Man-Na Lương Thực Hàng Ngày Tuần Trước và Sau Lễ Hiển Linh

print

TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

CÓ MỘT VỊ ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG

(Ngày 02 tháng 01 trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Ga 1, 19-28

Đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

Suy niệm

Người ta chỉ lớn lên khi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình.

Người ta chỉ lớn hết mức khi không còn coi mình là trung tâm.

Trung tâm được đặt nơi Thiên Chúa và tha nhân.

Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng

trong con cái loài người, không ai lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11,11).

Gioan lớn vì ông là vị ngôn sứ giới thiệu trực tiếp Đấng Mêsia.là Đức Giêsu,

một điều mà không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước được diễm phúc làm.

Nhưng Gioan cũng lớn vì ông đã chấp nhận nhỏ đi:

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cách Gioan làm mình nhỏ lại.

Khi Gioan đã nổi tiếng bởi lối sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ,

thì người Do Thái, người Pharisêu, sai các tư tế và các thầy Lêvi

từ Giêrusalem đến với Gioan đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan.

Họ muốn biết ông Gioan là ai.

Gioan đã không nhận mình là Đấng Kitô, hay Êlia tái giáng (Ml 4,5),

hay vị Ngôn Sứ cao cả đã được ông Môsê loan báo (Tl 18, 15.18),

mặc dù có người đã nghĩ ông là như vậy.

Những lời từ chối của Gioan càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn.

“Tôi không phải là Đức Kitô. – Tôi không phải là. – Không.”

Gioan từ chối những chức danh mà nhiều người thèm muốn.,

bởi lẽ ông biết rõ mình là ai.

Khi bị bắt buộc phải đưa ra một câu trả lời về con người của mình,

Gioan đã chọn câu của ngôn sứ Isaia (40, 3).

“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa.

Hãy sửa cho thẳng con đường của Chúa.”

Gioan nhận mình chỉ là người dọn đường cho một Đấng đến sau,

Đấng ấy là người ông không xứng đáng cởi quai dép.

Cởi quai dép của chủ là việc chỉ dành cho người nô lệ thấp kém nhất.

Gioan là người làm chứng tuyệt vời về ánh sáng (Ga 1, 7-8).

Ông là “tiếng” làm chứng cho “Lời” là Con Một Thiên Chúa.

Cám ơn Gioan vì nhờ ông mà ta gặp được Ánh Sáng thật.

Cám ơn Gioan vì tiếng của ông dẫn ta đến với Lời của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con biết con,

xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

quên đi chính bản thân,

yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

(Thánh Augustinô)

 

 

TÔI ĐÃ THẤY

(Ngày 03 tháng 01 trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Ga 1, 29-34

Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi’. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel”. Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.

Suy niệm

Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.

Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:

“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).

Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,

Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.

Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),

dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.

và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),

nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.

Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.

Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá

Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.

Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.

Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu

lúc Ngài được ông ban phép rửa.

Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.

Ông đã biết sau khi ông đã thấy.

Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,

Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.

Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.

Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).

Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).

Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.

Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,

thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.

Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.

Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.

Biết một người là chuyện khó.

Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.

Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này,

nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.

Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình.

Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.

Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.

Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường,

qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.

Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.

Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô.

để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.

Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,

là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,

là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,

thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.

Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.

Con người hôm nay đang đợi ai?

Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống

có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?

Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống. Amen

 

 

HÃY ĐẾN MÀ XEM

(Ngày 04 tháng 01 trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Ga 1, 35-42

Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

Suy niệm

“Đây là Chiên Thiên Chúa” (c.35).

Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế

khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua.

Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32).

Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15.30).

Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại,

ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn.

Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình.

“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ

đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen.

Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức.

“Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?”

Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy.

“Hãy đến và các anh sẽ thấy”.

Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình.

Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ.

Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình.

Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại.

Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi.

Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa.

Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen.

Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà,

họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu,

kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được.

Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy,

và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm.

“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô.

Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên.

Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu.

Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi,

nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài.

Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng.

Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c.42).

Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu.

Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng:

Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69).

Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người.

Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp,

nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu.

Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu,

để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời.

Thầy gọi các môn đệ theo Thầy

đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin.

Thầy không mở trường, không viết sách.

Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy,

bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.

Thầy dạy học trên đường.

Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày

với cái nhìn của Thiên Chúa.

Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo,

thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời.

thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.

Thầy tập cho họ trưởng thành,

tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió,

tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông,

tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn.

Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh

khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất,

Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy,

và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.

Lạy Thầy Giêsu,

Khoa sư phạm của Thầy là huấn luyện môn đệ bằng tình yêu.

Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng.

Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công.

Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ.

Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy

khi cúi xuống rửa chân cho họ.

Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy,

nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con.

Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian,

để làm cho muôn dân thành môn đệ.

 

 

CÁC THIÊN THẦN CỦA THIÊN CHÚA

(Ngày 05 tháng 01 trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Ga 1, 43-51

Khi ấy, Ðức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: “Anh hãy theo tôi”. Ông Philípphê là người Bétxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô. Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Ðức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” Ðức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Suy niệm

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,

Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.

Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.

Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.

Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,

từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.

Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria

để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).

Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần

trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).

Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),

sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.

Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,

một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).

Ngài đã không tránh né cái chết

bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).

Tin Vui Phục Sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).

Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài

khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).

Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,

trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).

Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay

cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.

Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông

Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,

và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).

Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy

“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,

trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).

Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian

nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.

Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.

Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,

nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,

vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.

Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.

Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.

Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.

Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,

vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.

Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.

Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.

Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.

Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,

xin giúp con quên mình hoàn toàn

để ở lại trong Chúa.

lặng lẽ và an bình

như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,

mong sao không gì có thể khuấy động

sự bình an của con,

hay làm cho con ra khỏi Chúa;

nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con

tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,

xin biến hồn con thành chốn trời cao,

thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,

nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi

con không bao giờ để Chúa ở đó một mình

nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,

với thái độ nhạy bén trong đức tin,

cung kính tôn thờ

và phó mình cho Chúa sáng tạo.

(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

 

 

CON YÊU DẤU CỦA CHA

(Ngày 06 tháng 01 trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Mc 1, 7-11

Khi ấy, ông Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”. Hồi ấy, Ðức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Suy niệm

Trước khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại,

chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan,

dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết.

Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa,

bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông.

Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).

Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình,

có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét.

Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không?

Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không?

Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.

Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu

là đứng chung với đồng bào, với tội nhân,

là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy.

Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10)

bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra:

Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài,

bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình:

“Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).

Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng.

Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết,

đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu.

Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha,

nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối.

Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha,

nhưng cũng gần gũi với anh em của mình.

Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu.

Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình,

là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải.

Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31),

Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2).

Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn,

Đức Giêsu đã được Cha Phục Sinh và nâng dậy.

Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”.

Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình.

Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy,

chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3).

Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.

Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng.

Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.

Xin tha thứ cho con

vì đã quá bận tâm

đến những điều mình nói,

đến ảnh hưởng của mình,

đến những điều người ta nói và nghĩ về con.

Xin tha thứ cho con

vì muốn nên giống kẻ khác

mà quên mất chính mình,

vì khao khát có được những đức tính của họ,

mà quên phát triển bản thân.

Xin tha thứ cho con

vì đã mất nhiều thời gian

cho việc phô trương

hơn là cho việc xây dựng bản thân.

Xin cho con biết cởi mở với anh em;

nhờ đó, Chúa có thể đến với con

như đến với một người bạn.

Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”

mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài

vì con là con của Chúa

và là anh em của mọi người.

(Michel Quoist)

 

 

HỌ HẾT RƯỢU RỒI

(Ngày 07 tháng 01 trước Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Ga 2, 1-11

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Ðức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

Suy niệm

Ðức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ

cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana.

Ðám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần.

Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu.

Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.

Ngài đã biến nước thành rượu.

Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.

Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa.

Những dấu lạ vén mở con người Ðức Giêsu.

Làm bánh hóa nhiều cho thấy Ðức Giêsu là Bánh thật.

Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Ðức Giêsu là Ánh Sáng.

Hoàn sinh Ladarô cho thấy Ðức Giêsu là sự Sống Lại.

Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.

Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo,

Ðức Giêsu biến nó thành rượu ngon,

một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.

Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước.

Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới

thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.

Ðức Giêsu cho thấy mình chính là Ðấng Mêsia.

Ngài đến để thiết lập một trật tự mới

dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.

Cựu Ước không làm con người mãn nguyện.

Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.

Ðức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana.

Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người.

Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.

Ðừng để Ðức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn.

Ðừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.

Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng,

bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.

Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Ðức Giêsu là ai,

nhưng Ðức Maria cũng có một vai trò đáng kể.

Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Ðức Giêsu.

Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.

“Họ hết rượu rồi”: Mẹ chỉ nói với Con như vậy.

Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo.

Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ.

“Người bảo gì, các anh hãy làm.”

Quả thật Ðức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm,

nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện.

Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này,

đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!

Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ…

Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ

trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.

“Người bảo gì, các con hãy làm”:

Ðó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

 

 

LỄ HIỂN LINH

RA ĐI

(Chúa Nhật – Lễ Chúa Hiển linh)

Lời Chúa: Mt 2, 1-12

Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi: “Ðức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bean phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đổi đường khác mà về xứ mình.

Suy niệm

Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Israel.

Ngài còn tỏ mình cho các dân tộc khác,

vì Ngài muốn cứu độ mọi người chẳng trừ ai.

Các nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại.

Ðối với họ, bầu trời là một cuốn sách,

các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu.

Có thể Thiên Chúa đã muốn dùng sự xuất hiện

của một vì sao để báo hiệu Con Ngài chào đời.

Thiên Chúa chấp nhận dùng thứ ngôn ngữ đầy khiếm khuyết đó

để mời họ lên đường đi gặp Ðấng Cứu Ðộ.

Hôm nay, Ngài vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài

bằng muôn vàn cách thức khác nhau, khiến họ hiểu được.

Thiên Chúa vẫn làm sáng lên muôn ánh sao,

không ở trên trời cao, nhưng ở trong lòng người.

Ánh sao có thể là một lý tưởng, một khát vọng mãnh liệt:

khát vọng sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc…

Ánh sao đưa con người lên đường tìm kiếm,

và Ngài không ngừng ban niềm vui trong suốt cuộc hành trình.

Các nhà chiêm tinh đã phải ra khỏi nhà, ra khỏi mình,

ra khỏi những định kiến, để đón tiếp cái bất ngờ.

Họ chỉ mong được bái lạy vị Vua mới sinh.

Nhưng vị Vua này chẳng ở Giêrusalem cao sang,

mà lại ở vùng Bêlem bé nhỏ.

Vị lãnh tụ dân Israel chỉ là một hài nhi bình thường,

sống trong một căn nhà bình thường.

Hêrôđê bối rối lo sợ khi nghe tin sinh hạ Vua Do thái.

Các thượng tế và kinh sư tuy biết rõ nơi Ngài sinh,

nhưng họ không muốn lên đường tìm kiếm.

Các nhà chiêm tinh chỉ có một cái biết mơ hồ,

nhưng họ đã can đảm ra đi, tích cực tìm kiếm,

tin tưởng sấp mình bái lạy và cung kính dâng lễ vật.

Vẫn có đám đông những người không phải là Kitô hữu

đang miệt mài nghiên cứu trong mọi lãnh vực,

khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng…,

đang gắng công tu tập trong các tôn giáo,

hay đang tận tụy làm cho trái đất được tốt đẹp hơn.

Có ánh sáng nào soi chiếu nẻo đường họ đi.

Họ đã chấp nhận bao hy sinh từ bỏ,

để nhẹ nhàng, thanh tịnh mà tiến bước.

Các nhà chiêm tinh ngày xưa đã gặp được Ðấng họ tìm.

Hôm nay, còn bao người vẫn trên đường rong ruổi.

Thiên Chúa đồng hành với họ mà họ chẳng hay.

Họ đã ở gần Chúa ngay khi chưa gặp Ngài.

Lễ Chúa Hiển Linh mời ta nhận ra và trân trọng

hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em ngoài Kitô giáo.

Có khi chúng ta giống các thượng tế và kinh sư

tự mãn với cái biết lý thuyết của mình về Thiên Chúa,

nên chẳng muốn lên đường gặp mặt Ngài.

