Những Cột Mốc Lịch Sử Trong Sách Công Vụ Tông Đồ

Những Cột Mốc Lịch Sử Trong Sách Công Vụ Tông Đồ

Sách Công vụ Tông đồ thuật lại cho chúng ta nguồn gốc của Kitô giáo. Đức tin mới, niềm tin vào Đức Giêsu thành Nazarét bắt đầu vào một thời điểm đặc biệt trong thời gian và không gian: trong ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái và tại Giêrusalem. Chúa Thánh Thần ngự xuống trong quyền năng mạnh mẽ trên một nhóm các môn đệ Chúa Giêsu, những người xuất thân từ miền Galilê, và tác động trên họ (Cv 2). Trong phần trình bày của mình, Luca đã cẩn thận sắp đặt một cấu trúc hoàn chỉnh để trình bày sự phát triển của Kitô giáo nơi những con người, những nhóm người và những vùng địa lý khác nhau. Dòng lịch sử này được đánh dấu bằng những cột mốc, những sự kiện quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hành trình Kitô giáo tiến bước vào đời sống nhân loại đã diễn ra như thế nào. Mỗi bước tiến trên con đường này, mở rộng từ một nhóm người gốc Do Thái miền Palestine đến một đức tin lan truyền đến các vùng lương dân tiệm cận, rồi được rao giảng trên khắp thế giới Hy Lạp-La Mã. Mỗi chặng đường phát triển này được xác lập bởi một tiểu đoạn tiêu biểu, mà tác giả cho chúng ta thấy sức mạnh của Tin mừng đã tác động như thế nào nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

Điểm qua những cột mốc này chúng ta sẽ nắm được lộ trình Kitô giáo đi vào lịch sử nhân loại.

1.Giáo hội khai sinh tại Giêrusalem. Chúa Thánh Thần xức dầu cho 120 môn đệ (Cv 1,15), ban cho họ năng lực ngôn ngữ để họ loan truyền lời Chúa cho mọi người. Các môn đệ này đã lập nên một phong trào mới đầy sức sống, chinh phục nhiều người đi theo Chúa Kitô (2,1-47).

2. Ông Phêrô chữa lành một người què, nhân danh Đức Giêsu (3,1-10). Công việc này chính là tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu. Biến cố này vừa nói đến quyền năng Chúa Phục Sinh ban cho vị tông đồ, vừa bày tỏ sự thách thức đối với giáo quyền Do Thái.

3. Ông Stêphanô, một người Do Thái theo văn hóa Hi Lạp, đã trở thành vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo (6,8-7,10). Máu chứng nhân đầu tiên đã đổ ra, mở đầu cho các cuộc bách hại diễn ra suốt dòng lịch sử Kitô giáo, cho đến ngày nay. Qua biến cố này đức tin Kitô giáo lan đến các vùng lân cận.

4. Một người Hi Lạp khác là ông Philipphê, đã đem đức tin đến cho hai người dân ngoại. Những người này không phải Do Thái, nhưng là những người kính sợ Đức Chúa của người Do Thái và tuân giữ Luật Môsê: đó là thầy phù thủy Simôn sống ở Samari và viên thái giám gốc châu Phi (8,4-40).

5. Ông Saolô thành Tarsô, một người bách hại dữ dội “những người theo Đạo”, đã bất ngờ được ơn trở lại trong một thị kiến xảy ra trên đường Đamát, rồi sau đó được gọi làm tông đồ (9,1-30; xem thêm 22,6-11; 26,12-19).

6. Ông Phêrô cải hóa viên sĩ quan Rôma là Cornêliô, người ngoại đầu tiên đón nhận ơn Chúa Thánh Thần (10,1-42). Trong bài giảng tại nhà ông Cornêliô, ông Phêrô tuyên bố “Đức Giêsu Kitô là Chúa của mọi người” (10,36), đánh dấu đạo của Chúa Kitô là đạo phổ quát.

7. Những người tin Chúa Kitô đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” tại Antiôkia miền Syria. Đây là trung tâm lớn thứ hai của Kitô giáo (11,19-26). Cộng đoàn này đã được tổ chức khá chặt chẽ để rồi trở thành địa bàn để truyền giáo.

8. Ông Giacôbê con ông Dêbêđê và anh của Gioan, vị đầu tiên trong nhóm Mười Hai, chịu tử đạo tại Giêrusalem (12,1-3). Ông đã được uống chén của Thầy mình như ông đã hứa với Chúa (Mc 10,38-39). Biến cố này cũng cho thấy thế lực của thế giới cũ, biểu tượng là vua Hêrôđê vẫn tiếp tục đe dọa giáo hội non trẻ.

