Sống Hạnh Phúc Trong Đời Sống Cộng Đoàn
Theo Thánh Augustinô
Viện phụ François-Marie Humann, phụ trách Đan viện Mondaye, (Calvados) cho biết: “Tôi tin rằng khi bắt đầu viết Quy luật sống, thánh Augustinô không chỉ nghĩ đến các cộng đoàn tu sĩ, mà còn quan tâm đến các cặp vợ chồng, gia đình, xã hội và còn hơn nữa. Bản thân vị đan sĩ đã sống theo quy tắc này với tư cách là một tu sĩ của Dòng Kinh Sĩ thánh Augustinô tại Prémontré. Đối với cha Fr. Humann, tác giả của cuốn sách Quy luật sống của thánh Augustinô: Toàn văn và Bình chú, “Đời sống tu sĩ, cũng giống như bất kỳ hình thức nào khác của đời sống Kitô hữu, theo cách riêng nó đòi hỏi, là hành trình khai mở ơn gọi của bí tích Rửa tội.” Ngoài ra, “Quy luật sống của thánh Augustinô trước hết được ngỏ tới tất cả những người đã được rửa tội, vì đó là vấn đề học cách sống trọn vẹn những chiều kích của bí tích Rửa tội.”
Quy luật của đời sống đan viện đầu tiên của phương Tây thật rõ ràng, chính xác, và cũng rất thực tế, được viết vào năm 397. Được chia thành tám chương, bản luật này đề cao mô hình đời sống lấy cảm hứng từ cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Giêrusalem như được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ (4,32). Nó nhấn mạnh vào tình bác ái huynh đệ được khơi nguồn từ giới răn kép: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, không thể tách rời nhau. “Động lực chính cho đời sống hiệp thông của chúng ta với nhau là sống hòa thuận trong cộng đoàn và cùng một lòng một dạ tìm kiếm Thiên Chúa. Đừng cho bất cứ thứ gì là của riêng bạn; hãy sở hữu chung tất cả mọi sự. ” (Quy luật, chương I, 2-3).
Đối với cha Fr. Humann, Bản Quy luật là “một cách sống Tin Mừng, nhưng nó đặc biệt chú trọng đến một số khía cạnh riêng. Nó chạm đến mọi người đã được rửa tội trong các mối tương giao của họ, bởi vì đối với thánh Augustinô, sự thánh thiện đạt được qua việc sống chung với nhau, qua việc mỗi người quan sát người kia,” ngài kết luận. Dưới đây là sáu lời khuyên chính về Quy luật sống của thánh Augustinô.
- COI NGƯỜI KHÁC NHƯ LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
Đối với thánh Augustinô, mọi sự đều phải bắt đầu bằng nỗ lực hợp nhất các tâm hồn, vốn là điều cần thiết nhất trong mọi mối tương giao huynh đệ hằng ngày: giữa các anh em tu sĩ và bề trên của họ, và cũng giống như vậy giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Sự hợp nhất tâm hồn đòi hỏi mỗi người phải liên tục điều chỉnh bản thân. Để điều này trở thành hiện thực, mỗi người chúng ta phải coi bản thân và người khác là “đền thờ của Thiên Chúa”: “Hỡi tất cả anh em, hãy cùng nhau sống hòa thuận và hòa hợp; hãy cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa nơi người khác; anh em đã trở thành đền thờ của Ngài ”(Quy luật, Chương I, 8). Lắng nghe người khác, chú ý đến những gì họ nói, đồng cảm với nỗi buồn của họ, hoặc vui mừng với những thành công của họ; đó chính là thực hành lòng bác ái hỗ tương, dẫn đến sự hợp nhất mọi tâm hồn.
