Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm A

Các bài đọc trong Chúa nhật tuần này nói về Thiên Chúa cứu độ ở giữa dân Ngài. Chúng ta cần phải vững tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng luôn đồng hành với chúng ta, và chúng ta hãy cầu khẩn Ngài khi gặp những cơn bão táp cuộc đời.

BÀI ĐỌC 1: 1 V 19:9,11-13

Ngôn sứ Êlia gặp Chúa

Câu chuyện tuyệt vời này về cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Êlia với Thiên Chúa được đọc hôm nay để hợp với khung cảnh của bài Tin Mừng, ông Phêrô cầu cứu Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trên hồ Galilê. Núi Khôrếp, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ, là một nơi tuyệt vời, một rặng núi đá trên vùng Sinai. Không có đất, không có thảm thực vật hoặc động vật, chỉ có đá cứng, một số quặng sắt màu đỏ, một số màu xám của đá granit, một số gần như màu xanh lưu huỳnh. Chính tại đây ông Môsê và dân Israel cũng có những trải nghiệm về Thiên Chúa. Trong khung cảnh này thì ngay cả những ngọn núi im trơ bất động cũng gần như nói về Thiên Chúa. Êlia đang chạy trốn khỏi mối đe dọa bắt bớ, đó là một cuộc ẩn náu dài 40 ngày và 40 đêm. Có những trải nghiệm không thể diễn tả thành lời, cho dù đó là sự xuất thần trong tình yêu, trong âm nhạc hay trong sắc đẹp. Không ai có thể diễn tả bằng lời một cách tương xứng kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và ngôn sứ Êlia được mô tả hoàn toàn khác với Môsê, người đã nhìn thấy Thiên Chúa trong sấm chớp và động đất. “Lửa và gió hiu hiu thổi” đúng nghĩa đen là “âm vang của sự thinh lặng”. Trong mọi trường hợp, kinh nghiệm này đã củng cố vị ngôn sứ mạnh mẽ để ông có thể trở về với sứ vụ của mình. Chính bởi những cuộc gặp gỡ này mà hai ông Môsê và Êlia có mặt trong cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu. Và đúng lúc ấy các môn đệ thân tín nhất đã được chứng nghiệm thiên tính của Chúa Giêsu trên Núi Thánh.

 

ĐÁP CA: Tv 85

Xin ơn bình an và ơn cứu độ

Thánh vịnh này thuộc nhóm Thánh vịnh kêu than. Israel nhớ lại làm thế nào Thiên Chúa của họ trong quá khứ đã tha thứ tội lỗi và khôi phục lại đất đai và tài sản của họ (cc. 2-4). Trong đau khổ họ cầu nguyện với Thiên Chúa Đấng luôn tha thứ và hồi phục: Một lần nữa xin tỏ cho chúng con thấy Chúa là vị Thiên Chúa chữa lành (cc. 5-8). Dân Chúa, vì tội lỗi, không dám cầu xin ơn phục hồi, mà chỉ chờ đợi trong đức tin vào Chúa: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán.” Thiên Chúa không ban ơn một cách tự động cũng không bừa bãi; chỉ những ai kính sợ Chúa mới có thể hy vọng được hưởng ơn cứu độ (cc. 9-10). Câu trả lời của Chúa ở trong các câu 11-14. Các thuộc tính của Thiên Chúa, “Tình yêu và sự thật … Công lý và hòa bình”, một lần nữa sẽ hoạt động trên mặt đất, làm cho nó trở thành một nơi thích hợp cho Thiên Chúa ngự trị. Thánh vịnh có lẽ được sáng tác trong thời lưu đày, khoảng thế kỷ thứ sáu, khi Israel bị cám dỗ nghi ngờ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ mãi mãi.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho chúng ta ơn cứu độ và sự bình an, nhưng chúng ta cần phải hoán cải nội tâm để có thể nhận lãnh ơn ban này. Chúng ta phải đón nhận ơn tha thứ và tình thương của Thiên Chúa bằng thái độ khiêm tốn (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, buổi tiếp kiến chung, ngày 25 tháng Chín, 2002).

BÀI ĐỌC 2: Rm 9,1-5

Dân thánh Israel

Sau khi trình bày về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, Phaolô chuyển sang vấn đề vẫn làm ngài day dứt: Tại sao Israel đã được chuẩn bị quá lâu mà lại không nhận ra sự hoàn tất các lời ngôn sứ? Phaolô là người Do Thái thuần thành, và ngài cảm thấy bị tổn thương sâu nặng bởi sự thất bại của chính dân tộc mình khi họ không đón nhận Chúa Giêsu, mặc dù nhiều đặc quyền đã được ban cho họ. Vì vậy ở đây ngài nói ra chi tiết. Đối với Phaolô, Kitô giáo là kết điểm mà Do Thái giáo phải dẫn đến. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ thu hồi những ơn Ngài đã ban, và những hồng ân này vẫn thuộc về người Do Thái. Người ta không bao giờ được nói rằng người Do Thái đã bị thay thế và mất đi vị thế của họ với tư cách là Dân Chúa chọn. Trong hai chương tiếp theo, Phaolô trích dẫn những câu Sách Thánh dẫn chứng để cho thấy rằng những cuộc nổi loạn của người Do Thái chống lại Thiên Chúa trong suốt lịch sử của họ, khiến họ không thể nhận ra Đấng Messia. Tuy nhiên, ngài khẳng định rằng, cuối cùng một nhóm còn lại sẽ quay về với Chúa. Các ngành cây chết khô đã được cắt bỏ để nhường chỗ cho những người dân ngoại được tháp nhập vào, còn những ngành cũ sẽ được tháp lại vào thời cuối cùng. Hình ảnh làm vườn rõ ràng không tác động- chúng ta không thể tháp ghép vào một cành cây đã chết- và cuối cùng Phaolô chỉ còn biết giơ tay lên để ca ngợi sự khôn ngoan vô lượng của Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Mt 14,22-33

Đức Giêsu và ông Phêrô đi trên mặt nước

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm bốn đoạn liên quan với nhau: Chúa Giêsu cho các môn đệ đi sang bờ bên kia trước trong khi Người lên núi cầu nguyện (cc. 22- 24); Chúa Giêsu đi trên mặt nước (cc. 25-27); ông Phêrô cố gắng đi trên mặt nước (cc. 29-31); các môn đệ trên thuyền tuyên xưng căn tính của Chúa Giêsu (cc. 32-33).