9. Ông Phaolô đồng hành cùng với Barnaba đã thực hiện hành trình truyền giáo đầu tiên, từ Antiôkia đến vùng Tiểu Á (nước Thổ Nhĩ Kì ngày nay) (13,1-14,28), loan truyền Kitô giáo đến với thế giới nói tiếng Hi Lạp.

10. Công đồng đầu tiên nhóm họp tại Giêrusalem, thảo luận về vấn đề những người dân ngoại đến với Kitô giáo có cần phải giữ luật Môsê hay không. Các tông đồ quyết định không thực hành phép cắt bì, và mở rộng “Đạo” cho mọi dân tộc (15,1-35).

11. Ông Phaolô thực hiện chuyến hành trình truyền giáo thứ hai từ phía tây Tiểu Á rồi lan rộng sang tới châu Âu. Ông đi khắp nước Hi Lạp, thành lập các cộng đoàn Giáo hội tại Philipphê, Thessalônica và Côrintô (16,9-18,23).

12. Ông Phaolô bị một sĩ quan Rôma bắt tại Giêrusalem (21,15-22,29). Sau hai năm ở nhà tù tại Caesarê, ông Phaolô trình diện trước Tổng trấn Festô và vua Hêrôđê Agrippa II (25,6-32), ứng nghiệm lời Chúa Phục sinh đã nói với ông rằng ông sẽ phải làm chứng “trước mặt vua chúa quan quyền” (9,15).

13. Thực thi quyền của mình là công dân Rôma, ông Phaolô được chuyển đến Rôma để xét xử. Trong thời gian ở tại nhà tù Rôma, ông Phaolô vẫn quyết tâm dành mọi nỗ lực để quy tụ những người Dân Ngoại đến với đức tin (28,16-30).

***

Trong khoảng thời gian hơn ba mươi năm là chặng đường diễn ra các biến cố trong sách Công vụ Tông đồ: từ khi Chúa lên trời cho đến khi thánh Phaolô rao giảng tại Rôma. Dòng lịch sử này đầy những biến động xã hội và những thăng trầm trong đời sống Giáo hội. Những cột mốc trên đây chắc chắn giữ ý nghĩa chủ đạo trong ý định của thánh Luca khi ngài thuật lại cho chúng ta những bước khởi đầu của Giáo hội. Đối với chúng ta hôm nay khi theo dõi những bước tiến này qua các bài đọc phụng vụ thánh lễ, chúng ta xác tín hơn về quyền năng Thiên Chúa trong chiều dài lịch sử nhân loại để cùng ca ngợi Chúa và dấn thân hơn trong sứ vụ làm chứng cho Chúa trong dòng đời hôm nay.

 

SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI HÔM NAY

 

Sách Công vụ Tông đồ là một thiên lịch sử thật sống động thật hấp dẫn về sự khởi đầu và lan rộng nhanh chóng của Kitô giáo, thông qua những chứng nhân kiệt xuất cũng là những nhân vật chủ đạo như Phêrô, Stêphanô, Philipphê, Phaolô, Barnaba…và những cộng sự viên của các ngài. Nhưng Công vụ Tông đồ không chỉ đơn thuần là cung cấp cho chúng ta tri thức lịch sử, tức là về những sinh hoạt của Giáo hội thời xa xưa. Tài liệu này còn có ý trình bày cho chúng ta một mô hình về đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, để chúng ta thực hiện hôm nay. Như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông thư về truyền giáo: “Sách Công vụ Tông đồ làm chứng về một quãng thời gian đặc biệt và có thể nói là mẫu mực cho Giáo hội về những nỗ lực truyền giáo, vốn sẽ … lưu lại dấu ấn trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội.[1] Qua chứng tá của các vị anh hùng, của những chứng nhân can đảm của Giáo hội tiên khởi, chúng ta nhận ra đường lối Chúa phục sinh hành động, trong và thông qua những con người, vốn mỏng giòn yếu đuối, và về những cách thức chúng ta có thể đáp trả những thôi thúc của Chúa Thánh Thần.

Công vụ Tông đồ mô tả Giáo hội non trẻ tràn đầy sức năng động truyền giáo. Các tông đồ, các phó tế, tiên tri và các tín hữu, vốn là những con người bình thường đều được Chúa Thánh Thần sử dụng một cách hết sức kì diệu để dẫn đưa người khác đến với Chúa Kitô, và thậm chí để thực hiện các dấu lạ điềm thiêng nhân danh Chúa. Luca cũng miêu tả những yêu cầu cần có để có thể chia sẻ sứ mạng của Chúa Kitô: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, sẵn sàng chịu đau khổ vì Tin Mừng, vâng theo Chúa Thánh Thần, lòng can đảm, lòng trung thành, đức kiên trung, lòng dũng cảm và nhiệt thành cầu nguyện. Do đó, Công vụ có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội cũng như về ơn gọi truyền giáo của mỗi chúng ta với tư cách là những tín hữu tin theo Chúa Kitô. Như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố:  “Thật vậy, truyền giáo là ơn ban và ơn gọi riêng của Giáo hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo hội; Giáo hội hiện diện để truyền giáo.”[2] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh hơn nữa trong một tông thư gửi đến tất cả các Kitô hữu: “Chúng ta phải khơi dậy trong chính mình sự thôi thúc liên lỉ của Giáo hội thuở ban đầu và cho phép chúng ta được lấp đầy tâm hồn bằng lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng sau ngày lễ Ngũ Tuần. Chúng ta phải làm sống lại nơi chính mình niềm tin cháy bỏng của Phaolô, người đã kêu lên: ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’[3] (1 Cr 9,16).”