Ước gì chúng ta không coi mình như người đã tìm thấy,

nhưng khiêm tốn học hỏi nơi những người đang tìm kiếm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

 

SAU LỄ HIỂN LINH

ÁNH SÁNG VÀ SỰ SỐNG

(Thứ Hai sau Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Mt 4, 12-17.23-25

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilê. Người rời bỏ Nazareth, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:

“Hỡi đất Giabulon và đất Naptali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilê của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilê, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng Nước Trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilê, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

Suy niệm

Từ sau lễ Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa,

Giáo Hội cho chúng ta đọc các bài Tin Mừng về việc Chúa tỏ mình.

Mỗi bài là một dịp Chúa tỏ mình cho Dân của Người.

Bài đọc hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình lần đầu tiên

tại Galilê, vùng đất có nhiều người ngoại giáo sinh sống.

Ngài tỏ mình tại Caphácnaum, một tỉnh lớn chuyên đánh cá gần hồ Galilê,

tỉnh này nằm trong địa giới của chi tộc Naptali ngày xưa.

Thánh Mátthêu thấy việc tỏ mình này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:

“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng,

những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần

nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

Như thế Đức Giêsu chính là ánh sáng rực rỡ xua tan bóng tối,

Người nâng dậy những ai đang ngồi trong cảnh chết chóc, tối tăm.

Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy điều đó (Mt 4, 23-25).

Đức Giêsu đã đi khắp vùng Galilê để làm ba việc:

dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân.

Thật ra việc dạy dỗ và việc rao giảng có thể coi là một,

nếu thế chương trình hành động của Đức Giêsu sẽ gồm giảng dạy và chữa bệnh.

Dù giảng dạy hay chữa bệnh, Đức Giêsu chỉ muốn một điều

đó là làm vơi nhẹ gánh nặng của những người đang đau khổ.

Đức Giêsu loan báo Nước Trời đã đến gần (Mt 4, 17),

và Người chứng tỏ cho thấy Nước ấy đã đến thật rồi

qua việc chữa lành moi bệnh hoạn tật nguyền của dân.

Cách đây hai ngàn năm, đã có những người bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt.

Ngày nay, dù khoa học tiến bộ, nhưng bệnh tật vẫn không tha con người.

Y khoa vẫn phải đối mặt với những chứng bệnh mới, chưa có thuốc chữa.

Con người không bị ám bởi quỷ, nhưng bởi những sản phẩm do mình làm ra.

Làm thầy dạy và làm lương y là hai nghề đặc biệt

tiếp nối công việc ngày xưa của Thầy Giêsu,

để loan báo cho thế giới hôm nay về sự sống, ánh sáng và hy vọng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

xin cho đất nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã Phục Sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

 

 

AI NẤY ĐƯỢC NO NÊ

(Thứ Ba sau Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Mc 6, 34-44

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.

Suy niệm

Trên thế giới hiện nay có gần một tỷ người đói ăn,

Và nhiều nơi ở châu Phi vẫn có bao trẻ thơ chết đói.

Có người coi tôn giáo là duy tâm, sống lơ lửng với những ý tưởng đẹp,

và loay hoay với chuyện cứu rỗi linh hồn.

Nhưng Thiên Chúa ta gặp trong Kinh Thánh

lại là một Thiên Chúa để ý đến cái đói của thân xác con người.

Thiên Chúa ấy đã cung ứng manna, thịt chim cút và nước uống

cho dân Người trong cuộc hành trình tiến về Đất hứa,

mà Đất hứa này là vùng phì nhiêu, nơi chảy sữa và mật.

Thiên Chúa ấy được coi là người mục tử

dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, đến suối nước trong lành.

Đức Giêsu cũng chẳng làm khác với Cha của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài tỏ mình ra như người mục tử.

Khi thấy đoàn dân bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt,

Ngài qui tụ họ lại bằng cách dạy dỗ họ nhiều điều.

Nhưng khi chiều xuống, Ngài cũng biết họ cần ăn.

Lo cho chiên được no là nhiệm vụ của người mục tử.

Đức Giêsu đã muốn các môn đệ cộng tác trong việc nuôi ăn này:

“Chính anh em hãy cho họ ăn!”

Với tất cả những gì môn đệ có, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá,

năm ngàn người đã được ăn no và còn dư mười hai thúng đầy.

Chiều hôm đó, cỏ như xanh hơn vì lòng người vui rộn rã.

Qua phép lạ lớn này, Đức Giêsu tỏ mình ra cho đám đông dân chúng.

Đây là phép lạ của sự bẻ ra và được nhân lên.

Chẳng phải Thầy Giêsu mới là người bẻ ra và trao đi cho các môn đệ.

Chính các môn đệ cũng đã làm như thế cho đoàn dân.

Bẻ ra và trao đi là điều kiện để giải quyết nạn đói của thế giới hôm nay.

Chỉ có thể xóa nạn đói nghèo bằng sẻ chia và liên đới.

Đừng sợ nếu bạn chỉ có ít cá và bánh, ít thời giờ, tiền bạc, khả năng.

Hãy trao vào tay Chúa tất cả những gì bạn có và để Người định liệu.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

 

ĐẾN VỚI CÁC ÔNG

(Thứ Tư sau Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Mc 6, 45-52

Khi ấy, Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bétxaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng

như một người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.

Ngài xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.

Ngài bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước,

Còn Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.

Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.

Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.

Hãy cảm được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.

Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha,

nhưng Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.

Ngài đang ở trên mặt đất vững vàng,

còn họ phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.

Hãy chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.

Ngài “đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.

Ngài đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.

Ngài đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển

Ngài đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.

Ngài đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Ngài bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.

Chúng ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.

Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.

Chúng ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ,

giữa những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.

Ngài đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.

Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời,

nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.

Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên

cũng là một kinh nghiệm đáng quý.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa

ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.

Chúa hiện diện lặng lẽ

như tấm bánh nơi nhà Tạm,

nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,

những người sống không ra người.

Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,

nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người

gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.

Chúa hiện diện nơi Giáo Hội

gồm những con người yếu đuối, bất toàn,

và Chúa cũng ở rất sâu

trong lòng từng Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa

đang tạo dựng cả vũ trụ

và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.

Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người

vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.

Xin cho con khám phá ra

Chúa đang hẹn gặp con

nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.

Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,

thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.

Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa

trên bước đường đời của con. Amen.

 

 

TRẢ LẠI TỰ DO

(Thứ Năm sau Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Lc 4, 14-22a

Khi ấy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức,

công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình.

Ngài không tỏ mình cho một đám đông trong hoang địa,

nhưng tỏ mình cho người dân làng Nadarét, tại hội đường của họ.

Thánh Luca đã muốn chọn Nadarét thay vì Caphácnaum

làm nơi Đức Giêsu bày tỏ con người và chương trình hành động của Ngài.

Nadarét là một ngôi làng nhỏ, chẳng có gì nổi bật (x.Ga 1, 46),

nhưng ở đây, Con Thiên Chúa làm người đã sống hơn chín phần mười đời mình

như một người thợ (Mc 6, 3), con của một ông thợ khác (Mt 13, 55).

Ở đây, Đức Giêsu đã lớn lên từ từ về mọi mặt (Lc 2, 40).

Bé Giêsu, cậu Giêsu, chú Giêsu rồi ông Giêsu.

Ngài sống như một người bình thường, không có hào quang trên đầu,

cũng không làm nhiều phép lạ như các sách ngụy thư đã kể.

Hôm nay, Đức Giêsu trở lại làng xưa, nơi có biết bao kỷ niệm.

Vì là ngày sabát, theo thói tục, Ngài đến hội đường.

Ông trưởng hội đường đã mời Ngài đọc sách thánh và diễn giải.

Hãy ngắm nhìn cử chỉ đĩnh đạc của Đức Giêsu.

Ngài đứng lên, nhận cuộn sách, mở ra;

sau khi đọc, Ngài cuộn sách, trả lại và ngồi xuống.

Đức Giêsu đã cố ý chọn đoạn sách Isaia 61, 1-2

Ngài thấy đoạn sách thánh đó nói về mình, về sứ vụ tương lai:

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”

Như thế chính Ngài nhận mình là Đấng có Thần Khí Chúa ngự trên,

nhận mình là Mêsia, Đấng được xức dầu để thi hành một sứ mạng.

Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo và công bố ( Lc 4, 18-19).

Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh trong xã hội:

người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù lòa, bị áp bức.

Đức Giêsu như đến để mở một Năm Thánh đặc biệt, Năm hồng ân.

Ơn nổi bật là ơn trả lại tự do cho tù nhân và cho người bị áp bức (aphesis).

