Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên

Chúa Nhật 26 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 26 Thường niên.

Thứ Ba tuần 26 Thường niên.

Thứ Tư tuần 26 Thường niên.

Thứ Năm tuần 26 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 26 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 26 Thường niên.

 

HỐI HẬN NÊN LẠI ĐI

Chúa Nhật 26 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 21, 28-32

Một hôm, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.

Suy niệm

“Người thu thuế và gái điếm vào Nước Trời trước các ông.”

Lời nói của Ðức Giêsu như một trái bom nổ

trước mặt các thượng tế, kinh sư, pharisêu,

những người đáng kính vì đạo đức và học thức,

những người đáng trọng vì chức vụ.

Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi

lại có thể qua mặt các bậc đáng kính như vậy?

Ðức Giêsu đã soi sáng trước bằng một dụ ngôn.

Người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho.

Ðứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm.

Ðứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi.

Con thứ tượng trưng cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo.

Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật.

Tiếc thay chính sự đạo đức của họ

lại làm cho họ tự mãn và khép kín

đến nỗi không thể tin vào Ðức Giêsu

và đón lấy Ngài như quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa.

Ðứa con cả tượng trưng cho những người tội lỗi,

những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo.

Ðời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn.

Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ khiêm tốn

và dễ dàng hoán cải trước lời mời của Gioan.

Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Ðức Giêsu

và gặp được ơn cứu độ trước nhiều người khác.

Ði làm hay không đi làm vườn nho

đồng nghĩa với tin hay không tin vào Ðức Giêsu.

Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống.

Niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động.

“Chúng tôi phải làm gì, dân chúng hỏi Ðức Giêsu,

để được gọi là làm việc của Thiên Chúa?”

“Làm việc của Thiên Chúa là tin vào Ðấng Ngài sai đến”

Ðó là câu trả lời của Ðức Giêsu (Ga 6,28-29).

Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc.

Niềm tin vào Ðức Giêsu

đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ.

Giới lãnh đạo Do Thái Giáo sợ tin vào Ðức Giêsu.

Họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi,

sợ phải thay đổi quan niệm của họ về Thiên Chúa.

Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin.

Lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài:

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).

Lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng

nhưng là một tuyên xưng bằng cuộc sống:

“Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa,

là sẽ được vào Nước Trời,

nhưng là kẻ làm ý Cha Thầy” (Mt 7,21).

Tôi phải tránh lối giữ đạo hình thức:

có tiếng là Kitô hữu, nhưng lại không thuộc về Ðức Kitô,

bởi có một khoảng cách rất xa

giữa điều tôi tuyên xưng và điều tôi sống.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

sám hối không phải là điều dễ dàng,

bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng

khi thấy Chúa là Đấng vô tội

mà lại đứng chung với các tội nhân,

chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

lối nghĩ và lối sống của mình,

tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

dám đi đến những hành động cụ thể,

và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

niềm vui của Giakêu,

hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

NGƯỜI NHỎ NHẤT

Thứ Hai tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 46-50

Khi ấy, các môn đệ suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. Ðức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một trẻ nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” Ông Gioan lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không đi theo Thầy cùng với chúng con.” Ðức Giêsu bảo ông: “Ðừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

Suy niệm

Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.

Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?

Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.

Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,

nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,

cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.

Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.

Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.

Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.

Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.

Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.

Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:

“Trong các ông, ai là người lớn nhất?” (c. 46).

Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,

nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)

Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:

ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.

Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).

Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,

và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.

Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,

ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.

Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn

thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,

và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.

Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.

Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,

bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.

“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”

Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?

Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.

Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng

mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.

Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.

Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.

Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.

Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.

Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,

để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,

nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).

Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.

Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.

Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,

sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.

Cầu nguyện

Lạy Cha,

xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau

không chút thành kiến,

và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau,

xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua

những tự ái nhỏ nhen,

những tham vọng ích kỷ

và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,

để tìm kiếm chân lý

ở mọi nơi và mọi người,

nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,

xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

NHẤT QUYẾT LÊN GIÊRUSALEM

Thứ Ba tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 51-56

Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Suy niệm

Sống là lên đường.

Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến

cho thấy Đức Giêsu biết rõ con đường mình sắp đi,

và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9, 22. 44).

Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết,

là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh.

Đức Giêsu cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta.

“Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51).

Lên Giêrusalem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc,

cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu,

bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát.

Giêrusalem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo,

những người đang âm mưu bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu.

Muốn được sống yên thân, Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy,

chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Galilê.

Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ

là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy.

Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến:

“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi,

vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33).

Giêrusalem là nơi Đức Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục,

nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài được Phục Sinh và rước lên trời (c. 51).

Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27).

Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari.

Giữa người Do Thái và người Samari có sự xung khắc.

Người Do Thái khinh người Samari, người Samari thù người Do Thái.

Chính vì thế khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ,

người dân một ngôi làng Samaria đã từ chối tiếp đón.

Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17),

đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy.

Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12),

“khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54).

Nhưng Thầy Giêsu, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông.

Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình.

Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29).

Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình?

Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt,

cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người.

Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này.

Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực.

Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay.

Chúng ta không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.

Thầy Giêsu và các học trò đã đi sang làng khác (c. 56).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)

TRƯỚC ĐÃ

Thứ Tư tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 57-62

Đang khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Suy niệm

Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.

Theo đạo là theo một con đường.

Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).

Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,

con đường đất quanh co trong xứ Palestine

hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.

Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).

Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.

Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.

Chúng ta chẳng biết họ là ai,

cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,

nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,

để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.

Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.

Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.

Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,

lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.

Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,

là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).

Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,

chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.

Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn

trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.

Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện

cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.

Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.

Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),

nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.

Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.

Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!

Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ

trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.

Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.

nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.

Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.

Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,

không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,

cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,

để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.

Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.

Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…

Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.

Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?

Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?

Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.

Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,

tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

NHƯ CHIÊN CON

Thứ Năm tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 10, 1-12

Khi ấy, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’. Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần’. Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđom còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

Suy niệm

Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi trước,

từng hai người một, vào mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến.

Sứ mạng dọn đường này không dễ chút nào.

Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ.

“Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3).

Chiên con trở nên hình ảnh của người môn đệ,

yếu đuối, không có khả năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn.

Chính Đức Giêsu cũng là Chiên Con được Thiên Chúa sai đi.

Chính Ngài cũng “như chiên bị đem đi làm thịt,

như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).

Người môn đệ được sai vào thế giới mãi mãi thấy mình mong manh,

trước thế lực tưởng như không thể thắng nổi của sự dữ.

Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều:

không túi tiền, không bao bị, không giầy dép,

dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình.

Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác.

Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận.

Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh,

liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ.

Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn.

Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc.

Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ

qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8),

cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7).

Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).

Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8),

thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện.

Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối,

khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.

Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị.

Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay.

Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần,

với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh.

Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.

Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.

Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín,

và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc?

Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình?

Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống,

như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung,

và làm việc như một người thợ để phục vụ.

Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta).

KHỐN CHO NGƯƠI

Thứ Sáu tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 10, 13-16

Khi ấy Chúa Giêsu nói rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vậy thì, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy”.

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,

Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ

nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.

Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.

Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.

Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.

Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),

và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.

Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng

và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.

Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.

Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.

Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!

Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên

với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).

Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.

Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.

Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,

dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37; 7,10).

Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).

Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!

Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.

Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).

Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),

thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.

Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,

vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,

những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.

Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,

chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.

Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,

nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.

Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?

Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,

đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?

Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,

là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.

Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta

những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.

để khi thấy con, người ta phải nói:

“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”

Và nếu có ai hỏi con

tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,

con sẽ trả lời

vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.

“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”

Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói:

“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,

thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào?” (Chân phước Charles Foucauld).

HỚN HỞ VUI MỪNG

Thứ Bảy tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 10, 17-24

Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Ðức Giêsu bảo các ông: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Ðây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Rồi Ðức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Suy niệm

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã sai nhóm Mười Hai

đi rao giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật (ch. 9).

