Sẵn Sàng Ra Đi Gặp Chúa

print
Sẵn Sàng Ra Đi Gặp Chúa
Chúa Nhật 19 Thường Niên C 07.08.22
 
vo ha
 
I. Nền Minh Triết Á Đông của Ấn Độ  gọi Ba Vị Thần Tối Linh là Triumvirate hay Trimurti, gồm Brahma là Vị Thần  sáng tạo, Vishnu là Thần bảo vệ nuôi dưỡng và Shiva là Thần hủy diệt. Trước mắt bình dân, trên bờ sông Hằng, nơi tập trung nhiều địa điểm thiêu xác chết,  nên trong Kinh Vêđa được sưu tập từ 1500 – 500 TCN đã có câu: Tạo Hóa càng hiếu sinh, thì càng hiều diệt. 
 
Kinh Điển nầy nói như trên, vì phần lớn những người sinh trưởng  nơi đây, ngay từ khi có trí khôn, đã có ý thức về cái chết rõ ràng hơn nhiều dân tộc khác. Nói gọn là  giới tăng lữ và dân chúng đều thấy cuộc đời nầy ngắn ngủi, tạm bợ, biến đổi, vô thường.
 
Còn tại  vùng Trung Đông  trên đất Do Thái, khi xuống trần gian cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu cũng đã dạy quê hương thật của con người là trên trời. Hãy bán của cải đời nầy, bố thí, tạo kho tàng trên trời, nơi mối mọt không đụt khoét và trộm cướp không lấy được.
 
Thêm nữa, trong cuộc sống nầy  hãy luôn sẳn sàng, hãy tỉnh thức chờ đợi, vì cái chết tới không đợi tuổi và cũng không do con người muốn lựa giờ tốt mới được hay chịu chết. Nên hãy luôn cố gắng sống tốt lành, lương thiện, chu toàn bổn phận như người tôi tớ có trách nhiệm canh của chờ chủ đi tiệc cưới trở về ban đêm và mở cửa cho ông.  Vậy ta cùng đọc nguyên văn Lời Chúa sau đây cùng xin ơn thêm soi sáng. 
 
II. Lời Chúa
 
BÀI ĐỌC I: Kn 18, 6-9 “Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy. 

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

 

 BÀI ĐỌC II: Dt 11, 1-2, 8-19 “Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập”.

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, 

Đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. 

Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập. 

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

 Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. 

Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì. Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

 

 PHÚC ÂM: Lc 12, 32-48 “Các con hãy sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. 

Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó. 

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. 

Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

 Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ?

 Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung.

 Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

 

III. Đôi Dòng Ghi Chú và Tâm Tình
 
Trước hết, Bài đọc 1 từ Sách Khôn Ngoan. 
Tổng quát, Sách nầy là bộ sưu tập những lời hay ý đẹp của Do Thái và của khắp vùng, trong khoãng thời gian từ năm 50 – 30 TCN, do vị ký lục am tường văn hóa Hi Lạp và Thánh Kinh, sống tại thành phố Alexadia là trung tâm kinh tế thương mãi phồn thịnh trên bờ Địa Trung Hải gần Ai Cập thời đó. 
 
Sách được viết bằng tiếng Hi Lạp – loại văn  tải đạo và phổ thông thời đế quốc Hi La, như Anh Ngữ hôm nay – được lấy tên vua Salomon (965-928 TCN) như tác giả, theo truyền thuyết là bậc khôn ngoan số 1 của Do Thái, để tăng giá trị cho tác phẩm.
Tất cả những điều hay và vẻ đẹp trong Sách lại được qui chiếu  về Thiên Chúa là cội nguồn Khôn Ngoan. Nên Thánh Kinh có lúc coi Sự Khôn Ngoan là Thiên Chúa, vì chỉ một mình Người mới Khôn Ngoan hoàn hảo trọn vẹn.
Ba câu trong bài đọc 1 răn dạy con cháu thế kỷ thứ nhất, đang bị ảnh hưởng văn hóa Hi La làm cho tha hóa, rã đám, xa cách Thiên Chúa của tổ tiên, hãy nhớ biến cố vượt thoát ách nô lệ Ai Cập của dòng tộc, do chính Người đã hạ kẻ thù xuống và nâng con dân của Người lên. 
 
Là con cháu gốc Do Thái của thế hệ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi Ai cập, dù là thiểu số giữa nhiều dân tộc khác, phải giữ thánh luật riêng biệt và luôn tin tưởng vào những lời hứa của Người, như vậy mới là khôn ngoan.  Lời răn dạy trong bài đọc trên đi trước, đã tạo nên nhịp cầu nối bước  theo sau, qua Lời khôn ngoan của Chúa Giêsu trong bài Phúc Ngôn bên dưới.
 
Đầu bài Phúc Âm theo bản văn Anh Ngữ, có phần rõ hơn:  Do not be afraid any longer, little flock, for the Father is pleased to give you the kingdom: Đừng sợ nữa, hỡi bầy đàn nhỏ bé, chỉ giống vật nhỏ con như bầy chiên, cũng tượng trong cho toàn thể dân Chúa. Và nước trời mở trộng cho mọi người như không khí tràn lan, ánh sáng chiếu toả, mưa sa từ trên cao rơi xuống. Điều quan trọng là con người có ra công đón nhận lấy hay không. 
 
 Ý thứ hai là Chúa Giêsu đề cao và cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần  là bố thí (6: 19-21; 11:41). Nên dang cánh tay tới người nghèo khó, cũng là cách yêu Chúa và hơn nữa, là tự lo cho mình, vì nước trời không thuộc về thế gian nầy. Do đó dùng tiền của hư nát của đời nầy mà tạo kho tàng an toàn trên trời mà hướng lòng lên đó, coi như đã chuẩn bị sẳn sàng ngay bây giờ.
 
Ý thứ ba là sẵn sàng ra đi gặp Chúa như cách ăn vận của công nhân và lữ hành khi mừng lễ Vượt Qua (Xh 12:11) : thắt lưng, cầm đèn sáng soi đường chờ chủ về từ đâu, khi nào,  không riêng chỉ từ đám cưới. 
 
 Ý thứ tư là Chúa nhắn nhủ  những người lãnh đạo, riêng mặt tôn giáo cho những chức vụ  được ủy thác làm “đầy tớ mọi người” (Mt 20,20-28).  Hãy chăm lo cho toàn bổn phận được chủ trao phó. Đừng lợi dụng chức vụ hoặc quen thân cấp cao mà hiếp đáp kẻ dưới như tiếng đồn đãi xấu xa trong một số bộ máy công quyền, nhất là trong những trại tù thường xảy ra cảnh “ma cũ ăn hiếp ma mới”.
 
Chúa Giêsu cũng lưu ý riêng những  chức sắc tôn giáo, được xem như  người quản lý trung tín khôn ngoan, mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc – quyền lợi, bổng lộc, ơn phúc – cho họ, là dân Chúa hôm nay. 
 

Gọn lại,  sẵn sàng cách nào? 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, thời mà Cha Bổn Sở Nguyễn Văn Thiện (1906–2012, Giám Mục Vĩnh Long 1960-68) và mấy Cha phó (tất cả qua đời) Võ Thành Năng, Nguyễn Văn Nhì, Nguyễn Công Định, Nguyên Văn Chính của Nhà Thờ Chính Toà Cần Thơ, vài ba tháng một lần hoặc những dịp lễ rất trọng, mới tới thăm viếng mấy Họ Đạo nhỏ trực thuộc như Bảy Ngàn, Đông Lợi, Rạch Gòi, Cái Chanh, Rau răm, Phong Hoà, Ô Môn, Trường Thành, Trường Long … Có ít nhất là một lần, bà dì Nguyễn Thị Lãnh tâm tình rằng:

– Thưa cha, chúng con ở Họ Đạo lẻ, xa Cha, xa Chúa vì không có Lễ Misa mỗi ngày. Chúng con sợ chết hụt lắm. (Chết hụt là chết   không được các bí tích sau cùng, không có nghĩa chết ngộp nước).
 
 Nhiều Cha đã vui vẻ trả lời, cách chung như sau: 
 
 – Đa số bổn đạo mình là nông dân, có  đời sống chất phác, ngay lành lương thiện. Chịu các bí tích khi có dịp là tốt. Ngoài ra, giữ mười điều răn đàng hoàn, cách riêng  kính Chúa yêu người cách cụ thể.  Kinh hôm kinh mai tối sáng. Thường xuyên nhớ Chúa như Thánh A Lê Xù (Alexander) xưa: “mầy nhớ Tao, Tao nhớ mầy” – cách dịch xưa câu You remember me, I remember you.
 
 Trở lại Bài đọc II, thường không cùng chủ đề với bài 1 và bài Phúc Âm. Thư gởi Do Thái, không rõ ký lục nào viết ra. Bài đọc nầy đề cao đức tin của tổ phụ Abraham.  TIN là chấp nhận đối tượng kia có giá trị cao dường ấy, khiến người tin có thể hiến thân mạng cho giá trị đó.
 

Ông Abraham đã tin tuyệt đối vào lời Thiên Chúa. Nên ông dám bỏ quê hương ra đi, mà không biết rõ tương lai sẽ về đâu. 

Cũng do tin Chúa tuyệt đối mà ông đã dám đem đứa con duy nhất lúc ông bà tuổi già,  làm lễ vật dâng lên  Người, mà không thắc mắc làm sao Chúa cho dòng dõi ông đông như sao trời cát biển được.

Còn đức tin của con thì sao? Tin Chúa ở cấp độ nào? Con đã thắc mắc và thách thức Chúa khi gặp một phiền phức nhỏ. 

 

IV. Xin Dâng Lời Cầu 

Sống gởi thác về. Cuộc đời nầy như quán trọ, ở qua đêm tạm thời,  trong khi chờ đợi ngày trở về nhà Chúa.

Xin Chúa giúp cho những vị lãnh đạo tinh thần trong Hội Thánh ý thức thêm chức vụ và chu toàn tốt nhất những bổn phận ban phát kho tàng ơn thánh cho toàn thể dân Chúa. 
 
Xin giúp chúng con ý thức rằng cuộc đời nầy mau qua, chóng tàn,  là ai cũng phải chết, để  chuẩn bị sẵn sàng mọi lúc ra đi gặp Chúa.
 
Xin cho giới trẻ được thêm đức tin mạnh mẽ vào Chúa là Đấng quan phòng và dẫn dắt chúng con trong suốt cuộc đời nầy. 
 
Xin cho mỗi người trong Họ Đạo  chúng con luôn chuẩn sẵn sàng ra đi gặp Chúa nay mai mà không lo sợ bi khiển trách điều gì lớn nhỏ. 
 
Xin Chúa ban thêm đức tin và ơn trợ giúp để chúng con hoàn toàn tin tưởng Chúa là Thầy dẫn đường như Abraham xưa
 

Xin tha thứ cho chúng con những thiếu  sót hằng ngày vì yếu đuối và bất toàn, để chúng con chuẩn bị tâm hồn từng bước, sẵn sàng ra trình diện mà lãnh những phần thưởng Chúa hứa ban.

 Xin giúp chúng con cố gắng chu toàn những bổn phận lớn nhỏ trong chức vụ mỗi người, đối với Giáo Hội, đất nước, gia đình và của riêng chính mình nữa. Amen