Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm C

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm C

Chúa Nhật II Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta chuẩn bị một con đường trong tâm hồn mình để đón chờ Chúa Giêsu Đấng cứu độ chúng ta ngự đến. Chúng ta cũng cần chuẩn bị cho Chúa đến với chúng ta hàng ngày trong bí tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh, trong mọi người chúng ta gặp gỡ, và trong cộng đoàn cầu nguyện. Cuối cùng, chúng ta cũng được yêu cầu sẵn sàng gặp Chúa Giêsu với tư cách là Thẩm phán trong  ngày Người quang lâm, vào cuối cuộc đời của chúng ta và vào ngày tận thế.

 

BÀI ĐỌC 1: Br 5,1-9

Tên mới cho thành Giêrusalem

Bài đọc này của sách Barúc là sự suy ngẫm của Isaia về những lời hứa dành cho Giêrusalem khi dân Israel trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon. Những hình ảnh này về sau cũng được Gioan Tẩy Giả lấy lại khi ông kêu gọi dân Do Thái hoán cải: những ngọn núi cao sẽ phải được san bằng và những thung lũng cần được lấp đầy để dọn con đường cho Đấng Messia băng qua sa mạc đến Giêrusalem. Người ta có thể hình dung và mong đợi Đấng Messia, Đấng xây dựng vương quyền Thiên Chúa ở trần gian qua nhiều khía cạnh. Đối với Isaia, Người là một trang anh hùng chinh phục, y phục của Người rực lên những chiến công hiển hách. Trong lời tiên tri này, vương quốc của Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng hòa bình, sự tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, và sự tôn nhận quyền thống trị của Ngài trên tất cả, vì khi Thiên Chúa xuất hiện, các tên của Giêrusalem sẽ được gọi là “Bình an xây dựng trên công chính” và “Vinh quang xuất phát từ lòng kính sợ Thiên Chúa”. Hòa bình chỉ thực sự có được nhờ đức công chính ban ơn cứu độ của Thiên Chúa, khi con dân của Ngài, được tạo tác theo hình ảnh của Ngài tích cực đóng vai trò là đại diện của Thiên Chúa, và là sứ giả loan truyền sứ điệp ơn cứu độ của Ngài cho trần gian. Ước mơ về Vương quốc của Thiên Chúa mô phỏng vườn Địa Đàng trước khi con người sa ngã, lúc những người được gửi gắm, Ađam và Evà, sống trong sự hòa hợp trọn hảo với nhau và với toàn thể tạo vật của Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 126

Thiên Chúa giải cứu Israel

1-3 Sự giải thoát trong quá khứ

Người dân kể lại rằng trong quá khứ, Chúa khôi phục thành đã bị tàn phá như thế nào. Nếu đây là ám chỉ đến việc trở về Giêrusalem từ thời lưu đày ở Babylon, thì Thánh vịnh này có thể được ghi lại vào thời kỳ hậu lưu đày. Sự phục hồi này thật đáng kinh ngạc. Nó làm cho chính những người đã được giải thoát phải ngỡ ngàng và cũng được toàn thế giới biết đến. Các quốc gia khác ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc này.

4-6 Mong ước hiện tại

Dựa vào những ân huệ quá khứ mà Chúa ban tặng, dân chúng lại cầu nguyện cho việc thay đổi số phận. Một số nhà bình giải cho rằng điều này cũng là nói đến những ơn lành như đã nói tới ở trên. Tuy nhiên, ở đây người dân không yêu cầu giải phóng, mà kiến tạo lại quê hương của họ. Hình ảnh thiên nhiên thật sống động. Sa mạc Negeb vốn hoang vu khô cằn bỗng tràn đầy nguồn nước bởi những trận mưa mùa đông đổ xuống. Chính dân chúng cầu nguyện cho sự đảo ngược bất ngờ này. Những hình ảnh về nông nghiệp ở đây không dễ hiểu. Nó có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của người Canaan trước đó. Trong nghi thức này, người dân bật khóc khi gieo hạt giống trên những luống đất dường như không có sự sống, nhưng họ vui mừng trong mùa thu hoạch vì nhìn thấy sự sống đã trở lại. Ở đây nghi thức cổ xưa tiêu biểu cho cái chết mà người bị lưu đày chịu đựng, và sự sống mới mở ra khi người dân trở về quê hương. Thánh vịnh dường như kết thúc đột ngột.

Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!” Câu này làm gợi nhớ đến lời kinh Magnificat, bài ca của Đức Maria ngợi khen và tung hô Chúa trong biến cố Viếng thăm (x. Lc 1,49). X. GLHTCG 2097, 2619

 

BÀI ĐỌC 2: Pl 1.3-6,8-11

Hoa trái dồi dào là sống công chính

Thánh Phaolô luôn bắt đầu các thư của mình bằng một lời khen ngợi và một lời chúc phúc. Tín hữu Philípphê mà ngài ngỏ lời trong thư này là cộng đoàn được Phaolô yêu quý đặc biệt. Bức thư chứa đầy tình cảm và sự hiệp thông. Tại đây, ngài khen ngợi tín hữu Philípphê vì họ đã cộng tác với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng, và ngài cầu nguyện để công trình của Thiên Chúa nơi họ có thể được hoàn thành. Vì vậy, có lẽ họ đã sẵn sàng cho Ngày của Chúa, mà Phaolô nghĩ là sắp xảy ra. Đoạn văn này được chọn để giúp chúng ta chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu vào lễ Giáng sinh. Nó cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng, theo truyền thống đức tin, không thể tách rời ba lần Chúa Kitô đến. Lần đầu tiên là sự ra đời tại Bêlem khi Người bước vào dòng lịch sử nhân loại. Người cũng đến với chúng ta một cách mầu nhiệm trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống khi chúng ta nỗ lực xây dựng các giá trị Tin Mừng trong tư cách người môn đệ trung thành của Chúa. Cuối cùng Người ngự đến trong cảnh uy nghi và vinh quang của biến cố quang lâm để quy tụ những người được chọn cho chính Người, hoặc trong cái chết của chúng ta hoặc vào lúc kết thúc mọi sự. Ba lần đến dẫn đường cho nhau: cuộc ngự đến lần thứ nhất trong lịch sử tạo động lực mới cho Vương quốc của Thiên Chúa; sự xuất hiện trong uy nghi trong thời cuối cùng đưa nó đến đỉnh điểm; và cuộc ngự đến một cách mầu nhiệm cho mỗi cá nhân đòi hỏi thái độ đáp trả liên lỉ của chính chúng ta.