Vẫn luôn có những người tự nhốt mình trong nhà tù của thành kiến, thói quen…

Xin được ơn tự do để thoát khỏi sự chi phối của cái tôi ích kỷ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.

 

 

HÃY ĐI TRÌNH DIỆN TƯ TẾ

(Thứ Sáu sau Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Lc 5, 12-16

Khi ấy, Ðức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

Suy niệm

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vừa tỏ mình, vừa giấu mình.

Ngài giấu mình khi Ngài ra lệnh cho người phong không được nói với ai.

Nhưng hẳn anh ấy cũng khó giữ kín chuyện này, khi anh đi gặp các tư tế.

Thế nên cuối cùng tiếng đồn về Ngài đã lan ra,

khiến người ta nô nức, lũ lượt kéo đến với Ngài (c. 15).

Đức Giêsu đã không thể giấu mình trước đám đông dân chúng.

Ngài lôi cuốn họ như một vị giảng thuyết và như một người chữa lành.

Con người mãi mãi cần sức mạnh tinh thần và sức khỏe thân xác.

Đức Giêsu đem đến cả hai điều ấy cho hạnh phúc con người.

Hãy nhìn người phong, mình anh đầy những vết lở loét.

Anh đến với Đức Giêsu, sấp mặt xuống nài xin.

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.12).

Lời nguyện của người phong là lời cầu xin mẫu mực cho ta.

Dĩ nhiên là anh ấy rất muốn được khỏi căn bệnh nan y này,

căn bệnh đã làm tan nát thân xác anh và cả cuộc đời anh,

Hơn nữa, nó còn bắt anh trở nên kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo.

Nhưng anh vẫn không để ước muốn quá đỗi bình thường của mình lấn lướt.

Anh đặt ước muốn ấy dưới ước muốn của Đức Giêsu.

“Nếu Ngài muốn!” nghĩa là Ngài có thể và có quyền không muốn.

Anh để cho Đức Giêsu được tự do muốn điều Ngài muốn.

“Ngài có thể làm tôi được sạch: anh tin vào khả năng của Ngài,

khả năng làm cho những vết lở loét kia biến mất.

Chính khi Đức Giêsu được tự do, được tin cậy và phó thác,

thì dường như Ngài không thể từ chối được nữa.

“Tôi muốn, anh hãy được sạch.”

Đức Giêsu tẩy sạch anh bằng một ước muốn được nói ra lời,

kết hợp với một cử chỉ đầy yêu thương là đưa bàn tay ra đụng vào anh.

Khi cầu xin, bạn hãy để cho Chúa được tự do giúp bạn,

theo ý muốn của Chúa, theo cách của Chúa, vào lúc của Chúa.

Đừng dạy Chúa phải làm gì, vì Chúa biết điều tốt nhất cho bạn.

Cầu nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

 

 

MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐẾN VỚI ÔNG

(Thứ Bảy sau Lễ Chúa Hiển Linh)

Lời Chúa: Ga 3, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đến miền đất Giuđê, Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Còn Gioan, đang làm phép rửa tại Ênon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, người ta đến và chịu phép rửa; vì lúc đó, Gioan chưa bị tống ngục.

Bấy giờ, xảy ra cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan và được Thầy làm chứng cho, thì kìa ông ta đang làm phép rửa và mọi người đều đến với ông ấy!”

Gioan trả lời rằng: “Không ai có thể nhận được gì, nếu không do trời ban cho. Chính các anh đã làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đi trước Người. Ai có vợ, người ấy là chồng, còn bạn của chồng đứng đó mà nghe và vui mừng hớn hở vì nghe tiếng nói của người chồng. Đó chính là niềm vui trọn vẹn của tôi. Người phải lớn lên, còn tôi phải bé đi”.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình

tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.

Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa.

Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria,

Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa

cho những người đến với ông.

Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau,

được làm bởi hai người khác nhau.

Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này.

Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn.

Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó

và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui:

“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).

Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng,

người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26),

bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.

Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.

Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu,

Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa..

Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:

Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28).

Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể,

vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c.29).

Cựu Ước coi dân Israel là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).

Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).

Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng.

Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.

Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa,

thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình,

sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.

Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy,

niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c.29).

Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông.

Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.