Sách Đệ Nhị Luật

print

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT

https://www.simonhoadalat.com/

Giêrusalem năm 622. Theo lệnh của của vua Josias người ta dọn dẹp trong Đền thờ. Vị thượng tế tìm gặp “quyển sách luật” (2V.22) và Josias coi nó là “sách giao ước” (2V 23,2) rồi dùng nó làm nền tảng cho công cuộc cải cách ông đang tiến hành. Đấy là hoàn cảnh khám phá ra phần cơ bản của cái sẽ trở thành sách Đệ nhị luật.

Chính những phần cơ bản ấy cũng trải qua một lịch sử phức tạp và việc biên soạn nó trải dài nhiều thế kỷ. Do đó nó chính là cả một trào lưu tư tưởng mà ta phải tìm tòi bởi vì cách suy nghĩ về lịch sử Israel trong tài liệu ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều sách khác của Thánh kinh.

 

I. SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT HIỆN NAY VÀ LỊCH SỬ CỦA NÓ

Trong tình trạng hiện nay sách này là một chuỗi những diễn từ của Môsê. Trước khi chết, ông này nói với dân những khoản luật và những lời căn dặn cuối cùng về cách phải sống trong xứ mà họ sắp chiếm được.

Quyển sách hiện tại là kết quả của của một lịch sử lâu dài mà sau đây ta có thể tạm tóm lược thành những giai đoạn chính :

Trong vương quốc phía Bắc (nghĩa là trước biến cố Samaria sụp đổ năm 721), người ta ý thức rằng luật do Môsê ban trước kia không còn phù hợp với thực tế nữa vì nó được làm ra cho một dân du mục, còn bây giời thì đã là một dân tộc có tổ chức đàng hoàng. Có những vấn đề mới xuất hiện, chẳng hạn : cám dỗ bắt chước những cách thờ tự ngoại đạo đang thịnh hành ở Canaan, cảnh bất công do người giàu áp bức kẻ nghèo, việc gọi nhập ngũ những thanh niên vừa mới cưới vợ… Do đó cần phải điều chỉnh luật. Nói cách khác, phải “xuất bản lần thứ hai”. Chính vì thế mà dần dần có những khoản luật và những tập tục mới tạo thành hạt nhân cho quyển Đệ nhị luật.

Những Lêvi gom góp và giải thích các khoản luật và các tập tục ấy. Họ chịu nhiều ảnh hưởng của các ngôn sứ như Êlia, Amos và nhất là Hôsê. Họ thấy rõ luật mà Thiên Chúa ban cho dân không phải là một thứ khế ước bất kỳ nào đó, nhưng là một giao ước, một liên hệ tình thương, tương tự như giao ước liên kết 2 vợ chồng với nhau (Hs 1-3).

Sau khi Samaria sụp đổ năm 721, các Lêvi chạy về tị nạn ở Giêrusalem, lúc đó đương triều vua Êdêkias. Họ cũng mang theo những khoản luật ấy, rồi họ sắp xếp lại, bổ sung thêm. Họ cũng suy nghĩ về những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của vương quốc họ : đáng lý ra họ đã phải làm thế nào để trung thành với Thiên Chúa ? Do vậy mà đôi khi những khoản luật của họ chỉ thuần tuý là lý thuyết : họ muốn vạch ra một tinh thần hơn là đưa ra những quy định không còn áp dụng được nữa. Chẳng hạn như quy định cứ 7 năm một lần phải xoá nợ và phóng thích các nô lệ (Đnl 15) ; khi chiếm được một thành thì phải giết hết mọi cư dân trong đó để khỏi bị lây nhiễm tín ngưỡng của chúng (Đnl 16) ; hàng năm phải lên Giêrusalem dự 3 cuộc lễ lớn (Đnl 16) v.v… Cách riêng quy định sau cùng này là nhằm mục đích tạo lại sự thống nhất trong dân, các Lêvi muốn tập trung lại đức tin vào một nơi duy nhất có Thiên Chúa hiện diện, đó là Đền thờ Giêrusalem. Như thế các Lêvi đã gạt qua một bên vấn đề của những đền thờ xưa như Sikem và núi Garizim.