- CÙNG NHAU SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ VỚI CHÚA
Đây chính là điều mà thánh Augustinô đã sống khi ngài trở thành giám mục. Phải chịu quá nhiều căng thẳng giữa cuộc sống mới với tư cách giám mục và đời sống cộng đoàn mà ngài đã thành lập trước đó, ngài đã đưa ra quyết định là rời đan viện từ một cánh rừng để lập một tu viện mới tại tòa giám mục với cùng một linh đạo, nhưng sống năng động hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với thánh Augustinô, đời sống chung có thể có nhiều hình thức khác nhau. Điều cốt yếu là tập trung vào lợi ích chung, mà điều đó không thể tìm thấy ở đâu ngoài Chúa. Trong tập khảo luận Đời sống hạnh phúc, thánh Augustinô hỏi: “Sở hữu những gì bạn muốn để được hạnh phúc có đủ không?” Thánh Monica, mẹ của ngài trả lời: “Nếu những gì chúng ta muốn và có là cái tốt đẹp, thì chúng ta hạnh phúc; còn nếu nó xấu, thì mặc dù chúng ta có chăng nữa, chúng ta sẽ bất hạnh”.
Sống hạnh phúc có nghĩa là cùng nhau sống tình bạn với Thiên Chúa trong thái độ tự do quy phục Ngài, chính là lợi ích “hợp lệ” duy nhất. Thánh Augustinô nói: Để sống hạnh phúc, chính Chúa là Đấng chúng ta phải chiếm hữu. Điều này được áp dụng trong đời sống đan sĩ cũng như trong đời sống gia đình. Những thử thách, thời gian trôi qua, và sự thay đổi nơi mỗi người thường tạo ra những trở ngại ngày càng lớn hơn cho nỗ lực hợp nhất và sống hạnh phúc. Trong gia đình, trừ khi vợ chồng dâng phó đời sống hôn nhân cho Chúa Kitô và hàng ngày chấp nhận sống dưới cái nhìn của Người.
- CÙNG NHAU CHIA SẺ VẬT CHẤT
Theo thánh Augustinô, đức ái hỗ tương nhất thiết phải được thể hiện trên bình diện vật chất. Đối với ngài, sống chung có nghĩa là cùng chia sẻ vật chất và phân chia theo nhu cầu của mỗi người. Được gợi hứng từ mô hình đời sống của các Kitô hữu đầu tiên, nguyên tắc này đòi hỏi phải được thực hiện ở hai cấp độ, cả xã hội và tinh thần: từ bỏ chiếm hữu và sống khiêm nhường. “Người giàu phải loại bỏ sự giàu có của mình, nhưng cũng phải giũ bỏ thái độ tự mãn mà anh ta cảm thấy là mình giàu có; người nghèo phải gạt bỏ ham muốn giàu sang, nhưng cũng phải loại trừ thái độ tự mãn, vì hiện tại anh đang được sống trong một hoàn cảnh tốt đẹp rồi.”
Các công việc và việc phục vụ hàng ngày lần lượt phải trở thành phương thế để thể hiện sự quan tâm đến nhau: một người lo việc nấu nướng, người khác cầu nguyện, một người khác lo việc giặt giũ… Đó không phải là bí quyết để sống tốt hơn trong tình yêu xuôi theo từng khoảnh khắc của cuộc sống hàng ngày, dù nó có thể đòi hỏi nhiều hi sinh sao? Thiên Chúa bày tỏ chính mình qua những điều nhỏ bé được sống mãnh liệt trong đời sống hàng ngày.
- XÂY DỰNG TÌNH LIÊN ĐỚI SAO CHO MỖI NGƯỜI NHẬN RA VỊ TRÍ CỦA MÌNH
Mỗi công việc hàng ngày cho phép chúng ta nhìn ra cách thức chúng ta phục vụ người khác. Mỗi người phải chú ý đến sự độc đáo nơi người khác và chấp nhận nhu cầu khác biệt của họ. Theo thánh Augustinô, lý tưởng sống chung được thể hiện trong mối quan tâm thường xuyên này, đó là không chất thêm gánh nặng lên vai những thành viên yếu kém trong cộng đoàn. Những người không thể giữ chay đến tối, cũng như những người sức khỏe kém, phải là trọng tâm mối quan tâm của các anh em khác.
