Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 17 Thường Niên

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 17 Thường Niên

Chúa Nhật Tuần 17 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 17 Thường niên.

Thứ Ba tuần 17 Thường niên.

Thứ Tư tuần 17 Thường niên.

Thứ Năm tuần 17 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 17 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 17 Thường niên.

 

VUI MỪNG BÁN TẤT CẢ

Chúa Nhật Tuần 17 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 13, 44-46

Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Suy niệm

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.

Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ

tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.

Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,

có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.

Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:

ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua…

Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc

hay ngần ngại giằng co.

Tất cả diễn ra thật nhanh

và tràn ngập niềm vui thanh thản.

Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào

khi chiếm được kho báu và viên ngọc.

Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.

Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.

Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.

Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,

có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.

Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,

nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.

Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,

chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này

là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.

Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,

Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,

chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,

xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.

Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,

dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.

Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.

Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,

và Nước Trời là kho báu không?

Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình

và ngây ngất trước giá trị của chúng,

người ấy mới hồn nhiên và vui tươi

đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này

để lấy kho báu bất diệt trên trời (x. Mt 6,20).

Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,

qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,

tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,

hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:

tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình

để mua lấy tình bạn với Ngài không?

Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả

thì chỉ vì ta chưa thấy.

Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,

ắt ta sẽ thấy.

Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

TẤT CẢ BỘT DẬY MEN

Thứ Hai tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 31-35

Khi ấy Đức Giêsu giảng dạy dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Tất cả các điều ấy, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ:

Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,

công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.”

Suy niệm

Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm.

Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ?

Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng?

Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát,

vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội?

Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610),

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này.

Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa,

cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp.

Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm,

và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên.

Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ,

Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa.

Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo,

quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.

Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.

Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.

Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn.

Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.

Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn.

Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.

Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột

Qui trình lên men đòi hỏi thời gian.

Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra.

Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn dấu và tác động của men trong bột.

Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi.

Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.

Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.

Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé,

nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.

Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ.

Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc,

tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào,

chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo

trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.

Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột.

Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu.

Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.

Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon,

nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ,

chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn…

thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

CHÓI LỌI NHƯ MẶT TRỜI

Thứ Ba tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 36-43

Khi ấy, các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

Suy niệm

“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?

Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).

Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự

khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.

“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”

Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?

Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.

Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).

Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.

“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).

Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,

con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.

Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,

sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.

Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,

khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).

Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.

Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,

vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,

và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.

Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.

Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.

Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,

và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.

Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.

Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác.

Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng?

Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.

Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.

Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,

có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.

Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.

Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.

Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.

Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.

Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,

không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.

Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.

Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.

Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.

Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,

và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.

VUI MỪNG BÁN TẤT CẢ

Thứ Tư tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 44-46

Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Suy niệm

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.

Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ

tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.

Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,

có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.

Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:

ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua…

Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc

hay ngần ngại giằng co.

Tất cả diễn ra thật nhanh

và tràn ngập niềm vui thanh thản.

Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào

khi chiếm được kho báu và viên ngọc.

Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.

Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.

Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.

Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,

có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.

Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,

nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.

Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,

chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này

là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.

Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,

Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,

chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,

xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.

Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,

dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.

Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.

Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,

và Nước Trời là kho báu không?

Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình

và ngây ngất trước giá trị của chúng,

người ấy mới hồn nhiên và vui tươi

đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này

để lấy kho báu bất diệt trên trời (x. Mt 6,20).

Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,

qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,

tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,

hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:

tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình

để mua lấy tình bạn với Ngài không?

Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả

thì chỉ vì ta chưa thấy.

Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,

ắt ta sẽ thấy.

Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

CÁ TỐT CHO VÀO GIỎ

Thứ Năm tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 47-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả mới lẫn cái cũ”.

Suy niệm

Dụ ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối cùng

trong một chuỗi bảy dụ ngôn của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu.

Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế,

và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).

Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời.

Có khi là hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn người gieo giống,

dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay dụ ngôn hạt cải.

Có khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử.

Có khi là hình ảnh về ngư nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới.

Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê.

Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay.

Những ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ.

Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu có cá đang đi.

Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.

Một chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu.

Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu,

đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).

Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu,

như được ám chỉ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ,

gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu.

Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá như vậy (c. 48).

Tương tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện

để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính (c. 49).

Như thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo.

Không phải mọi Kitô hữu đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi.

Có những Kitô hữu không sinh trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột,

bởi thử thách gian nan hay mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22).

Có những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa! (Mt 7, 21-23),

vẫn nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ,

nhưng lại không thi hành ý muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác.

Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).

Có những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).

Như thế gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ.

Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48).

Thời nay chúng ta không thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi,

như chuyện tận thế, chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt.

Chúng ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng,

đến độ có vẻ như hỏa ngục chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.

Nhưng dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa,

cá xấu bị tách khỏi cá tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.

Cuối cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng của sự dữ,

và Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

ĐỨC GIÊSU VỀ QUÊ

Thứ Sáu tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao? và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm vói chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Suy niệm

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,

có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.

Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.

Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.

Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.

Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.

Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),

và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.

Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.

Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.

Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.

Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.

Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.

Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.

Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,

nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.

Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.

Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.

Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.

Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.

Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.

Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,

Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.

Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).

Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.

Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.

Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.

Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).

Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.

Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?

Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?

Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.

Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến

khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.

Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?

Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.

Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.

Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.

Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,

để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

VÌ ĐÃ TRÓT THỀ

Thứ Bảy tuần 17 Thường niên

Lời Chúa: Mt 14,1-12

Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Ðó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ ông Philipphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với nhà vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một vài điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Ðức Giêsu.

Suy niệm

Theo các sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.

Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.

Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias,

một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình.

Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp

giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp,

người anh cùng cha khác mẹ với mình.

Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.

“Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4).

Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).

Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công.

Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả.

Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng.

Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục.

Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.

Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.

Chuyện cô công chúa như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,

là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể đã xảy ra.

Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).

Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng suốt, tỉnh táo,

khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm theo lời thề với cô.

Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề hứa ban cho (c. 7).

Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.

Ông đã không lường được hậu quả của chuyện đó.

Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.

Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm.

Hêrôđê hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy.

Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9).

Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết hay không giết Gioan.

Đám đông quan khách tạo một áp lực vô hình trên ông.

Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên ông không dám rút lại.

Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.

Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự và cái ghế của mình hơn.

Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.

Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại?

Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác?

Rút lại một lời hứa có khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy.

Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…

Đúng hơn là ông sợ mất chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình.

Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai.

Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn mình vẫn đúng.

Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi.

Cầu nguyện

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,

xin cho con trở nên mù lòa

vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

ánh sáng phá tan bóng tối trong con

và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do.

 

print