Một lý do khác mà sách Công vụ Tông đồ luôn hợp thời, đó là bối cảnh văn hóa mà hôm nay Giáo hội đang phải đối diện, rất giống với Giáo hội thế kỷ thứ nhất hơn bất cứ lúc nào kể từ đó. Rất nhiều người trong xã hội đương đại biết rất ít, hoặc không biết gì về Chúa Kitô. Và thế giới quan của Kinh Thánh không được đón nhận trong đời sống văn hóa hiện tại. Nhiều người sống theo lối sống ngoại đạo, theo chủ nghĩa khoái lạc, tôn thờ vật chất không khác những người dân ngoại Phaolô đã gặp trong các hành trình truyền giáo của mình trên khắp đế quốc La Mã. Các mô hình xã hội hiện đại thường đi ngược lại các giá trị luân lí căn bản Kitô giáo về: phẩm giá con người, sự thánh thiêng của sự sống, lập trường của Giáo hội về hôn nhân, tính dục và gia đình. Kitô hữu thường thấy mình phải chịu áp lực của nhà nước bắt phải tuân theo những đường lối thế tục, và việc làm chứng công khai cho Chúa Kitô đôi khi gây ra những bi kịch: sự chế nhạo, thù địch hoặc thậm chí là bắt bớ.

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng sách Công vụ Tông đồ, cũng như toàn bộ Kinh Thánh, là lời của Thiên Chúa được trình bày trong ngôn ngữ con người. Để hiểu những gì Luca tác giả linh hứng muốn nhắn gửi, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp phê bình lịch sử để khám phá những ý nghĩa của cuốn sách trong bối cảnh thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Việc nắm hiểu ý nghĩa nguyên thủy giúp chúng ta tránh được lối đọc phiến diện (eisegesis), nghĩa là mạo đặt những ý kiến riêng của mình vào cho Lời Chúa. Mặt khác, vì tin nhận Thiên Chúa là tác giả cuối cùng của Sách Thánh, chúng ta hiểu rằng Công vụ Tông đồ là lời Chúa nói với chúng ta cũng như với tất cả các Kitô hữu trong cuộc sống cụ thể của  ngày hôm nay. Chúng ta đón nhận bản văn thánh đó là có thẩm quyền thiêng liêng trên đời sống chúng ta và trở thành mô hình để chúng ta tìm hiểu, học hỏi hầu có thể làm chứng về Chúa cho thế giới.

Người Công giáo giải thích Công vụ Tông đồ trong bối cảnh của toàn bộ Kinh Thánh vì văn bản này đã được làm sáng tỏ trong các tín điều, các tín biểu, khung cảnh phượng tự, các bí tích và truyền thống của Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghiên cứu các quan điểm khác của các vị thánh, các học giả và giáo huấn của Giáo hội, cả thời xưa và hiện đại, để hiểu thêm về một lập trường cụ thể nào đó. Không như một số người quá câu nệ vào môn phê bình lịch sử, chúng ta không coi giáo huấn Giáo hội là cản trở sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh, mà thay vào đó làm sáng tỏ thêm. Nghiên cứu trình thuật lịch sử đã được linh hứng này về những chặng đường đầu tiên của Giáo hội làm gia tăng niềm tin của chúng ta vào quyền năng của Thiên Chúa, khơi dậy những kỳ vọng nơi chúng ta về những gì Ngài có thể thực hiện, trong và thông qua chúng ta cho thế giới này. Mặt khác tìm hiểu những nhân vật lịch sử trong Kinh Thánh còn giúp chúng ta xác tín hơn vào đường lối bất ngờ mà Chúa Thánh Thần tác động, vào các ân ban của Ngài có thể hoạt động như thế nào trong đời sống của tất cả những ai đã dấn thân cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

—-

[1] Về Truyền giáo trong thế giới ngày nay (Evangelii Nuntiandi), 51.

[2] Ibid., 14.

[3] Novo Millennio Ineunte (Bước vào Thiên niên kỉ mới), 40.

 

print