Họ là những tông đồ thân tín, sống gần gũi bên Thầy Giêsu.

Nhưng vì thấy lúa chín đầy đồng, và thợ gặt thì ít,

Đức Giêsu lại sai thêm bảy mươi hai môn đệ lên đường.

Đây là một số người khá đông mà Đức Giêsu quy tụ được.

Chắc họ không luôn luôn ở với Ngài và gần gũi như nhóm Mười Hai,

vì họ còn phải vất vả lo chuyện gia đình, làm ăn,

nhưng họ vẫn được Ngài chỉ định và trao phó nhiệm vụ đi tiền trạm.

Ngày trở về của nhóm Bảy Mươi Hai là một ngày rất vui.

Họ thi nhau khoe với Thầy về chuyện họ trừ được quỷ dữ,

Họ đã có kinh nghiệm về Tên của Thầy mình.

“Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải lụy phục chúng con” (c. 17).

Những môn đệ bình thường bắt đầu vui sướng nhận thấy

họ có thể dũng cảm đối đầu với những mãnh lực đáng sợ

chỉ nhờ đặt nơi Thầy một lòng tin phó thác đơn sơ.

Đúng là Xatan đã đến ngày tàn khi Đức Giêsu xuất hiện (c. 18).

Nó bị sa xuống từ trời, và nước của nó bị đổ nhào bởi Nước Thiên Chúa.

Trước niềm vui chiến thắng của nhóm Bảy Mươi Hai,

Thầy Giêsu muốn nhắc họ về một niềm vui khác, lớn hơn nhiều.

Đó là vui vì tên họ đã được ghi trên trời (c. 20).

Khi Xatan bị tống khỏi trời, thì các môn đệ có chỗ vững vàng ở đó.

Phúc cho họ vì được ơn có tên trong sách sự sống (Pl 4,3).

Đây mới là hạnh phúc và niềm vui đích thật.

Bài Tin Mừng hôm nay đầy ắp niềm vui.

Niềm vui từ số đông môn đệ tỏa lan sang Thầy Giêsu.

Vào ngay giờ ấy, Thầy cũng bất ngờ cảm nếm niềm vui do Thánh Thần,

và môi Thầy bật lên lời cầu nguyện tự phát.

Vừa thân thiết, vừa cung kính, Thầy dâng Cha lời tạ ơn:

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha.”

Thầy Giêsu ngây ngất trước những việc Cha làm cho các môn đệ.

Tuy chỉ là những kẻ bé mọn, bình dân,

chẳng phải là những nhà khôn ngoan thông thái,

nhưng họ lại được Cha mặc khải những điều mầu nhiệm.

Cha đã vén mở cho họ tin vàoThầy Giêsu là Con của Cha.

Họ có niềm tin mà những người kiêu căng tự mãn không có được.

Thầy Giêsu khâm phục sự sắp đặt kỳ diệu của Cha:

“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (c. 21).

Chúng ta có quyền tin rằng,

vào giây phút cầu nguyện linh thiêng này,

không phải chỉ các môn đệ và Thầy Giêsu mới đầy ắp niềm vui.

Cả Chúa Cha trên trời cũng vui, cùng với Chúa Thánh Thần.

Qua lời cầu nguyện, Thầy Giêsu cho thấy Cha đang mặc khải cho môn đệ.

Và chính Thầy cũng đang mặc khải về Cha cho họ.

Đây là giây phút Cha-Con mặc khải về nhau.

Giáo Hội hôm nay cần Mười Hai tông đồ,

Nhưng cũng rất cần Bảy Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu.

Giáo Hội cần những giáo dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm

nay đã trở thành cây cao

cho chim trời rủ nhau trú ngụ.

Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,

đã làm bột dậy lên,

để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ,

các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.

Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,

người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.

Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,

cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm

vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,

nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa

trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.

Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,

gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,

trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.

Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công

vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.