Kết quả của công trình san định lại những truyền thống mà các Lêvi mang về từ miền Bắc tạo thành phần cơ bản của sách Đệ nhị luật (những đoạn dùng chữ “ngươi” của các chương 5-26). Nhưng rồi triều vua Manassê vô đạo đã để tài liệu trên rơi vào quên lãng, nó bị bỏ xó trong Đền thờ, mãi tới năm 622 nó mới được tìm thấy lại.

Vua Josias dùng nó làm nền tảng cho cuộc cải cách chính trị và tôn giáo nhằm mục đích tái tạo một dân tộc thống nhất quanh Giêrusalem. Có lẽ vào chính thời kỳ này, hoặc sau đó, người ta đã thêm vào những đoạn dùng chữ “các ngươi” cũng như những chương đầu và cuối.

Sau cùng, sau nhiều lần sắp xếp, quyển sách này sẽ được cho vào bộ sách tổng hợp vào khoảng năm 400, tức là sách Luật, gồm 5 quyển, hoặc Ngũ thư.

Vì ý thức rằng mình trung thành với tư tưởng của Môsê, hay nói cách khác, vì cho rằng những khoản luật ghi trong sách này chính là những điều khoản mà Môsê chắc hẳn sẽ ban hành nếu như ông sống trong thời của họ, nên các soạn giả sách này đã đặt những khoản luật vào miệng Môsê, coi như là những diễn tả ông trối lại trước khi chết.

 

VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG ĐỆ NHỊ LUẬT

1) Về hình thức :

– Cú pháp rất tình cảm. Tác giả không chỉ muốn dạy dỗ mà còn thuyết phục cho người ta vâng theo luật.

– Thường hay lặp đi lặp lại. Thí dụ : Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi… Hỡi Israel, hãy nghe! Hãy nhớ ! Hãy giữ các lệnh truyền thống, các lề luật, các tập tục…

– Thường hay xen lẫn chữ “ngươi” và chữ “các ngươi”. Đây có thể là dấu cho thấy 2 giai đoạn soạn tác. Trong quyển sách hiện nay, đó là xác nhận rằng dân là một (do đó có thể gọi dân là “ngươi”). Nhưng mỗi phần tử trong dân cũng giữ cá tính của mình (do đó gọi họ là “các ngươi”).

 

2) Một số ý lực :

o Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của Israel.

o Ngài đã chọn một dân. Để đáp lại ơn được chọn ấy, dân phải yêu mến Thiên Chúa.

o Thiên Chúa đã ban cho dân một lãnh thổ, nhưng với điều kiện là dân phải trung thành với Ngài, phải nhớ ngày hôm nay đến giao ước của Ngài.

o Phụng vụ là ưu tiên để dân (một đám người được Thiên Chúa tập họp như ở Horeb xưa) nhớ và nghe theo Lời của Thiên Chúa.

 

“LẼ RA NGƯƠI PHẢI…”

Thật là dễ việc viết lại lịch sử và đưa ra phán đoán sau khi sự việc đã xảy ra : “Lẽ ra ngươi phải làm thế này… lẽ ra ngươi chỉ cần làm thế đó…” Trước những lời phán đoán như vậy người ta tự nhiên muốn cãi lại : “À giả như anh ở hoàn cảnh tôi xem sao…”. Thế nhưng nếu chính Thiên Chúa nói với ta những lời phán đoán ấy, như trong trường hợp sách Đệ nhị luật, thì sao ?

Trong tường thuật những cơn cám dỗ của Đức Giêsu, Mt và Lc cho thấy Thiên Chúa – trong Đức Giêsu – đã cư xử thế nào trong hoàn cảnh chúng ta. Thực vậy, Satan làm cho Đức Giêsu chịu lại những cơn cám dỗ của dân Do thái xưa và của chúng ta ngày nay. Và Đức Giêsu dùng những câu trong sách Đệ nhị luật để trả lời hắn : Ngài trả lời như dân Do thái lẽ ra phải trả lời và như chúng ta lẽ ra phải trả lời. Trong Ngài chính lịch sử của cân Do thái và của chúng ta rốt cuộc đạt được thành công.

Có thể yêu mến Thiên Chúa không ? Đó là câu hỏi của Đệ nhị luật. Và Tân ước trả lời : từ nay trong Đức Giêsu, mọi sự đều có thể.

 

II. MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG

Nhưng Đệ nhị luật không chỉ là một quyển sách. Người ta nói tới truyền thống Đệ nhị luật (viết tắt là D), điều đó có nghĩa là nó còn là một trào lưu tư tưởng, là một cách đọc lại lịch sử trong một hoàn cảnh cụ thể là hoàn cảnh thất bại của vương quốc phía Bắc.

Năm 587 tới phiên vương quốc phía Nam sẽ bị tàn phá. Nhiều nhà thần học khác cũng sẽ suy gẫm về sự thất bại này và cũng sẽ đọc lại lịch sử đã được viết. Khi nhúng tay san định sách Giosuê và sách Các Vua (cũng như các tác giả D đã san định sách Thủ lãnh và sách Samuel), các ký lục sẽ cố gắng cho thấy lẽ ra phải sống trung thành với Thiên Chúa như thế nào thì lịch sử Israel đã không đi theo con đường tệ hại như vậy.

 

III. VÀI BẢN VĂN ĐỆ NHỊ LUẬT

Dĩ nhiên phải đọc trọn quyển sách này mới thấy được trong đó tình thương Thiên Chúa đối với dân Ngài, mới nghe được tiếng gọi hãy đáp lời Ngài bằng cách yêu mến Ngài với trọn cả con người và suốt trọn cuộc sống hàng ngày, cũng như bằng cách yêu thương anh em mình. Nhưng trong bước đầu, bạn có thể chỉ đọc vài bản văn quan trọng sau đây :

1) Sự tuyển chọn (4,32-40) : Thiên Chúa tuyển chọn chủ yếu là do yêu thương. Đây không phải là một đặc ân, mà là một sứ mạng.

2) Shema Israel… (6): đoạn đầu của chương này đã trở thành một bài kinh của mọi người Do thái, làm thành trái tim của đức tin. Shema có 2 nghĩa: “Hãy lắng nghe” và “hãy vâng lời”. Như vậy “Hỡi Israel hãy vâng nghe, Đức Chúa là duy nhất” chính là xác quyết nền tảng. Và hệ quả là: “ngươi hãy yêu mến Đức Chúa hết tấm lòng ngươi”.

3) Cuộc sống thường ngày là một thử thách (8,1-5) : Thiên Chúa thử chúng ta để xem chúng ta có đặt trông cậy vào một mình Ngài mà thôi không. Bản văn này được lấy lại trong tường thuật các cơn cám dỗ của Đức Giêsu.

4) Luật không phải là một số điều khoản ngoại tại, mà là lời đòi buộc phải đáp trả tình yêu bằng tình yêu (10,12t).

5) Đền thờ là nơi duy nhất mà Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài (12,2-28) : mỗi năm 3 lần phải hành hương lên đấy (16,1-17).

6) Ngôn sứ đích thực (18,15-22) : Thiên Chúa loan báo Vị ngôn sứ đích thực sẽ đến. Các Kitô hữu đầu tiên coi Vị đó là Đức Giêsu.

7) “Khốn thay kẻ bị treo trên cây gỗ” (21,22) : câu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong suy nghĩ của Phaolô về Đức Giêsu bị đóng đinh (chẳng hạn hãy xem Gl 3,13).

