Thư Gửi Tín Hữu Ê-Phê-Sô

print

Thư Gửi Tín Hữu Ê-Phê-Sô

https://www.thanhlinh.net/

(Phần 1 Ep 1-3)

 “Thiên Chúa Cha ….cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô”

                                                                                ( Ep 1,9-10)

I.Thư Ê-phê-sô được gửi cho ai?

 Địa chỉ của thư này đặt ra nhiều vấn đề. Một số bản chép tay – nhưng không trước thế kỷ IV – khẳng định gửi cho Êphêsô trong khi những bản khác thì không có.

Vì thế, duờng như thư này không phải được gửi trực tiếp cho cộng đoàn Êphêsô nơi Phaolô đã sống hơn 2 năm (Cv 19). Thành phố cũ thời kỳ Hi Lạp hóa đã trở thành thủ đô của vùng La Mã châu Á sau khi đoạt chỗ của Pergame.

Khác với các thư khác của Phaolô, không có gì trong thư này ám chỉ hoàn cảnh đặc biệt của một cộng đoàn và các vấn đề riêng tư của nó. Tuy nhiên, nội dung Á châu thì không có gì để nghi ngờ. Ngày nay, dường như người ta cũng chậm rãi trong việc công nhận đây là một thư luân lưu chuyển từ cộng đoàn này đến cộng đoàn khác.

Có những mối liên quan rõ rệt giữa các thư của Thánh Phaolô với thư Êphêsô về các đề tài bàn cải cũng như về văn phong: ví dụ như ý định của Thiên Chúa hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Giáo hội được xem như dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô. Vì thế, người ta gắn kết thư này vào môi trường của Phaolô nếu không phải là chính Phaolô.

  1. Thư này cho ta điều gì riêng biệt?

 Thư này thường được coi như thư Phaolô viết lúc bị cầm tù ở Rôma, cùng với các thư Philípphê, Colôsê và Philêmôn.

Trong các thư trên, chất thần học Phaolô thêm phong phú: điều mà trong thư Rôma và Galát gọi là “công chính bởi đức tin” nay trở thành “cứu độ bởi đức tin”; và sự cứu độ trong các chương lớn (Rm; 1 và 2 Cr, Gl) là một thực tại sẽ đến mà Thiên Chúa ban cho trong thời kỳ viên mãn, ở đây, sự viên mãn này coi như đã hoàn tất ngay thời bây giờ. Đế tài này đuợc trình bày nhiều nhất trong thư Côlôsê và Êphêsô. Hai thư này có nhiều điểm tương đồng làm cho người ta phải tự hỏi có phải một trong hai thư là nguồn gốc của thư kia hay cả hai thư được viết ra gần như cùng lúc.

Tuy nhiên, thư Êphêsô trình bày một học thuyết hoàn chỉnh hơn. Đây là thư cho ta một nội dung kết hợp chặt chẻ nhất; nó trình bày một tổng hợp tín lý mà tầm quan trọng có thể so sánh với nội dung thư Rôma.

——————————————————————————-

Dàn bài thư gửi tín hữu Êphêsô

Địa chỉ (1,1-2)

  1. Phần học thuyết : Ý định của Thiên Chúa triển khai trong Giáo hội (1,3-3,21)
  • phép lành (1,3-14)
  • sự phong phú của ân huệ Thiên Chúa nơi người tin (1,15 – 2,10)
  • sự hòa giải giữa người Do thái và dân ngoại, giữa chính họ và với Thiên Chúa (2,11-22)
  • mặc khải Mầu nhiệm và Sứ vụ hoàn vũ của Phaolô (3,1-13)
  • lời chuyển cầu và vịnh tụng ca cuối cùng (3,1 ; 14,21)
  1. Phần khuyên nhủ : (4,1-6, 20)
  • Kêu gọi hiệp nhất trong đức tin và đức ái (4,1-16)
  • Áp dụng đặc biệt cho sự trở lại ở mức độ cá nhân (4,25 – 5,7)
  • Các quan hệ xã hội (5,8-20)
  • Luân lý gia đình và trong nhà (5,21 – 6,9)
  • Cuộc chiến đấu thiêng liêng nhờ lời loan báo của Thiên Chúa (6,10-20)

