tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa không can thiệp một cách cụ thể, rõ ràng… Nhưng ta đừng quên, Thiên Chúa thường hoạt động qua con người và các biến cố xảy ra. Với lòng can đảm và óc sáng tạo của người thợ mộc, Thánh Giuse đã tìm được một “nơi” để Đức Mẹ sinh con. Đó là cái chuồng bò lừa giữa đồng không mông quạnh, là “ngôi nhà” chào đón Con Thiên Chúa đến thế gian (x. Lc 2, 6-7).

Trong những hoàn cảnh nguy nan, sự sống của Hài nhi bị đe dọa, Thánh Giuse đã bình tĩnh vận dụng mọi khả năng để mau lẹ giải thoát con mình và Đức Mẹ. Chúng ta cũng được trao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ Con Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Thánh Giuse là Đấng Bảo vệ Hội thánh. Vì Hội thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử.

Tất cả những ai nghèo khó, thiếu thốn, xa lạ, di dân, lao tù, bệnh hoạn tật nguyền đều là “hài nhi” để Thánh Giuse bảo vệ. Bởi thế, Thánh Giuse được kêu cầu như Đấng chở che, phù trợ… (kinh cầu Thánh Giuse).

Trong cuộc hành trình gian khổ, địa lý địa hình trắc trở, khí hậu khắc nghiệt của sa mạc nắng gió như thiêu như đốt; nhà thám hiểm, khách bộ hành phải có một ý chí mãnh liệt, một sự can đảm sáng tạo để chịu đựng và vượt qua.

Tại đất khách quê người, phong tục khác lạ, ngôn ngữ bất đồng,… Thánh Giuse phải tìm cách mưu sinh. Chắc chắn ngài phải ra tay chuyên nghiệp của người thợ mộc lành nghề, hầu có phương tiện nuôi sống gia đình.

  1. Một người Cha làm việc

Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc cách lương thiện để nuôi sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu, cũng như chúng ta, học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của “chén cơm manh áo” là thành quả lao động của chính mình.

Việc làm là:

– Phương tiện để tham gia vào công trình cứu chuộc.

– Cơ hội để làm cho Nước Trời mau đến.

– Để phát triển tài năng và khả năng.

– Để hoàn thiện chính bản thân mình và các thành viên gia đình.

– Để hợp tác với chính Thiên Chúa. Trở thành những người sáng tạo thế giới xung quanh chúng ta.

Việc làm của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng: Chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc. Chúng ta cầu xin Thánh Cả Giuse trợ giúp, để không một người trẻ nào, không một gia đình nào không có công ăn việc làm.

  1. Một người Cha trong bóng tối

Thánh Giuse là người thinh lặng và cầu nguyện. Nói ít, làm nhiều. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời.

Chúng ta không sinh ra là cha. Chúng ta trở thành người cha. Người cha đích thực không phải vì sinh ra đứa con phần xác, nhưng vì đảm nhận yêu thương chăm sóc đứa con ấy. Vì vậy, bất cứ ai (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân,…) nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, đều trở thành người cha của người ấy.

Giáo hội cũng rất cần:

– Những người cha để yêu thương chăm sóc các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.

– Những người cha dạy dỗ con cái trưởng thành, có khả năng tự quyết định sáng suốt, biết tự chủ tự lập.

– Những người cha với tình yêu vô vị lợi (cực thanh, cực tịnh), xả kỷ, không độc quyền, độc đoán, độc hữu, không biến mình thành trung tâm mọi sự. Như Thánh Giuse, không nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về cuộc đời của Mẹ Maria, của Chúa Giêsu.

– Những người cha sáng suốt khôn ngoan, nhận ra rằng: Mỗi đứa con là một “cá thể” khác biệt, một mầu nhiệm độc đáo cần phải được khám phá, phát triển. Rằng: Mình chỉ là người cha và là người giáo dục đích thực khi nhận ra con cái đã đến lúc “đủ lông, đủ cánh” bay ra cuộc đời, có thể vững vàng bước đi và đứng vững trên đôi chân của chúng…

Tóm lại:

        Thánh Giuse là người cha thầm lặng. Sống cuộc sống đời thường một cách phi thường. Rất gần gũi với chúng ta. Cũng như bao nhiêu người khác thuộc mọi trình độ văn hóa, giai cấp, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo,… đang âm thầm làm việc để kiến tạo một thế giới thanh bình và nhân bản. Thánh Giuse nhắc nhủ chúng ta rằng, những ai ẩn mình trong bóng tối – hay bị lãng quên – có thể đóng vai trò không thể so sánh được trong lịch sử cứu độ.

  • Tâm tình – thực hành
  • Cầu nguyện cho Giáo hội, Đức Thánh Cha, các Giám mục, các linh mục và tu sĩ phục vụ anh chị em.
  • Cần có một thói quen đạo đức kính mến Thánh Cả.

 

Bài 2
Lược sử Kinh cầu Thánh Giuse[3]

Ngày 1 tháng 5 vừa qua, lễ Thánh Giuse Thợ, ĐTC Phanxicô đã truyền ghi thêm 7 lời khẩn nài vào Kinh cầu Thánh Giuse. Đây là cơ hội tốt để tìm hiểu  bản kinh này, với một lịch sử không lâu đời lắm. Thực vậy, kinh cầu Thánh Giuse mới được Tòa thánh phê chuẩn cách đây 112 năm, vào ngày 18 tháng 3 năm 1909, nghĩa là “còn trẻ” so với kinh cầu Đức Mẹ Loreto (thế kỷ XVI) hoặc xa hơn nữa, kinh cầu  các thánh (từ năm 590, thời ĐTC Grêgoriô Cả). Sau khi ôn lại lịch sử, chúng ta trình bày sơ lược nội dung thần học của các lời khẩn nài, cũ cũng như mới.

  1. Lịch sử

Nói cho đúng, những bản văn đầu tiên của kinh cầu Thánh Giuse đã được lưu hành từ hơn 400 năm nay rồi. Bản kinh cầu Thánh Giuse lâu đời nhất là của cha Jerónimo Gracián Dòng Cát-minh, xuất bản ở Rôma năm 1597 bằng tiếng Italia và Tây Ban Nha. Có lẽ cha đã lấy từ một quyển sách nhỏ về bảy sự buồn cùng bảy sự vui của Thánh Giuse do Hiệp hội các thợ mộc in ở Perugia, và đã thêm vào nhiều lời cầu: Ấn bản tiếng Tây Ban Nha có 49 lời cầu, trong khi bản tiếng Italia chỉ có 21 lời. Tiếc rằng vào thời gian ấy, nhiều kinh cầu của các thánh khác đã xuất hiện. Một vài bản kinh chứa đựng những lời cầu sai lầm về thần học; vì thế, năm 1601 dưới thời ĐTC Clêmentê VIII, Tòa thánh đã ra sắc lệnh buộc tất cả các kinh cầu, (ngoại trừ những kinh cầu đã được chấp thuận, tức là Kinh cầu Các Thánh và Kinh cầu Đức Bà Loreto) phải đệ trình để được duyệt y trước khi cho sử dụng công khai. Hàng giáo phẩm tại Italia và Tây Ban Nha giải thích và áp dụng Sắc lệnh này cách chặt chẽ, nên không sử dụng kinh cầu Thánh Giuse tại hai nước này, nhưng ở các quốc gia khác bên Âu châu, hàng giáo phẩm giải thích rằng, Sắc lệnh chỉ áp dụng cho các kinh cầu được đọc nơi công cộng chứ không áp dụng cho việc sử dụng riêng tư. Không lạ gì mà có hơn ba mươi phiên bản kinh cầu khác nhau được lưu hành đây đó, trong số này đáng kể hơn cả là bản của chị María de San José Dòng Cát minh (1548-1603), người bạn thân của Thánh Têrêsa Avila và cha Gracián. Trong những kinh cầu đa dạng, một vài lời cầu ca ngợi Thánh Giuse, nhìn nhận vai trò của Người trong thời thơ ấu của Chúa Kitô, sự hợp nhất của Người với Đức Maria và những đặc ân của Người như là người đứng đầu của Thánh gia. Một vài kinh tóm tắt đời sống và sự ưu việt của Người, trong khi những kinh khác liệt kê những ân huệ chính với ước vọng sẽ đạt được nhờ lời chuyển cầu của Người. Một vài kinh khác chứa đựng những ý kiến đạo đức cá nhân chưa được Hội thánh tuyên bố, ví dụ như sự thánh hóa của Người trong lòng mẹ và thân xác Người được đưa về trời, nhưng những điều này không bị Hội thánh phản đối bởi vì nó phản ánh những ý tưởng thần học của thời đại.

Vào đầu thế kỷ XX, nhiều Giám mục tại châu Âu và châu Mỹ xin Tòa thánh phê chuẩn kinh cầu để được đọc công khai. Sau nhiêu lần thỉnh nguyện bị từ chối, cuối cùng cha Sébastien Wyart (+ 1904), Tổng viện phụ Dòng Trappe, đã soạn một kinh cầu để xin phê chuẩn. Tuy nhiên theo nhiều học giả, công thức của kinh cầu được ĐTC Piô X châu phê ngày 18/3/1909 (đăng trên Acta Apostolicae Sedis 1 [1909] 290-292), và được lưu hành hiện nay là do Đức Hồng y Alexis Lépicier soạn ra. Ngài là một tu sĩ thuộc dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, giáo sư đại học Urbaniana và Tổng trưởng bộ tu sĩ, đã viết một cuốn sách thần học về Thánh Giuse (Tractatus de sancto Josepho, 1908).

  1. Nội dung

Kinh cầu Thánh Giuse dựa theo bố cục của Kinh cầu Đức Bà. Sau phần dẫn nhập (kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, và Đức Mẹ) là các lời khẩn nài: bản văn của ĐTC Piô X gồm 24 lời khẩn nài[4], và mới đây, ĐTC Phanxicô thêm 7 lời khẩn nài nữa, tổng cộng là 31 câu.