8) Ý thức xã hội (24,14-122) : ở đây và ở nhiều chỗ khác, ta thấy sự tế nhị và tình thương của Đệ nhị luật đối với những kẻ bé mọn.

9) Lễ tạ ơn đầu mùa (26,1-11) : chúng ta sẽ đọc bản văn này sau đây.

10) Lời của Thiên Chúa trong trái tim chúng ta (30,11-20).

 

IV. NGHIÊN CỨU MỘT BẢN VĂN : LỄ TẠ ƠN ĐẦU MÙA Đnl 26,1-11

Israel đã cư ngụ ở xứ Canaan được vài thế kỷ. Họ thờ Thiên Chúa là Đấng đã can thiệp vào lịch sử. Đó là điểm mà họ tuyên xưng trong bản văn này. Thế nhưng hiện tại họ đã sống theo nghề nông và tiểu thương, điều họ quan tâm bây giờ là đất đai và súc vật sinh sản cho nhiều. Ở đây ta gặp thấy sự xung đột giữa 2 quan niệm mà ta đã từng gặp khi nói về ngôn sứ Hôsê : nên thờ Thiên Chúa của lịch sử hay thờ các thần của thiên nhiên ? “Hàng năm vào mùa thu hoạch, người Canaan cử hành lễ kính Baals, thần sinh sản và đâm chồi nẩy lộc” (chú thích của TOB). Israel cũng tiếp thu lễ nghi này, nhưng họ gán cho nó ý nghĩa gì ?

Bản văn này được soạn theo một sơ đồ giống với các thánh lễ tạ ơn của chúng ta ngày nay : dâng lễ vật – tường thuật – thờ lạy – và hiệp lễ.

Bạn hãy đọc kỹ bản văn rồi sử dụng “hộp đồ nghề” để trả lời một số câu hỏi sau :

Có những vai nào ? họ làm gì ? họ dâng gì ? Chúa có hiện diện khắp nơi không ? những nơi nào ? những kiểu nói nào lặp đi lặp đi lặp lại ? chú ý cách chơi chữ với những đại từ Ta / ngươi – chúng ta.

Khúc đầu của bàn văn chỉ nói tới “ngươi”, đến khúc cuối thì tác giả gom chung “ngươi – lêvi – kẻ di cư”. Ba vai này có gì chung nhau mà tác giả gom chung lại như thế ? (đối với lêvi, hãy xem TOB chú thích Lv 25,32w). Việc gom chung như thế có làm thay đổi liên hệ giữa “ngươi” với mảnh đất không ?

Hãy đặt bản văn vào bối cảnh tôn giáo thời đó : nó giúp giải quyết gì cho sự xung đột giữa Thiên Chúa của lịch sử và các thần của thiên nhiên ?

Nếu gặp trường hợp bạn bị bí gì thì hãy chú ý lối thoát sau đây : thông thường một bài tường thuật bắt đầu với một sự thiếu thốn nào đó, nhưng khi kết thúc thì thiếu thốn đó được tìm thấy. Ở đây có 3 tường thuật lồng vào nhau :

– c.5b : sự thiếu một lãnh thổ được đong đầy, bởi vì đã thành một dân lớn. Nhưng phần tiếp theo của bản văn cảnh giác rằng điều đó đã bị hỏng. Vì thế đối tượng phải xác định rõ hơn : một lãnh thổ tự do. Tại sao nó bị hỏng ? Câu này là câu duy nhất trong bản văn mà Thiên Chúa vắng mặt ! Phải chăng nó ngụ ý rằng một cuộc tìm kiếm mà không có Thiên Chúa thì không đưa lại kết quả chắc chắn ?

