Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm A

 

Chủ đề trong các bài đọc Chúa nhật này cũng giống Chúa nhật tuần trước. Một lần nữa chúng ta phải đặt mình trước những đòi hỏi của người môn đệ, nhưng chúng ta cũng được an ủi vì Chúa luôn quan phòng và nâng đỡ chúng ta. Sự khác biệt giữa các Chúa nhật, là ở đây chúng ta nhìn những chủ đề này qua khuôn mẫu của Bí tích Rửa tội. Không phải ngẫu nhiên, những chủ đề này lại xuất hiện vào thời điểm này, vì nỗi sợ hãi tự nhiên của chúng ta trước những khó khăn đang đè nặng cuộc sống thúc giục chúng ta tìm đến sự an ủi và khích lệ từ chính Lời Chúa.

 

BÀI ĐỌC 1: 2 V 4, 8-12a, 14-16

Ngôn sứ Êlisa và Người Phụ nữ Sunêm

Đây là một câu chuyện đáng yêu về lòng hiếu khách đã được đáp trả.  Nó được trình bày cho chúng ta ở đây để minh họa một câu Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10,41). Thực sự thì ở đây chúng ta chỉ được nghe kể một nửa câu chuyện, vì sau đó đứa trẻ đột nhiên bị bệnh và chết (có thể là do sốc nhiệt), và vị ngôn sứ đã đưa đứa trẻ hồi sinh, trở lại với sự sống. Hầu như câu chuyện tương tự cũng được kể trong 1 V 17 về ngôn sứ Êlia. Những điểm tương đồng trong cách kể hai câu chuyện này cho thấy rằng tác giả Tin mừng Luca đã nghĩ đến điều này khi thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai của góa phụ thành Nain.  Trình thuật kết thúc bằng lời ca ngợi của dân chúng:  “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta; và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài” (Lc 7,11-16). Trong Tin mừng Luca, Chúa Giêsu thường được trình bày như một ngôn sứ và còn hơn cả một ngôn sứ, chẳng hạn như trong biến cố Chúa Giêsu mở đầu sứ vụ tại hội đường ở Nazareth, nơi đó Người ví sứ vụ của Người với những việc làm của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa (Lc 4,16-30). Biến cố Chúa Thăng Thiên cũng được mô tả theo cách trình bày Êlia được đưa lên trời trong khi các môn đệ của ông nhìn theo (2 V 2,11).

 

ĐÁP CA: Tv 89:2-3,16-17,18-19 

Thiên Chúa trung thành giữ lời hứa

Thánh vịnh 89 là một lời than thở với Chúa về lời hứa giao ước chưa được thực hiện đối với Đavít. Câu 2-3 nói đến lời Chúa hứa cho triều đại Đavít tồn tại lâu dài thiên thu. Một tuyên bố như vậy bao gồm cả tình yêu và lòng trung thành đối với triều đại và ngai vàng của Đavít (cc. 4-5). Trong những câu khác của đáp ca hôm nay, tác giả thánh vịnh nói đến tình yêu kiên định và lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Ông mô tả Thiên Chúa bảo vệ dân của Ngài và vua của Israel, là đại diện của dân giao ước.

Đứng đầu trong số các vị vua của Israel là Đavít, vị vua chăn chiên được Thiên Chúa xức dầu và lập giao ước vĩnh cửu (1 Sm 12-13; 2 Sm 7,11b-16, 29; 23,5; 1 V 2,4; 2 Sbn 13,5; Hc 45,25). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Con vua Đavít đã hoàn tất những lời hứa đối với vua Đavít (2 Sm 7,11b-16; 23,5; 2 Sbn 13,5; Hc 45:25). Việc Thiên Chúa sai Con của Ngài đến để thực hiện ơn cứu chuộc và khai mở một Giao ước mới qua Đấng Cứu Thế mang dòng tộc Đavít (x. Gr 31,31-34), là bằng chứng cho lời hứa trung thành với Giao ước và thể hiện tình yêu vĩnh cửu đối với những ai yêu mến và tuân giữ các điều răn của Ngài (Đnl 7,9; Nk 1,5; Đn 9,4).

