Suy niệm Chủ Nhật Lễ Thăng Thiên B

print

Suy niệm Chủ Nhật Lễ Thăng Thiên B

 Lm Phan Văn Lợi

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM B : MC 16,15-20

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.

            19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.  

                       

NGƯỜI CÓ HIỆN DIỆN CHO CHÚNG TA KHÔNG ?

            Cha André Sève, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Un rendez-vous d’amour” (Một cuộc hẹn hò tình yêu), có kể lại rằng : trong một lần trò chuyện, một linh mục Chính thống đã nhận xét với cha là người Công giáo ít quan tâm cách thiêng liêng tới mầu nhiệm Lên trời : “Quý vị biến nó thành một ngày lễ, nhưng hình như chẳng mấy để ý tới khía cạnh tôn giáo của nó. Đối với chúng tôi, người Chính thống, đây là một lễ được hết sức yêu mến, được mãnh liệt cảm nghiệm” – “Vì sao vậy ?” – “Vì đó là lý do cuối cùng của việc Đức Giê-su đến trên trần gian : Thiên Chúa trở nên con người để con người được thành Thiên Chúa. Vào lúc Thăng thiên, nhân tính viên mãn của Đức Giê-su, kết hợp với thần tính Người, được nâng lên trời đồng thời Người cũng nâng chúng ta lên tới Thiên Chúa” – “Người ra đi, nhưng chúng ta vẫn kết hợp với Người mà !” – “Dĩ nhiên rồi ! Kết hợp hơn bao giờ hết. Đây là một mầu nhiệm khiếm diện-hiện diện”.

            1. Thấy Đức Giê-su có mặt trong sự vắng mặt

            Khi cố gắng tưởng tượng Đức Giê-su rời chúng ta bằng cách bay lên mây trời, so sánh việc kính nhớ Người ra đi hôm nay như việc đưa tiễn một thân nhân Việt kiều về lại Mỹ, là chúng ta giết chết mầu nhiệm Thăng thiên ; chúng ta biến nó thành một sự khiếm diện đang lúc đó là một mầu nhiệm hiện diện đầy hiệu quả. Mác-cô giúp chúng ta cảm nhận sâu xa điều này bằng cách thẳng thừng đặt cận kề nhiều chuyện trái ngược nhau : “Chúa Giê-su được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với họ”.         

            Mát-thêu chỉ nói đến hiện diện, đó là tiếng cuối cùng của Đức Giê-su trên trần gian : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Phần Lu-ca thì nêu bật sự khiếm diện : “Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24,51). Ông còn nhấn mạnh điều này hơn nữa trong sách Công vụ : “Người lên trời ngay trước mắt các ông và có đám mây che khuất Người khỏi mắt các ông” (Cv 1,9). Nhưng trong Tin Mừng của mình, Lu-ca có đưa ra nhận xét lạ lùng này : “Các ông trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24,52). Hoan hỷ vì Đức Giê-su bị cất đi khỏi họ sao ? Đây là cái nháy mắt đầy ý nghĩa : “Coi chừng ! Kiểu vắng mặt này sắp trở thành một kiểu có mặt sâu xa hơn đấy”. Vì thế, trong Công vụ, hai thiên thần (hiểu ngầm : Thiên Chúa) lay tỉnh các môn đệ đang nghếch mũi lên không trung : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1,11).

            Như thế sự vắng mặt hữu hình của Đức Giê-su không cản trở việc Người tiếp tục hiện diện và hoạt động bên các Ki-tô hữu. Ki-tô giáo sống còn chính là nhờ Đức Giê-su đang sống và hoạt động qua Thánh Thần của Người. Người không bị đưa về trời theo kiểu Kha-nốc hay Ê-li-a. Được tôn vinh trên trời đối với Người chẳng phải là làm một cuộc đi xa, nhưng là đến gần nhân loại. Phục sinh và lên trời là để làm sứ vụ giữa lòng thế giới. Từ đây, Người là Thượng Tế cầu bàu cho ta trên trời (x. Hr 7,25), và không ngừng thu hút, nâng dậy cả nhân loại : “Một khi Tôi được nâng lên khỏi đất, Tôi sẽ lôi kéo mọi người đến cùng tôi” (Ga 12,32). “Ta ra đi nghĩa là Ta sẽ đến. Ta vắng mặt chính là để ở cùng”

            Vắng mặt-có mặt ! Tìm kiếm Đức Giê-su trên cõi trời-làm việc với Người dưới trần gian ! Nỗ lực đức tin đòi hỏi nơi ta, chính là hợp nhất hai mối quan hệ xem ra rất khác biệt với Đức Giê-su như thế.

            2. Tìm kiếm Đức Giê-su trên cõi trời

            Vâng, Đức Giê-su đang “ngự bên hữu Chúa Cha”. Điều đó muốn nói là “trong vinh quang Thiên Chúa”, chia sẻ quyền năng với Thiên Chúa, và ta có thể mơ tưởng, có quyền mơ tưởng, có quyền “ngước mắt lên trời”. Đức Giê-su phục sinh vẫn là một con người, một trong chúng ta. Nay Người lên trời tức là có một con người trong nhân loại đã đi vào vinh quang Thiên Chúa ! Mừng lễ Thăng Thiên là mừng ngày nhân vật mang tên Giê-su đi vào chỗ sâu thẳm nhất của thế giới thần linh, với thân xác đã được thần hóa của mình. Và cùng với Người sẽ là tất cả chúng ta, nếu chúng ta tin vào sự hợp nhất của cả nhân loại trong Đức Giê-su-Ki-tô. “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì Người là Đầu và là Thủ lãnh chúng con, nên Người đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo” (Bài Tiền tụng lễ Thăng thiên). Lễ Thăng Thiên thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người. Vậy làm sao cuộc sống chúng ta lại chẳng được thu hút bởi cuộc sống trên trời ấy của Đức Giê-su, Đấng ngày qua ngày thúc đẩy chúng ta “gắn chặt nỗi ao ước của mình, như kiểu nói tuyệt diệu của thánh Lê-ô giáo hoàng, vào nơi mà cái nhìn không vươn tới được”.

            Thế nhưng, thay vì gắn chặt nỗi ao ước của mình vào cõi vô hình đó, bằng một thái độ can đảm sống đức tin, chấp nhận mọi thiệt thòi và mọi gian khổ để hiên ngang làm ngôn sứ, thẳng thắn tố cáo những vi phạm nhân quyền nhan nhản trước mắt, lắm Ki-tô hữu, trong đó không thiếu các chủ chăn, đang can tâm quỵ lụy quyền lực hay ngậm miệng im tiếng (rồi tự cho đó là khôn ngoan!?) để “được việc”, để “an thân”, để mong thế gian bố thí chút tự do và lợi quyền. Như thế làm sao chứng tỏ cho loài người thấy Ki-tô hữu chúng ta luôn “tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa” ? Đang khi ấy không thiếu những con người ngoài đức tin lại anh dũng đương đầu với gian khổ, tù đày và bắt bớ để làm chứng cho những giá trị đích thực.

            3. Làm việc với Đức Giê-su dưới trần gian

            Suốt cuộc sống tại thế của Đức Giê-su, lắm kẻ đã thấy, đã nghe, đã động tới Người. Nhưng được bao nhiêu kết quả ? Không hiếm kẻ đã sinh nghi về mầu nhiệm của Người dù đã dệt những quan hệ với Người. Kể cả các Tông đồ và môn đệ. Phản ứng của họ trong ngày Người tử nạn đủ cho thấy rõ. Nhưng khi có vẻ “ra đi” vào ngày Thăng thiên, Người trái lại trở thành Đấng sẽ hiện diện đối với bất cứ ai mở rộng cuộc sống cho Người. Chính vì thế thánh Lu-ca đã có thể nói : “Người được cất đi và điều này khiến các môn đệ lòng đầy hoan hỷ !” Họ là những kẻ đầu tiên kinh nghiệm về kiểu hiện diện mới. Thay vì mất Người, họ được cái lợi là từ nay có thể sống với Người trong một sự mật thiết về tư tưởng và hành động, sự mật thiết mà người ta cảm thấy rất rõ khi đọc sách Công vụ : “Thầy ở cùng anh em”. Dĩ nhiên mọi chuyện chẳng phải dễ dàng trôi chảy. Vẫn còn một khó khăn rất lớn, đó là phải đi từ kiểu nắm bắt, đụng chạm khuôn mặt và giọng nói, sang lối tiếp cận cách vô hình của đức tin. Ở đây thánh Lê-ô lại có lời dạy bảo : “Đức tin đã được mời gọi chạm tới Con độc nhất, bình đẳng với Đấng đã sinh ra Người, không phải bằng bàn tay xác thịt nhưng bằng trí tuệ thiêng liêng”.

            Niềm tin “có Chúa cùng hoạt động” với chúng ta như thế sẽ thúc đẩy chúng ta “nhân danh Người mà trừ được quỷ”, những thứ quỷ không mang bộ mặt đen đủi, ghê tởm như trong các hình tượng tranh ảnh, nhưng có những dáng dấp lôi cuốn : chủ nghĩa vô thần, não trạng duy vật, khuynh hướng hưởng thụ, thói tìm kiếm hư vinh, lợi lộc và thành công trước mắt… “sẽ nói được những tiếng mới lạ”, những tiếng nói không a dua với quyền lực, chẳng làm công cụ cho thế gian, không tô son trát phấn cho ách độc tài, chẳng biện minh cho thể chế áp bức, nhưng là đề cao các giá trị thiêng liêng, bênh vực các nhân quyền cơ bản, cổ võ tinh thần tự do đích thực và cương quyết đòi cho Thiên Chúa lẫn Tin Mừng được lên tiếng trong xã hội… “sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao”, nghĩa là có thể bị lôi tới trước chỗ thẩm vấn, trước tòa án trần đời, bị bôi nhọ xuyên tạc, hay thậm chí bị những anh em đã tôn quyền lực trần thế làm “ông chủ” chê là quá khích, nông nổi, thế mà vẫn bình thản bất khuất, hiên ngang sống thẳng nói thật vì Tin Mừng !