Nhìn lại chính mình

print

Nhìn lại chính mình

1. “Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người: ‘Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông’” (Ga 8,31-32). Lời của Chúa Giêsu nói với người Do Thái ngày xưa cũng là lời của Chúa đang nói với chính tôi ngày hôm nay. Sống trong một xã hội bị tục hoá, người ta dễ dàng sống giả dối để che lấp đi sự thật. Bởi vì khi chấp nhận sự thật, người ta cũng phải chấp nhận sự giả dối của mình, chấp nhận con người thật của mình với đầy những khiếm khuyết. Vì thế, trong giới hạn của mình, tôi muốn chia sẻ vài cảm nghiệm riêng về sự thật trong hoàn cảnh hiện tại.

2. Ở ngoài xã hội, khi tình hình Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, thì sự thật là một điều quan trọng và cần thiết. Người ta cần sự thật để khai báo về tình trạng của mình, đã đi đâu, đã tiếp xúc với ai, đã làm gì,… Hơn bao giờ hết, người ta mới thấy rằng sự thật là một điều hết sức quan trọng để cho xã hội được tốt đẹp. Và gần đây, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cũng đã khẳng định tầm quan trọng của sự thật trong việc giáo dục thế hệ trẻ qua việc học thật, thi thật, và nhân tài thật[1].

3. Còn trong Giáo hội, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong bài giảng lễ Chúa Nhật 22 Thường Niên vừa qua, ngài cũng nói về cái thật và cái giả. Ngày nay, người ta khó phân biệt đâu là cái thật và đâu là cái giả như người ta vẫn nói: “vàng thau lẫn lộn”. Ngài cảnh báo rằng chúng ta dễ dàng rơi vào cạm bẫy của người Biệt Phái là hình thức, là đạo đức giả. Cuối bài giảng, ngài hướng mọi người nhìn đến một sự thật tuyệt đối, đó là Đức Giêsu chết trần trụi trên thập giá vì yêu thương chúng ta[2].

4. Từ những vấn đề trong xã hội và những suy tư của Đức Tổng Giuse, tôi suy tư về sự thật trong cuộc đời của mình.

Trước đây, tôi được biết về sự thật, được khuyên dạy hãy sống thật và tôn trọng sự thật trong cuộc sống. Nhưng tôi ít quan tâm và ít để ý tới. Trong những môi trường tôi đã sống qua những năm tháng đầu đời tu của mình, tôi đã sống một cách quá hình thức, đôi khi che dấu những thói hư tật xấu, tìm kiếm những danh lợi ở bên ngoài. Hay nói một cách khác, dù đã đi tu, nhưng trước đây tôi vẫn còn sống ảo, sống giả; tôi thường tìm kiếm những thứ bên ngoài mà ít khi tìm Chúa.

5. Tôi đang trong thời gian đi mục vụ tại giáo xứ. Giãn cách xã hội nên tôi có nhiều thời gian để cầu nguyện, và quan trọng hơn hết là nhìn lại và tìm lại được chính mình. Tôi tìm đến Chúa qua Thánh lễ, các giờ kinh nguyện, qua các hy sinh, và qua những giờ thinh lặng quỳ trước Thánh Thể. Cùng với đó sự giúp đỡ tận tình của Cha Sở qua những bài giảng, những lời khuyên và gương lành. Và sau cùng là những kinh nghiệm của bản thân qua những lần đụng chạm với thực tế. Tất cả đã mang đến và giúp tôi nhận ra con người của chính mình.

6. Trong những giai đoạn đã qua, tôi có xu hướng muốn tránh né sự thật, và che phủ nó đi bằng sự giả hình của mình.

Trước đây, sự giả hình này được thể hiện qua việc tôi chưa dám sống là chính mình. Tôi thường có cám dỗ muốn được người khác công nhận. Vì thế, để đạt được sự công nhận này, tôi phải tỏ ra là một người tốt, một người hoàn hảo. Nhưng mà đâu có ai hoàn hảo ngoài một mình Thiên Chúa, chính vì thế, tôi giấu đi, lờ đi những khuyết điểm của mình hoặc là mặc cho nó những hình thức khác.

7. Sự giả hình này còn được thể hiện qua việc tôi đã chưa đủ khiêm nhường. Tôi thường có cám dỗ nghĩ rằng mình như vậy là tốt rồi, không cần phải thay đổi. Hoặc, tôi nghĩ mình được sống và giáo dục trong một môi trường tốt rồi, nên coi như đó là kiểu mẫu. Chính vì tôi chỉ thấy cái tốt của mình, nên đôi khi tôi cho phép mình cái quyền được hơn người khác, cái quyền được hãnh diện với người khác. Đó là một sự giả hình quá lớn. Khi tôi chỉ biết quy về chính mình, lúc đó tôi sẽ không nhận ra được mình là ai và mình đang ở vị trí nào. Vì thế, tôi dễ đi lạc đường. Điều cần thiết là tôi nhận ra sự thật này, để quay về đúng con đường mà Chúa đã vạch ra cho tôi: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

8. Khi chấp nhận sự thật về mình, thấy được con người thật của chính mình, thì đâu còn dám ngông nghênh với đời nữa. Lúc đó, chỉ có thể là nằm sát xuống đất. Nhưng để nhận ra được điều này không phải là dễ dàng. Bởi vì nó đòi hỏi tôi phải hy sinh, phải bỏ mình, phải đau đớn. Và hơn nữa, nó đòi tôi phải có một con tim quảng đại để lắng nghe tiếng Chúa. Suy cho cùng, giá trị của con người nằm ở ý thức phản tỉnh. Thấy điều xấu, nhận ra điều xấu nơi mình và cố gắng thay đổi để trở nên tốt hơn.

9. Chúa có cách của Chúa trong việc sửa dạy con cái của mình. Chúa biết tôi yếu đuối, mỏng giòn, thế nên, Chúa dắt tôi đi qua từng giai đoạn trong cuộc sống. Mỗi con người, mỗi môi trường, mỗi giai đoạn đều mạng lại cho tôi những giá trị tuyệt vời mà qua đó tôi thấy được bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa.

10. Ai trong đời cũng khao khát sự thật, nhưng mấy ai dám sống sự thật một cách trọn vẹn. Philatô cũng thao thức về sự thật khi hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là cái gì?” Tôi vẫn nhớ rõ câu trả lời của Cha Sở, cũng là Cha Giáo của tôi, đã xác quyết: Cái sự thật trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa nhất, đó chính là con người của Đức Giêsu Kitô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Và đó chính là gương mẫu mà tôi cần noi theo trong hành trình ơn gọi của mình.

11. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì đã giúp con nhận ra con người của mình. Con cũng cám ơn Chúa vì đã gởi đến những hoàn cảnh, những biến cố, những con người để giúp con hoàn thiện đời mình. Xin giải thoát con khỏi những giả dối, những nô lệ mà con đang mắc phải. Xin tiếp tục giúp con sống sự thật trong cuộc đời, và làm cho sự thật đó được tỏ lan nơi những môi trường và những người mà con gặp gỡ. Xin cho con nhớ rằng chỉ có một sự thật tuyệt đối và viên mãn, đó là Thầy Giêsu Chí Thánh, vị Thầy mà con hằng yêu mến và phụng sự. Amen.

Giuse Dương Linh

[1] x. https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-nguyen-kim-son-neu-giai-phap-de-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-911151.ldo

[2] x. https://www.youtube.com/watch?v=A_6MqthyTzA