Lời khẩn nài đầu tiên “Thánh Giuse” nói lên sự thánh thiện của Người, và khỏi cần chú giải. Các lời khẩn nài còn lại có thể phân ra thành bốn nhóm: nhóm thứ nhất nói đến nguồn gốc trong lịch sử cứu độ; nhóm thứ hai nói đến các chức vụ được ủy thác đối với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu; nhóm thứ ba nêu bật các nhân đức của Người; nhóm cuối cùng kêu cầu Người như là kẻ bảo trợ. Nên biết là có hai bản dịch tiếng Việt với giọng văn hơi cổ điển và không sát với bản văn cho lắm; hơn nữa còn thêm “Thánh Giuse là” ở đầu mỗi lời xin, còn trong nguyên bản Latinh thì kêu cầu thẳng tước hiệu. Chúng tôi chú giải theo nguyên bản Latinh.

  1. Nhóm thứ nhất: nguồn gốc trong lịch sử cứu độ

Hai tước hiệu đầu tiên là “miêu duệ vinh hiển của dòng dõi Đavit”“ánh sáng của các tổ phụ”.

Tước hiệu “Miêu duệ của dòng dõi Đavit” (Proles David inclyta) gợi lại lời của thiên sứ hiện ra với Thánh Giuse được thuật lại trong Tin mừng thánh Matthêu: “Này Giuse, con vua Đavit, đừng ngại nhận bà Maria làm vợ” (Mt 1,20; Lc 1,27). Chính nhờ Thánh Giuse mà lời hứa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Nathan được ứng nghiệm, như chúng ta nghe  trong bài đọc thứ nhất của Thánh lễ ngày 19 tháng 3 (2Sm 7,12). Nhờ Thánh Giuse mà Chúa Giêsu được nhìn nhận là “Con vua Đavit”, như đã đọc thấy nhiều lần trong Tân ước (chẳng hạn như Mc 10,47; Rm 1,4).

Tước hiệu “Ánh sáng của các tổ phụ” (Lumen Patriarcharum) có lẽ không chỉ gợi lại hình ảnh của ông Giuse trong Cựu ước cho bằng ông Abraham, tổ phụ của một gia tộc mới, gia tộc dựa trên đức tin và hy vọng, chứ không trên huyết tộc (được thánh Phaolô nhắc tới trong bài đọc thứ hai  của Thánh Lễ: Rm 4,16).

  1. Nhóm thứ hai: các chức vụ trong kế hoạch cứu độ

Các lời cầu trong nhóm này nói đến các chức vụ mà Thánh Giuse được ủy thác trong kế hoạch cứu độ, trong tương quan với Đức Maria và với Chúa Giêsu, dựa trên các bản văn của Tin mừng thời thơ ấu.

Trước hết, Người là “Chồng của Thánh mẫu” (Dei Genitricis sponse), dựa theo lời thiên sứ mà chúng ta vừa nhắc đến trên đây (Mt 1,20). Vì là chồng của Đức Maria mà Chúa Giêsu trở thành con vua Đavit; hơn thế nữa, Thánh Giuse còn bảo vệ cho Đức Mẹ khỏi phải ném đá vì tội ngoại tình (bởi vì không có chồng mà lại có con). Đó là ý nghĩa của tước hiệu “Kẻ giữ gìn rất thanh khiết của Đức Trinh nữ” (Custos pudice Virginis).

Kế đó là các tước hiệu liên quan đến Chúa Giêsu, mở đầu với tước hiệu mới được ĐTC Phanxicô thêm vào, đó là “Kẻ giữ gìn Đấng Cứu chuộc” (Custos Redemptoris), tựa đề của tông huấn của thánh Gioan Phaolô II ngày 15 tháng 8 năm 1989. Thực ra tước hiệu không chỉ giới hạn vào bản thân của Chúa Giêsu mà còn kéo dài sang Thân thể mầu nhiệm của Người là Hội thánh nữa.

Các lời khấn cầu tiếp tục ca ngợi mối tương quan với Chúa Cứu thế:

– “Nghĩa phụ của Con Thiên Chúa” (Filii Dei nutritie). Tước hiệu này ra như muốn chơi chữ một chút, bởi vì tuy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (tức là Thiên Chúa là Cha của ngài, như câu trả lời cho Đức Mẹ khi gặp lại sau 3 ngày thất lạc: Lc 2,49), nhưng ở dưới trần thế, Đức Giêsu cũng có một người cha khác (quen dịch là: cha nuôi, dưỡng phụ, nghĩa phụ, hoặc linh phụ). Có tác giả cho rằng Thánh Giuse giữ vai trò “dấu chỉ” hoặc “bí tích” của Chúa Cha đối với Đức Giêsu. Đây là đề tài được khai triển trong tông thư Patris corde của ĐTC Phanxicô.

– “Kẻ bảo vệ ân cần của Chúa Kitô” (Christi defénsor sédule). Tước hiệu này muốn nói đến vai trò của Thánh Giuse trong giai đoạn thơ ấu của Chúa Hài đồng, đặc biệt là trong thời kỳ phải lánh nạn sang Ai cập rồi sau đó đưa về định cư ở Nazaret.

ĐTC Phanxicô thêm hai tước hiệu nữa: “Kẻ phục vụ Chúa Kitô” (Serve Christi), trích từ một bài giảng của thánh Phaolo VI dịp lễ Thánh Giuse năm 1966, và được trưng dẫn trong tông huấn Redemptoris custos số 8 và tông thư Patris corde số 1), và “Tác viên ơn cứu độ” (câu nói của thánh Gioan Kim khẩu cũng được trích dẫn trong Tông huấn Redemptoris custos số 8). Giữa hai tước hiệu này có sự khác biệt về điểm nhấn. Tước hiệu trên nhấn mạnh đến thái độ khiêm tốn (danh từ servus có nghĩa tôi tớ; từ đó, động từ servire có nghĩa là hầu hạ), kèm theo sự hy sinh. Tước hiệu dưới mở rộng đến việc hợp tác với công trình cứu độ của Chúa Kitô, bắt đầu với việc đón nhận Thân mẫu của Người làm vợ, và đón nhận chính Người từ lúc giáng trân.

Từ đó chúng ta dễ hiểu ý nghĩa của tước hiệu cuối cùng thuộc nhóm này, đó là “Cai quản Thánh gia” (Almæ Familiæ præses) nói lên vai trò của thánh nhân trong giai đoạn ẩn dật của Chúa Cứu thế.

  1. Nhóm thứ ba: các nhân đức

Đố ai biết được có bao nhiêu nhân đức Kitô giáo? Chúng ta thường nghe nói đến ba nhân đức đối thần (tin – cậy- mến) và bốn nhân đức nhân bản hoặc nhân đức trụ (khôn ngoan – công bằng – can đảm – tiết độ) (x. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 1812-1813). Nhưng với sự giúp đỡ của các triết gia Aristote và Cicéron, thánh Tôma Aquinô đã khai triển thành 54 nhân đức. Liệu Thánh Giuse có đủ hết các nhân đức đó hay không? Có lẽ có đủ đấy, nhưng nếu kể ra thì chắc là kinh cầu sẽ rất dài. Không lạ gì mà soạn giả kinh cầu chỉ giới hạn vào 8 nhân đức, nhưng đặt ở cấp cao nhất (superlative). Tám nhân đức là: công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng phục, trung tín, nhẫn nại, yêu mến thanh bần. Chúng ta nên ghi nhận là kinh cầu chỉ giới hạn vào các nhân đức nhân bản, bởi vì ba nhân đức “hướng Chúa” (đối thần) đã được hiểu ngậm trong các tước hiệu trên đây rồi, chẳng hạn như đức tin và đức hy vọng theo gương của các tổ phụ, nhất là Abraham, đức mến khi nói đến tương quan với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và nếu Tân ước đã ca ngợi Đức Maria có phúc vì đã tin vào Lời Chúa, thì chắc chắn lời khen này cũng có thể áp dụng cho Thánh Giuse, kể từ khi nhận được lời mời của thiên sứ cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Kitô. Hẳn là những năm tháng sống bên cạnh Chúa Giêsu ở Belem, Ai cập và Nazareth cũng là thời gian lắng nghe, nghiền ngẫm Lời Chúa, và tăng trưởng trong đức tin. Câu chuyện này đưa chúng ta trở về với chuỗi các nhân đức nhân bản vừa kể.

Đứng đầu là đức “công chính” (Ioseph iustissime). Bản dịch tiếng Việt “gồm no mọi nhân đức” là không sát với nguyên bản). Nhân đức này được đặt vào hàng đầu bởi vì được đề cao trong Tin mừng thánh Matthêu 1,19. Thực không dễ gì dịch sang tiếng Việt, bởi vì tính từ “Justus” thường được hiểu là “công bình”, áp dụng cho mối tương quan với tha nhân; tuy nhiên, Kinh thánh còn áp dụng tính từ này cho tương quan với Thiên Chúa nữa, và vì thế phải dịch là “công chính” thì mới đúng. Sự đói khát công chính trở nên một trong 8 mối phúc (Mt 5,6). Thánh Phaolô tóm lại tất cả kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu là làm cho nhân loại được nên công chính (thường được gọi là “công chính hóa”), nghĩa là được ơn nghĩa trước mặt Chúa.

Tiếp theo là đức “khiết tịnh” (Ioseph castissime), được hiểu đặc biệt trong tương quan với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu Đức Maria được gọi là “người mẹ trinh khiết”, thì ta cũng có thể gọi Thánh Giuse là “người cha khiết tịnh” của Chúa Cứu thế. Điều này được Tin mừng thánh Matthêu nêu bật ở chương I, khi thuật lại cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu.

