Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 32 Thường Niên
Chúa Nhật 32 Thường niên, năm A.
VỪA MANG ĐÈN, VỪA MANG DẦU
Chúa Nhật 32 Thường niên, năm A
Lời Chúa: Mt 25, 1-13
Một hôm, Ðức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. Ðang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
Suy niệm
Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết.
Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình.
Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương hồi cuối tháng 5/2011 vừa qua
nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.
Cái chết đến khi mọi người đang vui vẻ chúc mừng nhau
trong bữa tiệc mừng sinh nhật của cháu bé 3 tuổi.
16 người chết vì bị kẹt lại trong chiếc tàu du lịch bị mưa to gió lớn đánh chìm.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ,
như chú rể đến lúc nửa đêm.
Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan,
hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.
Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự.
Chắc họ đã lo trang điểm cho mình.
Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn.
Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya.
Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới.
Nhưng muộn quá!
“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”
Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm,
khiến đèn của mình hết dầu.
Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan,
vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya.
Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng,
không mang dầu dự trữ.
Có đèn. Không đủ!
Ðèn cần phẳi sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ.
Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.
Mang danh là Kitô hữu. Không đủ!
Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ!
Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa.
Ðòi hỏi lớn nhất là yêu thương.
Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại,
có những người đèn đã hết dầu từ lâu…
Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.
Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung,
của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.
Cần châm thêm dầu mỗi ngày…
Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Tỉnh thức không phải là không ngủ…
Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.
Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa,
nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.
Chẳng ai biết lúc nào tận thế.
Chẳng ai biết giờ chết của mình.
Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu,
trong biến cố nào, nơi con người nào.
Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.
Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức,
khi nhận ra mình đã mê muội.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
LÀM CỚ VẤP NGÃ
Thứ Hai tuần 32 Thường niên
Lời Chúa: Lc 17, 1-6
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô nó xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!” “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù có xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.” Các tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Suy niệm
Thỉnh thoảng báo chí lại nói đến một chuyện không hay nào đó
bị coi là gây sốc hay phản cảm.
Có những chuyện tồi tệ hơn được gọi là xì-căng-đan.
Xì-căng-đan gốc là một từ Hy Lạp dùng trong Tân Ước (scandalon)
để chỉ một viên đá làm người ta vấp ngã (Rm 11, 9),
hay một duyên cớ khiến người ta phạm tội (Mt 13, 41).
Trong Giáo Hội đôi khi cũng có những xì-căng-đan.
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy đề phòng
về những xì-căng-đan trong chính cộng đoàn tín hữu.
Ngài nhìn nhận rằng không thể nào tránh được những xì-căng-đan (c. 1).
Nhưng Ngài lại rất nặng lời với người nào gây ra cớ vấp phạm đó.
Cột cối đá lớn vào cổ anh ta và xô xuống biển cho chết đi
thì tốt cho anh ấy hơn là để anh ấy làm cớ phạm tội
cho một trong những kẻ bé nhỏ này (c. 2).
Những kẻ bé nhỏ ở đây là những người môn đệ của Chúa.
Rõ ràng Đức Giêsu quý tâm hồn trong sạch của con người.
Tuy hiền lành, nhưng Ngài lại tỏ ra không khoan nhượng
với những kẻ làm gương xấu khiến người khác phạm tội.
Ngài muốn bảo vệ những kẻ yếu đuối, đơn sơ, thiếu bản lãnh.
Ngài không muốn những Kitô hữu khác lợi dụng, lôi kéo họ,
khiến họ mất đức tin, mất niềm hy vọng và mất lòng yêu mến.
Trong bài diễn từ cuối cho các kỳ mục của Êphêsô ở Mi-lê-tô,
thánh Phaolô đã khuyên các ông nên coi chừng sói dữ vào đàn chiên,
“giảng dạy những điều sai lạc, lôi cuốn các môn đệ đi theo” (Cv 20,30).
Làm cớ cho người khác phạm tội
là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú.
Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng.
Nhưng khi làm như vậy, chúng ta lại không để ý
đến những thương tổn có thể gây ra nơi lương tâm
của những người anh em yếu đuối trong cộng đoàn,
cũng như đến chuyện làm cớ cho anh em mình sa ngã (1 Cr 8, 11.13).
Thánh Phaolô nhấn mạnh: phạm đến anh em là phạm đến Đức Kitô.
Không thể vì tự do của tôi mà làm mất một người anh em
đã được Đức Kitô chết cho (1 Cr 8, 11).
