Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 15 TN Năm A

print

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 15 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

ĐÓN NHẬN
NHỮNG HẠT GIỐNG LỜI
CHÚA

“Kìa người gieo giống ra đi gieo giống”

(Mt 13,1)

Sợi chỉ đỏ : Không như lời của người phàm, Lời Thiên Chúa có sức sinh hiệu quả (bài đọc I : Is 55,10-11) ; Sở dĩ như thế vì Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa, Ngài chăm sóc cho sự sống của Ngài nảy sinh hoa quả trên khắp trái đất (đáp ca Tv 64) ; Lời của Đức Giêsu chính là những hạt giống tốt, nếu con người biết làm mảnh đất tốt mà đón nhận thì Lời ấy sẽ sinh kết quả gấp bội (Tin Mừng Mt 13,1-23).

– Bài đọc II (Rm 8,18-23) (Chủ đề phụ) : “Chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta”

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Chúng ta đều biết ảnh hưởng của lời nói : có những lời nói khiến ta sung sướng vô cùng, nhưng cũng có những lời nói làm lòng ta đau nhói ; lời của những bậc khôn ngoan dạy ta nhiều điều hay lẽ phải, còn lời đường mật của những người xấu có thể dụ ta đến những thiệt hại khôn lường.

Hôm nay, Chúa bảo ta hãy lưu ý đến Lời của Chúa. Đó là những hạt giống tốt có khả năng sinh những hoa trái rất tốt lành.

Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào sinh hoa kết quả tốt đẹp.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta chưa quan tâm đủ đến việc học hỏi Lời Chúa trong Tin Mừng.

– Rất nhiều hạt giống lời Chúa gieo vào lòng chúng ta đã uổng phí vì chúng ta không thành tâm đón nhận.

– Chúng ta nghe Lời Chúa rất nhiều nhưng thi hành thì rất ít.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 55,10-11)

Đoạn trích này thuộc về phần thứ II của sách Isaia, phần này được gọi là “Sách an ủi”. Ngôn sứ Đệ nhị Isaia nói rằng Thiên Chúa đã hứa sẽ cho dân do thái thoát khỏi cảnh lưu đày và được trở về quê hương.

Thế nhưng nhiều người do thái tỏ ra không tin vào lời hứa đó. Ngôn sứ lưu ý họ hãy nhớ rằng Lời của Thiên Chúa luôn luôn hữu hiệu : Ngài đã nói thì thế nào cũng xảy ra đúng như lời Ngài nói ; Ngài đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện.

Lịch sử đã chứng minh cho điều Đệ nhị Isaia nói : dân do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công nguyên.

2. Đáp ca (Tv 64)

Thánh vịnh 64 ca tụng Thiên Chúa Tạo Hoá : sau khi tạo dựng trái đất, Ngài thường xuyên thăm viếng, tưới gội, để cho trái đất thấm nhuần mầu mỡ, cây trái đâm chồi nẩy lộc sinh hoa kết quả, gia súc sinh sản và lớn lên, muôn loài hát xướng hoan ca.

Phụng vụ chọn những lời ca tụng này như một bức màn nền để làm nổi bật ý nghĩa dụ ngôn Tin Mừng về việc gieo những hạt giống lời Chúa.

3. Tin Mừng (Mt 13,1-23)

Dụ ngôn này đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng ta hãy để ý đến vài chi tiết mang ý nghĩa đặc biệt :

– Người nông phu này gieo hạt giống xuống mọi loại đất mặc dù biết trước là nhiều hạt sẽ không nầy mầm mọc lên à Thiên Chúa rất hào phóng sẵn sàng ban Lời Ngài cho mọi người và ban cách rất quảng đại dồi dào.

– Dụ ngôn kể ra 4 loại đất, trong đó có tới 3 là đất xấu à Thực tế đáng buồn là rất nhiều người đã không đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời ấy sinh kết quả.

– Lời Đức Giêsu trích dẫn sách Isaia “Các ngươi lắng lai mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì” à Tâm thế của những người lòng chai dạ đá trước Lời Chúa. Đối với họ, Lời Chúa như “đàn gãy tai trâu” và như “nước đổ lá môn” chẳng chút hiệu quả.

– Nhưng đối với người biết đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành thì kết quả rất phi thường : một hạt sinh ra 30, 60, 100 hạt khác.

4. Bài đọc II (Rm 8,18-23) (Chủ đề phụ)

Đoạn thư này chứa đựng một ý tưởng khá mới lạ của Thánh Phaolô, đó là có một sự liên đới số phận giữa con người và các thụ tạo khác : khi con người phạm tội và do đó bị rơi vào vòng nô lệ tội lỗi thì các thụ tạo cũng bị lôi cuốn vào vòng nô lệ đó ; hiện nay con người ngóng chờ ơn giải thoát thì các thụ tạo cũng ngóng trông như vậy.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. “Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều”

Một Rabbi do thái kia rất thích dùng các câu chuyện để giải thích những chân lý. Có một môn sinh hỏi ông tại sao ông thích dùng cách đó. Thay cho câu trả lời, ông lại kể một câu chuyện như sau :

Ngày xửa ngày xưa, chàng Sự Thật đi rảo khắp nơi, không mặc quần áo mà cũng chẳng trang sức gì cả, cho nên ai nấy vừa thấy chàng là mắc cỡ đỏ mặt và chạy trốn hết. Sự Thật buồn lắm. Một hôm chàng gặp nàng Dụ Ngôn mặc một chiếc áo muôn màu tuyệt đẹp.

