Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 22 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 22 Thường Niên

Chúa Nhật 22 Thường niên, năm A..

Thứ Hai tuần 22 Thường niên.

Thứ Ba tuần 22 Thường niên.

Thứ Tư tuần 22 Thường niên.

Thứ Năm tuần 22 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 22 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 22 Thường niên.

 

NẾU ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI

Chúa Nhật 22 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 16, 21-27

Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

Suy niệm

Ðức Giêsu đã gặp nhiều cám dỗ trong đời.

Cám dỗ bởi ma quỷ trong sa mạc.

Cám dỗ bởi đám đông đòi xem phép lạ từ trời.

Cám dỗ bởi nhiều người thách xuống khỏi thập giá.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy

Ðức Giêsu bị cám dỗ bởi chính Phêrô,

người mà Ngài đã đặt làm nền tảng cho Hội Thánh.

Cơn cám dỗ này nguy hiểm biết bao,

vì đến từ tình thương của một người môn đệ.

Phêrô không thể nào chấp nhận được

chuyện Ðấng Mêsia phải chịu khổ đau và chịu chết.

Ðức Giêsu đã mạnh mẽ chống lại cơn cám dỗ này.

Ngài nói với ông như nói với Xatan trước đây:

“Xatan, lui lại đàng sau Thầy!”

Phêrô đã đi trước Thầy.

Ông quên mất vị trí đi sau của người môn đệ.

Ông không ngờ mình trở nên viên đá làm Thầy suýt vấp.

Lối nghĩ của Phêrô rất tự nhiên, rất “người”,

nhưng đó không phải là lối nghĩ của Thiên Chúa.

Dần dần ông mới chấp nhận số phận bi đát của Thầy

và dám mất tất cả vì Thầy.

Sống ở đời ai cũng tranh phần được, và sợ mất.

Vấn đề là phải xác định xem

đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn,

đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất.

Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu,

vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời:

mất công, mất của, mất thì giờ,

mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng nữa.

Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả.

Mọi sự họ mất vì Thầy Giêsu, họ đều được lại.

Mất tạm thời để giữ được mãi mãi.

Từ bỏ chính mình là để tìm lại

cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống,

đến nỗi dám chấp nhận cái chết.

Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình

hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

Lắm người tưởng mình được, hoá ra lại mất

Lắm người vui lòng mất, hoá ra lại được.

Chúng ta cần suy nghĩ sâu về cái được, cái mất,

để không phải hối hận sau này.

Ðức Giêsu đã mất tất cả và đã được lại tất cả.

Ðó là lý do khiến chúng ta dám từ bỏ, hy sinh,

dám vượt lên trên lối sống thực dụng, ích kỷ.

Không cần đợi sau cái chết, ta mới thấy mình được.

Bình an, niềm vui, triển nở trong tự do và yêu thương

là những cái được ta có ngay từ đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,

xin dạy chúng con biết chiến đấu

trong cuộc chiến mỗi ngày

để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của thập giá,

xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng

chúng con không thể nên hoàn thiện

nếu như không biết từ bỏ chính mình

và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,

không gì có thể làm cho chúng con

khổ đau và khóc lóc

chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,

là hy vọng hạnh phúc bất diệt,

là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;

xin lấy niềm vui của Người

mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ

và trở thành mối dây yêu thương,

bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.

(Thánh Têrêxa Calcutta)

TRẢ LẠI TỰ DO

Thứ Hai tuần 22 Thường niên

Lời Chúa: Lc 4, 16-30

Khi ấy, Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức,

công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Israel vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi.” Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu

đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sabát (c. 16),

Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),

nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai

cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.

Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.

Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.

Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),

và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),

Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.

Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.

Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…)

Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,

nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.

Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu?

Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.

Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.

Đó là những người nghèo sức khỏe,

họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xatan (Lc 13, 16),

Đó là những người nghèo đời sống tâm linh,

họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.

Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.

Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.

Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.

Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).

Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác,

đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ.

Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.

Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.

Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.

Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.

Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.

Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).

Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).

Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.

Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.

Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng

Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.

Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.

Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.

Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu,

hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.

Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.

Cầu nguyện

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,

xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con.

LỜI CÓ UY QUYỀN

Thứ Ba tuần 22 Thường niên

Lời Chúa: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Đức Giêsu xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì Người nói năng có thẩm quyền.

Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người, và họ nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Suy niệm

Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,

diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).

Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,

bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).

Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,

vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.

Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,

chuyện chúng tôi can gì đến ông? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”

Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.

Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.

Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.

Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.

Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,

mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).

Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.

Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).

“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này!”

Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,

vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.

Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.

Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.

Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.

Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,

nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).

Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.

Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.

Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.

Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.

Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,

chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.

Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.

Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.

Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.

Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.

Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.

Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.

Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.

Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.

Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.

Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.

Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG

Thứ Tư tuần 22 Thường niên

Lời Chúa: Lc 4, 38-44

Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Ðức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.

Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Ðấng Kitô.

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Ðám đông tìm Người, đến tận nơi Người đang ở và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.

Suy niệm

Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.

Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.

Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).

Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.

Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.

Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.

Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.

Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).

Lập tức cơn sốt phải rút lui.

Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.

Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.

Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,

làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.

Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.

Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,

người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.

Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).

Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.

Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.

Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.

Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,

Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.

Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,

Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.

Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.

Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).

Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,

là những điều có thể giữ chân người tông đồ.

Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,

Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.

Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.

Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.

Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.

Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa

cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).

Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.

Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…

Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.

Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.

Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.

Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

TỪ NAY ANH SẼ BẮT NGƯỜI

Thứ Năm tuần 22 Thường niên

Lời Chúa: Lc 5, 1-11

Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Suy niệm

Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.

Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.

Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,

là những con cá quẫy đuôi trong lưới,

là gia đình cần phải chăm nom.

Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.

Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,

nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,

và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,

một đại dương bao la hơn nhiều,

một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.

Chỉ Chúa mới có thể

làm trái tim ông say mê một Ai khác,

yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.

Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.

Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.

Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,

Simon có nhiều lý do để khước từ.

Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình

để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,

hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.

Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,

Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).

Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).

Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.

Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,

và nhận ra Ðấng ở gần bên.

Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:

“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”

Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.

Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.

Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.

Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.

Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa,

để cho Chúa tự do lôi kéo mình.

Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến.

Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá,

ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.

Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc,

khỏi những điều tưởng như không thể đổi.

Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

CHÀNG RỂ Ở VỚI HỌ

Thứ Sáu tuần 22 Thường niên

Lời Chúa: Lc 5, 33-39

Khi ấy, những người Pharisêu và những kinh sư nói với Đức Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Ðức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Ðức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với cũ. Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm hư bầu, rượu sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: Rượu cũ ngon hơn.”

Suy niệm

Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,

ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.

Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã.

Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa,

đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu.

Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).

Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ,

như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu.

Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện.

“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống!” (c. 33).

Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.

Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.

Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.

Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay.

Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).

Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,

nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.

Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân

cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.

Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.

Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ.

Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)

Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,

bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.

Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.

Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).

Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.

Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).

Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui Phục Sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.

Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).

Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố.

Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.

Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,

nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).

Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.

Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.

Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:

“Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc,

thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…

Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,

thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”

Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự Phục Sinh.

Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.

ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM

Thứ Bảy tuần 22 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 1-5

Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” Ðức Giêsu trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sabát.”

Suy niệm

“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”

“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”

“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”

Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”

Câu chuyện đơn giản như sau:

Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.

Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.

Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).

Nhưng vì đó là ngày sabát, nên lại không được phép làm.

Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sabát thôi (34, 21).

Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,

bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.

Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sabát.

Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.

Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.

Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.

Đó là chuyện vua Đavít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,

khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).

Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)

mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),

khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sabát.

Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.

Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.

Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,

dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.

Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.

Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sabát (c. 5).

Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sabát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.

Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sabát theo đúng ý Thiên Chúa.

Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.

Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,

sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.

Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.

Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).

Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).

Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.

Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.

Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu

để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.

Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?

Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

con được no nê mà vẫn thiếu ăn,

vì bên con còn có người đói lả.

Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,

vì bên con còn có người đang khát.

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,

vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,

vì bên con còn có người mù tối.

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,

vì bên con còn có người trần trụi.

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,

vì bên con còn có bao người thiếu thốn.

(Myrtle Householder)