Sau hai nhân đức được minh thị nhắc đến trong Tin mừng, kinh cầu nhắc đến các nhân đức mà chúng ta nhận thấy nơi cuộc đời của Người: đức khôn ngoan (Ioseph prudentissime), đứng đầu bốn nhân đức trụ, nhưng ta có thể hiểu về lời khen dành cho người tôi tớ “trung tín và khôn ngoan” được trao nhiệm vụ quản trị nhà Chúa. “Can đảm” (Ioseph fortissime) hoặc “mạnh mẽ, mạnh bạo”, vừa là một nhân đức trụ, vừa là một trong bảy ơn huệ Thánh Linh giúp vượt qua những trở ngại trong việc thi hành ý Chúa; vì thế không lạ gì mà liền đó, nó được gắn với đức vâng phục (Ioseph obedientissime), luôn sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy. Trong tư thế đó, Người tỏ ra là kẻ “trung tín” (Ioseph fidelissime, tiếng Việt dịch là “ngay chính thật thà”), thì trung thành với nhiệm vụ đã trao phó. Hai nhân đức kế tiếp “nhẫn nại” (Spéculum patiéntiæ) và “khó nghèo” (Amator paupertatis) cần được hiểu theo nghĩa Kinh thánh như là đặc tính của kẻ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự.

Đành rằng những nhân đức vừa nêu thích hợp cho tất cả mọi Kitô hữu, nhưng hai câu khẩn nài kế tiếp giới thiệu Thánh Giuse như là mẫu gương cho hai hàng ngũ: thứ nhất là giới lao động (Exémplar opificum, mà bản dịch tiếng Việt gọi là “thợ thuyền”), đặc biệt khi ĐTC Piô XII đã thiết lập lễ Thánh Giuse lao công vào ngày lễ lao động quốc tế (1 tháng 5); thứ hai là các gia đình, (Domésticæ vitæ decus), bởi vì trên đây, chúng ta đã nêu bật tấm gương của Người tại Thánh gia Nazareth. Và như thế là kinh cầu đã chuyển sang nhóm thứ bốn, tuyên dương Thánh Giuse làm đấng bảo trợ của những đoàn ngũ khác nhau trong Hội thánh, dường như là kết luận của những điều đã suy gẫm từ đầu đến bây giờ.

  1. Nhóm thứ bốn: Thánh Giuse đấng bảo trợ

Mở đầu cho nhóm này, Thánh Giuse lần lượt được gọi là Đấng bảo trợ (hoặc quan thầy, che chở) cho những người sống trinh khiết (Custos vírginum) cũng như những người lập gia đình (Familiárum cólumen)

Đến đây ĐTC Phanxicô thêm lời khẩn  nài “Chỗ nương tựa khi gặp khó khăn” (Fúlcimen in difficultátibus, trích từ dẫn nhập tông thư Patris corde), trước các lời cầu “Niềm an ủi cho những người lầm thân cơ cực (Solátium miserórum) “Mối hy vọng của những người bệnh tật ốm đau” (Spes ægrotântium), bởi vì Người đã trải nghiệm những cảnh ấy.

ĐTC Phanxicô còn thêm ba tước hiệu mới (trích từ tông thư Patris corde số 5), đó là “Bổn mạng những người di cư, những người cơ cực, những người nghèo”. Tuy  là ba hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong đoạn văn trên đây, DTC muốn gắn liền với thảm cảnh của các di dân vào thời đại chúng ta. Thánh Giuse được kêu cầu như người bổn mạng họ, bởi vì Người đã trải qua thời lưu lạc bên Ai cập, vì thế Người thấu hiểu tình cảnh của những người phải lìa xa quê hương vì lý do chiến tranh, thù hận, bách hại, khổn cùng. Ba tước hiệu đước ghép trước tước hiệu đã có trước “Bổn mang của  những người lâm tử” (Patróne moriéntium), là vì: Người đã được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đứng kề bên cạnh vào lúc ly trần.

  Lời khẩn cầu áp chót “Kẻ làm cho ma quỷ kinh hoàng” (Terror dæmônum) dĩ nhiên là không nói đến vai trò bảo trợ đối với ác thần, nhưng là cho chúng ta được an tâm, bởi vì Thánh Giuse cũng được chia sẻ sự chiến thắng của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã hứa sẽ giữ gìn Hội thánh khỏi mọi tấn công của ma quỷ (Mt 16,18). Điều này đưa chúng ta đến lời khẩn nài cuối cùng, với tước hiệu “Vị bảo trợ của Hội thánh” (Protéctor sanctæ Ecclésiæ), được ĐTC Piô IX tuyên bố vào ngày 8 tháng 12 năm 1870. Như chúng ta đã biết, ĐTC Phanxico muốn mở “Năm đặc biệt về Thánh Giuse” để kỷ niệm 150 năm biến cố ấy.

  • ĐTC Phanxicô phê chuẩn 7 lời cầu mới cho kinh cầu Thánh Giuse

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã giải thích lý do việc thêm các lời cầu mới vào kinh cầu Thánh Giuse[5]:

“Vào dịp kỷ niệm 150 năm việc tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, ĐTC Phanxicô đã công bố Tông thư Patris corde, với mục đích ‘tăng cường lòng yêu mến của chúng ta đối với vị thánh vĩ đại này, để khuyến khích chúng ta khẩn cầu sự cầu bầu của ngài và noi gương các nhân đức và lòng nhiệt thành của ngài. Với ý nghĩa này, đây có vẻ là cơ hội thích hợp để cập nhật Kinh cầu Thánh Giuse, đã được Tòa thánh phê chuẩn vào năm 1909, bằng cách thêm bảy lời khẩn cầu mới rút ra từ các diễn văn của các Đức Thánh Cha, những người đã suy tư về các khía cạnh của Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ.”

Với 7 lời cầu mới này, kinh cầu Thánh Giuse sẽ có 31 lời cầu.

Trách nhiệm dịch và phổ biến của các Hội đồng giám mục

Bộ Phụng tự nói rằng các Hội đồng giám mục có trách nhiệm xem xét và ban hành bản dịch Kinh cầu bằng ngôn ngữ thuộc thẩm quyền của họ. Những bản dịch này không cần sự xác nhận của Tòa thánh. Bộ Phụng tự nói thêm rằng các Hội đồng Giám mục cũng có thể thêm vào những lời khẩn cầu khác mà Thánh Giuse được tôn vinh tại các quốc gia của họ, và lưu ý rằng những bổ sung này cần được đưa vào vị trí thích hợp trong kinh cầu và giữ nguyên thể loại văn chương của Kinh cầu. (CSR_3164_2021)

  1. Kinh Cầu Thánh Giuse 2021[6]

Chúng tôi trình bày nơi đây bản văn Kinh Cầu Thánh Giuse mới nhất (18-05-2021) của UB Phụng tự trực thuộc HĐGM-VN giới thiệu bản tiếng Việt và phổ biến với phần bổ sung những lời khẩn cầu mới. Đây là bản dịch chung được đối chiếu tổng hợp từ nhiều bản dịch cũ và mới của các giáo phận trong nước đã quen dùng với một số khác biệt về phương ngữ và âm điệu. Như vậy, với 24 lời cầu xưa và 7 lời cầu mới (in đậm), tổng cộng Kinh Cầu sẽ là 31 lời cầu:

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con.

Chúa Kitô nhận lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.

Thương xót chúng con.

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Rất Thánh Đức Bà Maria.

Cầu cho chúng con

Thánh cả Giuse

Thánh Giuse là dòng dõi sang trọng vua Đavit

Thánh Giuse là Đấng sáng láng trên hết các Thánh Tổ phụ

Thánh Giuse là Bạn Đức Mẹ Chúa Trời

Thánh Giuse là Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế

Thánh Giuse là Đấng thanh tịnh gìn giữ Đức Mẹ Đồng Trinh

Thánh Giuse dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời

Thánh Giuse hằng bênh vực Chúa Kitô

Thánh Giuse luôn ân cần phục vụ Chúa Kitô

Thánh Giuse cộng tác vào công cuộc cứu độ loài người

Thánh Giuse làm đầu Thánh gia

Thánh Giuse là Đấng công chính

Thánh Giuse cực thanh cực tịnh

Thánh Giuse cực khôn cực ngoan

Thánh Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ

Thánh Giuse là Đấng rất vâng lời chịu lụy

Thánh Giuse là Đấng ngay chính tận trung

Thánh Giuse là gương nhân đức nhịn nhục

Thánh Giuse yêu chuộng nhân đức khó nghèo

Thánh Giuse là gương tốt lành cho người lao động

Thánh Giuse là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà

Thánh Giuse gìn giữ các kẻ đồng trinh

Thánh Giuse là như cột trụ cho mọi nhà được vững

Thánh Giuse là nơi nương tựa lúc gặp nguy nan

Thánh Giuse yên ủi kẻ gian nan khốn khó

Thánh Giuse làm cho kẻ bệnh tật được cậy trông

Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ kẻ lưu đày

Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ người sầu khổ

Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ kẻ túng nghèo

Thánh Giuse là quan thầy phù hộ những người hấp hối

Thánh Giuse các ma quỷ kinh khiếp

Thánh Giuse gìn giữ phù hộ Hội thánh

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.

Chúa Giêsu tha tội chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.

Chúa Giêsu nhậm lời chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.

Chúa Giêsu thương xót chúng con.

Xướng: Chúa đã đặt Thánh Giuse làm chủ nhà Chúa.

Đáp: Và coi sóc gia nghiệp Chúa

Lạy Chúa, Chúa đã an bài thật kỳ diệu,

khi chọn Thánh Giuse

làm Bạn trăm năm của Thánh Mẫu Con Một Chúa,

xin cho chúng con

đang tôn kính Thánh cả là Đấng bảo trợ ở dưới thế,

cũng được Người làm Đấng chuyển cầu ở trên trời.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen

  1. Thực hành
  • Siêng đọc Kinh Cầu Thánh Giuse vào mỗi thứ Tư, ít là thứ Tư đầu tháng.
  • Dễ dàng hơn: suy nghĩ và cầu nguyện một lời cầu trong Kinh Cầu Thánh Giuse vào mỗi ngày thứ Tư.