Trong cuộc sống nối mạng toàn cầu hiện nay,
cái tốt và cái xấu được loan đi xa với tốc độ chớp nhoáng.
Một biến cố mới xảy ra ở đây, lập tức cả thế giới đều biết.
Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, dễ bắt chước hơn,
khiến con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, bị ảnh hưởng nặng nề.
Làm thế nào để những gương tốt được nhân lên khắp đó đây?
Làm thế nào để Giáo Hội bớt đi những viên đá làm người ta vấp ngã?
Mong có ngày một giáo dân bình thường cũng biết nhận định đúng sai
khi tiếp thu đủ thứ thông tin từ mọi nguồn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt”.
Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
“Chớ chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
“Nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến thế nào!” Amen.
(Chân phước Charles Foucauld)
ĐẦY TỚ VÔ DỤNG
Thứ Ba tuần 32 Thường niên
Lời Chúa: Lc 17, 7-10
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!”? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Suy niệm
Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Israel cũng có kinh nghiệm về việc bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Israel bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.
Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối cùng với mình không?
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Sau khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),
nhưng không như người làm công chờ lương,
cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.
Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyện
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
SẤP MÌNH TẠ ƠN
Thứ Tư tuần 32 Thường niên
Lời Chúa: Lc 17, 11-19
Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Ðang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mặt được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Ðức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Suy niệm
Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho:
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.
Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.
Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.
Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.
Cầu nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
NƯỚC THIÊN CHÚA
Thứ Năm tuần 32 Thường niên
Lời Chúa: Lc 17, 20-25
Khi ấy, người Pharisêu hỏi Ðức Giêsu bao giờ Nước Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”
Suy niệm
Từ sau khi dân Israel định cư ở đất Canaan,
Thiên Chúa được họ coi như một vị Vua cai trị mọi dân tộc.
Đặc biệt Ngài là Vua ngự giữa dân Israel để lãnh đạo và chăm sóc họ.
Các vị vua trần thế đã xuất hiện trong dòng lịch sử của Israel
như những người phục vụ cho Đức Vua, cho Nước Thiên Chúa.
Tiếc thay có những vị vua đã không làm tròn sứ mạng.
Trải qua bao triều vua của nước Israel, bao thịnh suy của đất nước,
từ sau khi lưu đầy trở về, dân chúng chỉ còn biết chờ một Đấng Mêsia.
Họ tin Đấng ấy sẽ khai mở Nước Thiên Chúa.
“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21).
Đức Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy
khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến.
Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20).
Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ.
Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động
nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu.
Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha,
khi con người được biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Đức Giêsu,
khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng.
¬¬¬Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa.
Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian.
Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên,
như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng,
Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn.
Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt.
Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm
để Nước đó được nhìn nhận bởi gần 7 tỷ người trên trái đất.
Ngày nào trên thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công,
ngày nào nhân loại còn bệnh tật nghèo đói, còn nô lệ cho vật chất,
ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu.
Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu,
chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người,
nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn.
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Cha trị đến (Mt 6, 10).
Chúng ta biết mình được mời gọi để xây dựng Nước đó trên trần gian.
Để chuẩn bị cho Ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang,
chúng ta còn bề bộn công việc phải làm.
Ngài phải có chỗ trong lòng dân tộc, giữa thế kỷ hai mươi mốt.
Nhưng trước hết Ngài phải có chỗ trong lòng chúng ta.
Xin được đón lấy Nước Thiên Chúa như trẻ thơ, như người nghèo tay trắng.
Xin được quảng đại bán tất cả để mua viên ngọc quý là Nước Trời.
Xin được chia sẻ cho Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ nhất.
Vì Nước Thiên Chúa là một tiệc vui, quy tụ mọi người từ bốn phương,
xin được mở rộng vòng tay từ bây giờ để ôm lấy cả thế giới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.Amen
ĐƯỢC ĐEM ĐI, BỊ BỎ LẠI
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên
Lời Chúa: Lc 17, 26-37
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Cũng như thời ông Nôê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót, thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơđom, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải. Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”
Suy niệm
Gần đây trong y học, người ta nói đến hội chứng Brugada.
Hội chứng này thường gặp ở nơi nam giới vùng Đông Nam Á.
Nó có thể gây tử vong bất thình lình và nhanh chóng,
cho một người khi ngủ vào ban đêm, dù trước đó anh vẫn khỏe mạnh.
Số người mắc hội chứng có tính di truyền này hiện đang gia tăng.
Đến nay người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân gây bệnh.
Sống làm người ở đời, con người phải đương đầu với bao bất ngờ.
Những điều tưởng như không thể nào xảy ra được, lại xảy ra.
Những điều đã tính toán rất cẩn thận, lại xảy ra không như ý.
Bệnh tật, rủi ro, tai nạn, và sau cùng là cái chết.
Những cái bất ngờ đến nhanh quá khiến con người không kịp trở tay.
Làm sao ta có đủ bình tĩnh để đón lấy mọi cái bất ngờ trong cuộc sống?
Kitô giáo chờ đợi một bất ngờ,
vì biết bất ngờ đó thế nào cũng đến, chỉ không biết rõ khi nào thôi.
Đó là Ngày Chúa Giêsu trở lại trái đất này
trong tư cách là Vua xét xử cả nhân loại.
Vào buổi đầu, nhiều Kitô hữu tưởng là Ngài sẽ trở lại ngay lập tức.
Nhưng dần dần họ thấy rằng Giáo Hội phải kiên nhẫn chờ đợi.
Chỉ khi chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra, tuy không rõ khi nào,
người ta mới không bị hụt hẫng khi biến cố xảy đến.
Giáo Hội đã chờ hai ngàn năm và hôm nay vẫn đang chờ.
Chờ và chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm làm nên sức sống của Giáo Hội.
Nhưng chờ đợi lâu dài cũng có thể làm người ta mỏi mòn.
Cuộc sống hàng ngày với nhịp điệu bình thường, đều đặn, êm ả,
có thể cuốn hút ta vào một vòng xoáy khó có lối ra.
Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê,
khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.”
Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy.
Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời,
thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán,
họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28).
Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại.
Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất
chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường.
Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủ
bởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng.
Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo.
Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè.
Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới.
Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35),
nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau.
Có người được đem đi, có người bị bỏ lại.
Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)?
Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.Amen
KHÔNG ĐƯỢC NẢN CHÍ
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên
Lời Chúa: Lc 18, 1-8
Khi ấy, Ðức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi.” Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nữa chăng?” Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Suy niệm
Một trong những lý do khiến người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Con người bị áp bức, khổ đau, nên kêu gào lên Chúa,
nhưng tiếng kêu thảm thiết của họ dường như chẳng được nghe.
Thiên Chúa có hiện hữu không?
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách?
Đã có bao lời cầu nguyện từ sáu triệu người Do thái
trước khi họ bị quân Đức quốc xã giết hại dã man.
Họ kêu lên cùng Chúa là Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng tại sao bây giờ Ngài lại lặng yên, để sự dữ lộng hành?
“Phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí” (c. 1).
Không nên thấy Thiên Chúa lặng thinh mà vội bỏ cuộc.
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về sự kiên trì của một bà góa.
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh thần và vật chất nơi người chồng.
Thiếu sự chở che của chồng, bà dễ bị người khác đối xử bất công.
Chính vì thế bà đã nhiều lần đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý.
Tiếc thay vị quan tòa lại không phải là người tốt.
“Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2).
Thế nên vụ kiện cứ bị ngâm trong một thời gian khá lâu.
Nhưng bà góa này quyết không nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa.
Cuối cùng, ông ta đành giải quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5).
Thiên Chúa dĩ nhiên khác hẳn viên quan tòa bất chính trên đây.
Ngài không trì hoãn việc xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý
cho những kẻ ngày đêm kêu lên Ngài (cc. 7- 8).
Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối,
nhưng vì Ngài là Đấng Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.
Trong thế giới hôm nay, sự dữ vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng ánh sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện.
Vẫn có những bà góa neo đơn phải chịu cảnh bất công.
Vẫn có những phụ nữ và trẻ em bị bóc lột và lạm dụng.
Đức tin người Kitô hữu có thể bị xao động khi nhìn vào thế giới.
Nhiều khi con người cảm thấy mình yếu đuối và bất lực.
Hãy cầu nguyện luôn, hãy kêu lên Chúa đêm ngày!
Đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những người thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao
vẫn chưa có tiếng trả lời ngay lập tức.
Cuộc chiến với những bất công trên thế giới còn kéo dài.
Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ trời,
để hoán cải lòng người từ bên trong, để xây dựng một thế giới mới.
Kiến tạo một trái đất công bằng và bác ái,
đó là ước mơ của Thiên Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta.
Xin Ngài ra tay hành động mạnh mẽ,
nhưng xin cho chúng con trở nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.
Cầu nguyện
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa. Amen