Để đạt được điều này, sự phân định thường xuyên để điều chỉnh bản thân và đối với người khác là điều cần thiết. Chính bầu khí hòa nhã của mối quan hệ cộng đoàn là điều phải quan tâm: các thành viên yếu sức của cộng đoàn “phải được đối xử không kém phần xứng đáng” so với những người anh em khỏe mạnh hơn; “Không phải tất cả họ đều muốn nhận những gì họ thấy người khác nhận.” Tại sao phải ghen tị với điều tốt của người khác khi chúng ta cần những cái khác?
- SỬA LỖI HUYNH ĐỆ
Tuy nhiên, có những tình thế mà việc quan tâm đến người khác đòi hỏi phải làm một điều gì đó một cách khác. Những va vấp trong đời sống chung đòi hỏi việc sửa lỗi huynh đệ. Điều này không phải là liên tục soi xét hành vi của người khác, mà là chú tâm đến người đó, và luôn thực hiện trong tinh thần “đồng tâm nhất trí”. Không nhắc nhở ai đó về hành động gây hại của họ có nghĩa là không còn quan tâm đến họ, không còn đón nhận họ với tư cách là người mà chúng ta xây dựng sự hợp nhất tâm hồn. Điều thường xảy ra là những người bị phiền trách sẽ cảm thấy đau khổ ngay lúc nó xảy ra. Họ kháng cự, họ tự vệ, nhưng rồi trong thinh lặng, họ nghiền ngẫm trong tâm trí những gì họ vừa nghe; họ trăn trở khi không có ai xung quanh ngoài Chúa, nhưng dù sợ làm mất lòng Chúa chứ không tự sửa lỗi bản thân.
- BỀN CHÍ TRONG ĐỨC ÁI
Quy luật sống được coi như không là gì khác ngoài việc trình bày một nghệ thuật cân bằng các mối tương giao giữa con người và việc quan tâm đến người khác. Nhưng trong các tác phẩm của thánh Augustinô, nỗ lực này phải tuân theo mệnh lệnh của tình yêu. Tình yêu là trọng tâm mọi suy nghĩ của ngài. Nó quyết định lực tiến giúp tâm hồn chuyển động, và xác định điều gì mang lại sức mạnh và sức sống, dẫn nó đi đến “vị trí tự nhiên” phải có: “Sức nặng của tôi hệ tại tôi sống tình yêu” (Tự thuật, XIII, 9). Đó cũng là cốt lõi của tất cả các nhân đức và sự toàn thiện mà họ hướng tới. Thánh Augustinô đã giúp họ đạt đến đỉnh cao của đức ái, là hình thức tối cao của tình yêu, bởi vì chính khi hiến thân mà không do dự, đức ái bảo đảm khả năng chiếm hữu Đấng Thiện Hảo.
Đức ái được thể hiện qua điều răn của Chúa Kitô: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đây là động lực thúc đẩy cuộc sống chung của chúng ta với tư cách là Kitô hữu: trong ân sủng của Thánh Thần mà đức ái phát xuất. Mỗi người đón nhận Chúa bằng cách chấp nhận người kia. Lòng mến này đối với Chúa là duy trì sự hòa giải, dấu chỉ của sự hợp nhất thực sự. Niềm vui được sống hợp nhất đó là hoa trái của đức ái, của tình yêu hỗ tương, do Thiên Chúa ban tặng. Chính sự khát khao tình yêu đích thực này mà câu nói nổi tiếng của thánh Augustinô đã gợi lên cho chúng ta: “Tôi chưa yêu, nhưng tôi cứ yêu để biết yêu thực sự” (nondum amabam sed amavi amare) (Tự thuật, XIII, 9).
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung (theo Aleteia)