 

Bài 3
Thánh Giuse
Đấng Gìn giữ Chúa Cứu Thế

(Custos Redemptoris)

 

  1. Gợi ý[7]

Với vai trò làm dưỡng phụ của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Làm Người, nhất là trong thời Người còn là một ấu nhi, rồi thiếu nhi, đến thiếu niên, trước khi trở thành thanh niên tự lập, Thánh Giuse đã hết lòng gìn giữ Người trong khả năng loài người hạn hẹp của ngài. Dù biết được Vị Dưỡng Tử của mình là Con Thiên Chúa, sinh bởi quyền phép Thánh Linh, vô cùng thượng trí và toàn năng, làm chủ và điều khiển tất cả mọi sự trên trời dưới đất, ngài vẫn không bao giờ ỷ nại vào Người, hay ngỏ ý xin Người ra tay làm phép lạ khi bất lực, mà chỉ biết chu toàn phận sự bao che gìn giữ của mình là một dưỡng phụ của Người mà thôi.

  1. Suy tư[8]

Khi một vị nguyên thủ quốc gia đi đến đâu, thì cần có một đội cận vệ đi theo giữ an toàn cho vị đó. Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm Người, Ngài cũng cần có người gìn giữ mình được an toàn. Người đó chính là Thánh Giuse. ĐTC Phanxicô thêm trong kinh cầu Thánh Giuse là Đấng gìn giữ Đấng Cứu Thế, để mời gọi mỗi người chúng ta suy tư và chiêm ngắm vai trò gìn giữ bảo vệ Đấng Cứu Thế của Thánh Giuse. Cha ông chúng ta thường hay nói: “chọn mặt gửi vàng, chọn người gửi của”. Thiên Chúa có cách chọn của riêng Ngài và thường không theo tiêu chuẩn con người: “Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Ngài chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên. Thiên Chúa chọn một người phát ngôn, Ngài lại chọn một chàng trai vừa nhút nhát lại vừa có tật nói ngọng. Thế là Môisen đứng lên. Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Ngài lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu ốm nhất trong nhà. Thế là Đavid đứng lên. Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Ngài đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên. Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế. Ngài lại chọn cô gái điếm. Đó là Maria Madalêna. Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình. Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.”

Thánh Giuse nhận lãnh sứ mạng thật lớn lao và nặng nề là gìn giữ Đấng Cứu Thế. ĐTC Phanxicô miêu tả Thánh Giuse đó là người cha luôn che chở, gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa.

Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giuse một trách nhiệm thật lớn lao là bảo vệ Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Thánh nhân đã hoàn thành trách nhiệm một cách tốt lành. Người dốc toàn tâm toàn lực khi thi hành nhiệm vụ được giao; và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu nếu có, không né tránh, không đổ lỗi cho người khác.

  • Suy niệm & Quyết tâm

Thánh Giuse đã tham gia vào Mầu nhiệm Nhập Thể một cách tích cực, chỉ thua Đức Mẹ. Ngài đức vai trò bảo vệ Đức Mẹ và chăm sóc Hài Nhi, Đấng đến “vì loài người chúng tôi và để cứu chuộc chúng tôi” (trích Kinh tin Kính).

  • Noi gương Thánh Giuse, cha mẹ trong đời sống gia đình: hãy tích cực yêu thương nhau và cùng nhau nuôi dạy con cái nên người theo giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và nên con Chúa theo các giá trị Tin Mừng nhờ Lời Chúa và những điều Giáo hội dạy.
  • Các chủng sinh, tu sĩ: ngay bây giờ phải chiêm ngắm mầu nhiệm Cứu Độ để với thời gian và điều kiện trong chức vụ sau này, mới có thể trình bày và làm nhân chứng ơn cứu độ của Chúa Giêsu cho nhân loại.
  • Hãy sống mầu nhiệm Tự hủy khởi đầu từ Máng cỏ: âm thầm tích lũy và sau này dấn thân cho tha nhân dù phải hy sinh… đến chết.

 

Bài 4
Thánh Giuse
Đấng Phục vụ Chúa Kitô

(Serve Christi)

 

  1. Gợi ý[9]

Với ơn gọi, nghĩa vụ và vai trò làm dưỡng phụ của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Làm Người, ngài chẳng những gìn giữ Người cho khỏi mọi sự dữ có thể xẩy ra cho Người ở trên đời này, như trường hợp ngài cùng Mẹ Maria đã dong duổi tìm kiếm Người lúc Người 12 tuổi ở Đền thờ, còn tận tình phục vụ Người, không phải Người là dưỡng tử của mình mà là Thiên Chúa ở cùng mình. Ngài đã phục vụ Chúa Kitô bằng nghề thợ mộc, để nuôi sống Đấng là sự sống và ban sự sống. Ngài cũng đã phục vụ Chúa Kitô bằng việc kính trọng Người và noi gương bắt chước Người. Ngài phục vụ Chúa Kitô nhất là ở chỗ để cho Chúa Kitô lớn lên, còn ngài chỉ là một đầy tớ vô ích.

  1. Suy tư[10]

Qua lời cầu này, dưới sự trợ giúp của Thánh Giuse chúng ta dừng lại để soát xét chính mình. Tôi đang phục vụ ai? Tôi đang làm việc cho ai?  Thánh Giuse là mẫu gương của người phục vụ không quản ngại khó khăn. “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về” (Mt 1,20). Tinh thần phục vụ là sẵn sàng hy sinh: cho đi thời giờ, sức lực, tài năng và cả tiền bạc, phục vụ không tính toán so đo. Thánh Giuse cũng là “người cha của sự đón tiếp” bởi vì ngài “đón nhận Mẹ Maria vô điều kiện”.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dành chương 2 trong cuốn sách “Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ kinh nghiệm thực tế của cá nhân ngài liên quan vấn đề “Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa”. Trong lúc bị giam cầm tù, câu nói chủ đạo của ngài vẫn là: “Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”. Và ngài đã cầu nguyện: “Trước bàn thờ, bên Mình Thánh Chúa, con nghe Chúa Giêsu bảo con: ‘Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa!’. ‘Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa, Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa. Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo. Con hãy chọn một mình Chúa.’ ”

Thánh Giuse chọn phục vụ Chúa Kitô, tức là chọn Chúa, chọn Chúa là việc ưu tiên số một, nó quan trọng hơn gấp ngàn lần khi ta chọn lựa công việc của Chúa. Do đó, trong đời sống đạo của mình, chúng ta nên thường xuyên đặt câu hỏi cho mình: Tôi đã và đang chọn Chúa hay chọn việc của Chúa? Tôi đang phục vụ Chúa hay phục vụ ai?

  • Suy niệm & Quyết tâm

Thánh Giuse không những đóng vai trò bảo vệ Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi trong khía cạnh tâm lý xã hội, nhưng còn phục vụ Chúa Giêsu Kitô với tư cách là Con Thiên Chúa. Ngài chỉ đóng vai trò khiêm tốn phụ tùy, tạo điều kiện để Chúa Cứu Thế lớn lên trong sứ vụ.

  • Noi gương Thánh Giuse: Cha mẹ ngoài việc lo ăn, lo mặc cho con cái, quý ông bà còn phải tạo điều kiện cho con cái mình trưởng thành là dám đối diện và đảm nhận cuộc đời của chính chúng nữa. Những ai không đủ khả năng, hãy trao con cái chúng ta cho Thánh Cả uốn nắn chúng mỗi ngày.
  • Những người tận hiến: Dù trong chức bậc nào, chúng ta đã tận hiến đời mình cho Chúa và cho công cuộc cứu độ của Ngài. Chúng ta sẽ không thể hoàn thành sứ mạng mà chính chúng ta đã chọn, khi không bám chặt vào Chúa, không theo đường lối chỉ dạy của Ngài.
  • Thánh hóa những thời khắc dành riêng cho Chúa (tham dự Thánh Lễ và các Bí tích, đọc kinh cầu nguyện và thực hành các việc đạo đức,…) để có thói quen sống đời cầu nguyện: “Lạy Chúa, trọn đời con thuộc về Chúa”.

 

Bài 5
Thánh Giuse
Đấng Thừa tác của Ơn Cứu độ

(Minister salutis)

  1. Gợi ý[11]

Ngài không đóng vai trò đồng công cứu chuộc với Chúa Kitô như Vị Hôn Thê Đầy Ơn Phúc của mình. Ngài không đóng vai trò thừa tác viên như các tông đồ, hay giáo sĩ có chức thánh, thay Chúa để cử hành mầu nhiệm thánh trên bàn thờ, và ban phát mầu nhiệm thánh nơi các bí tích thánh; nhờ đó, bất cứ ai, bao gồm cả ngoại giáo lẫn Kitô hữu, tội nhân lẫn thánh nhân, tin tưởng lãnh nhận, nhờ đó, được tái sinh nơi Phép Rửa, hồi sinh nơi Bí tích Hòa giải, dưỡng sinh nơi Bí tích Thánh Thể… nhưng ngài cũng là Vị thừa tác Ơn Cứu Độ, bằng việc chuyển cầu của ngài trước nhan Chúa, để nhờ đó, những ai thành kính đến xin ngài phù giúp đỡ nâng, được ơn cứu độ tối hậu.

  1. Suy tư[12]

Thừa tác viên: người làm công việc được giao. Khi chọn các Tông đồ và môn đệ, Chúa Kitô đã ban cho các ông năng quyền để thực hiện sứ mệnh, thành thừa tác viên của Giao Ước Mới (x. 2 Cr 3,6).

Thánh Giuse là Thừa tác viên của Ơn Cứu độ khi nhận sứ mạng Thiên Chúa giao qua sứ thần của Ngài. “Này ông Giuse là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì Người Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20).

Theo Thánh sử Matthêu, Thiên Chúa thông truyền ý muốn của Ngài cho Thánh Cả Giuse qua những giấc mộng: báo tin Maria thụ thai cách huyền nhiệm, lệnh lên đường ngay trong đêm sang Ai cập, và cả chuyến hồi hương về Nagiarét. Trong mọi trường hợp, Thánh Giuse vâng lời cách mau mắn, vô điều kiện trong đức tin, không cần những phép lạ ngoạn mục hay những cuộc hiện ra phi thường. Cũng như Đức Maria nhận ra ý định của Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện, Thánh Giuse nhận thức rõ ràng sự can thiệp của Thiên Chúa ngay cả trong giấc ngủ. Phải có một cuộc sống hết sức thân mật với Thiên Chúa mới có thể sẵn sàng nhận ra và chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, sắp đặt cuộc đời mình theo thánh ý Người.

“Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người” (Mt 2,13). Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai cập” (Mt 2,15).

Khi Hêrôđê băng hà, thì thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết” (Mt 2,20). Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadaret”. (Mt 2, 13-15.19-23). Thánh Giuse thi hành chức vụ thừa tác của mình một cách tốt đẹp.

  • Suy niệm & Quyết tâm

Hiểu một cách đơn sơ: thừa là “thi hành”; tác là một tác vụ. Vậy thừa tác viên là người thi hành một tác vụ chính thức; thừa là “đóng vai” làm một việc gì đó. Thừa tác vụ của ơn cứu độ là nhiệm vụ tham gia phận mình trong ơn cứu độ do Chúa Giêsu thực hiện.

  • Noi gương Thánh Giuse, cha mẹ cũng phải lo phần rỗi cho con cái mình, ngoài việc lo ăn lo mặc và công danh sự nghiệp. Chúng ta cũng trở thành thừa tác của ơn cứu độ qua lời cầu nguyện, dạy dỗ chỉ bảo con cái và nhất là bằng đời sống đức tin, đức cậy và đức ái của chính mình. Hãy trao phó con cái, gia đình cho Thánh Cả.
  • Người tận hiến lại càng phải chuẩn bị vai trò thừa tác của ơn cứu độ nhiều hơn. Tất cả những người ta gặp trên đời, đặc biệt là những cộng đoàn mà chúng ta sẽ phụ trách. Đó là gia đình, là những người thân, là con cái của chúng ta.
  • Những công việc đạo đức, chúng ta phải chu toàn. Đó là cách mình đang cộng tác cho ơn cứu độ của chính mình trước khi tiếp tay giúp đỡ người khác.

 

Bài 6
Thánh Giuse
Đấng Hỗ trợ trong những lúc gian nan

(Fulcimen in difficultatibus)

 

  1. Gợi ý[13]

Vì chính bản thân ngài đã trải qua gian nan khốn khó, nhất là trong tâm trí tối tăm trước sự kiện người nữ mà ngài hằng cảm phục, đã đính hôn với ngài, bất ngờ lại có thai. Và khi ngài không thể tìm đâu ra một nơi xứng đáng nhất cho Vị Thiên Chúa làm người hạ sinh, sau đó, ngài lại vội vã trốn thoát lệnh tàn sát con trẻ ở Bêlem của Vua Hêrôđê; ngay đêm khuya, ngài đem Con Thiên Chúa cùng Mẹ Người sang Ai Cập. Nên không ai cảm thông và cảm thương những con người gặp tai ương hoạn nạn, khó khăn thử thách bằng ngài và như ngài. Do đó, ngài thật xứng đáng trở thành Đấng Hỗ trợ trong những lúc gian nan.

  1. Suy tư[14]

Có lẽ chưa lúc nào nhân loại gặp gian nan khốn khó trước tình hình đại dịch Covid như lúc này. Tông thư Với Trái tim người Cha được ĐTC Phanxicô viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi Thánh Giuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”.

Ở điểm cuối cùng của Tông thư, ĐTC Phanxicô miêu tả Thánh Giuse đó là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là “trao tặng chính mình”: không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, luôn có những cử chỉ cụ thể tín thác.

  • Suy niệm & Quyết tâm

Chính Thánh Cả đã trải qua những lúc gian nan, khó khăn: về Bêlem, tìm nơi cho Đức Maria sinh hạ Con Thiên Chúa, sang Ai Cập, sống khó nghèo tại Nazarét. Hơn ai hết, ngài sống khổ và cảm nghiệm cần được người khác nâng đỡ: “Đời là bể khổ”. Nhưng chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời trong sự che chở của Thánh Cả.

  • Noi gương Thánh Giuse, sống trong cảnh khổ, ta đừng gây thêm nỗi khổ cho người khác. Tóm lại, biết hy sinh thân mình để tạo phúc cho gia đình, người thân; đặc biệt là các ông, các anh trong đời sống gia đình.
  • Người tận hiến cũng phải trải qua những khổ đau. Chúng ta không rơi vào cảnh gian nan vật chất, nhưng những trái ý không thiếu trong cuộc sống chúng ta. Kinh nghiệm của tôi: “không có giọt đắng hy sinh, đời tận hiến không thể đạt được sự thánh thiện”. Đừng than khó, than khổ; hãy đối diện và chúng ta sẽ vượt qua với ơn Chúa.
  • Ai cũng có nỗi khổ. Hãy tập quen với chúng và can đảm đối diện. Chạy đến với Thánh Cả trong những lúc gian nan. Noi gương Thánh Cả, hãy luôn tập quan tâm đến những gian nan đau khổ của người khác.


Bài 7
Thánh Giuse
Đấng Bảo trợ người lưu đầy

(Patrone exsulum)

  1. Gợi ý[15]

Đúng thế, Thánh gia bị đày ải, như dân Do Thái đã bị đế quốc Assyria và Babylon đầy ải, vương quốc miền Bắc trước và vương quốc miền Nam sau. Nhưng, chính lệnh do Vua Hêrôđê truyền khiến phải tìm sát hại Vị Vua Dân Do Thái mới sinh, Đấng đã được Ba Vị Vương Chiêm Gia tìm kiếm, đã đẩy Thánh gia vào một cuộc đầy ải bất đắc dĩ. Nhưng đó cũng xảy ra hoàn toàn theo ý Chúa, Đấng vì phần rỗi của nhân loại đã chẳng những không dung tha cho Con Một của Mình, mà còn cả những ai được diễm phúc trực tiếp sống với Người Con Nhập Thể này, trong đó có cả Mẹ Maria và Thánh Giuse, Vị Gia trưởng đã dầy dạn kinh nghiệm lưu đầy; để có thể làm Đấng Bảo trợ người lưu đầy một cách thần lực, để họ có thể sống cuộc lưu đầy trần gian của họ cho đến cùng.

  1. Suy tư[16]

Nhìn lại lịch sử Dân Chúa là một dân bị lưu đầy. Nguyên nhân do các vua Israel và Giuđa đưa dân chúng vào con đường phản bội lại Giao Ước với Thiên Chúa, thờ ngẫu tượng, luân lý suy đồi. Những lời Thiên Chúa nhắc nhở, dạy dỗ qua các ngôn sứ đều vô ích. Cơn bệnh đã đến độ trầm trọng, vì vậy mà cuối cùng, Thiên Chúa phải dùng đến một “liều thuốc mạnh” là cuộc lưu đày. Khi bị lưu đầy, họ phải chịu nhiều thử thách nặng nề:

  • Đau khổ thể xác: đi bộ cả ngàn cây số, cuộc sống thiếu thốn và công việc cực nhọc nơi lưu đày …
  • Đau khổ tinh thần: họ bị thử thách về đức tin. Hoàn cảnh đặt ra cho họ những câu hỏi nhức nhối: Có Chúa thật không? Nếu có thì tại sao Ngài lại để đất nước, thành thánh Giêrusalem và Đền thờ bị tàn phá như vậy? Hay là thần của Babylon mạnh hơn Thiên Chúa? Chúa có còn nhớ Lời Hứa hay đã huỷ bỏ Giao Ước rồi? …

Tuy nhiên, trong kế hoạch của Thiên Chúa thì cuộc lưu đày không phải là “viên thuốc độc’” mà là “viên thuốc đắng” mà Thiên Chúa phải dùng đến để chữa trị “chứng bệnh nan y” của dân Người. Như thời các Thủ lãnh, một lần nữa, khi lâm cảnh đau khổ và tai hoạ, người ta mới nhận ra hậu quả ghê gớm do tội lỗi của họ đã gây ra. Tội đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Tội làm cho họ tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa. Chính họ đã tự đẩy mình ra xa khỏi Thiên Chúa, đánh mất hạnh phúc của mình.

Qua kiếp sống lưa đầy, Dân Chúa nhận ra bài học và canh tân. Nhờ sống ở chốn lưu đày mà dân Chúa đã học biết đổi mới đời sống:

  • Khi không còn đền thờ và lễ vật bên ngoài, bấy giờ người ta mới hiểu của lễ mà họ có thể dâng là chính bản thân, chính đời sống của mình. Điều đó quan trọng hơn các nghi lễ và hình thức phô trương ồn ào bên ngoài mà không có lòng thành (chỉ là đạo hình thức).
  • Tế lễ bản thân có nghĩa là sống thánh thiện theo đường lối Chúa, làm lành lánh dữ.
  • Sự gia tăng đời sống thánh thiện thúc đẩy người ta chăm chỉ học hỏi Lời Chúa: nghiên cứu Lề luật và lời các Ngôn sứ.

Đời người là một cuộc hành trình và cũng có thể là cuộc lưu đầy, chỉ kết thúc qua cái chết. Cuộc hành trình hạnh phúc hay đau khổ, dài hay ngắn, tới trước hay tới sau… mỗi người đều khác nhau, nhưng cùng chung một điểm là đi về cùng đích. Trên cuộc hành trình dương thế này, tự sức chúng ta không thể nào đứng vững, nếu không có ơn Chúa và sự trợ giúp của các thánh là những người đi trước. Bởi thế, khi chọn Thánh Giuse là Đấng bảo trợ người lưu đầy là nhắm đến việc cầu xin Ngài bảo vệ, che chở và dẫn chúng ta tiến bước về nguồn đích thật là Thiên Chúa.