Đoạn đầu tiên đặt phối cảnh cho phần còn lại của toàn bài đọc. Đoạn này tiếp nối phần hóa bánh cho năm ngàn người ăn (x. Mt 14,13-21, Chúa nhật thứ mười tám). Chúa Giêsu sai các môn đệ đi trước, Người giải tán đám đông, và Người đi lên một ngọn núi để được ở một mình và cầu nguyện. Cảnh một khép lại ở đây.

Trong khi đó, các môn đệ đang phải vật lộn trên thuyền vì sóng to gió lớn. Hồ Gênnêsarét, còn được gọi là Biển hồ Galilê, vẫn nổi tiếng vì những cơn bão bất chợt và dữ dội đột phát làm người ta không kịp trở tay. Thuyền của các môn đệ đã rời bờ, cách một khoảng khá xa. Thêm điều bất lợi cho họ nữa, là lúc đó trời vẫn còn tối. Theo quân đội La Mã, một đêm được chia thành bốn canh, mỗi canh khoảng ba giờ đồng hồ, biến cố này xảy ra vào canh tư, khoảng giữa 3- 6 giờ sáng. Trong ánh sáng mờ ảo trước bình minh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước về phía họ. Họ biết rằng những gì họ nhìn thấy là một điều bất khả thi về mặt thể lí, và vì vậy họ đã nhầm tưởng Người là một con ma (phantasm), và họ đã hốt hoảng la lên vì sợ hãi. Câu nói của Chúa Giêsu là một lời trấn tĩnh điển hình cho nỗi sợ hãi của con người, khi họ đối diện với một trải nghiệm thần linh: “Đừng sợ!” Và Người thêm vào câu nhắc nhở ấy lời trấn an: “Chính Thầy đây (ego eimi)!”

Ở vùng Cận Đông cổ đại, nước không chỉ đáng quý vì hiếm và vì tầm quan trọng của nó đối với việc duy trì sự sống, mà nó còn gây ra những nỗi sợ hãi, vì đôi khi nước của dòng sông và ao hồ dâng lên tràn bờ gây tàn phá và chết chóc. Vì lý do này, nó đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của sự hỗn loạn. Một số huyền thoại về sự sáng tạo kể lại cách một chiến binh dũng cảm – vị thần chiến đấu với các lực lượng của vũ trụ hỗn mang và cuối cùng đã chiến thắng. Mặc dù sự hỗn loạn chưa bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng nó đã bị vị thần hùng mạnh này kiểm soát. Việc mô tả Chúa Giêsu đi trên mặt nước cuồng loạn như một Đấng chinh phục đối phương, chính là tôn vinh Người như một vị thần sáng tạo, Đấng một mình khống chế biển cả.

Không hoàn toàn chắc chắn về những gì nhìn thấy, ông Phêrô thốt lên: “Nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” Phêrô chấp nhận lời mời của Chúa, và ông bắt đầu đi trên mặt nước. Đức tin của ông nâng đỡ ông. Tuy nhiên, khi đức tin ấy không còn đủ mạnh để vượt qua nỗi sợ hãi về vùng nước cuộn xoáy, thì ông chìm xuống. Phêrô là một hình mẫu của cả về đức tin lẫn thiếu niềm tin. Ông tin rằng ông có thể đi trên mặt nước, và ông đã làm được; khi ông nghi ngờ bản thân không thể chịu được sự cuồng loạn dưới chân, thì ông đã chao đảo và chìm xuống. Cuối cùng, chính niềm tin đã chiến thắng, vì Phêrô đã la lên với Chúa Giêsu, ông biết rằng Chúa Giêsu có quyền năng để cứu ông, và Người đã ra tay cứu giúp.

Tất cả các yếu tố thần hiện của câu chuyện kết hợp với nhau ở phần cuối. Chúa Giêsu đi trên dòng nước cuồng loạn theo cách của một Đấng chinh phục. Người ứng cứu nỗi sợ hãi của con người bằng cách cho họ cảm nghiệm đón gặp sự giải cứu từ một Đấng quyền năng. Người cứu thoát Phêrô khỏi vùng nước xoáy khốc liệt. Mặc dù bản văn không nói Chúa Giêsu đã làm dịu cơn gió xoáy, nhưng nó đã lắng xuống khi Người bước vào thuyền. Cuối cùng, những người trong thuyền tỏ lòng tôn kính Người, tin nhận Người là Con Thiên Chúa. Toàn bộ sự kiện biểu tỏ quyền năng phi thường nơi Chúa Giêsu.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 164: Đức tin chịu thử thách

+  GLHTCG 272-274: Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta bước theo sự quan phòng của Thiên Chúa

+ GLHTCG 671-672: Khi gặp thử thách hãy vững tin vào Chúa Kitô, Đấng bắt mọi sự quy phục Người.

+  GLHTCG 56-64, 121-122, 218-219: Lịch sử Giao ước; Tình yêu Thiên Chúa dành cho Israel

+  GLHTCG 839-840: Hội Thánh trong tương quan với dân tộc Do Thái

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print