Man-Na Lương Thực Hàng Ngày Tuần II Mùa Vọng
NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, năm B
Lời Chúa: Mc 1, 1-8
Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa khởi đầu như sau: Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ Isaia:
“Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con.
Có tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.”
Ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.
Suy niệm
Ðể chuẩn bị cho Con của Ngài đến trần gian,
Thiên Chúa cần nhiều người dọn đường trong dòng lịch sử.
Người nổi bật nhất là Gioan.
Gioan là nhịp cầu thân thương
để Ðức Kitô đến gặp dân Ngài,
và để dân Ngài đón nhận Ðức Kitô cứu thế.
Ông đã quen biết cả đôi bên
và ông hạnh phúc được làm người phù rể
cho đám cưới giữa Ðức Kitô và dân được chọn.
Thời nào Thiên Chúa cũng cần những sứ giả,
những người dọn đường, những Gioan mới.
Ðó là sự khiêm tốn muôn thuở của Thiên Chúa,
Ngài chẳng bao giờ đường đột đến với con người.
Hôm nay, Ðức Kitô muốn đi vào thế giới của bạn:
đất nước, gia đình, trường học, nơi làm việc, bạn bè…
Ngài cần bạn làm người giới thiệu.
Nhờ bạn, Tin Mừng được khởi đầu nơi một ai đó,
như xưa Tin Mừng đã được khởi đầu nhờ Gioan.
Chúng ta cần ngắm nhìn lối sống của Gioan.
Ông sống độc thân trong hoang địa,
ăn châu chấu và mật ong rừng,
mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da.
Lối sống khắc khổ ấy đã trở nên một dấu hỏi.
Gioan đã chọn lối sống phù hợp với lời ông giảng.
Ông kêu gọi mọi người dọn tâm hồn
để đón Ðấng quyền thế hơn ông,
thì chính ông đã sống như con đường thẳng.
Ông mời gọi người ta sám hối,
thì chính đời ông đã mang nét sám hối rồi.
Bởi thế tiếng gọi của ông có sức thu hút mãnh liệt.
Biết bao người từ khắp nơi kéo đến với ông,
để khiêm tốn thú tội và chịu phép rửa,
nhằm chuẩn bị đón Ðấng Mêsia sắp đến.
Chúng ta không thể vào hoang địa như Gioan,
cũng không thể ăn mặc như ông.
nhưng chắc chắn để làm chứng cho Ðức Kitô hôm nay,
chúng ta không thể sống y như mọi người.
Lắm khi chúng ta phải từ khước
một cuộc sống dễ dãi, tiện nghi, thoải mái,
để tìm kiếm một cái gì sâu xa hơn, ý nghĩa hơn.
Không phải chúng ta thích lập dị,
nhưng ơn gọi Kitô hữu
đòi chúng ta dám lội ngược dòng với thế gian,
dám sống một cách khác thường
trong chính cuộc sống bình thường của ta.
Làm sao chúng ta có sức thu hút như Gioan
để đưa con người hôm nay đến gặp Chúa?
Chúng ta phải thay đổi lối sống mình như thế nào,
để người ta tin được lời chúng ta rao giảng?
Ðức Kitô hôm nay
vẫn cần những người dọn đường tuyệt vời như Gioan.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
ĐỨNG DẬY MÀ ĐI
Thứ Hai tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 5, 17-26
Một hôm, khi Ðức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giuđê và từ Giêrusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Và kià có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Ðức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: “Người đang nói phạm thượng là ai vậy? Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ra?” Nhưng Ðức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Ðứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – Ðức Giêsu bảo người bại liệt: tôi truyền cho anh: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”
Suy niệm
Bệnh tật nơi thân xác con người
có thể tượng trưng cho một thứ bệnh tật nào đó nơi tinh thần.
Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai cũng có kinh nghiệm về sự câm nín,
do sợ hãi của chính mình hay do bị đe dọa bắt phải im.
Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại có quá nhiều cuộc đối thoại
mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất khả năng nghe.
Người mù không phải chỉ là người không thấy ánh mặt trời,
nhưng còn là người không dám thấy ánh sáng của sự thật,
không nhận ra hình ảnh người anh em nơi khuôn mặt kẻ thù.
Không phải ai cũng có bàn tay khô bại, không duỗi ra được,
nhưng ai cũng có lần thấy mình khó đưa tay ra để bắt tay người khác.
Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết.
Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại ở việc chữa lành thân xác.
Ngài muốn một sự lành mạnh nơi toàn diện con người.
“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai” (Is 35, 6).
Lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đã ứng nghiệm.
Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác giường và đi một mạch về nhà,
chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa trên khuôn mặt của anh và các bạn.
Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc
khi thấy anh trở về, đi đứng như một người bình thường.
Nhưng có điều họ không nhận ra đó là chuyện anh được tha tội.
Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù anh không xin,
vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất toại thể lý.
Nhưng tâm hồn anh đã bước đi,
trước khi đôi chân anh đi được.
Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy của cả hồn lẫn xác.
Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho nhóm các luật sĩ và Pharisêu thấy
không nhất thiết phải đi gặp tư tế và dâng lễ đền tội mới được tha.
Chỉ bằng một lời nói đơn sơ và dễ dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ.
Chính việc anh bất toại được chữa lành làm chứng về quyền năng này.
Ngược lại với thái độ tin tưởng táo bạo của anh bất toại và các bạn,
là thái độ thụ động ngồi của các luật sĩ và Pharisêu.
Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền thống của mình:
chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.
Họ không tin Đức Giêsu được chia sẻ quyền ấy từ Cha,
dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại đi được.
Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi.
Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng,
khiến tôi không đến gần được Chúa, cũng không dám đến với anh em.
Có những bất toại về trí tuệ khiến tôi bị kẹt
trong những định kiến, thiên kiến, thành kiến,
không dám mở ra để đón nhận những sự thật bất ngờ và đáng sợ.
Có những bất toại về tình cảm khiến tim tôi như bị cầm tù,
không sao thoát khỏi được chuyện yêu ghét oán hờn dai dẳng.
Xin Giêsu giải phóng tôi, cho tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
KHÔNG MUỐN AI HƯ MẤT
Thứ Ba tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 18, 12-14
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Suy niệm
Chăn chiên là một nghề đã có từ lâu.
Nhiều nhà lãnh đạo dân Do Thái như Môsê, Đavít, đều làm nghề này.
Trên những đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử,
nên giữa đôi bên có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi.
Chính vì thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên.
Đàn chiên là dân Do Thái, là dân riêng Ngài rất mực quý yêu:
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa…
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví mình với người mục tử tốt lành.
“Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14).
Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ
Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15).
Sau khi chết và Phục Sinh, Đức Giêsu muốn ông Simon nhận sứ mạng mục tử.
Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga 21, 15-17).
Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ.
Qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới,
nối gót Simon Phêrô để phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên.
Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục tử chỉ lo cho cả đoàn,
mà quên chăm sóc cho từng con chiên một.
Ngài mời ta để ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân nhỏ.
Có khi chỉ một con chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng
đến nỗi để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12).
Không phải vì coi thường chín mươi chín con không bị lạc,
nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào.
Con chiên lạc lại có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về chuyện tìm lại được điều đã mất.
Khi mất thì đứng ngồi không yên,
khi tìm thấy thì bình an và niềm vui òa vỡ.
Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc,
nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ.
Có thể nói còn vui hơn chuyện chín mươi chín con không bị lạc (c. 13).
Dường như người ta bắt đầu quý một điều từ khi mất điều đó.
Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt và mất đi.
Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14).
Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không muốn mất một ai (1 Tm 2, 4).
Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn quanh ta,
những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa.
Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau,
khởi đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen.
Chúng ta quý nhau vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta.
Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu còn một người đang lạc ở đâu đó.
Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui trọn vẹn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim,
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
ÁCH CỦA TÔI ÊM ÁI
Thứ Tư tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 11, 28-30
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
Suy niệm
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi buồn đau và vấp ngã trong quá khứ.
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.
Gánh nặng phải mang vì người khác…
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
GIOAN CHÍNH LÀ ÊLIA
Thứ Năm tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 11,11-15
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.”
Suy niệm
Đã từ lâu dân tộc Do Thái không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.
Thiên Chúa thinh lặng như chẳng muốn nói với dân Ngài.
Người ta thường coi vị ngôn sứ cuối cùng là Malaki.
Ông sống trước công nguyên gần năm thế kỷ.
Ông đã mạnh mẽ phê phán những bê bối của các tư tế và dân Do Thái
sau khi họ trở về từ nơi bị lưu đầy ở Babylon.
Malaki tiên báo ngày đoán phạt của Đức Chúa gần đến.
Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ có người đi trước để dọn đường (Ml 3, 1).
Êlia chính là người làm công việc đó:
“Này đây Ta sẽ sai đến với ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3, 23).
Gioan Tẩy giả là người đã làm nhiệm vụ của Êlia,
tuy ông không phải là một Êlia từ cõi chết sống lại.
Gioan xuất hiện như một ngôn sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.
Ông đã cất tiếng mời gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa.
để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp đến.
Thế là sau bao thế kỷ mong chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân Ngài.
Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.
Đức Giêsu khẳng định ông còn trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11, 9).
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông,
loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Gioan là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.
Chính là Đức Giêsu, người ông đã ban phép rửa.
Gioan cao trọng vì ông là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.
Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước (c. 11),
vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).
Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,
và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này.
Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.
Nhưng Ngài cần Gioan để làm người trực tiếp giới thiệu.
Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy giả,
nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,
vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.
Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã ở ngay bên.
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c. 11).
Cao trọng hơn vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại.
Ngài đem đến ơn cứu độ toàn diện cho từng người,
vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa tiệc cánh chung (Mt 8, 11).
Ông đã chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).
Ông đã sống bất khuất và đã chết anh hùng.
Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan.
Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế,
để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian
để tình yêu cứu độ được mọi người đón nhận.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa. (Helder Câmara)
LŨ TRẺ NGỒI NGOÀI CHỢ
Thứ Sáu tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 11, 16-19
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’. Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
Suy niệm
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 16-17).
Một nhóm bày trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia.
Nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia cũng không giả vờ than khóc.
Thế hệ của Đức Giêsu cũng có nét tương tự như lũ trẻ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
sự khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Lối sống của Gioan phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18),
nên cuối cùng đã không tin ông (Mt 21, 32).
Ngược lại, khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát.
Ngài tiếp đón những ai bị xã hội loại trừ.
Ngài ăn chung một bàn với những tội nhân cần xa tránh.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn,
họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải.
Tiếc thay, Đức Giêsu cũng bị nhiều người từ khước như Gioan.
Ngài bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 19).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Sống thế nào cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh.
Để khỏi phải đối diện với chân lý, con người trở nên ngụy biện.
Đức Giêsu dám ví thế hệ của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ.
Ngài sẽ ví thế hệ chúng ta với ai?
Nơi một số nước, người ta cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính.
Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc.
Bao giờ người ta cũng tìm đủ lý do để làm những điều trên.
Nguy cơ của con người thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ,
khăng khăng với những ngang bướng ích kỷ của mình.
Cả Gioan và Đức Giêsu đều đã bị loại trừ và bị giết.
Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu.
Tin luôn đòi chúng ta hoán cải, không được sống như xưa.
Tiếng kêu từ hoang địa của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục.
Thái độ bao dung nơi bàn ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối.
Làm sao con người hôm nay nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương. Amen
ÊLIA ĐÃ ĐẾN RỒI
Thứ Bảy tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: Mt 17, 10-13
Khi ấy, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” Người đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy giả.
Suy niệm
Các nhà thông luật, dựa trên ngôn sứ Malakhi,
nói rằng Êlia phải đến trước để dọn đường cho Chúa (c. 10),
để “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu,
và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3, 1. 24).
Đức Giêsu nhất trí với họ, nhưng nhấn mạnh:
“Êlia đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông,
nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn” (c. 12a).
Theo Đức Giêsu, chẳng cần phải đợi Êlia nữa.
Gioan Tẩy giả chính là Êlia (c. 13).
Gioan đã đến để chỉnh đốn mọi sự (c. 11).
Đời ông là một tiếng kêu to trong hoang địa.
Ông mời mọi người sinh hoa trái diễn tả lòng sám hối ăn năn.
Dân chúng đã đổ xô đến với ông như đến với một ngôn sứ,
để thú tội và nhận phép rửa của ông ở sông Giođan.
Ông trở nên nổi tiếng đến độ có người tưởng ông là Đấng Mêsia.
Gioan đã không bao giờ nhận mình là Đấng Cứu thế.
Ông chỉ xin được cúi xuống cởi dây giày
cho Đấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông.
Kết cục của đời ông là bị cầm tù (Mt 11, 2),
và sau đó là một cái chết bi đát và đột ngột (Mt 14, 10-12).
Đầu ông rơi dưới tay của Hêrôđê, người vừa sợ, vừa kính nể ông.
Vào Mùa Vọng, chúng ta lại được Đức Giêsu nhắc đến cái chết
của người đã giới thiệu Ngài cho chính đồng bào của mình.
Gioan đã chu toàn nhiệm vụ của tiếng, nhưng ông không phải là lời.
Ông là ngọn đèn, nhưng không phải là ánh sáng (Ga 1, 8; 5, 35).
Bạo quyền có thể làm cho tiếng phải im, ngọn đèn phải tắt,
nhưng lời chứng của Gioan thì vẫn còn mãi trong dòng lịch sử cứu độ.
Ông đã sống một đời sống tuyệt vời, hoàn toàn xóa mình,
nên nhân loại hôm nay, qua ông, có thể tin vào Đức Giêsu.
Êlia đã chịu nhiều đau khổ.
Gioan và Đức Giêsu cũng không được nhìn nhận (c.12b).
Số phận của các ngôn sứ trong mọi thời đại đều như nhau.
Họ chịu khổ vì phải nói hay làm một điều gì đó đòi người ta thay đổi.
Họ gây khó chịu cho những người có quyền thế vững vàng.
Nhìn kết cục của đời ông Gioan và Đức Giêsu ta thấy khó tin.
Một người chết vì bị xử trảm, một người chết vì bị đóng đinh.
Khó mà tin được một vị là Êlia, vị kia là Mêsia.
Êlia phải quyền thế hơn nhiều, Mêsia thì không hề nếm mùi thất bại.
Để đón lấy một Êlia như Gioan, đón lấy một Mêsia như Giêsu,
phải bỏ những định kiến khô cứng, vì Chúa đi đường chẳng ai ngờ.
Thế giới hôm nay vẫn cần những ngôn sứ như Gioan,
làm chứng bằng lời giới thiệu và bằng đời sống.
Lời giới thiệu hấp dẫn nhờ đời sống thanh liêm.
Đời sống thu hút nhờ lời giới thiệu soi sáng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa. Amen