Sau những lần thất bại, tác giả Thánh vịnh nhớ lại những lời hứa của Thiên Chúa: Đâu rồi vị quân vương, vị cứu tinh mang vinh quang và thịnh vượng đến cho dân Ngài. Ngày nay cũng vậy, người tín hữu nhiều khi tự hỏi: Chúa ơi, đâu rồi lời hứa của Ngài? Tại sao con cái Ngài không có bánh ăn? Công lí của Ngài ở đâu? Tại sao Giáo hội Chúa không tích cực sống Tin Mừng?

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 6,3-4,8-11

Phép rửa trong Chúa Kitô

Bài đọc Chúa nhật tuần trước cũng trích từ thư Rôma, đã giải thích cho chúng ta biết Chúa Kitô là Ađam mới như thế nào: nhờ sự vâng phục mà Người đã giải tỏa sự bất tuân của Ađam cũ. Nhưng chúng ta có thể tự đặt câu hỏi: ‘Nhưng điều đó có liên quan gì đến tôi? Nó có ích lợi cho tôi như thế nào?’ Câu trả lời được đưa ra ở đây là: chúng ta đã được rửa tội tháp nhập vào cái chết của Chúa Kitô để chúng ta được kết hợp với Người và để được biến đổi nhờ sự Phục sinh của Người. Từ ngữ baptizo trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là dìm vào: chúng ta được nhấn chìm vào cái chết của Chúa Kitô. Sự sống của chúng ta bây giờ là sự sống của Chúa Kitô, mặc dù chưa được biến đổi như Người. Phaolô tạo ra một loạt các từ ngữ mới bắt đầu bằng tiếp đầu ngữ ‘syn-’ (có nghĩa là đồng bộ hóa, hoặc tổng hợp) để cho thấy cuộc sống của chúng ta được hợp nhất vào Chúa Kitô như thế nào. Biểu hiện rõ nhất của tất cả là chúng ta là synphytoi với Chúa Kitô: từ này được sử dụng trong thuật ngữ y học để chỉ cách hai khúc xương bị gãy, rồi được nối kết lại với nhau và hợp lại thành một đoạn liền mạch cứng cáp hơn ban đầu. Bằng Phép Rửa tháp nhập vào cái chết của Chúa Kitô, cái chết của Người trở thành của tôi. Câu chuyện Chúa Kitô trở thành câu chuyện của tôi. Sức mạnh của Người trở thành sức mạnh của tôi. Thân thể Chúa Kitô trở thành thân thể của tôi. Và sự sống phục sinh của Chúa Kitô cũng trở thành sự sống phục sinh của tôi.

 

TIN MỪNG: Mt 10,37-42

Cái giá người môn đệ phải trả

Đoạn Tin mừng Mátthêu hôm nay gồm một giáo huấn về cả hai điều: những đòi hỏi (cc. 37-39) và phần thưởng (cc. 40-42) đối với người môn đệ. Các đòi hỏi khá triệt để; và các phần thưởng cũng rất cao quý.

Chúa Giêsu đưa ra ba ví dụ về cái giá đòi hỏi người môn đệ. Hai trong số đó là khung cảnh gia đình; điều thứ ba lấy từ bối cảnh thực hiện sự tử hình thời La Mã. Trong cả ba trường hợp, Chúa Giêsu khẳng định rằng nếu các môn đệ không sẵn lòng hoặc không thể đáp ứng được những yêu cầu mà Người đưa ra thì họ không xứng đáng trở thành môn đệ của Người. Ví dụ đầu tiên là lời thách đố đối với các mối quan hệ thân tộc họ hàng, được thể hiện bằng tình yêu tự nhiên hoặc tình cảm (phileo). Đây là tương quan phổ biến các mối quan hệ xã hội. Chúa Giêsu khẳng định những ràng buộc này chỉ được chiếm vị trí thứ yếu để có thể dấn thân theo Người. (Cũng có một tuyên bố đòi hỏi các người thầy phải thay thế vai trò của các cha mẹ, được tìm thấy trong các văn thư của kinh sư [M.Bab.Metzia ii:11].) Một yêu cầu như vậy không chỉ gây đau khổ và cảm giác mất mát, nó còn có thể khiến các môn đệ bị xa lánh từ chính những người thân yêu của họ.

