Ngẫm Nghĩ Sự Đời – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Ngẫm Nghĩ Sự Đời

Bảy mươi sáu tuổi đời: gần đất xa trời. Sáu mươi bảy năm ăn tết tha phương: buồn buồn, tủi tủi. Năm nay mình về ăn tết quê nhà: buồn vui đắp đổi.

Buồn vì người ta mặc áo đẹp quá, mà mình thì không dám. Sợ miệng đời: “Già mà chơi trống bỏi”; “Già mà ham”.

Vui vì người người cười tươi như hoa. Một rừng hoa trùng trùng điệp điệp. “Vui với người vui”, Thánh Phaolô đã bảo thế.

Vui quá quên buồn, mình lê đôi dép cà tàng đi dạo xóm. Gặp bà cụ chống gậy lom khom, mình đon đả hỏi thăm:

– Năm nay bà cụ thọ được mấy mươi rồi?

– Cảm ơn Chúa. Cảm ơn Cha. Năm nay con được tám mươi tư rồi ạ.

– Chúc bà cụ sống một trăm tuổi nhé.

Miệng thì chúc tuổi nghiêm túc như thế, nhưng bụng thì cứ cười thầm. Mình liên tưởng đến câu ca dao:

“Bà già tuổi tám mươi tư. Ngồi trong cửa sổ, viết thư tìm chồng”.Tám mươi tư tuổi mà vẫn còn “tìm chồng”. Ôi, tình đời!

Bà còng như thế kia mà vẫn còn “tí táng” ư? Oan khiên vô cùng. Ôi! Miệng đời!

Mình giã từ bà già tuổi tám mươi tư, để ghé thăm mọi nhà. Nhà nào cũng mời mình uống cà phê. Nhà nào cũng ép mình hút thuốc. Dường như họ đã nghe lóm được câu “ranh ngôn” của mình: “Hút thuốc mà không uống cà phê, thì giống như người đẹp mà phải chống ề” (ế chồng).

Thuốc lá và cà phê không cho mình ngủ trưa, đành vắt tay lên trán nhớ về nhà hưu dưỡng linh mục, nghĩ về thân phận hưu của mình. Sáu khuôn mặt linh mục già hiện ra trên màn ảnh ký ức của mình. Rõ mồn một.

1. Bộ pyjama màu cháo lòng, rộng thùng thình, bọc lấy một ông già ốm nhom ốm nhách. Hai ngón tay khô khẳng đang mân mê chuỗi hột rối nùi. Hai hốc mắt trõm lơ. Cái miệng há hốc, ú ớ không thành lời “a…i… a…” Tạm thông dịch là “Maria”. Cha già buồn tủi vì thấy mình quá cô đơn. Nhưng chỉ buồn mà không thất vọng. Đức tin và đức cậy chập chờn như ngọn đèn dầu trước gió. Nhưng đức mến lại thò ra như tim đèn đang được khêu lên. Buồn vui đắp đổi. Buồn buồn chứ không buồn quá. Tủi tủi mà không dỗi hờn.

Mình đặt tay lên ngực, thì thầm trong miệng:

“Cha già tuổi tám mươi tư, Nằm trên giường bệnh tâm tư buồn buồn”

2. Có một Cha già đi phom phom trên hành lang sâu hun hút. Tóc hoa râm, mặt tươi rói. Lưng ngay đơ. Tay ôm một pho sách dày cộm…

Đó là một linh mục trí thức gạo cội. Đi hưu rồi, nhưng vẫn là con mọt sách, vẫn viết lách. Gần đất xa trời, nhưng vẫn yêu đời, không muốn lìa đời.

Ngài giống như ông tiên sống trên rừng hoa, ngắt từng bông hoa, ném xuống dòng sông. Ngài mỉm cười nhìn xem dòng sông hoa mải miết trôi về miền xuôi, trôi ra biển khơi. Trôi mãi. Trôi mãi.

Bất giác mình thốt lên:

“Cha già tuổi tám mươi tư.  Ngồi trong thư viện viết thư dạy đời”

3. Có một linh mục lưng dài vai rộng, kinh bang tế thế. Suốt năm mươi năm linh mục, chỉ biết làm mà không biết nghỉ. Đứng thì lừng lững như cột đình, đi thì ào áo như bão tố. Nói thì oang oang như sấm vang. Ai cũng tưởng ngài đội đá vá trời xanh. Ai ngờ… có tiếng mà không có miếng. Có lẽ ngài là người có nhiều “bài sai” nhất và bị thuyên chuyển nhiều nhất.

Âu cũng chỉ vì “khôn mà không khéo”, có địa lợi mà thiếu nhân hòa.

Thế rồi tuổi già sầm sập đi tới. Luật nghỉ hưu thì sờ sờ ra đó. Hưu nhưng vẫn khỏe. Ngồi chơi xơi nước thì chịu không được. Ngài bèn đi chu du khắp thiên hạ. Núi rừng trùng điệp, biển khơi bát ngát, thành phố nhộn nhịp, làng quê hiu quạnh… chỗ nào cũng in vết chân ngài. Đi đâu cũng vui cười. Đến đâu cũng tếu táo. Ở đâu cũng một lời hai ý… Cứ thấy ngài ở đâu thì mình buột miệng:

“Cha già tuổi tám mươi tư. Chu du khắp chốn làm thơ ngạo đời”

4. Có một cha già ngồi trên ghế đá, nhìn bâng quơ về phía nghĩa trang của nhà hưu. Hai hàng mộ dài hun hút, đều tăm tắp. Ngài giơ một ngón trỏ, miệng thì thầm: “Một, hai, ba… Ủa, tại sao lại thiếu một cái?” thì ra, ngài tưởng mình đã chết. Chết mà sao không có mộ. Buồn. Tủi.

Bà phước nấu cho ngài một xoong cháo. Ngài khen: “Cháo lươn ngon quá! Ma sơ giỏi quá!” Bà phước bới cho ngài một đĩa cơm. Ngài im lặng ngồi ăn, im thim thít. Im lặng như bà phước nguyện gẫm. Ngài im lặng đứng lên. Ngài im lặng về phòng. Bà phước lẳng lặng khóa cửa phòng ăn và nhẹ nhàng lui gót. Đèn hành lang phụt tắt, bóng hồng chập chờn biến dạng.

Một phút trôi qua. Hai phút trôi qua. Có tiếng đập cửa phòng ăn: “Bình bình. Bình bình”.

– Ma sơ ơi, tới giờ cơm rồi… Bà phước bỏ đói tôi rồi. Thôi, không sao, ăn chay để đền tội.

Thấy thế, mình bụm miệng cười và thầm đọc:

Cha già tuổi tám mươi tư. Quên quên nhớ nhớ khiến “sơ” bật cười”

5. Có một cha già, già lắm. Ngài đếm từng ngày trên tờ lịch. Mỗi lần đếm ngày ngài lại thì thầm: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi…”.

Ngài mặc áo dòng đen suốt ngày, quanh năm. Lúc nào cũng có chuỗi hột lủng lẳng dưới bàn tay. Ngài quỳ cầu nguyện trong nhà nguyện nhiều hơn ngồi nói chuyện trong nhà khách.

Nét mặt ngài lúc nào cũng đăm chiêu, y như vị ẩn tu trên rừng vắng. Giáo dân cũ của ngài đến viếng thăm ngài thường xuyên. Kính trọng, quý mến, họ xin ngài ban phép lành. Họ xin ngài làm phép chuỗi hột.

Thấy mà ham, thấy mà thèm. Ham quá, thèm quá, mình cầm lòng không được, bèn đọc to lên:

“Cha già tuổi tám mươi tư. Chắp tay cầu nguyện giống như thiên thần”.

6. Cha giám đốc nhà hưu mặc áo các phép, miệng thì thầm đọc lời xá giải và xức dầu bệnh nhân.

Bệnh nhân là một linh mục già, cặp mắt đăm đăm nhìn vào hình bánh tròn tròn, miệng thì thầm: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con. Nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.

Cha già khẽ mở miệng, khẽ khép lại. Hai mắt khép hờ. Hai bàn tay chắp lại trước ngực. Dường như ngài xuất thần.

Bà phước dòng Thánh Phaolô làm dấu Thánh Giá. Cúi đầu nhắm mắt, dường như bà chờ một cái gì chưa đến, nhưng sắp đến.

Mình thổn thức nghĩ về thân phận của mình. Chẳng còn bao lâu nữa, mình cũng sẽ lim dim mắt, run run môi, và cũng sẽ “Amen”. Mình hít một hơi dài, dõng dạc tuyên bố như đọc một tuyên ngôn:

Cha già tuổi tám mươi tưThở ra một cái, giã từ thế gian”.

Tết đến rồi đi. Chẳng thương chẳng nhớ. Hình ảnh các cha già hưu đến rồi đọng lại – Thương mến vô vàn! Xót xa quá chừng!

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn