Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm A
Chủ đề tổng quát của các bài đọc Lời Chúa hôm nay có thể tóm tắt bằng cụm từ: “Kẻ trong- người ngoài”. Chúng ta nhận thấy những phân rẽ và các ranh giới giữa con người với con con người đã được Thiên Chúa phá bỏ bằng ân sủng và tình thương của Ngài.
BÀI ĐỌC 1: Is 56:1,6-7
Thiên Chúa cứu chuộc muôn dân
Biến cố lịch sử người Babylon đánh chiếm, phá hủy thành Giêrusalem và bắt người Do Thái đi lưu đày tạo ra một nhận thức ngày càng rõ rằng Israel đã được chọn để mang ơn chữa lành của Chúa không chỉ cho dân của mình mà còn cho cả các dân tộc trên thế giới. Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ dẫn tất cả họ đến Núi Thánh của Ta.” Trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy điều này được thể hiện nơi Chúa Giêsu khi Người chữa lành đứa con gái người phụ nữ xứ Canaan, vượt ra ngoài ranh giới của Israel. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay trong thế kỷ hai mươi mốt, khi thế giới bước vào toàn cầu hóa? Thiên Chúa chúng ta quan tâm cứu độ tất cả mọi dân tộc, và chính chúng ta có sứ mạng đem các giá trị Kitô giáo đến cho tất cả các quốc gia, chủng tộc. Thiên Chúa chúng ta thật sự là Thiên Chúa của tất cả mọi dân nước, tuy nhiên chúng ta không có quyền đặt định các khuôn mẫu chúng ta hiểu về Thiên Chúa cho các nền văn minh khác. Họ có những cách thế riêng của họ để diễn tả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa, về ơn cứu chuộc Chúa Kitô thực hiện qua hành vi tuân phục yêu thương, và được loan truyền cho thế giới nhờ bởi Thần Khí Chúa Kitô. Không tôn trọng các tôn giáo đúng đắn khác trên thế giới không chỉ là một hành động bất kính đối với Thiên Chúa của Kitô giáo, mà còn không tôn vinh Thiên Chúa toàn năng và toàn thiện của chúng ta nữa.
ĐÁP CA: Tv 67
Muôn dân nước hãy cảm tạ Thiên Chúa
Thánh vịnh này thể hiện một nghi lễ phụng vụ tại đền thờ, trong đó cộng đoàn lặp lại một phần lời chúc phúc nổi tiếng của Aarôn (Ds 6, 24-26). Dân chúng đón nhận sự ban phước của thầy tư tế (c. 2), và họ ý thức rằng sự thịnh vượng mà Thiên Chúa ban cho họ làm chứng cho lòng thương xót và quyền năng của Ngài (c. 3). Câu thứ nhất trong hai điệp ca, mời gọi các quốc gia nhìn nhận và cùng cảm tạ Đức Chúa (c. 4), dùng làm lời mở đầu cho lời tuyên bố rằng Đức Chúa hướng dẫn các nước; điệp khúc thứ hai (c. 6) đóng vai trò như lời mở đầu cho tuyên bố rằng Đức Chúa làm cho trái đất trở nên dồi dào sung mãn.
Các Giáo phụ đã áp dụng câu “Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái” (c. 7) cho Đức Maria, đấng đã sinh ra Chúa Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Vì lí do này, Thánh vịnh 67 đã được cầu nguyện vào ngày 1 tháng Giêng, kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, buổi gặp gỡ chung ngày 9 tháng Mười, năm 2002; 17 tháng Mười Một, năm 2004).
BÀI ĐỌC 2: Rm 11:13-15,29-32
Các dân tộc vâng phục Thiên Chúa
Có lẽ do ngẫu nhiên mà bài đọc thư Rôma trùng khớp với cả hai bài đọc kia, vì Phaolô ở đây thực sự suy gẫm và băn khoăn về tình trạng hầu hết người Do Thái không đáp trả ơn cứu rỗi đã được hứa ban cho họ nơi Đức Kitô. Chính bởi đó thực sự là một vấn nạn khó khăn mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân Ngài những giai đoạn khác nhau để họ nhận biết Vương Quốc Thiên Chúa đã được hoàn thành nơi Đức Kitô. Và mặc dù tất cả những điều này, họ vẫn không đáp lại ơn cứu độ. Nhưng có phải chỉ người Do Thái đã vô cảm, nhất là đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa? Hay họ chỉ là điển hình của tất cả chúng ta? Một trong những lý do tại sao Tân Ước trình bày nổi bật sự thất bại của việc người Do Thái không đáp trả ơn Chúa, chắc chắn đó cũng là một lời cảnh báo cho chính chúng ta. Chúng ta đã được chọn. Chúng ta đã được mai táng vào cái chết của Chúa Kitô và hiện đang sống sự sống của Người, tuy nhiên sự đáp trả của chúng ta vẫn còn lạnh nhạt và thi thoảng. Hãy sử dụng hình ảnh ấn tượng của Phaolô về cây ô liu là Israel, nếu những cành tốt có thể bị cắt để nhường chỗ cho dân ngoại được tháp nhập vào, thì chắc chắn những cành ghép cũng được hưởng sự sống từ cây ô liu chính. Tuy nhiên, đó là xác tín của Phaolô về quyền năng của Chúa Kitô và là Đức Chúa hiển trị. Phaolô không bao giờ đề cập đến địa ngục hoặc hình phạt vĩnh cửu cho người không tin. Ngài dường như cho rằng không ai bị bỏ mất ơn được cứu chuộc của Chúa Kitô.
TIN MỪNG: Mt 15:21-28
Đức Giêsu và người phụ nữ xứ Canaan
Câu chuyện về người phụ nữ Canaan trình bày một số vấn đề quan trọng và có liên quan với nhau. Chúng bao gồm vấn đề Chúa Giêsu vượt qua ranh giới lãnh thổ và văn hóa, và vấn đề phụ nữ và nam giới trao đổi công khai nơi công cộng. Cùng với những vấn đề văn hóa này còn xuất hiện thêm hai vấn đề thần học: sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại và vấn đề đức tin. Ngoài nội dung với những chủ đề phong phú, bài tường thuật còn đặt ra những câu hỏi quan trọng. Tại sao Chúa Giêsu đi vào lãnh thổ ngoại giáo ngay từ đầu? Tại sao ban đầu Người không muốn tỏ lộ ngay khả năng chữa bệnh của mình?
Cần lưu ý rằng chính Chúa Giêsu đã đi qua lãnh thổ của người ngoại. Người là vị đầu tiên không quan tâm đến ranh giới. Chúng ta không được cho biết tại sao. Vùng Tyrô và Siđôn nằm khoảng ba mươi đến năm mươi dặm về phía tây bắc hồ Gênnêsarét. Nó được coi là lãnh thổ ngoại giáo, và không có lý do gì để người Do Thái phải mạo hiểm vào đó. Theo suy nghĩ thời đó, ranh giới là một xác định quan trọng và không miễn chước bất cứ ai vi phạm việc vượt tuyến. Họ được Thiên Chúa thiết lập để xác định cái gì đúng cái gì sai trong thực tại đời sống. Đất Israel được coi là thánh vì nó thuộc về Chúa; nó đã được phân bổ một cách hợp lý cho các bộ tộc khác nhau để chăm sóc thay quyền Thiên Chúa. Đi vào lãnh thổ ngoại giáo là rời khỏi vùng đất thánh thiêng của Chúa.
Người phụ nữ được gọi là người Canaan, một chỉ định thường không được sử dụng tại thời điểm này trong lịch sử. Nó gợi lại trong trí những người chủ sở hữu đất trước khi người Israel nắm quyền kiểm soát nó. Xuyên suốt toàn bộ lịch sử của Israel cổ đại, người Canaan là một trong những kẻ thù chính của Israel. Người phụ nữ này không chỉ cư trú trên lãnh thổ ngoại giáo khiến chị ấy bị ô uế, mà chị ta còn là công dân của một trong những quốc gia mà Israel cổ đại căm ghét nhất. Cuối cùng, chị ta là một phụ nữ không ai biết đến. Chính điều này đã làm cho chị trở thành như một mối đe dọa cho thanh danh của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã bỏ qua các ranh giới lãnh thổ, còn người phụ nữ coi thường những chuẩn mực xã hội đương thời: chị ấy dám nói chuyện giữa thanh thiên bạch nhật với một người đàn ông lạ. Tuy nhiên, lý do chị làm như vậy đã được đưa ra. Giống như bất kỳ người mẹ nào, chị cầu xin sự chữa lành cho con gái mình. Với lời nói của mình, Chúa Giêsu cho thấy rằng ở đây giới tính không phải là vấn đề, đúng hơn là sự thuần khiết của dân tộc mới là đáng kể. Sứ vụ của Người không dành cho dân ngoại, đám người mà dân Do Thái thời đó gọi một cách chế giễu là “chó con.” Đó là con chiên lạc của nhà Israel.
Người phụ nữ không tỏ ra nản lòng bởi những gì có vẻ là chủ nghĩa sô-vanh mà Chúa Giêsu ứng xử, bởi vì hạnh phúc của con gái chị đang bị đe dọa. Chị ấy cũng không biểu lộ thái độ phòng thủ; chị chấp nhận vai trò thứ yếu mà người Do Thái dành cho dân ngoại, và chị tận dụng ngay những lời lẽ nhằm coi thường chị thành một lợi thế riêng. Rốt cuộc, Chúa Giêsu đã tiến sang lãnh thổ của chị; chứ chị không theo Người vượt ranh giới. Khi Người ở đó, chị ta như cảm thấy mình có quyền khai thác từ Người sức mạnh kỳ diệu mà chị nghe nói Người đã thi thố ở nơi khác.
Người phụ nữ đã thể hiện đức tin một cách đáng kể. Chị ấy nhận ra quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, chị ta còn tuyên xưng Người là “Con vua Đavít”, một danh hiệu mang âm vang Đấng Cứu Thế. Sau khi đầu tiên Người dường như phớt lờ chị và sau đó đã có những lời lẽ xúc phạm chị, chị vẫn tỏ lòng tôn kính và bái lạy Người. Được đức tin của chị thúc đẩy, Chúa Giêsu ngả theo mong muốn của chị và chữa lành cho con gái chị. Có lẽ Chúa Giêsu đi sang lãnh thổ dân ngoại mà không chỉ nghĩ đến việc chữa lành người bệnh, nhưng Người còn thoáng nhìn thấy sứ vụ của Người được mở rộng qua sự khăng khăng của một người phụ nữ mà tình yêu dành cho người khác không thể bị cản trở bởi sự miệt thị rõ ràng. Điều này thúc đẩy Chúa Giêsu đã vượt ra khỏi giới hạn địa dư và văn hóa của Người.
—-
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 543-544: Nước Trời dành cho Israel trước, và sau đó là cho mọi người tin
+ GLHTCG 674: Chúa Kitô ngự đến là niềm hi vọng của Israel; họ đón nhận Đấng Messia sau cùng
+ GLHTCG 671-672: Sức mạnh của lời cầu xin với đức tin chân thành
+ GLHTCG 831, 849: Giáo hội là Công giáo
Lm. Giuse Ngô Quang Trung