  • Suy niệm & Quyết tâm

Nói đến lưu đày, chúng ta thường nghĩ ngay đến dân Cựu Ước. Ngày nay, hiện tượng xa quê hương, xa xứ, chúng ta cũng gặp đủ mọi đối kháng. Đối kháng về văn hóa xã hội, đối kháng về phong tục tập quán, về niềm tin, … Cụ thể hơn, chúng ta cũng phải nghĩ đến sự cách biệt giữa vật chất và tinh thần, luật lệ trần gian và thiên quốc, cách sống trần tục và thiêng liêng. Sống với nhau như “bị lưu đày” về tâm lý (isolé,e); xa Chúa, xa mọi người mà nguyên nhân phần lớn là do chính ta (péché).

  • Sống trong bậc gia đình, khi phải bỏ quê quán tìm đến nơi mới để làm ăn sinh sống, chúng ta thật cô đơn. Người bị lưu đày do luật lệ xã hội quyết định đã đành, nhưng sự lưu đày còn được hiểu bằng nhiều ý nghĩa khác. Cách chung và phổ biến, những người sống xa quê hương cũng gặp những khó khăn mà Thánh Cả, Thánh gia đã trải qua. Đừng chán nản, tuyệt vọng! Hãy cậy trông, phó thác và tin tưởng vào quyền năng của Thánh Cả. Đời chúng ta sẽ khác: vì “cơ thường đông hết hẳn sang xuân”!
  • Người tận hiến đã tự ý theo Chúa mà không tuân giữ, sống theo luật Chúa thì cũng là những “kẻ bị lưu đày”, vì mình sẽ luôn gặp đủ mọi khó khăn. Hãy tin tưởng và tự phấn đấu để chính mình được hạnh phúc và chu toàn được sứ vụ “đem niềm vui cho người sầu khổ”.
  • Hãy bám chặt vào Chúa và thực thi ý Chúa noi gương Thánh Cả. “Có Chúa là có tất cả”. cuộc đời vất vả đắng cay, rồi cũng có lúc chấm dứt. Nhắm đến cùng đích “ta có Chúa” thì khổ đau sẽ vơi nhẹ và hạnh phúc vĩnh cửu đang đợi ta.

Bài 8
Thánh Giuse
Đấng Bảo trợ người đau khổ

(Patrone afflictorum)

  1. Gợi ý[17]

Không phải là không được diễm phúc trực tiếp thông phần vào cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô như vị hôn thể Maria của mình, mà ngài không phải vác thập giá của đời ngài, trong vai trò làm gia trưởng Thánh gia, làm bạn của Mẹ Thiên Chúa và làm dưỡng phụ của Con Thiên Chúa. Ngài chẳng những đã trải qua đau khổ của bản thân mình, mà còn chia sẻ đau thương chung với Thánh gia, vì Thánh gia và cho Thánh gia. Nghĩa là, vì đóng vai gia trưởng Thánh gia mà ngài đã phải chịu những đau khổ cần có, xứng với ơn gọi và sứ vụ gia trưởng của ngài. Và ngài thật sự đã kín đáo cùng âm thầm chịu đựng tất cả mọi sự, để trở nên tất cả cho Thánh gia; nên ngài đáng được Giáo hội và Kitô hữu tuyên xưng là Đấng bảo trợ người đau khổ.

  1. Suy tư[18]

Chúng ta nói gì với những người đang gặp đau khổ, thiên tai, lụt lội, nghèo đói, hạn hán, chiến tranh, tội ác, nhất là trước tình hình đại dịch Covid này…?

Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm. 8, 22).

Đau khổ có ý nghĩa sâu xa như chính con người. Đau khổ như thuộc về Siêu việt tính của con người, có vận mệnh vượt lên trên chính mình và kêu gọi cách huyền nhiệm để thực thi sứ mệnh độc đáo của mỗi người.

Thánh Kinh là cuốn sách vĩ đại bàn đến vấn đề đau khổ, nhất là đau khổ tinh thần: Nguy cơ phải chết (Is. 31, 1-3), cái chết đặc biệt đứa con đầu lòng và duy nhất (St. 33-35, Tb. 10, 1-7), tuyệt tự (St.30, 1), nỗi nhớ quê hương (Tv 13,7), bị người xung quanh bách hại và chống đối (Tv 22). Đau khổ vì bị chế diễu, nhạo báng, lộng ngôn (Tv 53). Cô đơn vì bị bỏ rơi, thất tín, bị những bất hạnh (Tv 44).

Chương trình của Thiên Chúa là hãy bù vào Thập giá còn thiếu phần của chúng ta! Đau khổ mặc khải tình yêu Thiên Chúa. Đau khổ giúp con người hoán cải, tái lập sự lành cho mình và cho cộng đồng. Đau khổ giúp chúng ta chiến thắng sự dữ vốn tiềm tàng trong con người dưới nhiều hình thức, điều chỉnh lại tương quan giữa Thiên Chúa và loài người.

Thiên Chúa nghiêm khắc cảnh cáo thánh Phêrô muốn từ bỏ con đường đau khổ và cái chết Thập giá (Mt 16,23). “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống cạn sao” (Ga. 18, 11).Những ai đang gặp đau khổ về tâm hồn cũng như thể xác hãy chạy đến với Thánh Giuse. Ngài có cách giúp chúng ta vượt qua và tìm ra thánh ý Chúa. Hãy đến với Giuse.

  • Suy niệm & Quyết tâm

Tư tưởng đạo đức cổ xưa gọi “đời là thung lũng đầy nước mắt” (vallée de larmes). Đức Phật cũng coi “đời là bể khổ” và vạch ra con đường “cứu khổ cứu nạn”. Cảnh khổ hôm nay ngày càng phổ biến: khổ phần xác, khổ phần hồn; “người giàu cũng khóc”; và đặc biệt trong thời Covid này. Đau khổ có khi làm chúng ta mất đức tin. Nhưng đau khổ cũng nói lên sự bất lực của con người và mong manh của kiếp người. Nhưng Thiên Chúa vẫn có đó. Khổ do bị thử thách thì ít, nhưng khổ do chính con người tạo nên cho nhau thì nhiều. Hãy chạy đến với Thánh Cả, ngài sẽ nâng đỡ chúng ta.

  • Đời sống gia đình đầy tràn nỗi khổ. Một lời ca chúng ta thường hát: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu…” (Bài hát Buồn trong kỷ niệm – Trúc Phương) nói lên thực tế có lẽ còn nhiều hơn vạn lần. Khổ do chồng, khổ do vợ, khổ do con,… Chúng ta hãy can đảm đối diện với những đau khổ, tìm ra nguyên nhân của chúng – nếu do mình, hãy sám hối và chạy đến cùng Thánh Cả – chúng ta sẽ tìm gặp được niềm vui.
  • Những người tận hiến, như bài trước tôi đã chia sẻ: “lưu đày khi xa Chúa” khiến chúng ta luôn gặp đau khổ vì cách sống của ta nghịch lại với Thánh ý Chúa. Hãy tự giải thoát mình để hết khổ. Thánh Giuse đã chia sẻ Thập giá trong giai đoạn khởi đầu và thơ ấu, ẩn dật của Chúa Giêsu. Ngài sẽ phù trợ cho chúng ta trên con đường theo Chúa.
  • Đối diện, chấp nhận đau khổ trong đức tin, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm giải thoát mình khỏi đau khổ. Và rồi, cũng như Thánh Giuse, chúng ta quan tâm và chia sẻ những nỗi khổ của người khác. Đừng bao giờ cố tình gây khổ cho anh em đồng loại.

 

Bài 9
Thánh Giuse
Đấng Bảo trợ người nghèo

(Patrone pauperum)

  1. Gợi ý[19]

Cho dù là gia trưởng của Thánh gia có Con Thiên Chúa Làm Người ở cùng, Đấng vô cùng giàu sang viên mãn, nhưng đã tự nguyện trở nên bần cùng nghèo khổ vì phần rỗi của nhân loại, để làm gương, trước hết và trên hết cho cha mẹ trần gian của mình là Mẹ Maria và Bõ Giuse. Người con hằng chiêm ngưỡng ngài, để sống nghèo khổ như ngài và với ngài; đến độ, vì thân phận nghèo khổ của cha mẹ như thế, Người con đã bị dân làng Nazarét coi thường và không dám tin vào Người, cho dù họ có thấy những sự lạ ở nơi Người, nơi giáo huấn siêu việt của Người cũng như các việc quyền năng của Người. Người thợ mộc Nazarét nghèo khổ thường hèn Giuse ấy thật là một mẫu gương sống nghèo và là Đấng Bảo trợ người nghèo.

  1. Suy tư[20]

Trong sứ điệp Ngày thế giới cho người nghèo lần thứ III ngày 17 tháng 11 năm 2019, ĐTC Phanxicô nói rằng: “Hy vọng của người nghèo sẽ không bao giờ thất vọng”“Những người túng thiếu không bị bỏ quên, người nghèo khó chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19). Hy vọng của người nghèo được tăng cường bởi sự xác tín được Chúa đón nhận, tìm được nơi Người công lý đích thực, được thêm sức trong lòng để tiếp tục yêu thương (x. Tv 10, 17). Cho nên: chọn Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ người nghèo nhằm mời gọi những người nghèo đặt hy vọng và tin tưởng vào sự bảo trợ của Thánh Giuse.

Thánh Giuse là hiện thân của người nghèo. Bài Hát: “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo” của cố Linh mục Đạo Minh, dòng Thánh Giuse đã đi vào lòng người Công Giáo Việt Nam. Bài hát ra đời trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40- 50. Lời bài hát đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lao động lam lũ mồ hôi nhễ nhại, cây cuốc, cái rựa hoặc còng lưng trên chiếc xích lô… Trong bối cảnh đó, người dân Việt cảm thấy gần gũi với Thánh Giuse, vị thánh của người nghèo. Người nghèo thường là người không có tiếng nói và có nói cũng chẳng ai nghe. Họ chỉ biết cặm cụi làm việc và thinh lặng. Giờ đây, họ được Thánh Giuse nghe, thấu hiểu và đồng cảm với họ.