– Anh Sự Thật ơi, sao anh buồn thế ?

– Tôi buồn vì tôi vừa già vừa xấu, không ai muốn nhìn tôi.

– Không phải thế đâu. Nàng Dụ Ngôn cười đáp. Đây anh hãy mượn chiếc áo của tôi mặc vào. Rồi anh sẽ thấy điều gì xảy ra.

Chàng Sự Thật mặc chiếc áo muôn màu của nàng Dụ Ngôn vào. Và chàng đi đâu cũng được mọi người niềm nở tiếp đón.

Kể xong câu chuyện, Vị Rabbi kết luận : Người ta rất khó đón nhận sự thật “trần trụi”, nhưng rất dễ đón nhận sự thật được diễn tả bằng dụ ngôn.

2. Lựa lời mà nghe

Có câu ca dao : “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu này có thể gợi ý cho một câu khác : “… Lựa lời mà nghe sao cho có phúc”

Chúng ta phải lựa lời để nghe, bởi vì có những lời toàn gây thiệt hại và có những lời đem lại phúc thật.

Lời Chúa rất đáng cho chúng ta lựa để nghe, vì :

– luôn đúng sự thật, không sai bao giờ, bởi Chúa chính là Sự Thật.

– Chúa không gạt gẫm chúng ta bao giờ. Ngài nói gì cho chúng ta nghe đều chỉ vì lợi ích cho chúng ta.

– Lời Ngài là ánh sáng chỉ đường, lời Ngài là sự sống.

– Lời Chúa rất quý trọng, đến nỗi Ngôi Hai Thiên Chúa được gọi là Ngôi Lời.

3. Sống đạo bằng gì ?

Nếu được hỏi câu này, một người bàng quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng : họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng lãnh nhận các bí tích và bằng tham dự các lễ nghi.

Đúng vậy, người công giáo chưa hoặc rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là hết sống đạo ! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp để sống đạo đâu ! Và nếu sống đạo bằng tham dự các lễ nghi thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ ! Vả lại, đạo ở trong các kinh đọc, trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã hội.

Đạo là đường, sống đạo là đi đường. Trong cuộc hành trình này, Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi, Lời Chúa dạy ta giải quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng đích.

4. Bốn thái độ trước Lời Chúa

Chúng ta hãy nghe chính Đức Giêsu giải nghĩa 4 loại đất, tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa :

– Đất vệ đường : những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.

– Đất lẫn sỏi đá : những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó thì bỏ cuộc.

– Đất có nhiều gai : những người cũng đón nhận lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải… Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngạt.

– Đất tốt : những người sốt sắng nghe Lời và quảng đại thi hành.

Mỗi ngày Chúa Nhựt chúng ta dự Thánh Lễ, Lời Chúa đều được gieo vào lòng chúng ta.

– Có khi nghe xong chúng ta quên liền. Sau Lễ, nếu có ai hỏi ta bài Tin Mừng hôm nay nói gì, chắc ta không trả lời được. Chúng ta là vệ đường.

– Có khi chúng ta cảm thấy Lời Chúa rất hay và có ý muốn làm theo. Nhưng trở về với cuộc sống nhộn nhịp, vài ngày sau ý muốn ấy đã tắt ngúm. Chúng ta là đất lẫn sỏi đá.

– Có khi chúng ta thực tâm thi hành lời Chúa. Thế rồi chuyện này chuyện nọ trong cuộc sống xảy đến. Chúng ta quan tâm giải quyết những chuyện ấy hơn. Lời Chúa bị bóp chết. Chúng ta là đất có nhiều gai góc.

– Chỉ cần một câu Tin Mừng thôi nhưng được suy gẫm kỹ và được kiên trì thực hiện thì sẽ sinh kết quả gấp trăm.

5. Chuyện minh họa

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được : Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Với tâm tình yêu mến lời Chúa, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1- Lời Chúa là nền tảng đức tin của người tín hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh / biết ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa / cũng như cố gắng đọc thường xuyên / và đem ra thực hành trong đời sống thường ngày.

2- Kinh Thánh chứa đựng Lời Chúa / là cuốn sách được in ra nhiều nhất / được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất / và được đọc nhiều nhất trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết trân trọng bộ sách quý báu này.

3- Thường thì những người rao giảng Lời Chúa / hay gặp nhiều thử thách gian nan trong cuộc sống thường ngày / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn che chở giữ gìn các vị ấy / để các ngài có thể chu toàn trọng trách của mình.

4- Sống đạo là sống theo Lời Chúa dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ sẽ / biết cố gắng sống theo Lời Chúa trong Tin Mừng / để đời sống đức tin ngày càng vững chắc và trưởng thành hơn.

CT : Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho chúng con luôn biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng và chăm chú lắng nghe, để Lời Chúa được công bố thực sự trở nên nguồn dinh dưỡng quý báu cho đời sống đức tin của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu đã nói “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Trong kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy tha thiết “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Trước rước lễ : Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được dự hai bàn tiệc là bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa rồi. Giờ đây chúng ta sắp được nuôi dưỡng bằng chính Thánh Thể Chúa. “Đây Chiên Thiên Chúa…”

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta sắp trở về cuộc sống phức tạp với nhiều cực khổ, lo toan, đam mê, tranh chấp… Chớ gì tất cả những thứ ấy không bóp nghẹt những hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng chúng ta trong Thánh Lễ này.