– c.6-9 : đối lại với người Aicập đã ban ách nô lệ cho người Do thái, Thiên Chúa ban cho họ một lãnh thổ tự do (hãy chú ý sự xuất hiện của chữ “chúng ta” trong một hoàn cảnh khó khăn), nhưng ở đây hình như Thiên Chúa phục vụ cho nhu cầu của dân cũng như các thần thiên nhiên.

– c.10-11 là lặp lại câu 1-4 : vì đây là thuật lại lịch sử của mình cho nên những sản phẩm của đất đai thay đổi ý nghĩa. Ban đầu thì chúng có nghĩa là “những hoa trái mà Ta ban cho ngươi” khúc sau thì chúng trở thành “những hoa trái mà Ngài ban cho con để con làm nẩy sinh“. Ở đây Thiên Chúa được nhìn nhận là Đức Chúa.

Liên quan với lãnh thổ cũng thay đổi. Người Lêvi và người di cư được hưởng lãnh thổ không thuộc về họ. “Ngươi” cũng thế ! Tất cả của cải ta hưởng không thuộc về ta, chúng được dùng để phục vụ cho hạnh phúc của ta và của tất cả mọi người.

 

NHỮNG NGÔN SỨ ĐI ĐẦU

Những quyển sách mà chúng ta gọi là “sách lịch sử”: Giosuê, Thủ lãnh, Samuel, Các Vua thì người Do thái gọi là “các ngôn sứ đi đầu” họ coi đó là những sách ngôn sứ, nghĩa là cùng loại với Isaia, Giêrêmia và các ngôn sứ khác, mà họ gọi là “những ngôn sứ đi sau”.

Thực ra đây không phải chỉ là thay đổi nhãn hiệu. Ngày nay khi một tác giả xuất bản một tác phẩm và xếp nó vào loại lịch sử hoặc triết học thì chính cách xếp loại ấy cho ta biết tác giả muốn ta đọc nó cách nào.

Như thế những quyển “ngôn sứ đi đầu” không phải là sách lịch sử. Chúng không nhằm dựng lại chính xác những biến cố đã xảy ra. Khi khoa khảo cổ chứng minh rằng thành Giêricô trên thực tế đã tan hoang trước khi Giôsuê chiếm, thì điều này cũng chẳng có gì quan trọng. Tác giả không có ý định tường thuật chính xác trận chiếm thành mà chỉ muốn giải nghĩa sự kiện đã xảy ra.

Chúng là những sách ngôn sứ, nghĩa là tác giả đã suy gẫm các truyền thống về những sự việc ấy để tìm hiểu xem những việc ấy mang sứ điệp nào của Thiên Chúa. Tác giả ít quan tâm nói về những sự việc cho bằng quan tâm khám phá xem những sự việc ấy muốn nói gì với chúng ta. Rồi trải qua nhiều thế hệ chúng lại có thể được đọc lại, được suy gẫm, được thuật lại cách khác nữa và do đó lại mang thêm những sứ điệp khác nữa của Thiên Chúa đối với những hoàn cảnh lịch sử mới.

Khi đọc sách Đệ nhị luật, chúng ta khám phá được cả một trào lưu tư tưởng. Việc soạn tác sau cùng những sách “ngôn sứ đi đầu” có lẽ được thực hiện bởi những ký lục chịu ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng này. Họ có trong tay những bài tường thuật viết sẵn. Họ viết lại, tổng hợp lại để rút ra một bài học. Sau thảm hoạ năm 587 bài tường thuật các tội lỗi của Israel và của các vua trở thành một lời kêu gọi hoán cải. Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa ban lãnh thổ, nhưng với điều kiện dân phải trung thành với Ngài. Thiên Chúa vẫn hiện diện với dân cũng như vẫn hiện diện trong Đền thờ, nhưng với điều kiện dân phải đến với Ngài, quay về với Ngài. Trong khi suy gẫm về quá khứ như vậy, các tác giả cố tìm một ánh sáng cho hiện tại và cho tương lai.