Tin tức cá nhân và lời chào cuối thư (6,21-24)

———————————————————————————–

III. Phân tích thư : phần Học thuyết (1,3 – 3,21)

Thư được chia ra thành hai phần bằng nhau và rất dễ phân biệt. Như những thư khác, nó mở ra cho một địa chỉ, không theo sau bằng một lời cầu nguyện tạ ơn, nhưng lại là một lời chúc lành dài như muốn cô đọng lại toàn lá thư, đề cập sớm nội dung đi theo sau, hay nói cách khác, giải thích “phép lành thiêng liêng” do Cha ban cho. Nó bao gồm:

  • kêu gọi người được tuyển chọn vào đời sống của Thiên Chúa (1,4)]
  • cách thức chọn lựa cho sự thánh thiện này: nhận làm nghĩa tử Thiên Chúa (1,5)
  • công cuộc cứu độ lịch sử của Đức Kitô qua cây thập tự (1,6-8)
  • mặc khải mầu nhiệm= thâu tóm mọi sự trong Đức Kitô (1,9-10)
  • tuyển lựa dân Israel (1,11-12)
  • kêu gọi và sự trở lại của dân ngoại (1,13-14)

Các lời chúc lành này đuợc ngắt quãng bằng điệp khúc “để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa”

  1. Mầu nhiệm

Mầu nhiệm mà thư nhắc đến, với ý nghĩa “mặc khải”, “sung mãn”, “viên mãn” đã gây chú ý cho các nhà chú giải. Một vài vị đã thấy ở đây dấu tích của thuyết ngộ đạo, tiêu cực hoặc tích cực. Trong thực tế, nếu có một ảnh hưởng tiền-ngộ đạo, thì vẫn còn có sự sửa chữa kịch liệt.

Chữ “mầu nhiệm” nhắm vào Đức Kitô và bao hàm những ý nghĩa chính xác về Giáo hội. Nó vượt khỏi ý nghĩa đã được biết đến là ơn cứu độ cánh chung của Thiên Chúa mở ra trong Đức Kitô, để chỉ ra rằng ơn cứu độ này hoàn tất nơi Đức Kitô như vị thủ lãnh của vũ trụ và qua đó mà Đức Kitô được nhận biết. (1,9-10)

Bản thân vị tông đồ đóng một vai trò quan trọng trong sự truyền đạt, người đã được “ủy thác, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi… ân sủng để rao giảng cho dân ngoại Tin mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô và để soi sáng cho mọi người thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài” (3,3-12)

Vị tông đồ loan báo dân ngoại được kêu gọi chia sẻ ơn cứu độ với người Do thái : cả hai trở nên chi thể của cùng một Thân Thể. Đó là “sự phong phú khôn lường của Đức Kitô.” Và toàn thể vũ trụ biết đuợc sự “khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (3,10)

Chữ “ mầu nhiệm” là chữ “kế hoạch” theo nghĩa thần học. Kế hoạch cứu độ vạch ra cách thức mà ơn cứu độ sẽ thực hiện và phát triển.

Tất cả những điều đó đang làm và sẽ làm trong Đức Kitô: kitô học của thư rất quan trọng để hiểu Giáo hội học. Đức Kitô và Giáo hội kết hợp với nhau rất mật thiết.

  1. Giáo hội, Thân Thể và Viên Mãn của Đức Kitô

“Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính người là bình an của chúng ta; Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một :Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (2,13-14)

Trong Đức Kitô, sự phá bỏ mọi khác biệt cho phép sự thống nhất giữa Israel và dân ngoại. Đức Kitô đã trả giá bằng chính mạng sống mình, giá của sự bình an để cho  sự Bình an được triển nở. Người chính là sự Bình an. Từ nay trở đi, trong Đức Kitô, ai đã chết thì lấy lại sự sống: mọi người được hưởng nhờ ơn này – “chính do ân sủng và lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (2,8) – Ân huệ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Mọi người được trao ban sự sống với Đức Kitô và ngay bây giờ chúng ta đã được sống lại và đuợc vinh quang với Người (2,1-10)

Như vậy, ơn cứu độ, sự sống với Đức Kitô đã là một thực tại cho dù thực tại này đang trên đường hoàn tất. “ Giáo hội đã là Thân Thể của Người, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (1,22-23) và cùng lúc, Giáo Hội này phải tìm ra hết mọi chiều kích của mình nhờ sự lớn mạnh của Thân Mình cho tới khi Đức Kitô là Tất cả trong mọi người và là Đầu của mọi sự.

Như vậy, Giáo Hội , thường  trong những thư khác chỉ các cộng đoàn địa phương, vừa đuợc xem như một thực tại hoàn vũ trong thư Êphêsô mà chương 5 nhân cách hóa thành Vị Hôn Thê của Đức Kitô. Hôn thê được Đức Kitô yêu mến và tự hiến mình, đó là nét đẹp bên trong của Giáo hội cũng như sự sâu thẳm của Mầu nhiệm được ghi dấu từ thuở đời đời.

Như vậy, thư này làm cho người kitô hữu hiểu sự chết và sự trỗi dậy của Đức Kitô đã thay đổi tận căn thế giới này như thế nào.

Đó là ân huệ của Thiên Chúa mà từ nay trở đi, trong đức tin, ta thấy khắc ghi trong lòng Giáo Hội.

CÂU HỎI BÀI SỐ 12

Bạn hãy dùng đoạn văn Ep 1,3-14 mà cầu nguyện. Đọc lời giải thích trong sách Kinh Thánh Tân ước “Lời Chúa cho mọi người” . Nếu muốn, bạn có thể chia sẻ cảm nghiệm của bạn về đoạn văn này (không bắt buộc)

THƯ GỬI TÍN HỮU Ê-PHÊ-SÔ

(Phần 2 : Ep 4-6)

 “Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” ( Ep 5,1-2)

“Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (5,32)

  1. Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em (4,1)

Chương 3 kết thúc bằng vịnh tụng ca: “Xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời. Amen”. Chương kế tiếp mở đầu bằng công thức quen thuộc của phần khuyên nhủ : “ Vậy tôi khuyên anh em… (4,1). Nội dung chính yếu của bài huấn dụ này nằm ở 3 câu đầu của chương 4: phải sống cho xứng với ơn gọi đã lãnh nhận bằng cách chịu đựng lẫn nhau trong sự hiền lành, khiêm tốn và nhẫn nại và duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí.

Rồi, thật nhanh, bỏ lại lời huấn dụ, Phaolô chuyển sang tuyên xưng đức tin Chúa Ba Ngôi và phép Rửa (4,4-6) và mô tả Chúa Kitô trong vinh quang (4,7-10) giới thiệu lời giảng dạy về sự hiệp nhất của Hội Thánh. Không cần sáng tạo ra sự hiệp nhất này vì nó được ban cho trong phép Rửa và Thánh Thần là bảo chứng, nhưng phải gìn giữ nó trong tình yêu thương lẫn nhau. Hội Thánh là sự bày tỏ ý định cứu độ của Thiên Chúa bằng cách thâu tóm mọi sự trong Đức Kitô (1,9… ; 3,10….). Vì thế chỉ có thể có “một Hội Thánh” qua sự trung tín với ơn gọi.

Sự hiệp nhất này tồn tại và tiến triển qua việc nhận biết Đức Kitô. Tuy nhiên Hội Thánh trở thành “con người mới”, đạt tới tầm viên mãn của Đức Kitô, xây dựng Thân Mình của Đức Kitô, trong mức độ mà các tín hữu nhận biết và sống sự thật của Đức Kitô trong đức ái, qua các tác vụ khác nhau.

Đó là cách người kitô hữu sống xứng với ơn gọi đã lãnh nhận, nghĩa là phù hợp với ý định của Thiên Chúa. (1,3-14), diễn tả sự cao cả của Tình yêu và sự phong phú của Lòng Thương Xót được ban cho trong Đức Kitô. (2,1-10)

Vì thế sống ơn gọi kitô hữu trong Hội Thánh, trong thế giới này, dưới ánh sáng của thư Ê-phê-sô, là sống sự hiệp nhất làm cho chúng ta hiểu và chấp nhận Chúa Thánh Linh (1,17), điều mà Đức Kitô đã mang đến cho chúng ta qua cái chết trên thập giá. Mỗi kitô hữu vì thế là một người đam mê sự hiệp nhất, không phải bởi thích kế hoạch hóa xã hội hay bởi lòng tốt tự nhiên, nhưng bởi tình yêu sự thật của Thiên Chúa.

Đời sống Giáo hội đích thực này chỉ có thể thực hiện được bằng việc thực hành quí giá câu số 4,2 “ Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”. Hiền lành, khiêm nhường sinh kiên nhẫn. Đó là sự thật kitô giáo làm cho ta hiểu rằng : trong “Mầu nhiệm” đuợc mặc khải cho con người, mọi sự đều là ân sủng đón nhận từ Thiên Chúa và phải được qui trả lại cho Người. Vâng, “mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Thiên Chúa ban cho” (4,7). Ân sủng được nhận làm nghĩa tử. Hoàn toàn nhưng không. Trong Đức Kitô.

Tuy nhiên sự nhận biết thiêng liêng về ơn này và về sự thật của Đức Kitô, cũng như ước muốn sống ơn ấy, một ngày kia sẽ dẫn đưa tất cả Kitô hữu đến tôn vinh Thiên Chúa, qua Đức Kitô, trong một Hội Thánh hữu hình bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Sống sự thật trong đức ái, chúng ta tiến triển trong Đức Kitô là Đầu của chúng ta (4,15-16).

Mọi người giúp vào sự kiến tạo thân thể này. Đây là một sự hiệp nhất mời gọi. Một sự hiệp nhất mang tính hoàn vũ.

  1. “Mặc lấy con người mới sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa” … (4,24)

 Sự lớn mạnh của toàn Thân mình xảy ra nhờ sự trở lại của từng cá nhân. Người kitô hữu phải để cho mình được đổi mới qua sự biến hình thiêng liêng của trí thông minh, bước từ con người cũ sang con người mới bằng sự chuyển đổi của Thần Khí Chúa (4,20- 24)

Sự biến đổi này kéo theo một kiểu đạo đức: đừng làm… hãy làm… bởi vì…. Lời huấn dụ nói rõ rằng tác giả thư Ê-phê-sô áp dụng thành công đối với lời nói dối, sự giận dữ, trộm cắp, chua cay gắt gỏng: “ anh em được ghi dấu ấn Chúa Thánh Thần” (4,30). Đó là cái “đã là” quy nạp trong bản thể con người mới của chúng ta! Chúng ta phải trở thành cái mà chúng ta đã là. Tăng trưởng… hướng về sự viên mãn của Đức Kitô… Bắt chước Thiên Chúa, Đấng đã nói với chúng ta và ban tình yêu cho chúng ta qua Đức Kitô và sự dâng hiến của Người (5,1-2)

III. “ Mầu nhiệm này thật cao cả: nó liên quan đến Đức Kitô và Hội Thánh” (5,32)

Cùng với sự biến đổi và tăng trưởng cá nhân còn có các mối quan hệ xã hội. (5,8-20). Phải vượt qua từ bên trong của những điều này, từ bóng tối đến ánh sáng, từ trí thông minh đến sự khôn ngoan, từ sự hư mất đến viên mãn của Thần Khí “hãy thấm nhuần Thần Khí” (5,18) vì chỉ có sự sống Thần Khí làm cho người kitô hữu sống và hành động. Tuy nhiên sự viên mãn của Thiên Chúa ban cho người kitô hữu, tham dự vào sự viên mãn của Đức Kitô, Người đã lên và  xuống, đã đổ đầy mọi sự (4,10). Vì thế, Hội Thánh là và trở nên sự viên mãn của Đấng đã đổ đầy mọi sự (1,23; 4,7-16) vì Hội Thánh được xây dựng bởi tất cả những ai đầy Chúa Thánh Thần.

Thư đuợc tiếp nối với phần khuyên nhủ đặc biệt cho những tình trạng sống khác nhau, những mối quan hệ cơ bản cấu tạo nên xã hội cổ xưa: vợ-chồng, cha mẹ-con cái, chủ-tớ. Ở đây, Phaolô muốn thổi vào một tinh thần kitô hữu trong các thể chế xã hội. Không chấp nhận chúng, ông tìm cách in vào chúng một nhiệt tình của tình yêu kêu gọi chúng biến đổi cách dễ dàng hơn.

Nguyên tắc căn bản của bài huấn dụ là qui chiếu về Đức Kitô “ Hãy tùng phục lẫn nhau trong sự kính sợ Chúa” (5,21). Cũng vậy, sự hòa hợp vợ chồng trở thành điểm khởi đầu cho sự đào sâu mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Và từ đó, một ánh sáng mới và quyết định xuất hiện trên ý nghĩa bí tích của sự kết hợp giữa người đàn ông và vợ mình. Sự gợi lại của Hội thánh “thánh thiện, tinh tuyền, không tì vết” nhờ hôn phu đã hiến mình (5,27) – mô tả Hội Thánh đã hoàn tất – là một lời mời gọi và khuyến khích các hôn phu cũng ngầm hiểu mọi kitô hữu – phải sống ngay từ bây giờ tình yêu của Chúa Kitô, Người đã xây dựng chúng ta thành một Thân Thể. Ngay từ bây giờ, đã bắt đầu thực hiện cách hữu hiệu ơn gọi, mà bằng đức tin và phép Rửa, chúng ta được mời gọi đến (4,1-6)

Trong chiều hướng này, đức ái kitô giáo là dấu hiệu sự hiện diện của Mầu nhiệm Thiên Chúa ở giữa con người.

KẾT LUẬN

Cho cuộc chiến đấu của tình yêu này, cần phải “tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người” (6,10)

Thư kết thúc bằng một lời kêu gọi tỉnh thức trong cuộc chiến chống lại sức mạnh của sự dữ, cuộc chiến được trang bị với binh giáp của Thiên Chúa, và kêu gọi cầu nguyện không ngừng (6,10-20)

Đó là cách thức ân sủng lưu lại và tăng trưởng nơi những ai yêu mến Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu không phai lạt!

CÂU HỎI BÀI SỐ 13

 Bạn đọc Ep 4 ,1-17. Trong đoạn văn này, Thánh Phaolô khuyên các kitô hữu xây dựng Thân Mình Chúa Kitô trong sự hiệp nhất.

 1/ Đâu là những nguyên tắc chính của sự hiệp nhất ? (4-6)

2/ Làm thế nào đức tin và đức ái nối kết chúng ta cách cụ thể với anh em và với Thiên Chúa ?

3/ Qua đoạn văn trên, đâu là vai trò cá nhân của người tín hữu trong Giáo Hội ? Trách nhiệm của chúng ta trong Giáo Hội là gì ?

4/ Từ chương 4 đến chương 6, Phaolô có nhiều huấn dụ khác nhau. Bạn thấy huấn dụ nào là quan trọng cho đời sống kitô hữu của chúng ta hôm nay ?