Nói đến việc vác thập giá có lẽ là một ám chỉ không đồng bộ đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu. Bởi vì mặc dù các môn đệ hẳn đã rất quen thuộc với hình thức xử tử kiểu La Mã này, nhưng họ khó có thể hiểu rõ được ý nghĩa của nó trước khi Chúa Giêsu chịu chết. Tuy nhiên, điểm chính của biểu tượng sẽ không mất ý nghĩa đối với họ, nhất là vì lời xác quyết về sự sống và cái chết sau đó. Chúa Giêsu nhấn mạnh ý tưởng “tìm thấy” và “đánh mất”. “Giữ lấy” mạng sống của mình có nghĩa là chỉ sống cho riêng mình và đặt mình làm khuôn thước cho các giá trị khác. Điều này chỉ có thể tạo được một sự hài lòng tạm thời; nhưng nó không thể đem đến một cuộc sống thành toàn. Còn một cuộc sống chấp nhận hy sinh quảng đại với mọi người vì Chúa Kitô và Tin mừng, sẽ được đền đáp bằng sự sống viên mãn.

Rồi nội dung chính của giáo huấn lại thay đổi. Chúa Giêsu phác họa một số lợi ích mà các môn đệ sẽ được nhận hưởng, nhưng Người làm như vậy như để mời gọi những người khác, những người sẽ được các môn đệ tiếp cận. Trước tiên, Chúa cho thấy mối liên kết giữa các môn đệ, không chỉ với Chúa Giêsu mà còn cả với Đấng đã sai Người. Vì Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và vì các môn đệ là sứ giả của Chúa Giêsu cũng được sai vào thế giới để tiếp tục sứ mệnh đó, thì những người đón tiếp các môn đệ cũng là đón tiếp Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Rõ ràng các môn đệ được trao một vị trí đặc quyền trong xã hội, và đó là một trong những phần thưởng cho người môn đệ trung thành. Vị trí đặc quyền này là nhận được lòng hiếu khách của người khác, một phần thưởng khác của đời môn đệ.

Tiếp theo Chúa Giêsu nói với những người thể hiện lòng hiếu khách, cho người môn đệ là ngôn sứ, là người công chính và người bé nhỏ. Không phải tất cả các môn đệ đều nhận được ơn đặc biệt làm ngôn sứ. Tuy nhiên, một vị ngôn sứ luôn rao truyền lời của Thiên Chúa thì người môn đệ cũng hoạt động một cách như vậy. Nói như thế cũng thật là hợp lí. Các môn đệ không phải là những người duy nhất sống công chính, nhưng nếu họ cứ trung thành giữ như vậy thì đích thực họ đã sống cuộc sống ngay chính rồi vậy. Nói như thế cũng thật là đúng. “Những người bé” nhỏ có lẽ nói đến địa vị xã hội thấp kém của các môn đệ. Hai đặc tính này nơi họ được tìm thấy ở nơi khác trong Tin mừng. Họ được gọi là đầy tớ (x. Mt 10,24-25) và là trẻ em (x. Mt 18,2-4), hai nhóm người thiếu vị trí xã hội. “Những người bé nhỏ” nói đến ở đây là thái độ sống khiêm tốn và bao dung mà người môn đệ phải luôn tâm niệm cho mình.

Lòng hiếu khách được coi là quan trọng trong ứng xử xã hội thời Chúa Giêsu, do đó Người hứa rằng ai thực hiện lòng hiếu khách đối với người môn đệ sẽ được thưởng. Bản chất chính xác của phần thưởng này là gì thì không rõ ràng. Có phải nó đến từ người thể hiện lòng hiếu khách? Hoặc đó có phải là một phần thưởng tương tự như việc trung thành phục vụ không? Hay đó là một phần thưởng tương xứng với chính vị trí quan trọng của người đó? Tuy nhiên điều rõ ràng là lòng hiếu khách sẽ được Chúa ban thưởng.

——

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 2232-2233: Bước theo Chúa Kitô là ơn gọi thứ nhất của Kitô hữu

+  GLHTCG 537, 628, 790, 1213, 1226-1228, 1694: Bí tích Rửa Tội, chết cho chính mình, sống cho Chúa Kitô

+  GLHTCG 1987: Ân sủng công chính hóa nhờ đức tin và bí tích Rửa Tội

Lm. Giuse Ngô Quang Trung