 

TIN MỪNG: Lc 3,1-6

Hãy dọn sẵn một con đường

Trình thuật về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả tràn ngập những hình ảnh gợi lại cả cuộc Xuất hành khỏi Ai Cập và cuộc trở về sau lưu đày ở Babylon. Tuy nhiên, để nó không chỉ được nhìn nhận theo nghĩa tượng trưng, ​​tác giả Tin Mừng đặt hoạt động của Gioan và sứ vụ tiếp theo của Chúa Giêsu vào ngay chính giữa thế giới rộng lớn hơn. Các cấu trúc quyền lực ở Palestine được xác định, bắt đầu từ chính hoàng đế La Mã (Tiberiô Caesar) và di chuyển qua danh sách giới chức cai quản khu vực chiếm đóng cùng với những nhân vật lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Có thể có một số sai biệt trong việc ghi ngày tháng. Tuy nhiên, ở đây tác giả chủ ý ít quan tâm đến độ chính xác về niên đại mà là đặt các biến cố cứu độ trong lịch sử thế giới.

Ông Gioan Tẩy Giả là một nhân nổi bật. Ông xuất thân từ một gia đình tư tế (x. Lc 1,5), nhưng ông lại sống trong vùng hoang địa, một nơi gợi nhớ đến đoàn dân Chúa đi lang thang trong sa mạc khi họ rời khỏi ách nô lệ Ai Cập để đến vùng đất mà Thiên Chúa hứa. Hoạt động của ông xảy ra ở vùng sông Giôđan, cửa ngõ vào Đất Hứa. Chính con sông này đã được đoàn dân vượt qua trước khi họ vào đất liền (x. Gs 3,14-17). Vì vậy, cuộc vượt sông này trở thành một biểu tượng của lối đi vào đời sống mới của họ. Tất cả những điều này một cách nào đó đặt Gioan là tác nhân cho một sự biến đổi quan trọng.

Phân đoạn này đề cập đến loại phép rửa mà Gioan công bố (kērýssō); nhưng nó không mô tả nghi thức thực hành. Theo truyền thống Do Thái, phép rửa là một thực hành phổ biến có ý nghĩa phong phú và đa dạng. Đó là một trong ba đòi hỏi để trở thành người Do Thái thực thụ (cùng với việc cắt bì và lễ hy sinh). Đó là một hành động khổ chế đôi khi biểu thị sự quay lưng lại với điều ác, hoặc đôi khi mang ý nghĩa thanh tẩy khỏi tội lỗi, đó là thái độ đáp trả tích cực cho sự cải quá tự tân. Trong cả hai trường hợp, nó đều mang ý nghĩa quan trọng về cánh chung, đánh dấu lối đi vào một thể thức của đời sống mới. Phép rửa của Gioan kêu gọi sự thống hối (metánoia), sự hoán cải, hoặc thay lòng đổi dạ. Sự hoán cải này là để được tha thứ tội lỗi. Rõ ràng ý nghĩa cánh chung của phép rửa của Gioan là ơn cứu độ chứ không phải sự phán xét.

Đặc tính thiên sai trong sứ vụ của Gioan trở nên rõ ràng khi quy chiếu về đoạn Isaia sau đó (x. Is 40, 3-5). Trong lời sấm ngôn trước đó, vị tiên tri đã loan báo thực hiện sự chuẩn bị một con đường thích hợp, mà qua đó một vị vua chinh phục sẽ trở về trong lễ cử hành long trọng, và con đường ấy phải được thay đổi trước khi dân chúng bị lưu đày trở về. Với một chút điều chỉnh đối với đoạn văn (trong Isaia, nơi sa mạc là con đường cho Đức Chúa; còn ở đây, đó là tiếng người hô), văn bản Tin Mừng gợi ý rằng Gioan là người báo trước về sự xuất hiện của Chúa. Cũng giống như cả cuộc Xuất hành và cuộc trở về sau lưu đày đều liên quan đến một cuộc vượt qua sa mạc, nên cuộc đổi mới cánh chung được Gioan loan báo cũng  bắt đầu tại sa mạc.

Cuối cùng, vì cả hai biến cố lịch sử trước đó đều mang ý nghĩa giải thoát, nên sự xuất hiện này của Chúa sẽ là một biến cố của ơn cứu chuộc. Tuy nhiên, nó sẽ không giới hạn cho dân Israel, mà như đã được Isaia loan báo, ơn cứu chuộc này sẽ mang tầm vóc phổ quát.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 522, 711-716, 722 : Các ngôn sứ và niềm mong đợi Đấng Messia

+ GLHTCG 523, 717-720 : Sứ mệnh của ông Gioan Tẩy Giả

+ GLHTCG 710 : Cuộc lưu đày cùa dân Israel báo trước cuộc Khổ Nạn

+ GLHTCG 2532, 2636 : Lòng ân cần của thánh Phaolô

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung