Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 16 TN Năm A

print

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 16 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

CHÚA KIÊN NHẪN VÀ KHOAN DUNG

Lúa tốt và cỏ lùng (Mt 13,24-30)

Sợi chỉ đỏ :

Mặc dù Thiên Chúa rất mạnh và đầy uy quyền, nhưng Ngài đối xử rất khoan dung với những kẻ tội lỗi để chờ cho họ ăn năn sám hối (bài đọc I : Kn 12,13.16-19). Bởi thế tác giả Thánh vịnh 85 gọi Thiên Chúa là “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung (đáp ca). Ở đời này, người tốt kẻ xấu lẫn lộn. Nhiều người mong Thiên Chúa trừng trị kẻ xấu, nhưng Thiên Chúa khoan dung (Tin Mừng (Mt 13,24-43) vẫn cho chúng có thời gian hoán cải (dụ ngôn lúa và cỏ lùng). Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ cho những yếu tố tốt dần dần phát huy ảnh hưởng của mình (dụ ngôn hạt cải và nắm men).

– Bài đọc II (Rm 8,26-27) (Chủ đề phụ)

 I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Ở đời có nhiều chuyện xấu và nhiều người xấu. Chúng ta không thích, chúng ta muốn dẹp sạch những thứ xấu xa ấy đi. Chúng ta còn cầu xin Chúa dùng uy quyền của Ngài để tiêu diệt chúng. Thế nhưng hình như Chúa không nghe lời cầu xin của chúng ta. Sự xấu và người xấu vẫn còn đó. Tại sao thế ?

Chúng ta hãy để ý lắng nghe Lời Chúa giải thích về vấn đề này, và chúng ta hãy xin Ngài chỉ cho chúng ta một cách sống thích hợp trong cuộc đời lẫn lộn tốt xấu này.

 II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Tuy bản thân chúng ta đầy khuyết điểm, nhưng chúng ta thường khắt khe với những khuyết điểm của người khác.

– Không ít lần chúng ta nuôi ý muốn làm hại những người có va chạm với mình.

– Có khi chúng ta trách Chúa vì Ngài đã không sớm giải thoát chúng ta khỏi những bất công mà chúng ta gặp phải.

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I (Kn 12,13.16-19)

Các chương 10-19 của sách Khôn ngoan chứa đựng những suy tư về cách hành xử của Thiên Chúa qua những biến cố lịch sử. Dân Chúa đã nhiều lần bị kẻ thù làm khổ. Mặc dù cuối cùng rồi Thiên Chúa cũng giải thoát họ, nhưng họ vẫn ấm ức sao Chúa không ra tay sớm, sao Ngài không tiêu diệt chúng cho hết sạch.

Câu trả lời là : những kẻ thù ấy cũng là thụ tạo của Chúa, cũng được Ngài yêu thương. Cho nên mặc dù Ngài có đầy đủ sức mạnh và uy quyền để tận diệt họ, nhưng Ngài chỉ sử dụng sức mạnh đối với kẻ ngoan cố. Còn đối với những kẻ mà Ngài còn hy vọng họ hoán cải thì Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi họ sám hối để được thứ tha.

  1. Đáp ca (Tv 85)

Tv 85 là lời cầu nguyện của người công chính bị bách hại. Mặc dù thế, tác giả đã thấu hiểu tấm lòng của Thiên Chúa, cho nên một mặt tác giả nài xin “Lạy Chúa, xin nghe lời tôi khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng tôi van nài”, nhưng mặc khác tác giả cũng cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình sớm nhận biết tội lỗi của họ, để rồi “Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, họ sẽ thờ lạy Ngài và họ sẽ ca tụng danh Ngài”.

  1. Tin Mừng (Mt 13,24-43)

– Dụ ngôn lúa và cỏ lùng : dụ ngôn này phản ảnh hai thái độ trái ngược nhau. Thái độ của con người (biểu nhiên nơi các đầy tớ) là bất nhẫn trước kẻ xấu và muốn diệt trừ chúng. Thái độ của Thiên Chúa (chủ ruộng) là kiên nhẫn chờ cho đến thời gian phán xét (mùa gặt) mới ra tay.

– Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men : hai dụ ngôn này vừa cho thấy sức phát triển rất mạnh của Nước Trời, vừa nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa : Ngài không nóng vội, nhưng kiên nhẫn chờ cho hạt cải thành cây to và nắm men làm dậy cả thúng bột.

  1. Bài đọc II (Rm 8,26-27) (Chủ đề phụ)

Thánh Phaolô nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc cầu nguyện :

– Vì chúng ta yếu đuối không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nên Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta cầu nguyện.

– Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta sẽ cầu nguyện đúng theo thánh ý Thiên Chúa.

– Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng ta một cách rất diệu kỳ “bằng những tiếng than khôn tả”.

 IV. GỢI Ý GIẢNG

  1. Khuynh hướng bất bao dung

Có lần Liên Hợp Quốc đã chọn nguyên một năm làm “năm quốc tế về lòng khoan dung” để giảm thiểu khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại.

Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ. Bất bao dung là đòi trừng trị ngay những người xấu : một người làm gì đó có hại cho ta, ta trả đũa ngay. Do nóng vội, có khi ta không suy nghĩ kỹ xem biết đâu chính ta có gì sai lỗi nên người kia mới cư xử với ta như vậy. Khi người kia bị ta tấn công, họ cũng có thể cho là bị tấn công oan ức nên lại trả đũa ta. Thế là hai bên cứ leo thang. Thực ra có mấy ai hoàn toàn tốt, cũng như có mấy ai hoàn toàn xấu. Thái độ bất bao dung phát sinh từ suy nghĩ cho mình là tốt, hoàn toàn đúng và người ta là xấu, hoàn toàn sai.

Trên bình diện cá nhân và khu xóm, bất bao dung khiến người ta khó sống chung hòa thuận với nhau. Trên bình diện quốc tế, bất bao dung dẫn đến những cuộc chiến tranh khu vực. Mà xung đột và chiến tranh chẳng mang lại ích lợi gì, chỉ toàn gây hại. Chính vì trên thế giới có quá nhiều cuộc chiến tranh khu vực cho nên Liên Hợp Quốc mới thấy cần đề ra một năm quốc tế về lòng bao dung.

Muốn bao dung thì phải biết mình và biết người : biết mình cũng có lỗi lầm, và biết người cũng có những điều tốt. Muốn lấy cái rác trong mắt người ra thì trước hết phải lấy cái xà trong mắt mình đã.

  1. Cái nhìn thiển cận

Thiển cận là chỉ thấy gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong. Do thiển cận nên người ta bất bao dung, mất kiên nhẫn.

Thiên Chúa có thể bao dung và kiên nhẫn vì Ngài vừa thấy hiện tại vừa thấy tương lai, vừa thấy bề ngoài vừa thấy bề trong.

  1. Lành dữ cộng sinh

Nghe bài dụ ngôn “cỏ lùng” hôm nay, có người sẽ lấy làm lạ. Trong cuộc sống, làm gì có một nhà nông nào lại để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong ruộng mình ! Nhưng dụ ngôn là dụ ngôn, nghĩa là một cách nói ví von bóng gió để làm sáng tỏ một vấn đề.

Vấn đề của dụ ngôn là lành dữ cộng sinh và lòng nhân từ cũng như sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Kinh xưa có câu : “Hỏi kẻ lành là ai, kẻ dữ là ai ?” Chúng ta ưa thích phân biệt lành dữ, chánh tà, trắng đen rõ rệt. Chánh phải loại trừ tà, lúa tốt phải được chăm sóc, cỏ dại phải nhổ đi. Cái lý đo nhiên là vậy. Rất đơn giản. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy.

Trong cuộc sống, có những lúc chánh tà không phân biệt rõ rệt. Cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Vả lại, cái mà ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng. Cỏ lùng không thể biến thành lúa nhưng kẻ dữ có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải thành người tốt, nếu xã hội biết kiên nhẫn chờ đợi và tạo những điều kiện cho họ. Vả lại, kẻ lành, nếu không giữ mình, không liên tục làm điều lành, cũng có thể trở thành kẻ dữ. Vậy chẳng ai nên tự phong là lúa tốt, rồi loại trừ, lên án anh em là cỏ lùng. Có lần Chúa đã nói thẳng với những người tự phụ : “Tôi nói thật, bọn thu thuế, bọn gái điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông kia đấy !”

Qua bài dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta lòng nhân từ, kiên nhẫn, và tin tưởng vào sự lành. Hãy tin rằng sự lành sẽ tuần tự triển khai tốt đẹp, mặc dầu có sự dữ kè bên. Sự lành thậm chí còn có sức cảm hóa được sự dữ. “Kẻ lành” Monica đã cảm hóa được “kẻ dữ” Augustinô và cả hai mẹ con cùng trở nên những vị thánh lớn trong Giáo Hội. (Trích số đặc biệt báo Công giáo và Dân tộc, năm 1998, trang 223-224)

  1. Người đảng viên quốc xã Schindler

Những ai đã từng xem cuốn phim Schindler’s List hẳn đều ghê tởm vai chính của phim đó, tên là Oskar Schindler, một đảng viên Đức quốc xã, đã từng giết hại rất nhiều người.

Thế nhưng nhiều người đã từng biết ông thì lại ca tụng ông như một ân nhân cứu mạng cho hàng ngàn người khỏi bị Đức quốc xã giết. Thậm chí có người còn nói : “Ông ta là cha, là mẹ và là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi”.

Sự thật là thế nào ? Sự thật, Oskar Schindler không phải là một vị thánh, mà là một con người với nhiều dằng co mâu thuẫn : trước hết ông là một người chồng bất trung đã bỏ vợ và chạy theo một cuộc sống ăn chơi thác loại ; ông cũng là một người công giáo nhưng lại không sống đạo ; ông là đảng viên đảng Quốc xã Đức từng tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh do đảng này phát động ; chính ông đã thú nhận rằng ông hy vọng khi chiến tranh thắng lợi thì ông sẽ có hai cái rương đầy vàng ; ông còn hành hạ nhiều người do thái….

Nhưng bên trong ông lại có một con người khác. Đó là một người tốt. Nhiều lần đang cư xử như một người xấu, ông lại hướng về bên trong con người tốt ấy. Thấy những từ nhân bị hành hạ tàn nhẫn, ông không chịu nổi và nhiều lần dám đứng lên bênh vực họ. Hai lần ông đã bị bỏ tù vì những hành động như thế.

Sự thật về Oskar Schindler là như thế : vừa là quỷ dữ vừa là thiên thần, trong lòng ông vừa có cỏ lùng vừa có lúa tốt.

  1. Trái tim phân chia

Sau nhiều năm phải sống trong trại tập trung, văn hào Alexandre Solzhenitsyn đã nghiệm ra được những ý tưởng sau :

Tôi đã học được một bài học lớn nhờ những năm bị giam trong tù.

Tôi đã hiểu một người trở thành xấu như thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng đường biên giới phân chia giữa tốt và xấu không nằm giữa các nước hay các giai cấp hay các đảng phái chính trị, mà nằm ngay trong lòng mỗi người.

Ngay trong những trái tim ngập tràn sự ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện.

Và ngay trong trái tim tốt nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác.

  1. Lời cầu nguyện khi đến mùa gặt

Khi đến mùa gặt, rơm rạ bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được cất vào kho.

Lạy Chúa, khi đến ngày chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa.

Xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại ; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.

V.  LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung. Người luôn kiên nhẫn đợi trông kẻ có tội ăn năn trở lại. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1- Hội Thánh luôn tạo điều kiện thuận lợi / để kẻ tội lỗi luôn có thể quay về với Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết nhận ra tình thương của Hội Thánh là mẹ chúng ta.

2- Ngày nay / người tốt kẻ xấu vẫn còn sống lẫn lộn ngay trong lòng Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / kiên nhẫn cảm hóa những kẻ tội lỗi / bằng chính tình thương tha thứ của Đức Kitô / Vị Mục Tử nhân lành.

3- Cuộc sống trần gian ngày hôm nay / quyết định số phận mai ngày của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu / biết luôn cố gắng sống bác ái yêu thương / tận tuỵ phục vụ trong khiêm tốn / để trở nên muối ướp mặn đời / và ánh sáng cho trần gian / Nhờ đó họ sẽ được Chúa ; tưởng thưởng trong ngày phán xét chung.

4- Ngay trong chính bản thân mỗi người / vẫn hiện diện song song hai khuynh hướng tốt và xấu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn xứ đạo chúng ta / luôn biết chế ngự thói xấu bằng cách cố gắng sống theo Lời Chúa dạy / siêng năng lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh lễ / đồng thời tuân theo lời giáo huấn của Hội Thánh.

CT : Lạy C, chúng con thường hay xét đoán người khác rất khắt khe mà hầu như quên xét lại chính bản thân mình. Xin giúp chúng con biết can đảm dứt khoát với tật xấu này, để chúng con có thể noi gương Chúa mà sống nhân từ với mọi người hơn. Chúng con cầu xin nhờ…

 VI. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Hôm nay khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy xin Thiên Chúa là Cha chúng ta dạy chúng ta biết nhân từ như Ngài, biết tha thứ cho anh em như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an giữa thế gian này còn chen lẫn lúa tốt và cỏ lùng. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta sắp trở lại cuộc sống phức tạp : điều xấu điều tốt lẫn lộn, người lành người dữ sát cánh bên nhau. Anh chị em hãy cố gắng thực hành lòng bao dung nhân từ mà Lời Chúa vừa dạy chúng ta.