  • Suy niệm & Quyết tâm

Nói đến Thánh Giuse thì ta nghĩ ngay đến hình ảnh bác Giuse thợ mộc, đến xưởng mộc Nazarét. Thợ mộc và nghề mộc chẳng có chi là danh giá; nhất là “anh thợ vườn” thì chỉ mong đủ ăn hằng ngày. Vị thánh đã sống nghèo, chắc chắn để cảm nghiệm phận nghèo và luôn sẵn sàng chia sẻ cuộc sống nghèo. Nay trên thiên quốc, ngài rộng tay ban phát hạnh phúc và bình an cho những người nghèo vì Chúa Giêsu chẳng bao giờ từ chối ý muốn thi ân của Cha nuôi mình.

  • Khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội ngày càng nhiều và càng xa, điển hình là tại quê hương Việt Nam chúng ta. Mỗi người đều có một số phận (Số phận thành hình do bản thân, gia đình và môi trường xã hội). Đâu phải ai muốn giàu là giàu được. Thái độ hay nhất khi sống trong cảnh nghèo là phấn đấu vượt lên số phận trong đức tin và phó thác. Nghèo thì khổ nhưng đừng trở thành nỗi khổ trong cảnh nghèo cho người thân, kẻo đã nghèo lại còn khổ nhiều hơn. Xin Thánh Cả đoái nhìn đến cảnh khổ của chúng con mà nâng đỡ.
  • Những người tận hiến, trong nghi thức khấn dòng hoặc chịu chức thánh, chúng ta đã thề – hứa theo Lời khuyên Phúc âm là sống thanh bần. Hãy xét lại tinh thần thanh bần vì “các cha nhiều tiền lắm”, “dòng tu cũng chạy theo tiền”. Không có tiền chẳng làm được gì, nhưng đừng cố tình tích lũy hoặc thâm lạm của chung cho những nhu cầu của bản thân.
  • Trong cuộc sống, hãy tập ngay từ bây giờ: chính trực trong việc tiêu xài, quan tâm đến người nghèo và nhất là chia sẻ cách thực sự (cả vật chất chứ không chỉ những lời an ủi, động viên suông) cho những người nghèo.

 

Bài 10
Không Chỉ Là Năm Kính Thánh Giuse

Thưa các bạn: Một nguồn cảm hứng lạ kỳ với tôi lúc này “nói về Thánh Cả Giuse thì không cạn lời” (Sine fine dicentes). Cũng phải tạm kết thúc những suy tư tìm hiểu, nhưng tâm tình với Thánh Cả thì không dừng lại. Tôi muốn chia sẻ nơi đây: “Không chỉ là năm kính Thánh Giuse”; nghĩa là, thời gian cao điểm có qua đi, nhưng tâm tình với Thánh Cả mãi mãi sâu đậm và càng ngày càng sâu sắc.

  1. Lòng kính mến Thánh Giuse

Chúng ta cần phân biệt hai ý niệm cơ bản trong đời sống tu đức, phượng tự: Thờ lạySùng kính.

THỜ LẠY (Adoratio):

“Hành vi tôn giáo qua đó con người nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng duy nhất đáng được tôn vinh (vì Người vô cùng hoàn hảo), có quyền tối thượng trên nhân loại và quyền được con người hoàn toàn lệ thuộc. Thờ lạy là một hành vi của trí khôn và ý chí, diễn tả qua những lời cầu nguyện thích hợp, những tư thế và những cử chỉ bày tỏ lòng tôn kính, cũng như qua những hy lễ” (ad: tới + orare: cầu nguyện; do os: miệng – dựa theo phong tục của người ngoại giáo kính mến thần nào thì hôn lên tượng của thần ấy => Adoratio: thờ lạy, tôn thờ).[21]

“Việc tôn thờ Thiên Chúa có thể được biểu lộ qua: phụng vụ, kinh nguyện, bái lạy, hôn kính, dâng hy lễ và đời sống luân lý hằng ngày. Tôn thờ không chỉ hệ tại nơi hình thức bên ngoài mà trước hết phải là thái độ phát xuất từ nội tâm. Sự tôn thờ còn gọi là sự thờ lạy”.[22]

SÙNG KÍNH[23] (Devotio)

Sùng: Tôn trọng

Kính: tôn trọng

Sùng kính: hết sức tôn trọng

Lòng sùng kính là tâm tình yêu mến, gắn bó và nhiệt tâm phụng sự Thiên Chúa trong việc phượng tự và cầu nguyện

Lòng sùng kính cũng hướng về Đức Mẹ và các thánh, như là các trung gian giữa Thiên Chúa và con người (x.GLHTCG số 971).

Như thế:

  • Thờ lạy, tôn thờ chỉ dành cho một mình Thiên Chúa (Ba Ngôi).
  • Biệt kính: Đức Trinh Nữ Maria.
  • Sùng kính, tôn kính: Thánh Giuse và các thánh.

Có lẽ chúng ta cũng có thể dành cho Thánh Cả sự “biệt kính” khi đã tìm hiểu và nhận ra sự phù hộ của ngài đối với Giáo hội và nhân loại.

  1. Âm thầm ươm mầm

Đọc lại trong Mục lục phân tích (Table Analytique) – Công Đồng chung Vaticanô II – Văn bản nói đích danh Thánh Giuse chỉ được nêu lên trong Hiến chế Giáo hội số 50, khi cử hành Thánh lễ: “Bởi vậy, khi cử hành hy tế tạ ơn, chúng ta kết hợp rất mật thiết với việc thờ phượng của Giáo hội trên trời, vì hiệp cùng Giáo hội, chúng ta kính nhớ trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời Đồng Trinh, sau là Thánh Giuse,…” (trang 236).

Sách Giáo lý HTCG với 2865 số chỉ có 6 số nói đến Thánh Giuse:

  • Nhiệm vụ và ơn gọi của Thánh Giuse (số 437).
  • Thiên thần truyền tin cho Thánh Giuse (số 497 và 1846).
  • Chúa Giêsu phục tùng Thánh Giuse (số 532).
  • Thánh Giuse bổn mạng sự chết lành (số 1014).
  • Ngày lễ kính Thánh Giuse (số 2117).

Xin ghi lại tổng lược rất ngắn gọn nhưng đầy đủ:

Nếu phải tóm tắt lịch sử lòng sùng kính Thánh Giuse trong 1500 đầu tiên của Giáo hội (vì ta lấy công đồng Trent thế kỷ 16 làm bước ngoặc), thì ta có thể nói rằng 500 năm đầu tiên của Giáo hội, lòng sùng kính Thánh Giuse không thật sự đáng kể. Nguyên nhân chính là thời kỳ này phải đối đầu với quá nhiều những lạc giáo về Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, về Thiên Chúa… Nhiều công đồng được triệu tập, đặc biệt là 4 công đồng đầu tiên (Nicaea 325 – Constantinople 381- Ephesus 431 – Chalcedon 451) để xác định nhiều tín lý trong Giáo hội.

Trong 500 năm tiếp theo, lòng sùng kính Thánh Giuse mang tính cá nhân và cục bộ theo từng địa phương, mà phần lớn trong các tu viện khắp Châu Âu và Châu Phi.

Đến 500 năm thứ ba, lòng sùng kính thánh nhân được đưa vào phụng vụ, và được tôn kính có hệ thống, nhưng vẫn còn mang tính địa phương hơn là cho toàn Giáo hội, nghĩa là có nơi kính, nhưng nhiều nơi khác không biết.

Chỉ sau công đồng Trent (thế kỷ 16), đặc biệt là sau 1870, Thánh Giuse thật sự được Giáo hội tôn vinh xứng đáng với con người của Người”.[24]

  • Mùa hoa nở rộ

Tôi thiết nghĩ, sáng kiến thánh thiện và hợp thời để ĐTC Phanxicô công bố Năm Thánh Giuse đã thúc đẩy những nhà chuyên môn “khai quật” kho tài liệu tiềm ẩn quý giá mà biết bao đấng bậc đã viết về Thánh Cả Giuse; tổng kết lại như một “mùa hoa nở rộ”. Và nhất là mọi người, kể cả nhiều người không phải là Công Giáo, nhìn lên Thánh Cả như một vị thánh thật gần gũi và đầy quyền năng.

Những áng văn như “Vườn hoa Thánh Cả” (chỉ xin ghi lại danh tánh và ý chính văn bản)[25]:

  1. Các giáo phụ:
  • Giáo phụ Hy lạp
  • Thánh Inhaxiô Antiokia (+107): chương trình kỳ diệu của Chúa trong hôn nhân của Giuse và Maria.
  • Thánh Giútinô (100 – 165): thời thơ ấu của Chúa Giêsu (Giuse tìm máng cỏ Bêlem; sống nghề thợ mộc).
  • Thánh Irênê (130 – 203?): Vai trò “được định trước” của Giuse, Thánh Giuse là cha nuôi.
  • Tertulianô (155 – 223): Vai trò “được định trước” của Giuse.
  • Thánh Ephrem (306-372): Con Đấng Tối Cao cũng là con của Giuse; con của Giuse mà không sinh ra bởi Giuse; Giuse được chung sống với Con Thiên Chúa; chỉ Chúa Giêsu mới khen ngợi Thánh Giuse cách xứng đáng.
  • Thánh Gioan Kim Khẩu (340-407): Giuse vâng lênh Chúa truyền đưa gia đình sang Ai Cập; rồi lại vâng lời đưa gia đình từ Ai Cập về Nazarét.
  • Giáo phụ La tinh:
  • Thánh Giêrônimô (340-420): nói về trọn đời trinh khiết của Giuse.
  • Thánh Augustinô (354-430): Các nhân đức của Giuse; hôn nhân đích thực và kỳ diệu của Giuse và Maria.
  1. Các thánh
  • Thánh Vinh Sơn Phêriô (1350-1419): Thánh Giuse nghi nan bối rối, được mặc khải về sự có thai của Maria và hoàn toàn đón nhận.
  • Đấng Đáng Kính Gioan Gerson, linh mục (1362-1428): nhân đức, công lao và sự cao cả của Thánh Giuse.
  • Thánh nữ Têrêxa Avila (1515-1582): được Thánh Giuse chữa khỏi bất toại, thành tông đồ Thánh Cả, chết rồi vẩn còn tôn vinh Thánh Cả (qua những lần hiện về).
  • Thánh Phanxicô Salê (1567-1626): đức vâng lời của Giuse.
  • Thánh Anphongsô Liguôri (1696-1778): quyền chức của Thánh Giuse (cha nuôi, chủ hộ Thánh gia, Đấng cầu bầu mạnh mẽ).
  1. Huấn quyền của các Đức Thánh Cha
  • TK 19, Đức Piô IX (1846-1878): Sắc lệnh Inclytus Patriarcha Joseph (10/9/1847) của bộ Nghi lễ:Thánh Giuse bảo trợ, cử hành vào thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh; Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870): Thánh Giuse bảo trợ Giáo hội.
  • TK XX:
  • Đức Lêô XIII (1878-1903): Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889): vì sao Giáo hội chọn Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ. Tông thư Neminem fugit (14/6/1892): thiết lập Hiệp hội các gia đình được dâng hiến cho Thánh gia.
  • Đức Piô X (1901-1914): Phê chuẩn kinh cầu Thánh Giuse 18-03-1909.
  • Đức Bênêđictô XV (1914-1922): Phê chuẩn kinh Tiền tụng Thánh Giuse trong Sách Lễ Rôma (9/4/1919); Tự sắc Bonum sane (25/7/1920), mẫu gương lao động, bảo trợ những người sắp qua đời.
  • Đức Piô XI (1922-1939): Thông điệp Ad sacerdotii catholici (20/12/1935): nói đến Chúa Giêsu đã được đào tạo ở Nagiarét; Thông điệp Divini Redemptoris (19/3/1937) trình bày: Thánh Giuse như khuôn mẫu cho giới lao động.
  • Đức Piô XII (1939-1958): Thiết lập lễ Thánh Giuse lao động, với bản văn phụng vụ dùng vào dịp lễ (ngày 1/5/1955).
  • Đức Gioan XXIII (1958-1963): Tông thư Le voci: triệu tập Công đồng Vatican II (19/3/1961) đặt Công đồng dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse; 13/11/1962 ghi tên Thánh Giuse vào Lễ quy Rôma.
  • Đức Phaolô VI (1963-1978): các bài giáo huấn các dịp lễ ngày 19/3 và 1/5. Nổi tiếng nhất là bài suy niệm tại Nagiarét (5/1/1964): ngôn ngữ Thánh Giuse.
  • Thế kỷ XXI:
  • Đức Gioan Phaolô II (1978-2005): Rất nhiều dịp nói về Thánh Giuse trong các bài giảng, tông huấn, thông điệp. Nhưng quan trọng nhất là Tông huấn Redemptoris Custos: Người Trông Nom Đấng Cứu Thế.
  • Đức Bênêđictô XVI (2005-2013): Thánh Giuse là Bổn mạng của ngài (Joseph Ratzinger). Huấn từ chúa nhật thứ IV mùa Vọng năm 2005 (19/12) và nhân ngày lễ kính Thánh Giuse 19/3/2006 về sự thinh lặng của Thánh Giuse.
  • Đức Phanxicô: rất nhiều lần nói và sống theo gương Thánh Giuse, Thánh Giuse ngủ. Đặc biệt Tông thư Patris corde (8/12/2020) – Bằng trái tim người cha: cắt nghĩa những tước hiệu và cổ vũ lòng sùng kính Thánh Giuse, công bố Năm đặc biệt kính Thánh Giuse (8/12/2020-2021); thêm 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse (01/05/2021).
  1. Không chỉ là Năm đặc biệt kính Thánh Giuse

“Không chỉ là” muốn nói đến việc sùng kính và nhất là mối liên hệ thiêng liêng với Thánh Cả không chỉ hạn chế trong một thời gian ấn định; nhưng phải là những hành động suốt đời chúng ta. Tôi cố gắng trình bày trong tập suy tư nhỏ về Thất Linh Thoại (Bảy cuộc đối thoại thiêng liêng suốt đời của một tín hữu, nhất là linh mục và tu sĩ).

Như trong Lời ngỏ, tôi hứa với Thánh Cả: “Năm đặc biệt này, con sẽ cố gắng dâng hương hoa cho Thánh Cả bằng ba tác phẩm viết về ngài, xin ngài đón nhận”. Định viết về Thánh Giuse trong tâm tư những người lao động nghèo, đau khổ. Nhưng cũng vào đầu tháng 05/2021, Tòa thánh quyết định thêm 07 lời cầu vào kinh cầu Thánh Giuse nên tập viết này ra đời. Nói nhiều, viết nhiều, nhưng điểm quan trọng là sống nhiều hơn.

“Năm đặc biệt… không là định mức, mà là một sự bắt đầu, tiếp tục bắt đầu và tăng bồi lòng sùng kính Thánh Cả cho đến chết.”

Chúng ta đã đào sâu trong bài 02 (Lược sử và phân tích kinh cầu Thánh Giuse). Dựa vào đó, mỗi người hãy tập sống từng lời cầu trong hoàn cảnh thực tế đời mình.

  • Nghĩ về hiện hữu của mình, với các bậc sinh thành dưỡng dục (Thánh Giuse là dòng dõi sang trọng vua Đavít).
  • Sống đời hôn nhân thánh thiện giữa vợ chồng, cha mẹ con cái (Thánh Giuse là bạn Đức Mẹ Chúa Trời, đấng gìn giữ Chúa Cứu thế).
  • Những người tận hiến (Thánh Giuse công chính, khôn ngoan, cực thanh cực tịnh – Vâng lời chịu lụy – Chuộng nhân đức khó nghèo).
  • Làm ăn sinh sống (Gương tốt cho người lao động).
  • Những lúc khó khăn, nguy nan (là nơi nương tựa lúc gặp nguy nan – khốn khó ; được khỏi bệnh; khổ tâm khổ xác; lưu đày).
  • Rồi cũng chết (Đấng phù hộ những người hấp hối).
  • Cầu cho Hội thánh (Đấng gìn giữ, phù hội Hội thánh).

Lời Kết

“Rồi cũng qua đi”, thời gian 365 ngày của Năm Đặc Biệt về Thánh Giuse. Thời gian quá tốt để chúng ta học hỏi, thực hành những công việc kính Thánh Cả.

“Nhưng mãi phải tồn tại”, tâm tình và lòng yêu mến Thánh Cả.

Xin tôn vinh Thánh Cả và xin ngài luôn phù hộ. Xin đặc biệt gởi những dòng viết này như Điệp khúc tri ân, đại diện cho lớp Giuse 66 dâng Thánh Cả ; và là niềm cảm tạ đến cha Phêrô Nguyễn Văn Tuyên, cha Giuse Nguyễn Thế Phiên, cha Giuse Nguyễn Văn Thái, những vị luôn nâng đỡ, chia sẻ và khích lệ tôi trong thời gian làm việc tại Orange và hôm nay.

Mọi người chúng ta đã viết, đã nói, đã học, đã đọc. Nhưng Thánh Cả muốn mỗi người chúng ta là môn đệ, con cái của ngài trong đường nhân đức. “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.”

Xin Thánh Cả phù hộ chúng ta.

Lm Giuse Trần Đình Thụy

Dịp lễ Thánh Tâm

Cao điểm mùa dịch Covid 19

11-06-2021

—-

[1] Trích Phan Tấn Thành. Những văn kiện của Huấn quyền cận đại về Thánh Giuse. Nguồn: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-huan-quyen-can-dai-ve-thanh-giuse/

[2] Trích Lm Antôn Vũ Thanh Lịch.Bản tóm lược Tông thư Patris Corde.  Nguồn : https://lebaotinhbmt.com/Tin-tuc/ban-tom-luoc-tong-thu-patris-corde-1350.html

[3] Trích Phan Tấn Thành. Kinh Cầu Thánh Giuse: Cũ và Mới. Nguồn: https://catechesis.net/kinh-cau-thanh-giuse-cu-va-moi

[4] Có người tính cả câu đầu, dù chỉ là câu xướng tên Thánh Cả, nên tổng số là 25.)

[5] Trích: Bản tin của Vatican News Tiếng Việt ngày 3/5/2021

[6] Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-phung-tu-thong-bao-ve-cac-loi-khan-cau-moi-trong-kinh-cau-thanh-giuse-41933

[7] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[8] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[9] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[10] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[11] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[12] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[13] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[14] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[15] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[16] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[17] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[18] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[19] Trích Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh. Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse… Nguồn: www.thanhlinh.net/node/147100

[20] Trích Lm. Giuse Phan Văn Quyền. 7 lời cầu mới cho Kinh Cầu Thánh Giuse. Nguồn: http://www.tonggiaophanhue.net/tong-hop/suy-tu/7-loi-cau-moi-cho-kinh-cau-thanh-giuse/

[21] Trích Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, John A. Hardon, SJ, Đặng Xuân Thành chủ biên, NXB Phương Đông, 2008.

[22] Trích Từ Điển Công Giáo, HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, 2016

[23] Trích Từ Điển Công Giáo, HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, 2016

[24] Lm. Mt. Nguyễn Khắc Hy PSS, Lịch Sử Lòng Sùng Kính Thánh Giuse Trong Giáo Hội. Nguồn: http://tntt.vn/index.php/thong-tin/tin-noi-bat/lich-su-kinh-thanh-giuse Ngày 24/03/2021

[25] Lm Trần Đình Thụy, Để hiểu và Yêu mến Thánh Giuse hơn, 01.2021 & Thánh Giuse qua tư tưởng của các thánh và giáo huấn, Lm Giuse Trần Đình Thụy, Nguyệt san CG&DT, số 315/3.2021, trang 26-50.